Mời đóng góp ý kiến Dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề

Ngày 26/08/2020, Hội KTS Việt Nam đã công bố Dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS Hành Nghề căn cứ theo Luật Kiến trúc ngày 13 tháng 6 năm 2019; Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc và căn cứ Điều lệ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Nhằm giúp dự thảo phù hợp và sát với thực tế hành nghề, trân trọng kính mời bạn đọc đánh giá và đưa ra ý kiến tại khảo sát trực tuyến bên dưới bài viết này.

Phiếu góp ý về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề:

Nội dung dự thảo:

I. QUY TẮC CHUNG

Quy tắc 1:

Nghề kiến trúc Việt Nam có sứ mệnh sáng tạo môi trường không gian cho cuộc sống và hoạt động của con người, là một bộ phận trong nền văn hóa của xã hội, tạo dựng nên diện mạo đất nước, góp phần phát triển đất nước bền vững về kinh tế, văn hóa và xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi kiến trúc sư hành nghề có trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp chung của nghề kiến trúc và công cuộc dựng xây phát triển đất nước.

Quy tắc 2:

Đạo đức hành nghề của kiến trúc sư là hành nghề bằng chuẩn mực liêm chính, tận tâm, sáng tạo, tri thức văn hoá và năng lực chuyên môn, cùng ý thức tôn sư trọng đạo, tôn trọng đồng nghiệp và bảo vệ thanh danh của nghề.

Quy tắc 3:

Kiến trúc sư hành nghề tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động nghề nghiệp.

II. QUY TẮC ỨNG XỬ NGHỀ NGHIỆP

II.1. ĐỐI VỚI XÃ HỘI

Quy tắc 4:

Thúc đẩy nhận thức của cộng đồng về nghề kiến trúc phù hợp với giá trị của đất nước và thời đại.

Quy tắc 5:

Tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa và di sản thiên nhiên; góp phần bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái; giảm thiểu tác động tới môi trường, biến đổi khí hậu.

Quy tắc 6:

Luôn ý thức phát triển kiến trúc vì cộng đồng; thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, đặc biệt với nhóm yếu thế; không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, khuyết tật, địa vị xã hội.

II.2 ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG

Quy tắc 7:

Phục vụ khách hàng bằng năng lực chuyên nghiệp, tận tâm và trung thực; đảm bảo chất lượng dịch vụ kiến trúc đáp ứng các yêu cầu hợp pháp trong hợp đồng với khách hàng.

Quy tắc 8:

Tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng và những người khác.

Quy tắc 9:

Từ chối những yêu cầu không phù hợp với quy định pháp luật, quy định chuyên môn và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp, hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của các bên liên quan.

Quy tắc 10:

Khi khách hàng khiếu nại hoặc có vấn đề phát sinh trong quá trình hành nghề, kiến trúc sư phải cầu thị tiếp thu, nghiên cứu và thuyết phục khách hàng trên cơ sở chuyên môn nghề nghiệp và pháp luật trước khi đưa ra xử lý ở các bước tiếp theo theo quy định tại hợp đồng đã ký kết.

II.3 ĐỐI VỚI ĐỒNG NGHIỆP

Quy tắc 11:

Có ý thức bảo vệ danh dự, uy tín của các đồng nghiệp và bản thân để góp phần xây dựng đội ngũ kiến trúc sư xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội.

Quy tắc 12:

Tôn trọng các Thầy và đồng nghiệp, giúp đỡ các đồng nghiệp trong hành nghề.

Quy tắc 13:

Tôn trọng sáng tác, nghiên cứu và thiết kế của người khác; không sao chép, sử dụng phát minh, ý tưởng, phác thảo của người khác khi chưa có sự đồng ý.

Quy tắc 14:

Có trách nhiệm tạo điều kiện và khuyến khích nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn cho nhân viên; cung cấp cho nhân viên điều kiện làm việc hợp lý, an toàn và trả lương công bằng khi sử dụng lao động; ghi nhận xứng đáng các đóng góp của nhân viên và cộng sự;

Quy tắc 15:

Không được hành động mâu thuẫn với lợi ích của tổ chức hành nghề kiến trúc nơi mình làm việc như mạo danh tổ chức, tiết lộ thông tin khi chưa được phép, tranh giành hợp đồng lôi kéo khách hàng cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Quy tắc 16:

Trong quá trình thực hiện đồ án thiết kế có thái độ cầu thị, hợp tác với các đồng nghiệp thuộc các chuyên môn khác như Kết cấu, MEP, vv, thực hiện vai trò điều phối tối ưu để đạt kết quả tốt nhất.

Quy tắc 17:

Khi nhận hợp đồng từ khách hàng, nếu biết trước đó khách hàng đã có hợp đồng cũng về công việc đó với một đồng nghiệp nhưng nay lựa chọn mình thay thế, kiến trúc sư và tổ chức hành nghề chỉ nhận thực hiện công việc đó khi khách hàng đã cung cấp tài liệu chấm dứt hợp đồng dịch vụ với đồng nghiệp đó.

Quy tắc 18:

Không dùng các thủ đoạn trái với quy định pháp luật và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp để tranh giành lợi thế hoặc tranh giành khách hàng với đồng nghiệp;

Quy tắc 19:

Tự giác tôn trọng quyền tác giả của tổ chức, cá nhân có phương án thi tuyển được chọn theo nội dung quy định tại các Điều 17. Luật Kiến trúc 2019, Điều 81. Luật Xây dựng 2014 và Điều 22. Luật Đấu thầu.

II.4 ĐỐI VỚI BẢN THÂN

Quy tắc 20:

Khi hành nghề phải đảm bảo đủ điều kiện năng lực về kiến thức, kỹ thuật, nhân lực và tài chính phù hợp với công việc mình đảm nhận, cộng với trách nhiệm thực thi cẩn trọng, tận tâm và khách quan.

Quy tắc 21:

Hành nghề trung thực, khoa học, sáng tạo với tinh thần hợp tác để tạo được các công trình kiến trúc có chất lượng cao.

Quy tắc 22:

Thường xuyên học tập nâng cao năng lực, nghiên cứu, trải nghiệm thực tế để phục vụ nghề nghiệp.

Quy tắc 23:

Không được lợi dụng chức danh và chữ ký của mình để trực tiếp hay gián tiếp tiếp tay những hình thức hành nghề kiến trúc bất hợp pháp của những người hay tổ chức không đủ điều kiện hành nghề.

Quy tắc 24:

Thực hiện cạnh tranh trong hành nghề lành mạnh đúng pháp luật và đúng Quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

III. QUY TẮC THỰC HIỆN

Quy tắc 25:

Quy tắc này áp dụng đối với các kiến trúc sư hành nghề và các tổ chức hành nghề kiến trúc theo Luật Kiến trúc tại Việt Nam.

Quy tắc 26:

Hội đồng kiến trúc sư hành nghề thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được quy định có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện và giám sát việc chấp hành Quy tắc này, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân và tổ chức hành nghề kiến trúc trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Quy tắc 27:

Bất kỳ ai phát hiện có người vi phạm Quy tắc này sẽ thông báo cho Hội đồng kiến trúc sư hành nghề kèm theo chứng cứ. Hội đồng kiến trúc sư hành nghề sẽ yêu cầu người bị phát hiện vi phạm cung cấp bằng chứng để giải trình trong thời gian 30 ngày. Nếu sau 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu người bị phát hiện vi phạm không có hoặc không đủ bằng chứng giải trình thì được coi là có vi phạm. Nếu đủ bằng chứng giải trình thì Hội đồng kiến trúc sư hành nghề sẽ xem xét và xác minh để đưa ra kết luận phù hợp.

Quy tắc 28:

Tuỳ tính chất và mức độ vi phạm, Hội đồng kiến trúc sư hành nghề sẽ quyết định các mức xử lý tương ứng, gồm có: 1/ Phê bình nhắc nhở; 2/ Cảnh cáo và đăng thông tin lên website của Hội Kiến trúc sư Việt Nam; 3/ Thông báo và kiến nghị với cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề các địa phương trên cả nước thi hành các chế tài thu hồi, không cấp lại hoặc không gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc đối với người vi phạm theo quy định của Luật Kiến trúc.

Quy tắc 29:

Quy tắc này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày … tháng … năm 2020;
Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được định kỳ 05 năm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn;

Quy tắc 30:

Kiến trúc sư hành nghề và tổ chức hành nghề kiến trúc tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Quy tắc này.

© Tạp chí Kiến trúc