Một vài băn khoăn trong thực tiễn đào tạo CPD cấp CCHN

Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) của Kiến trúc sư (KTS) theo quy định của Luật Kiến trúc và Nghị định 85/NĐ-CP là bắt buộc, yêu cầu các KTS phải bồi dưỡng và trau dồi kiến thức thường xuyên để không bị lạc lối trong quá trình hành nghề.

Ths.KTS Nguyễn Đức Lập
Chủ tịch Hội KTS Vũng Tàu

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có rất nhiều KTS đã có những phản ứng trái chiều, đây là điều không thể tránh khỏi, bởi Chính phủ đang hướng tới cải cách thủ tục hành chính, hướng đến người dân được tự do sáng tạo kinh doanh và hậu kiểm nếu cần – Bởi trước đó việc cấp chứng chỉ hành nghề đã được Nghị định 100/NĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều, do chính Hội KTS Việt Nam kiến nghị năm 2017. Điều làm giới KTS phản ứng khá nhiều khi KTS tham gia thiết kế hành nghề 20-30 năm liên tục, có nhiều công trình hàng năm được duyệt nhưng vẫn chưa được coi là hành nghề liên tục mà chỉ có KTS viết sách, hội thảo, giảng dạy, hay được Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia…thì lại được miễn CPD. Quy định này đang làm cho anh em hành nghề cảm giác bị phân biệt đối xử. Theo tôi, KTS hành nghề nếu có tác phẩm được duyệt nên cho họ ít nhất một nửa cơ số điểm tích lũy hàng năm (02 điểm) tùy số lượng và cấp công trình, kiến thức mới từ các lớp CPD sẽ bổ sung số điểm tích lũy còn lại, có lẽ sẽ giải tỏa được nhiều bức xúc. Mặt khác, các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này cũng nên công bố rõ ràng để tạo sự đồng thuận của giới nghề. Đồng thời, cũng nên có quy định về việc các KTS ngoại quốc khi hành nghề trên đất Việt có phải tích điểm CPD hay không?

Bên cạnh đó, trong Luật Kiến trúc có quy định: Một KTS phải dự nhiều hạng mục sát hạch để được cấp 02 chứng chỉ hành nghề (CCHN) về Kiến trúc cho 07 dịch vụ hành nghề kiến trúc và 01 dịch vụ quy hoạch tại Sở Xây dựng. Điều này làm mất công sức, thời gian và tiền bạc, trước kia chỉ là 1, tại sao chúng ta không đề nghị chuyển hết CCHN của KTS về một mối cho thuận lợi trong sát hạch, cấp CCHN cũng như quản lý hành nghề được thuận lợi, CCHN quy hoạch của KTS thì cũng chỉ là chủ trì thiết kế bộ môn kiến trúc trong đồ án quy hoạch, chủ nhiệm đồ án nếu đủ kinh nghiệm, việc này Hội nên sớm kiến nghị sửa Nghị định 85/NĐ-CP và Luật Kiến trúc.

Trong thực tế, có rất nhiều KTS giỏi nhờ tự học, tự trau dồi, kể cả quốc tế có những KTS không qua trường lớp nhưng họ vẫn nổi tiếng thì chúng ta hiện nay cũng chưa có biện pháp nào tính đến khả năng tự phát triển nghề thông qua hình thức tự học, nên chăng có những giải pháp giảm bức xúc cho nhiều KTS có năng lực thực sự và họ có lòng tự trọng.

Hiện những buổi tập huấn Luật Kiến trúc do Bộ Xây dựng về địa phương tổ chức, KTS đi dự những cuộc này vẫn chưa có ai đứng ra xác nhận CPD cho họ. Nên chăng có hướng dẫn cụ thể cho các Hội KTS hoặc Sở Xây dựng địa phương xác nhận tích điểm cho hội viên của mình.

Quy định về CPD có hiệu lực từ 1/7/2020, khi đó cả nước còn lo chống dịch Covid-19. Vì vậy rất nhiều KTS đã không kịp tích điểm CPD cho năm 2020 hoặc có nơi hướng dẫn năm 2020 chỉ cần tích 02 điểm CPD, Bộ Xây dựng mới đây yêu cầu phải tích đủ 04 điểm, mà điểm chỉ được tích cho năm liền kề trước hoặc sau, do vậy có nhiều KTS không để ý việc này nên đã không thể gia hạn CCHN, rất mong Hội KTS Việt Nam có kiến nghị và chấp thuận cho KTS được tích điểm bù cho năm 2020 do dịch bệnh bất khả kháng.

Trên đây là một số những băn khoăn và mạo muội đề xuất một số giải pháp để Hội KTS Việt Nam có tiếng nói với các cấp có thẩm quyền, điều chỉnh sao cho phù hợp nhằm tạo được sự đồng thuận nhất cho giới nghề về CPD và CCHN, góp phần khơi thông sáng tạo và phát huy tối đa nguồn lực của tất cả các KTS trên cả nước cho sự nghiệp phát triển chung xây dựng đất nước.

Ths.KTS Nguyễn Đức Lập
Chủ tịch Hội KTS Vũng Tàu
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)