Diễn đàn: Luật kiến trúc với vấn đề hành nghề của KTS

Thời gian gần đây, những Diễn đàn góp ý cho Dự thảo Luật Kiến trúc trên TCKT đã thu hút sự chú ý và tham gia của đông đảo KTS trong nước và quốc tế. Trong số này, TCKT đặc biệt ghi nhận ý kiến của các KTS chia sẻ kinh nghiệm làm nghề tại nước ngoài với mô hình văn phòng tư vấn kiến trúc, trong đó có VP KTS. Đây là chủ đề mang tới nhiều tranh luận với nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều nhưng thực sự cần thiết cho việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho KTS hành nghề trong bối cảnh hội nhập. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Ở Malaysia
Tổng DN đăng bạ hành nghề kiến trúc: 1.594
DN tư vấn kiến trúc: 275
DN hành nghề đa ngành: 48
DN liên kết: 82
DN 1 chủ sở hữu: 1.237
(theo số liệu của Hội đồng KTS Malaysia tại
https://www.lam.gov.my/index.php/practices/architectural/sole-proprietorship.html)

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn
Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ.
Ông tốt nghiệp chuyên ngành Quy hoạch và Kiến trúc tại Mỹ, với văn bằng Tiến sĩ tại Đại Học Washington, và Thạc sĩ tại Đại Học California ở Berkeley.

Luật Kiến trúc: Cần tạo điều kiện cho KTS có thể hành nghề độc lập như Thông lệ Quốc tế

(Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong việc cải tổ cấp phép hoạt động hành nghề KTS độc lập)

Tại Việt Nam cho đến nay, KTS vẫn chưa thể hoạt động độc lập với tư cách cá nhân, hoặc với tư cách Văn phòng KTS, mà đang còn phải lập công ty với đầy đủ các bộ môn thiết kế xây dựng, ngoài bộ môn kiến trúc.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, một số giải pháp tổ chức hành nghề tại Việt Nam có thể tham khảo chọn lọc từ cách hành nghề tại Bắc Mỹ (Mỹ và Canada ) để cho phép KTS có thể hoạt động độc lập hoặc dưới dạng văn phòng kiến trúc tư vụ (không cần phải có bộ máy nhân lực bao gồm các bộ môn kết cấu-điện-nước-….) như sau:

1.Hành nghề tại các tiểu bang

Mỹ (50 Tiểu Bang) và Canada (13 Tiểu Bang) , mỗi bang đều có quy chế hành nghề riêng theo luật KTS (Architect Act) phù hợp với mỗi Bang. Trong đó quan trọng (và thường khó khăn nhất để lấy chứng chỉ hành nghề) là: 2 tiểu Bang California và New York (Mỹ); 3 tiểu bang British Columbia, Ontario, Quebec (Canada).

Muốn được chính thức hành nghề tại tiểu bang nào thì phải lấy chứng chỉ hành nghề và con dấu hành nghề tại tiểu bang đó. Nếu không có, thì buộc phải thuê KTS có chứng chỉ hành nghề tại tiểu bang có dự án đứng tên dùm trên giấy phép xây dựng (gọi là Architect of Record)

Tuy Luật KTS mỗi tiểu bang có khác về vài chi tiết đặc thù (ví dụ như về điều kiện tự nhiên, một số quy chế riêng của từng Bang), nhưng nói chung về mặt hành nghề thì khá giống nhau.

2. Hành nghề KTS

Cần lưu ý là ở nước ngoài không cần mở văn phòng kiến trúc, hoặc công ty mới hành nghề kiến trúc được, mà có thề hành nghề với tư cách cá nhân, với tư cách chủ văn phòng hoặc công ty kiến trúc, hoặc với tư cách KTS trong một công ty kiến trúc hoặc xây dựng trong đó:

  • Trách nhiệm tư cách hành nghề thể hiện qua con dấu được cấp kèm chứng chỉ hành nghề được gia hạn định kỳ (khi gia hạn không cấn thi lại, mà phải làm đơn ghi rõ cam kết không vi phạm kỷ luật và đạo đức hành nghề trong thời gian qua + đóng phí gia hạn);
  • Trách nhiệm về thuế với nhà nước không nhất thiết phải mở công ty mà có thể theo nhiều hình thức: (a) nếu KTS hành nghề độc lập một mình, thì chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân hàng năm (khai thu chi từ thu nhập thiết kế;

(b) Nếu KTS là chủ văn phòng thiết kế hoặc chủ công ty thiết kế kiến trúc thì Công ty hoặc văn phòng kiến trúc phải đóng thuế thu nhập của đơn vị + Mỗi cá nhân KTS và nhân viên phải đóng thuế thu nhập. Việc nộp hồ sơ mở công ty thiết kế kiến trúc, hoặc văn phòng kiến trúc, chỉ cần đạt điều kiện là người đứng đầu phải có con dấu và chứng chỉ hành nghề KTS, không cần các điều kiện khác (có kỹ sư các ngành) như ở Việt Nam hiện nay; (c) Nếu KTS là nhân viên hoặc lãnh đạo trong Công ty hoặc tập đoàn xây dựng đa ngành (bao gồm kiến trúc-kết cấu-cảnh quan-…) thì Công ty hoặc Tập đoàn phải đóng thuế thu nhập của đơn vị + Mỗi cá nhân KTS và nhân viên phải đóng thuế thu nhập.

3. Con dấu KTS có chứng chỉ hành nghề: Sau khi đạt Chứng chỉ hành nghề KTS , KTS có thể đăng ký mẫu con dấu (Bao gồm Tên KTS, số chứng chỉ hành nghề, và khu vực được đăng ký hành nghề ví dụ là Tiểu bang California)

Con dấu này được đóng trên tất cả các bản vẽ được phát hành chính thức, và các tài liệu pháp lý, để nói lên là tài liệu và bản vẽ đã được một KTS có CCHN thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Con dấu cấp cho KTS hành nghề là chứng thực của cơ quan chức năng là KTS này (1) đủ tư cách hành nghề ; (2) Không vi phạm luật pháp hành nghề; (3) Nếu KTS có sai phạm nghiêm trọng, thì khách hàng có thể gửi đề nghị đến cơ quan quản lý hành nghề KTS (Cơ quan quản lý cấp dấu thuộc Tiểu Bang & cơ quan chuyên ngành thuộc Viện Kiến trúc Hoa Kỳ) để xem xét kỷ luật nếu cần thiết (cảnh cáo hoặc thu hồi Con dấu & chứng chỉ hành nghề).

Nếu KTS làm việc cho một công ty lớn thì trên bản vẽ, ngoài con dấu của công ty (không bắt buộc khi xin phép xây dựng), thì phần khung tên KTS chịu trách nhiệm phải đóng con dấu này vào (bắt buộc khi xin phép xây dựng) thì bản vẽ mới hợp lệ.

Nếu KTS mở văn phòng tư nhân hoặc làm việc với tư cách cá nhân, thì chỉ cần đóng dấu CCHN vào bản vẽ của mình (không cần con dấu công ty).

Ở Việt Nam có thể áp dụng theo hướng tương tự, với vài điều chỉnh cho phù hợp. Theo hướng như vậy, KTS có thể hành nghề hoàn toàn hoạt động độc lập theo tư cách cá nhân hoặc lập văn phòng kiến trúc, như cách hoạt động tại Miền Nam Việt Nam trước 1975 và tại nhiều nước trên thế giới, không cần lập công ty TNHH với đầy đủ bộ môn (kết cấu, điện nước,… ) như cách làm ở Việt Nam hiện nay.

Ví dụ, trong hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng thì

  • Ô giám đốc ký tên đại diện công ty nộp hồ sơ xin phép xây dựng (bao gồm tất cả các bộ môn);
  • Ô Chủ trì bộ môn phải có đóng dấu có ghi số CCHN của mỗi chủ trì bộ môn (kiến trúc, kết cấu, điện, nước,…);
  • Việc hành nghề khi không có chứng chỉ / con dấu còn hiệu lực hoặc làm giả con dấu có thể bị phạt rất nặng (phạt tiền, cấm hành nghề thời gian dài, hoặc phạt tù). Vì con dấu có con số chứng chỉ hành nghề nên rất dễ kiểm chứng tư cách hành nghề của KTS (xem danh sách update trên mạng hoặc gọi hỏi cơ quan chức năng) .

Trong trường hợp KTS hành nghề độc lập cá nhân thì:

  • KTS chỉ cần lập bản vẽ và đóng dấu chứng chỉ hành nghề vào phần bản vẽ kiến trúc của mình thôi. Phần con dấu công ty có hay không không quan trọng;
  • Các bộ môn khác (kết cấu, điện nước,…) có thể sẽ thuộc một công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng, hợp tác với văn phòng KTS, chịu trách nhiệm khai triển các chi tiết kỹ thuật của các bộ môn khác, sao cho phù hợp với thiết kế kiến trúc. Điều này giúp KTS tập trung vào sáng tạo kiến trúc, mà không cần phải chia trí cho các công việc kỹ thuật khác;
  • Đơn vị đại diện chủ đầu tư trong việc xin giấy phép xây dựng (có thể là công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng nói trên) sẽ tập hợp hồ sơ các bộ môn lại, đóng thành tập và nộp để được cấp phép. Cơ quan cấp phép chỉ cấn quan tâm là hồ sơ xin phép đúng quy cách, thiết kế phù hợp quy hoạch, các luật lệ xây dựng, và mỗi chủ trì bộ môn đang có chứng chỉ – con dấu còn hiệu lực.
  • Trường hợp KTS không chỉ muốn hành nghề độc lập chuyên ngành kiến trúc mà thôi, mà muốn mở rộng quy mô công ty đa ngành với nhiều bộ môn tư vấn thiết kế thì vẫn có thể thành lập công ty.

KTS Trần Công Đức
Giám đốc gmp asia-pacific llc (gmp-apc), ông có nhiều năm sống và làm việc tại Đức. Tốt nghiệp Master of International Management in Construction Kingston University, London, UK

Thực trạng KTS làm nghề tại Châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng

5 Quốc gia có số lượng Kts lớn nhất EU qua thống kê của năm 2018 và 2016

Theo thống kê năm 2018 tại 31 Quốc gia thành viên liên minh Châu Âu có tổng cộng ~550.900 KTS (không bao gồm KTS quy hoạch, cảnh quan và nội thất).

Ý dẫn đầu với số lượng 160.000 KTS, tiếp đó đến Đức với 111.200 KTS, 3 nước sếp theo sau có tổng là 126.700 KTS, 26 nước còn lại có tổng cộng 153.000 KTS.

Như vậy Ý và Đức chiếm ~50% trên tổng số KTS đang hành nghề tại Châu Âu.

Với 111.200 KTS và dân số là 82.522.000 triệu người, thì KTS chiếm khoảng 1.35% dân số tại Đức hoặc cứ 742 người thì có 1 KTS hành nghề.

Tại Hamburg, nơi đặt trụ sở Công ty GMP, có mật độ KTS cao nhất tại Đức với 351 người /KTS.

Có thể nói rằng nghề kiến trúc rất phổ biến và được ưa thích tại Đức, hàng năm có trên 6.000 cử nhân nghành Kiến trúc ra trường (không tính du học sinh).

Tại Đức tỉ lệ KTS Nam giới chiếm khoảng 65% và nữ giới chiếm khoảng 35%, tỉ lệ KTS thất nghiệp là 6,5%.

Ai được xưng danh Kiến trúc sư?

Trước đây gần 100 năm, vào ngày 23.06.1923 chính phủ Ý là Quốc gia đầu tiên tại Châu Âu phê chuẩn đạo luật để bảo hộ danh xưng KTS.

Chỉ có KTS đã đăng ký chứng chỉ hành nghề tại hiệp hội nghề mới được phép mang danh xưng này, người không có chứng chỉ hành nghề chỉ được phép gọi là cử nhân ngành Kiến trúc, Kỹ sư không được bảo hộ.

Điều kiện đăng ký vào hiệp hội nghề

Cử nhân Kiến trúc phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm (tùy theo yêu cầu của từng tiểu bang) qua các khâu thiết kế và kinh nghiệm thực tế trên công trường. Cung cấp đủ văn bằng theo yêu cầu và sẽ có buổi phỏng vấn thông qua hội đồng chuyên môn.

Với chứng chỉ hành nghề vô thời hạn, KTS có dấu riêng và được phép đóng dấu các bản vẽ xin cấp phép với tư cách KTS tự do. KTS lúc này có trách nhiệm nộp phí hội viên theo quy định, đây là điều kiện để hội viên được phép duy trì hành nghề Kiến trúc. Nhiều trường hợp KTS sau khi làm công chức hoặc làm nhân viên công ty, họ sẽ tạm dừng hoặc thôi hành nghề tự do, để không phải trả chi phí hội viên.

Mô hình doanh nghiệp trong hoạt động Kiến trúc phổ biến tại Đức:

Doanh nghiệp tư nhân (GbR/freelance), tương đương với mô hình DNTN tại Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy sự tương đồng với mô hình DNTN tại VN.

Một nghĩa khác của DNTN là Freelance, được hiểu theo nghĩa là làm việc tự do. Những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thì được gọi bằng danh từ Freelancer (người làm tự do), để chỉ những người làm việc theo cung cách tự quản, không bị giới hạn về quy củ, môi trường, địa điểm và thời gian làm việc.

Trái ngược với các nhân viên truyền thống, doanh nghiệp khi thuê freelancer không phải trả trực tiếp cho freelancer bất kỳ chi phí sau đây như: Thuế thu nhập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nghề nghiệp hoặc trợ cấp thất nghiệp. Tất cả các khoản chi đấy đều thuộc trách nhiệm của freelancer.

Tại Đức đang có khoảng 1,4 triệu người đăng ký hành nghề theo mô hình DNTN (GbR), có rất nhiều nghành khác được hoạt động nghề tự do như nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, lập trình viên, giáo viên, biên dịch, phiên dịch, kinh doanh…đều có thể gọi là freelancer nhưng ko cần chứng chỉ hành nghề.

1. DNTN trong Kiến trúc (GbR/freelance)

Nước Đức hiện có khoảng 56.000 KTS (~50%) đang hành nghề tự do (GbR), hoặc nhiều Kts tự do hành nghề theo nhóm (PartGG). Mô hình DNTN được áp dụng phổ biến và được nhiều văn phòng Kts nhỏ và khởi nghiệp lựa trọn.

Bên cạnh Kiến trúc sư, Luật sư, Bác sĩ hay Kiểm toán… là những nghành nghề được phép hoạt động tự do nhưng phải có chứng chỉ hành nghề được cấp bởi hiệp hội nghề và được bảo hộ bởi quy định của luật pháp.

2. Công ty TNHH (GmbH/Limited)

Mô hình doanh nghiệp có pháp nhân được văn phòng Kiến trúc lớn hơn lựa chọn dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (GmbH). Một nửa số lượng văn phòng kiến trúc hoạt động theo mô hình này. Văn phòng Kiến trúc (GmbH) hoàn toàn phụ thuộc vào luật doanh nghiệp, những người đứng đầu văn phòng Kiến trúc phải là người có chứng chỉ hành nghề.

3. Cùng lúc hoạt động theo cả 2 mô hình

Cũng có những công ty hoạt động dưới cả 2 mô hình trên, tuy vào quy mô của dự án cũng như yêu cầu của Chủ đầu tư, thì sẽ sử dụng 1 trong 2 pháp nhân trên.
Bản thân Văn phòng GMP cũng đang hoạt động cùng lúc 2 mô hình, với các dự án tại Đức văn phòng có thể sử dụng 1 trong 2 mô hình trên (GbR hoặc GmbH) với các công trình Quốc tế thì sẽ thực hiện theo mô hình công ty TNHH (GmbH) vì mô hình này có đầy đủ tư cách pháp nhân và rủi ro vốn sẽ thấp hơn trong việc kinh doanh làm ăn Quốc tế.

Kiến nghị

Cần tạo điều kiện cho các KTS trẻ hoạt động và sáng tạo, các công ty lớn đều dựa vào sức sáng tạo của lớp KTStrẻ. Do chưa bị gò bó bởi kinh tế, cấu trúc hay các quy định thiết kế, KTS trẻ sẵn sàng đưa ra những giải pháp kiến trúc độc đáo.

Trong không ít các cuộc thi ý tưởng Kiến trúc Quốc tế, giải nhất thuộc về nhóm KTS trẻ mới ra trường, chưa có tên tuổi trên bản đồ thế giới, một ví dụ điển hình như công ty Bjarke Ingels Group (BIG), giờ đây công ty BIG là một trong những đơn vị có sức ảnh hưởng lớn đến Kiến trúc đương đại.

Cá nhân tác giả không ảnh hưởng đến Luật kiến trúc và các rào cản của quy định hiện hành, nhưng các đồng nghiệp Việt Nam của tôi đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong hành nghề kiến trúc trên chính quê hương họ.

Các đồng nghiệp trẻ hoặc công ty Kiến trúc khởi nghiệp ít có cơ hội tham gia các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc có quy mô lớn (ví dụ Sân bay Long thành). Tiêu chí tuyển chọn đơn vị tham gia thông qua sơ tuyển hồ sơ năng lực, cấp hạng chứng chỉ … thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội cho kiến trúc sư trẻ tham gia. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty trong nước đã không có, nói gì đến việc muốn vươn ra cạnh tranh trên thị trường Quốc tế.

Nâng cao tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, rất mong Luật Kiến trúc sẽ mang lại cho KTS Việt Nam cơ hội phát triển trong tương lai, đóng góp cho xã hội những công trình sáng tạo, quy hoạch bền vững cho muôn đời sau. Để một ngày gần đây các KTS Việt nam vươn cao vươn xa sánh tầm châu lục và thế giới.

TS. KTS Nguyễn Hồng Ngọc
Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa Đại học Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc công trình tại Khoa Kiến trúc Quy hoạch, Đại học Xây dựng, năm 2003 ông nhận học bổng Fulbright để theo học thạc sỹ ngành Quy hoạch tại Đại học Kansas, Mỹ; tốt nghiệp tiến sỹ ngành Địa lý tại Đại học Arizona State, Mỹ.

Hoạt động văn phòng KTS tại Mỹ

Các văn phòng kiến trúc tại các nước công nghiệp phát triển, như Mỹ chẳng hạn thường là các công ty thiết kế mang dấu ấn cá nhân, và thường là các công ty nhỏ. Đôi khi văn phòng kiến trúc cũng có thể là các công ty lớn của các KTS ngôi sao (stararchitect). Các văn phòng này tập chủ chủ yếu vào khâu thực hành kiến trúc sao cho có dấu ấn riêng, mang phong cách của người đứng đầu văn phòng (tiếng Anh: high design). Họ khác với các công ty kiến trúc lớn vốn không chú trọng nhiều vào phong cách thiết kế của người đứng đầu/hoặc một nhóm KTS đứng đầu. Theo ý kiến của các KTS trong và ngoài nước mà tôi tham khảo thì: Không có sự phân biệt pháp lý giữa các văn phòng kiến trúc (studio/ateliers) và các doanh nghiệp làm kiến trúc. Tại Việt Nam, tên VP KTS chỉ tên gọi thương mại, nhưng tên đăng ký với sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn là công ty TNHH hay công ty tư vấn hoạt động theo luật doanh nghiệp. Thật khó khăn để phân biệt về mặt pháp lý một văn phòng với một doanh nghiệp kiến trúc. Suy cho cùng sự khác biệt thực sự phải đến từ chất lượng hành nghề kiến trúc và các dịch vụ mà KTS mang lại. Đặc biệt là giá trị mà kiến trúc mang lại cho cộng đồng. Vì thế điều thực sự cần thiết là nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nghề nghiệp, ở đây là Hội KTS Việt Nam. Cần phải có các điều khoản về Hội KTS Việt Nam thay vì nói chung chung là hội nghề nghiệp. Chức năng quan trọng của Hội theo tôi thứ nhất phải bao gồm tính phản biện xã hội trong các dự án kiến trúc, quy hoạch đô thị. Thứ hai là nhiệm vụ giáo dục cho công chúng về kiến trúc. Thứ ba là năng lực thẩm định các chương trình đào tạo kiến trúc để từ đó tiến tới kiểm định chất lượng đào tạo kiến trúc bậc đại học và sau đại học vốn là một chức năng quan trọng của Hội KTS các nước. Tại hầu như tất cả các nước từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, tới Anh, Mỹ việc kiểm định chất lượng đào tạo kiến trúc (accreditation) là việc của Hội KTS của mỗi nước. Cuối cùng, theo tôi Hội KTS Việt Nam phải tiến tới đảm nhiệm việc cấp chứng chỉ hành nghề vốn lâu nay thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.

KTS D.P.L.G. (Diplômé Par Le Gouvernement) Phan Tấn Lộc
Học tập và làm việc 25 năm ở Pháp, trong đó 20 năm ở Paris và 17 năm ở Việt Nam. Ông từng công tác ở các Văn phòng KTS Claude PARENT – Hàn lâm viện gia, Jacques COUELLE – Hàn lâm viện gia, Claude VASCONI, Jean NOUVEL – Giải Pritzker 2008, Paul Andreu – Hàn lâm viện gia.

Triết lý đào tạo và vai trò của KTS

Nước Pháp không có Bộ xây dựng. Ngược lại, nhận thức về một công trình kiến trúc không giới hạn ở vật thể, không xem công đoạn xây dựng là “mục tiêu” mà chỉ là “phương tiện”, và những yếu tố kỹ thuật như điện, nước, kết cấu… đương nhiên phải đám ứng theo yêu cầu và bản chất của công trình.

Ở Pháp, từ thế kỷ 19, kiến trúc tách hẳn với ngành công chánh (génie civile) và được xem là một trong 4 lãnh vực nghệ thuật cùng với chạm khắc, điêu khắc, hội họa, và trực thuộc Hàn lâm Mỹ thuật. Cùng với “Cách mạng văn hóa xã hội” 1968, kiến trúc rời Hàn lâm Mỹ thuật để trực thuộc Bộ Đại học. Từ khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Bộ Văn Hóa là cơ quan chủ quản các trường thuộc hệ thống đào tạo kiến trúc cho đến nay.

Cho đến cuối thập niên 80, và đầu thập niên 90, chương trình đào tạo được chia làm 3 chu kỳ (cycle) gồm Chu kỳ 1 tương đương trình độ Cử nhân (Licence), Chu kỳ 2 tương đương trình độ Thạc sĩ (Maitrise) và Chu kỳ 3 tương đương với Tiến sĩ (Doctorat) có thời gian học là 6 năm. Nhưng theo thống kê, thực tế phải mất tối thiểu 7 năm mới lấy được bằng KTS.

Nhằm thống nhất với các nước trong Cộng đồng Châu Âu, Bộ Văn hóa Pháp đã ban hành Chương trình đào tạo KTS qua bộ luật 20-7- 2005 như sau:

  • Chu kỳ 1 – 3 năm, được cấp bằng Chuyên ngành kiến trúc có cấp bậc tương đương Cử nhân (Licence);
  • Chu kỳ 2 – 2 năm, được cấp bằng KTS Quốc gia có cấp bậc tương đương Thạc sĩ của Đại học (Master);
  • Chu kỳ 3 – 1 năm, nhằm đào tạo kỹ năng hành nghề KTS. Kết quả của năm học được xem là Chứng chỉ hành nghề với danh nghĩa cá nhân với tên viết tắt HMONP (habilitation de l’architecte diplômé d’État à l’exercice de la maîtrise d’œuvre en son nom propre) có giá trị suốt đời.

Chương trình đào tạo KTS ban hành bởi Bộ Văn hóa là “đa lãnh vực” (pluridisciplinaire). Được kết hợp giữa chuyên ngành kiến trúc gồm: Công trình kiến trúc và đô thị, Lịch sử, Lý thuyết của kiến trúc và thành phố, cách Thể hiện không gian, được bổ sung và kết hợp với kiến thức của những lãnh vực khác như những môn nghệ thuật, xã hội học, lịch sử, những ngành khoa học và kỹ thuật, quy hoạch đô thị, cảnh quan, tin học và ngoại ngữ – (nguồn Bộ VH Pháp). Môn quy hoạch đô thị có môn triết học.

Qua chương trình đào tạo KTS nêu trên, chúng ta có thể thấy được triết lý đào tạo và vai trò được đặt ra cho KTS trong xã hội: Công trình, trên phương diện là một “vật thể”, nó có tác động với con người và cộng đồng nhiều hơn là bản chất vật lý của nó ở vị trí được xây lên. Chúng ta cũng thấy yếu tố khoa học kỹ thuật chỉ là một phần (không lớn). Trong khi đó những lãnh vực khác (chiếm phần lớn) mang tính xã hội nhân văn.

Hành nghề Kiến trúc với danh nghĩa cá nhân

Sau khi có những bằng cấp nêu trên, muốn hành nghề “với danh nghĩa cá nhân” của mình thì bắt buộc phải đăng ký vào KTS Đoàn. Đây là tổ chức quản lý mọi vấn đề liên quan đến nghề kiến trúc sư bao gồm xác định trách nhiệm đối với “khách hàng” cũng như các Quy định đạo đức (Code de déontologie).

Hành nghề KTS “tự do” được xếp vào những nghề tự do – Profession libérale, và được xếp cùng khuôn khổ pháp lý với Doanh nghiệp vừa và nhỏ. KTS hành nghề tự do có 3 cơ quan liên đới chính là KTS Đoàn (Đóng lệ phí hàng năm), URSSAF (cơ quan quản lý các quỹ an sinh xã hội) và Cơ quan Thuế (khai báo và đóng thuế thu nhập cá nhân).

KTS hành nghề tự do có thể trực tiếp ký hợp đồng thiết kế, giám sát với chủ đầu tư cho một dự án nhất định, hoặc “hợp tác” với các công ty tư vấn thiết kế, công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc dưới dạng khoán việc – khác với các KTS hưởng lương tháng.

Theo quy chế của KTS Đoàn, KTS hành nghề tự do có thể thành lập doanh nghiệp với tên gọi Công ty TNHH Kiến trúc sư hành nghề tự do (SELARL d’architecte – Société d’exercice libéral à responsabilité limitée d’architecture) có những quy định thành lập gồm:

– Số thành viên tối thiểu : 1 KTS

  • Những KTS thành viên phải nắm hơn 50% số vốn. Người KTS có thể nắm hơn 50% số vốn;
  • Phần vốn còn lại, không giới hạn là bao nhiêu (nhưng không vượt quá 49%) có thể được nắm bởi những công ty kiến trúc; những thể nhân hoặc pháp nhân không phải là KTS hoặc công ty kiến trúc; trong vòng 10 năm bởi những KTS đã từng làm việc trong doanh nghiệp; trong vòng 5 năm với người hưởng quyền lợi từ KTS đã làm việc trong công ty, những người hành nghề tự do theo luật định (như chuyên gia đo đạc).

– Không quy định bắt buộc về vốn tối thiểu : Vốn cổ phần này có thể bao gồm các khoản đóng góp bằng tiền mặt, các khoản đóng góp bằng hiện vật (vật dụng khác).
Một công trình kiến trúc là một sự cấu thành của nhiều yếu tố gồm văn hóa, xã hội, kinh tế và kỹ thuật. Thậm chí, trong quy hoạch đô thị – là công tác tổ chức, hoạch định không gian sống cho con người và cộng đồng, thì người làm quy hoạch còn phải biết về văn hóa và chính trị xã hội.

Tóm lại, KTS là một ngành nghề có tính đặc thù, có hiểu biết và tầm nhìn bao quát. Việc được Bộ Văn Hóa quản lý trong công tác đào tạo và phần lớn các môn học nằm trong lãnh vực khoa học xã hội nhân văn cho thấy rõ nét vai trò của KTS.

KTS Nguyễn Hữu Thái
TP.HCM
Ông là KTS – đô thị gia, nghiên cứu Việt Nam học. Ông có trên 40 năm hợp tác nghiên cứu, thiết kế và giảng dạy tại Việt Nam, Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ.

Kinh nghiệm làm nghề kiến trúc tại nước ngoài

Trước hết, tôi cho rằng “Dự thảo Luật kiến trúc” phải do Hội nghề nghiệp kiến trúc sư soạn. Thứ hai, Văn phòng kiến trúc sư phải là một đơn vị kinh tế đặc thù với những đặc trưng riêng.

Theo thông lệ quốc tế và lề lối hành nghề trong nền kinh tế thị trường, văn bằng cấp phát ở đại học chỉ là một chứng chỉ xác nhận trình độ đào tạo chuyên môn, Đoàn Nghề nghiệp mới là tổ chức quyết định về việc hành nghề tư vụ. Tốt nghiệp bất cứ một môn học nào, sau một thời gian thực tập, có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề, do tổ chức nghề nghiệp cấp phát. Đây là một dạng thi tuyển làm nghề, do nhà nước ủy quyền cho Đoàn Nghề nghiệp.

Tình hình kinh tế nay đã đổi khác, với kinh tế nhiều thành phần, đơn vị thiết kế, thi công tư nhân hình thành đã lâu, vậy nhưng quản lý hành nghề lại tập trung vào các Sở Xây dựng là không hợp lý.

Do đó cần có một tổ chức nghề nghiệp có pháp nhân, để quản lý hành nghề của kiến trúc sư, gọi là “Đoàn Kiến trúc sư”. Tổ chức này chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hoạt đông nghề nghiệp của các thành viên, không những là KTS người Việt mà cả KTS người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Đoàn KTS hoạt động giống mô hình Đoàn Luật sư, khác với Hội Luật gia (đoàn thể).

Hành nghề KTS tại Pháp

Tổ chức hành nghề KTS tại Pháp hoạt động trong khuôn khổ Luật KTS với nội dung: Quy chế hoạt động của Đoàn KTS, tổ chức nghề nghiệp của KTS, luật nghĩa vụ của KTS.

Hội đồng KTS được thành lập theo luật, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính và đặt dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Pháp. Có Hội đồng KTS địa phương, cả nước có Hội đồng KTS Quốc gia.

Tại Sài Gòn thời cũ, tổ chức nghề nghiệp thiết kế kiến trúc lấy tên là “KTS Đoàn Việt Nam”, tiếp nối vai trò Đoàn KTS địa phương Pháp (thời Việt Nam còn là thuộc địa Pháp), một tổ chức qui tụ những người cùng nghề theo thông lệ quốc tế cùng lề lối hành nghề dịch vụ trong nền kinh tế thị trường.

Hành nghề KTS tại Mỹ

Tại các nước Bắc Mỹ, dẫu cho có văn bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ kiến trúc, đều phải học việc ít nhất hai năm tại một văn phòng thiết kế kiến trúc mới được phép tham gia cuộc thi hành nghề. Ở Mỹ, cuộc thi khá khắt khe do tổ chức nghề KTS Mỹ AIA (Viện KTS Mỹ, American Institute of Architects) phối hợp cùng Nhà nước tổ chức.

Mỗi bang đều có tổ chức nghề nghiệp địa phương, tuy vẫn tuân theo quy định chung của tổ chức nghề nghiệp cấp liên bang nhưng lại đặt ra thêm các quy định riêng biệt, do đặc thù tình hình phát triển kinh tế, điều kiện địa lý, thời tiết khí hậu, tính chất, loại hình xây dựng khác nhau. Từ bang này sang bang khác hành nghề phải gia nhập tổ chức KTS ở bang đó, thi lấy bằng hành nghề do bang đó cấp. KTS nước ngoài đến Mỹ phải học lại một số môn, có kinh nghiệm thực tế địa phương vài ba năm và thi lấy bằng hành nghề như KTS tại chỗ.

Luật KTS cho phép thiết lập Hội đồng KTS (do chính các KTS bầu ra từng nhiệm kỳ), hướng dẫn việc đăng ký KTS, quy định phẩm chất đạo đức trong hành nghề và việc cung cấp dịch vụ tư vấn kiến trúc. Hội đồng quản lý đoàn viên về cả mặt chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp.

KTS Trương Ngọc Lân
Thành viên sáng lập VP Kiến trúc 1+1>2.
Hiện ông đang là GV tại trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

Kiến trúc là một ngành dịch vụ đặc biệt, cần được tổ chức vận hành theo mô hình đặc biệt!

KTS hành nghề kiến trúc là một ngành dịch vụ, nhưng là dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng toàn diện đến đời sống thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Chính vì vậy, hoạt động hành nghề kiến trúc cần có một mô hình đặc biệt.

Thực tế hiện nay trên thế giới, KTS được quản lý hành nghề tương đương với hai nghề bác sỹ và luật sư, những nghề đó có đặc thù chung là ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Nhân lực chuyên môn đều cần phải có các điều kiện đào tạo, thực hành nhất định mới được hiệp hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề và có yêu cầu tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như phát triển nghề nghiệp thường xuyên (tức là có các chứng chỉ học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức theo định kỳ). Nói tóm lại, nghề KTS tương tự như bác sỹ hay luật sư có một quá trình đào tạo và rèn luyện khắt khe, trách nhiệm hành nghề cao và ở mức nhỉnh hơn mặt bằng xã hội về mặt cá nhân. Do đó những ngành này cho phép cá nhân bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư được hành nghề độc lập, chịu trách nhiệm vô hạn thay vì có mức độ giới hạn trong đăng kí kinh doanh kiểu một công ty trách nhiệm hữu hạn.

Ơ Việt Nam hiện nay, hai nghề luật sư và bác sỹ đang được làm nghề gần với thông lệ quốc tế đó. Cụ thể, khi hành nghề họ được phép lập tổ chức hành nghề dưới 2 cấp độ: Văn phòng luật và Công ty luật (với luật sư), Phòng khám tư nhân và Bệnh viện (với bác sỹ). Hay nói cách khác hai nghề y và luật có hai mức tổ chức hành nghề là tổ chức 1 người (văn phòng, phòng khám theo kiểu hộ kinh doanh cá thể) và nhóm (công ty luật, bệnh viện). Điều đó giúp mở rộng cơ hội hành nghề, giải phóng tiềm năng của các nhân lực chất lượng cao, tăng ràng buộc trách nhiệm và đạo đức hành nghề đến cá nhân và đem lại nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Ở Việt Nam, KTS lại không được hành nghề theo cách tương tự như luật sư và bác sỹ. Để hành nghề thực sư, họ phải hoạt động trong một công ty tư vấn nhằm có được pháp nhân khi thực hiện các dịch vụ. Trong dự thảo Luật kiến trúc hiện tại, có quy định về KTS hành nghề cá nhân và tổ chức hành nghề kiến trúc dạng doanh nghiệp, tuy nhiên, ở môi trường thực tế, KTS lại không thể hành nghề cá nhân nếu không nhờ vào vị thế pháp lý (dấu và chữ kí lãnh đạo) của một công ty tư vấn nào. Trong khi đó, thủ tục và chứng chỉ hành nghề của tổ chức tư vấn thiết kế hiện nay khá phức tạp nhưng yêu cầu trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp với các cá nhân hành nghề trong tổ chức lại khá mơ hồ. Vậy nên chăng, KTS cũng có thể lập Văn phòng kiến trúc để hành nghề với vị thế và trách nhiệm cá nhân cao hơn (tương ứng văn phòng luật sư hay phòng khám tư) bên cạnh lựa chọn thành lập hoặc gia nhập một công ty tư vấn.

Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam họp lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Kiến trúc tại Vũng Tàu tháng 4/2019

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2019)