Thiết kế bệnh viện: Vài ý kiến từ thực tế triển khai dự án

Bệnh viện (BV) là loại hình dự án dân dụng đặc thù và đặc biệt. Do đó, để có thể triển khai thiết kế và vận hành hiệu quả các dự án bệnh viện (BV), các đơn vị thiết kế cần thực hiện/ đáp ứng nhiều về kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, cần có sự hợp tác tốt với các bên liên quan, như Chủ đầu tư, các nhà cung cấp thiết bị, các đơn vị tư vấn chuyên ngành,…

Trong bài viết này chỉ nêu vài yêu cầu chính gồm:

1. Kiến thức chuyên môn, chuyên ngành

Các nhân sự tham gia đặc biệt là các chủ trì thiết kế cần:

  • Có tối thiểu 7-10 năm kinh nghiệm thiết kế;
  • Có sự hiểu biết về thiết kế chuyên ngành BV;
  • Hiểu rõ về quy trình và vận hành của BV từ khi nhập viện đến khi xuất viện;
  • Hiểu biết về các xu hướng của các mô hình BV trong tương lai, cả của thế giới và Việt Nam.

2. Đối tác tham gia

Một vài đối tác chính cần tham gia ngay từ giai đoạn khởi tạo dự án để tư vấn đầy đủ, rõ ràng, kịp thời các thông tin cần thiết nhằm đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả cũng như dự trù cho các giai đoạn phát triển trong tương lai.

Một số đơn vị đối tác quan trọng gồm: Tư vấn công năng (Medical Planning); tư vấn vận hành; tư vấn về chất lượng và an toàn; tư vấn bảo hành, bảo trì.

Đây là danh sách các đối tác thường bị “bỏ quên” khi triển khai dự án, thậm chí họ còn không được biết đến! Và đương nhiên là dự án sẽ có những bất cập từ giai đoạn thiết kế, thi công và đến giai đoạn vận hành.

Ảnh: Dây chuyền xét nghiệm tích hợp và hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm (pneumatic tube system-PTS)

Căn cứ vào thực trạng của các dự án đã và đang triển khai, tôi có vài đề xuất, kiến nghị đế nâng cao chất lượng dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công cho đến vận hành góp phần vào thành công của BV, cụ thể gồm:

Với các đơn vị thiết kế

1. Giám sát tác giả

  • Nghiêm túc thực hiện công tác giám sát tác giả, giảm thiểu việc thực hiện đối phó;
  • Tham gia giai đoạn kiểm tra và vận hành thử, đặc biệt các thiết bị y tế (TBYT);
  • Tham quan lại dự án sau 03-05 năm vận hành, mục đích là cập nhật các thay đổi; các bất hợp lý nếu có trong quá trính thiết kế, thi công và cả vận hành.

2. Tham gia các hội thảo, triển lãm chuyên ngành

Việc này có thể nói là 01 yêu cầu bắt buộc, để cập nhật các kiến thức các sản phẩm mới nhất

  • Việt Nam: Hội nghị trang TBYT thường niên; Hội nghị CLB các Giám đốc BV; Hội chợ TBYT thường niên
  • Thế giới: Hội chợ TBYT thường niên tổ chức tại các nước trên thế giới, cụ thể: Đài Loan, Nhật, Dubai, Đức…

3. Thường xuyên cập nhật các kiến thức chuyên ngành

  • Từ các trang web/ các hiệp hội chuyên ngành;
  • Hội thảo thường niên về thiết kế bệnh viện;

4. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và chứng chỉ

Cập nhật các tiến bộ mới của xu hướng sẽ áp dụng trong tương lai như: Smart Hospital, Telemedicine, AI; Blockchain

Cập nhật và áp dụng các chứng chỉ liên quan đến công trình xanh: Hiện nay, tại Việt Nam, số các DA BV đạt chứng chỉ xanh còn rất ít.

5. Tham quan các BV

Tham quan các BV lớn, đạt giải về chất lượng về thiết kế tại Việt Nam và trên thế giới. Việc này là rất cần thiết trong việc cập nhật và chia sẻ thông tin giữa các đối tác

Ảnh: Ví dụ về tư vấn dây chuyền y tế (Medical Planning) trong Khoa sản- Ngoài sơ đồ dây chuyền, còn có các yêu cầu về vật liệu hoàn thiện, hành lang kỹ thuật phục vụ (Cơ điện, nước, điều hòa thông gió) và việc liên hệ với các Khoa, bộ phận khác trong bệnh viện. Thậm chí còn nêu các định hướng trong tương lai – Nguồn IHFG International Health Facility Guidelines

Với cơ quan quản lý nhà nước- Hiệp hội chuyên ngành

  • Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc hành nghề đối với các cá nhân, công ty tham gia thiết kế;
  • Phối hợp với Bộ Y tế và các hiệp hội chuyên ngành; các đơn vị sản xuất TBYT thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành, các buổi hội thảo chuyên môn bao gồm: Thiết kế- thi công- vận hành- TBYT;
  • Phát hành các tạp chí/ website chuyên ngành về lĩnh vực BV;
  • Ban hành các hướng dẫn về tiêu chuẩn thiết kế phù hợp với các nước tiên tiến;
  • Vinh danh các tác giả, tác phẩm 01 cách xứng đáng.

Trên đây là một vài ý kiến đối với việc triển khai thiết kế các dự án BV. Hy vọng rằng có thông tin tham khảo hữu ích đối với các nhân sự liên quan. Hy vọng và tin là sẽ có các dự án BV đạt chuẩn được khánh thành trong tương lai gần tại Việt Nam.

Kỹ sư XD Hoàng Hà
Giám đốc DA Công ty VNCC
KTS Phạm Kiên

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2020)