Bảo tàng Đắk Lắk

Công trình đạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2012. Cho đến nay, Bảo tàng Đắk Lắk vẫn là một trong những công trình văn hoá tiêu biểu của Đăk Lăk, nơi lưu giữ những giá trị văn hoá của hơn 44 dân tộc đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk trong đó không gian văn hoá cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hoá dân tộc được thể hiện rõ nét.

Thông tin dự án

  • Thiết kế: KTS Nguyễn Tiến Thuận – Công ty TNHH Kiến trúc X1 – HAAI
  • Cơ quan chủ đầu tư: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tỉnh Đắk Lắk
  • Năm thiết kế: 2007 – Năm hoàn thành xây dựng: 2011
  • Địa điểm xây dựng công trình: Số 02 Y Ngông – thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk
  • Khu đất xây dựng công trình có tổng diện tích là 65.000m2 thuộc khuôn viên khu đất Biệt Điện Bảo Đại cũ là một di tích lịch sử cấp quốc gia..

Công trình khai thác nghệ thuật tạo hình Tây Nguyên, đặc biệt là hình ảnh ngôi nhà dài truyển thống của người dân Đắk Lắk. Nhà dài là một đặc trưng rất riêng của Đắk Lắk, có không gian đơn giản nhưng đầy ấn tượng, cấu trúc không gian của Bảo tàng được mô phỏng theo dạng thức đơn giản này. Hầu hết nội dung trưng bày của bảo tàng bám theo cấu trúc kiểu tuyến dài của ngôi nhà, hay nói cách khác, hình ảnh của nhà dài truyền thống được nhận biết qua dây chuyền tham quan, trưng bày mới, chứa đựng nội dung chính của Bảo tàng.

Nhà Bảo tàng là một công trình 3 tầng, có bố cục tập trung, tạo hình theo 2 khối giao nhau. Khối chính của công trình là một nhà dài theo chiều dài phần đất xây dựng, vuông góc với trục chính xuyên tâm khu đất đã hình thành. Khối thứ 2 là không gian sảnh chính, đón khách vào trung tâm tâm khánh tiết của Bảo tàng. Với cách bố cục này đã tạo nên hướng đón theo cả hai phía tùy theo hành trình của khách tham quan, đi từ cổng chính của Bảo tàng hay đi từ cổng chính của khu Biệt Điện Bảo Đại đều thỏa mãn dây chuyền tham quan.

Bên ngoài nhà bảo tàng có 2 kiốt 1 tầng có chức năng phục vụ các nhu cầu ăn uống giải khát, mua đồ lưu niệm… của khách tham quan.

Hệ thống đường nội bộ xung quanh toà nhà được thiết kế tạo điều hiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông, có thể dễ dàng tiếp cận công trình ở các vị trí khi cần thiết.

Kiến trúc của bảo tàng mới, có ngôn ngữ phối hợp hài hoà với thiên nhiên và các toà nhà hiện có trong khuôn viên của khu di tích.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2021)