Câu Thi Na – Ấn Độ: Đoạn cuối hành trình “tứ động tâm”

“Tứ động tâm” là tên gọi chung cho bốn địa danh đánh dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, gồm: khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) – nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) – nơi đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) – nơi đức Phật giảng pháp lần đầu tiên cho nhóm bạn đồng tu khổ hạnh với Kiều Trần Như và Kushinagar (Câu Thi Na) – nơi đức Phật nhập Niết bàn. Sở dĩ có cụm từ “động tâm” – mang ý nghĩa là “làm lay động trái tim” – vì khi mọi người đến đây hành hương lễ Phật đều nhận được những cảm xúc chân thực, như có thêm nguồn lực vô hình trợ giúp vững tin khi hướng về chân lý và đạo pháp của đức Thế Tôn.

Nơi chốn tiễn biệt Người

Chúng tôi đến Kushinagar (Câu Thi Na) thuộc quận Deoria của bang Utta Pradesh – Ấn Độ. Đây là bang mà đức Phật có nhiều hoạt động nhất trong cuộc đời hành đạo, nên ngoài vườn Lộc Uyển và Câu Thi Na trong bộ “tứ động tâm” vẫn còn nhiều khu Phật tích khác để viếng thăm. Do đặc điểm địa lý, khu Phật tích Câu Thi Na cách thị trấn chừng 3km, cách vườn Lâm Tỳ Ni (bên kia biên giới, thuộc nước Nepal) khoảng 130km, cách vườn Lộc Uyển khoảng 200km và cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 300km, nên hợp thành những tour, tuyến khép kín giữa các khu Phật tích mà du khách có nhiều sự lựa chọn, để không bỏ sót điểm đến nào trong các chuyến hành hương “Về miền đất Phật”.

Câu Thi Na là nơi đức Phật Thích Ca chọn để những người con Phật có nơi chốn tiễn biệt đức Thế Tôn trong những giây phút cuối cùng, sau khi Ngài tiên đoán ba tháng sau sẽ nhập Niết bàn, kết thúc cuộc đời vào tuổi 80 – tức năm 544 trước công nguyên (TCN) và chấm dứt 45 năm “hoằng pháp” (đi giảng đạo) – kể từ khi Ngài đắc đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng vào năm 35 tuổi. Nghe nói, trong quá khứ xa xưa Câu Thi Na là một vương thành dân cư đông đúc; nhưng đến thời đức Phật là một khu làng thưa vắng dân cư, với những cánh rừng Sa la (tên khoa học là Shorea robusta) xanh ngát. Ngày nay, Câu Thi Na vốn là một thị trấn nhỏ, với hơn 25.000 người, mật độ dân cư thưa thớt và cuộc sống người dân cần cù, lam lũ. Khoảng hơn hai thập niên gần đây, nhờ có nhiều tăng ni, Phật tử và giáo hội các nước từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm “tứ động tâm” và góp sức xây dựng nhiều chùa, tu viện chung quanh, nên tại những địa phương có các khu Phật tích cũng đã dần khởi sắc, về mặt kinh tế – xã hội phát triển khá hơn trước.

Ảnh 1,2 (bên trái), ảnh 3 (bên phải)

Đến viếng Câu Thi Na, tôi nhìn thấy cảnh quan chung tại đây hầu hết là những phế tích như được phơi bày trước nhân gian và thời gian, mặc dù đã có sự trùng tu, chăm sóc, bảo vệ của chính phủ Ấn sau khi khai quật. Ấn tượng và nổi bật hơn cả là các thánh tích: Chùa Mahaparinirvana (Đại Bát Niết Bàn) – nơi đức Phật nhập diệt, tháp Niết Bàn (còn gọi là tháp “Xá Lợi Phật”) và tháp Angrachaya (tháp “Trà Tỳ”) – nơi làm lễ hỏa thiêu kim thân Phật. Quần thể chùa và tháp Niết Bàn gồm hai công trình có màu trắng, mang dáng dấp kiến trúc phương Tây, không giống như những công trình cổ mà tôi thường thấy tại các khu Phật tích (Ảnh 1). Cả hai hạng muc đều được xây mới trên một phần nền phế tích, cao khoảng 2,7m, vô tình tạo nên sự tương phản nổi bật về giải pháp tạo hình trong kiến trúc (Ảnh 2 & 3): Về ý nghĩa thời gian (giữa thời cổ xưa và hiện đại), về sắc màu thị giác (giữa màu đỏ sậm của khối gạch đế với màu trắng tuyền của khối công trình), về âm dương địa hình (từ phần nổi của kiến trúc và phần chìm của hồ nước bao quanh, do tận dụng cốt nền của phạm vi hố đào trong quá trình khai quật di tích).

Ảnh 4 (bên trái), ảnh 5 (bên phải)

Phần phế tích sau khi khai quật đã được các nhà khảo cổ xác định là “tháp Niết Bàn” do vua A Dục (Asoka) tạo lập từ thế kỷ thứ 3 TCN nhằm ghi dấu nơi đức Phật nhập diệt, nhưng tiếc là các công trình, bia ký, trụ đá cùng thời cũng đã bị triệt hạ và chôn vùi vào quên lãng từ những cuộc xâm lăng nước Ấn của đạo quân Hồi giáo từ thế kỷ 12. Cuối thế kỷ thứ 5, Svami Harabala xây dựng lại ngôi tháp cổ. Vào năm 1825, Carlyle cùng đoàn khảo sát bắt đầu khảo cứu khu vực này và chính ông là người đầu tiên tìm ra dấu vết bức tượng Phật nhập Niết bàn; nhưng công việc khai quật phải dừng lại từ năm 1912 và chính phủ Ấn bắt đầu việc trùng tu lại phế tích. Năm 1927, hai Phật tử người Miến Điện là U Po Kyu và U Po Hlaing phát tâm, xin kiến tạo lại quần thể “Chùa, tháp Niết Bàn” (mới) và đề nghị xây dựng trên nền phế tích cũ. Quần thể này được trùng tu hai lần: Vào năm 1956 (do Phật giáo Nhật Bản hợp tác với Ấn Độ) và năm 1972 (từ các Phật tử Miến Điện)… Từ đó, kiến trúc chùa và tháp Niết Bàn được tồn tại đến ngày nay, nổi bật giữa các di tích bao quanh là một số tháp nhỏ và nền móng, tường gạch cũ của các tu viện, tịnh xá xưa kia (Ảnh 4 & 5).

Ảnh 6: Nguồn Internet
Ảnh 7

Trở lại với quần thể “Niết Bàn”: Phía trước là chùa Niết Bàn cao khoảng 45m; tầng trệt có bốn trụ tròn sơn màu đỏ, gánh đỡ mái sảnh vươn nhô ra hơn 2m; phủ trùm lên khối đế là một mái hình cong, thân tròn giống hình lăng trụ, đường kính mái tầm 10m; từ mái trổ ra bốn hướng là bốn cửa sổ giống nhau, có hình tròn, bên trong chia thành chín ô kính nhỏ. Cách sau ngôi chánh điện khoảng 3m là tháp Niết Bàn – được xây dựng trên nền tháp “Xá lợi Phật” cổ xưa (do bộ tộc Malla xây dựng từ thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, để tôn thờ phần xá lợi Phật được chia và đánh dấu nơi đức Phật nhập diệt). Bảo tháp cao khoảng 45m, hình khối tròn, đường kính 8m, mái vòm có đỉnh nhọn và trên đỉnh là khối trụ vuông cao khoảng 0,5m; thân tháp chung quanh xây kín không có cửa vào (Ảnh 3).

Bên trong chùa, ở giữa gian chánh điện đặt duy nhất một pho tượng thờ có thế nằm rất lớn, dài hơn 6m, đặt trên một bệ đá nguyên khối hình chữ nhật, cao cách nền 0,5m, chung quanh có lớp lan can kính để ngăn cách mọi người khi đi quanh chiêm bái. Đó là tượng “đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn” được tạc bằng khối đá đen, thếp vàng: Dáng Ngài nằm nghiêng, toàn thân đắp y, đầu hướng về phương Bắc và gối lên bàn tay phải; mặt nhìn về phương Nam hướng cửa vào, khuôn mặt rất đẹp, hiền và thánh thiện, với đôi mắt nhắm như đang ngủ; tay trái đặt xuôi dọc theo hông, hai chân duỗi thẳng và đặt chồng lên nhau. Tôi tình cờ tìm được tấm ảnh chụp toàn khối kim thân của đức Phật (Ảnh 6) – qua website bsphamdoan.wordpress.com, vì hầu hết khách thập phương chỉ thấy bức tượng của Ngài khi đã được đắp y vải. Đặc biệt, dưới lòng đôi bàn chân trần của Ngài có hai dấu khắc hình tròn là những tia ánh hào quang phát ra từ một nhân tròn (Ảnh 7) – đây là điều mà hai Phật tử lớn tuổi cùng đi trong đoàn luôn nhắc tôi phải nhìn thật kỹ khi vào chiêm bái Ngài và tôi đã chụp được tấm ảnh này. “Điềm chỉ” này trùng khớp với truyền thuyết Phật giáo cho rằng: Khi đến thọ tang Phật, ngài Ca Diếp đã ôm lấy đôi chân và cuối đầu thọ nhận “mật chỉ” cuối cùng của đức Phật trước lúc làm lể hỏa thiêu thân xác Phật…

Pho tượng Phật là báu vật có ý nghĩa và thiêng liêng nhất tại khu Phật tích Câu Thi Na, được nhà điêu khắc đồng thời là tăng sĩ Haribhadra tạc nên từ một khối đá lớn. Đây quả là kiệt tác về nghệ thuật tranh tượng Phật giáo vào thời đại Kumargupta (413-455), nhưng lịch sử đã không may, khi bức tượng này cùng với các thánh tích Phật giáo đã bị chôn vùi trong cát bụi thời gian hàng bao thế kỷ. Mãi đến thế kỷ 19, nhà khảo cổ người Anh là Cunningham và nhà điêu khắc Carlleyle khảo sát tìm thấy dấu tích bức tượng đã bị vỡ vụn thành nhiều mảnh, nằm sâu dưới lòng đất cùng với các thánh tích là tháp Niết Bàn và tháp Xá Lợi. Riêng bức tượng, được Carlleyle bỏ công sức hàn gắn một cách cẩn trọng từng mảnh vụn, sau đó chạm trỗ lại nguyên hình như ngày nay và đặt tượng lại vị trí như xưa.

Ảnh 8, 9 ,10 & 11

Khách hành hương đến viếng chùa Đại Bát Niết Bàn – chủ yếu là chiêm bái tượng “đức Phật nhập Niết bàn”. Họ thường đi thành đoàn, xếp hàng ngay từ lối dẫn vào chùa, đi đầu là vị tăng hoặc ni dẫn đường, trên tay mỗi người cùng nâng cao tấm vải màu vàng để vào cúng dường dâng lên đức Phật (Ảnh 8, 9). Mọi người đi vào thật chậm rãi, mắt hướng về đức Phật, ai nấy đều không kềm nén được sự bồi hồi, xúc động trước di tượng của Ngài. Đoàn người đi giáp quanh, đến cuối chân Ngài, tự chia thành hai hàng và giãn ra theo chiều rộng tấm vải; họ đi dọc theo hai cạnh lan can, vừa đi vừa kéo dần tấm vải và nhẹ nhàng đắp y lên thân Ngài như sợ làm lay động giấc ngủ của đức Thế Tôn đang an nhiên tự tại (Ảnh 10). Mỗi người đều có cảm xúc chân thật như những đứa con Phật từ cách xa ngàn dặm nay đã kịp về đây tiễn biệt người cha chung từ bi, đức độ trong giờ phút lâm chung. Một dịp may hiếm có cho rất nhiều người trong đoàn, bởi không dễ gì được quay lại chốn này, nhưng do thời gian chiêm bái của mỗi đoàn không thể lâu hơn, phải dành cho các đoàn khác, nên lúc từ biệt ai nấy cũng không muốn đi vội trước sự chia ly quá đổi ngậm ngùi (Ảnh 11).

Hình 12, 13 & 14

Ra khỏi chùa Niết Bàn, chúng tôi đi khoảng 2km về hướng Đông để đến tháp Trà Tỳ. Ngày xưa, nơi đức Phật nhập Niết Bàn và tháp Trà Tỳ đều thuộc thánh tích Kushinagar, nhưng vì khu vực này quá rộng, nên sau này được chia thành hai khu vực để tiện quản lý, chăm sóc và bảo vệ tốt hơn. Tháp có hình khối như một nấm mộ khổng lồ, đường kính đáy khoảng 45m, cao hơn 15m (Ảnh 12); mặt ngoài được phủ kín bằng lớp gạch cổ, xếp liền nhau theo hàng ngang, bên trong là cốt đất nguyên thủy của một ngọn đồi thấp, có một góc “thân mộ” bị sụt bởi thiên nhiên khắc nghiệt và qua thời gian tồn tại nhiều thế kỷ, nên tạo một vết khuyết (như dấu cắt của dao phạm vào ổ bánh vậy). Đây là di tích gần như nguyên vẹn nhất, ít tốn công sức khai quật, trùng tu nhiều như các thánh tích khác, được các nhà khảo cổ tìm thấy chứng tích vào năm 1956, với rất nhiều di chỉ chứng minh niên đại và ký tự cùng thời, chứng tỏ đây là nơi làm lễ hỏa thiêu thân xác Phật sau khi nhập diệt. Chung quanh tháp hiện có một số tường móng và tháp nhỏ bằng gạch cũ, là những dấu tích ghi dấu các đệ tử thân cận nhất của đức Phật như ngài Ananda (A Nan), Mahakassapa (Ma Ha Ca Diếp), v.v… cùng ngồi đảnh lễ để tiễn biệt vị thầy sáng lập ra đạo pháp và tăng/ni đoàn. Kế cận có tám tháp nhỏ (Ảnh 13) tượng trưng cho tám quốc gia và bộ tộc của đại nước Ấn Độ được đón nhận xá lợi Phật từ thuở xa xưa.

Gần đó có một phế tích được trùng tu hoàn chỉnh, gồm một đế hình vuông, cạnh rộng khoảng 10m, tạo thành hai nấc cao khoảng 0,5m và 0,3m; phía trên là một mô đất cao khoảng 1,5m được tạo hình bằng đá, có các đường viền khép kín và chênh nhau (giống như các đường đồng mức trong mô hình kiến trúc được trưng bày); trên cùng là một tấm đá phẳng hình chữ nhật, kích thước 1,5×2,5×0,1m, đặt trang trọng ở phần giữa đỉnh đồi (Ảnh 14). Theo lời hướng dẫn viên: “tháp có tên là Matha Kuar, ghi dấu nơi đức Phật dành những ngày cuối cùng để nói những lời di huấn cho các môn đệ trước khi Ngài giã biệt cõi đời”. Theo lịch sử Phật giáo: Ngài nhập diệt vào đêm ngày rằm tháng hai âm lịch, trên tấm y được ngài A Nan giăng thành võng giữa hai cây Sala già cỗi; sau đó Ngài được các đệ tử tổ chức tẩm liệm thân xác Phật, nhưng phải chờ đến bảy ngày sau để ngài Ca Diếp kịp về dự tang lễ. Kim quan của Ngài được đưa lên tháp Trà Tỳ, đặt trên dàn cũi bằng gỗ trầm hương và thực hiện lễ hỏa táng theo nghi thức “Chuyển luân Thánh Vương” (tức “Vị Vua Thánh trên tất cả các vị Vua Thánh”). Tại đây, ngài Ca Diếp là người trực tiếp châm ngọn lửa đầu tiên, sau đó đến các trưởng lão Bà La Môn và các đệ tử Phật, chuyển hóa nhục thân đức Phật, tiễn đưa Ngài vào cõi Niết Bàn.

Ảnh 15 & 16

Rời khu Phật tích Câu Thi Na khi trời vừa chợp tối, chúng tôi đi tiếp đến nơi thờ vị sư Dona, trưởng lão của đạo Bà La Môn tại khu vực, người có vinh dự được đức Thế Tôn tín nhiệm, ủy quyền đứng ra đảm trách lễ hỏa táng và phân chia các phần xá lợi Phật đều nhau, nhằm tránh sự tranh chấp giữa các vương quốc và bộ tộc. Tại đây, có một miếu thờ màu trắng, nhỏ bé và thật giản đơn, không nhang đèn, hoa trái, với một pho tượng ngồi và hai cánh cửa hoa sắt sơn đỏ luôn mở rộng (Ảnh 15). Trong sân, phía trước có một bức bia ký được dựng năm 2012, ghi rõ tên tám vương quốc, bộ tộc được chia các phần xá lợi đức Phật, gồm: 1/ Đại vương Ajatasattu (A Xà Thế) thuộc nước Magadha (Ma Kiệt Đà); 2/ Bộ tộc Licchavi ở  Vesali (Tỳ Xá Ly); 3/ Bộ tộc Sakya (Thích Ca) ở Kapilavastu (Tân Ca Tỳ La Vệ); 4/ Bộ tộc Buli ở Allakappa; 5/ Bộ tộc Kollya ở Ramagama; 6/ Đạo Bà La Môn ở Vethadipa; 7/ Bộ tộc Malla ở Pava; 8/ Bộ tộc Malla ở Câu Thi Na (Ảnh 16). Sau đó, do phát sinh thêm hai phần nên bộ tộc Moriya ở Pipphalivana đành nhận một ít tro ở giàn hỏa thiêu và vị sư Dona chỉ giữ những gì còn sót lại trong bình đất đựng xá lợi Phật trước khi đem chia phần. Như vậy, có tất cả tám bình xá lợi và hai bình tro được tôn thờ, lưu giữ tại mười nơi khác nhau; trong đó bộ tộc Malla – là nơi đức Phật nhập diệt – nhận hai phần xá lợi chia đều cho hai nơi là Pava và Câu Thi Na.

Hành trình dẫn đến ước mơ

Tôi kết thúc chuyến “hành trình mơ ước” khi đến được chính miền đất Phật (từ Nepal đến Ấn Độ), thực hiện được lời di huấn cuối cùng của đức Phật khi nói về bốn thánh tích quan trọng nhất trong cuộc đời đức Thế Tôn (gồm: nơi đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, nơi đắc đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi chuyển pháp luân lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển và nơi nhập Niết bàn tại Câu Thi Na), với lời căn dặn người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính…”. Bài học về bảo tồn và phát triển di tích tại khu Phật tích Câu Thi Na chưa đem lại cho tôi ấn tượng nào mới lạ so với các khu Phật tích trước đó, ngoài sự cảm xúc sâu đậm tận đáy lòng mình khi có được những khoảnh khắc tiễn biệt bên đức Thích Ca Mâu Ni – dù chỉ là một pho tượng có niên đại cổ xưa.

Qua kết quả trải nghiệm thực tế mà tôi có duyên may được diện kiến trước hiện thực di sản kiến trúc từ miền đất Phật và câu chuyện văn hóa về lịch sử huyền thoại của cuộc đời đức Thích Ca, tôi nghĩ đến việc tái hiện các quần thể kiến trúc tiêu biểu, đại diện cho bốn khu Phật tích “tứ động tâm” tại Lâm Đồng. Hiện nay, nhiều cơ sở Phật giáo (chùa, tịnh xá) tại Việt Nam thường làm các khu tượng ghi dấu ấn tiêu biểu trong cuộc đời đức Phật; đặc biệt tôi đã đến Thiền viện Chánh Giác tại tỉnh Tiền Giang của Lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, tham quan khu quần thể “tứ động tâm” với tỷ lệ thu nhỏ 6/10 so với kích thước công trình thật (Ảnh 17&18) rất độc đáo, để du khách thập phương đến viếng – nhất là với những tăng, ni, Phật tử chưa có điều kiện đến vùng đất Phật xa xôi (Nepal, Ấn Độ).

Ảnh 17 & 18. Nguồn: Internet

Tôi đã đi thực tế nhiều cơ sở tôn giáo tại một số tỉnh thành trong cả nước, thăm hỏi kinh nghiệm một vài vị Lão Hòa thượng tại thành phố Đà Lạt, được biết khí hậu và thổ nhưỡng Đà Lạt hoàn toàn trồng tốt các cây Vô ưu, Sala, Bồ đề và tôi đã nhìn thấy những cây này trỗ hoa, kết trái tại đây. Vì vậy, tôi nghĩ: với điều kiện địa hình (núi đồi, sông suối), thiên nhiên ưu đãi (đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng), được du khách mến yêu (do an toàn, thân thiện)…, nếu có được một dự án khu du lịch văn hóa Phật giáo mang tên “Tứ động tâm tại Lâm Đồng”, bao gồm các thánh tích là những kiến trúc độc đáo (dù là phiên bản giống thật hay mô hình thu nhỏ theo mẫu từ Nepal, Ấn Độ); cùng với những khu vườn tượng lịch sử gắn liền với cuộc đời đức Thế Tôn (Ảnh 19, 20, 21 & 22), giữa một vùng không gian thiên nhiên sinh thái, chắc chắn sẽ khắc họa đậm nét đặc trưng văn hóa vùng miền, mang đậm dấu ấn tôn giáo Việt (nhưng không xa rời bản chất “phông” văn hóa Ấn xưa của thời đức Phật sinh tồn và được tôn vinh), tạo sức hấp dẫn thu hút du khách thập phương trong và ngoài nước.

Ảnh 19, 20, 21 & 22

Tôi nghĩ đến một mô hình dự án, hội đủ: một khoảnh vườn trồng hoa Vô ưu đủ rộng; khu rừng cây Sala đến mùa khoe sắc; vườn cội Bồ đề vững chãi, cùng với những chậu bonsai xinh xắn, thể hiện được những ký ức về cuộc đời đức Phật. Du khách sẽ có dịp đi thăm khu vườn thú (mở) mang tên “Lộc Uyển”, với những chú nai con ngơ ngác bên suối thác, thông reo; có thể đi dạo, cắm trại hoặc picnic giữa rừng Sala sinh thái vào những ngày nghĩ cuối tuần; dừng chân ngồi ngắm cảnh trong các nhà lều bên cạnh dòng nước cảnh quang, tượng trưng dòng sông “Ni Liên Thiền” xanh trong, với đàn cá Koi đủ màu đang quẩy lội… Tại khu vực trung tâm chính của dự án sẽ có một ngôi chùa Việt uy nghiêm, một nhà trưng bày văn hóa – lịch sử Phật giáo theo kiểu kiến trúc Tây nguyên mạnh mẽ… Dĩ nhiên, không thể thiếu các phân khu chức năng du lịch – nghỉ dưỡng, dịch vụ – thương mại với tiện ích đầy đủ và chất lượng cao, nhằm phục vụ nhu cầu du khách đa dạng, nhưng hoàn toàn tách rời và biệt lập với bốn phân khu tưởng niệm “Tứ động tâm”… Tôi nghĩ đến một giải pháp quy hoạch tổng thể xanh ngát (với rừng cây, mặt nước, thảm cỏ, vườn hoa) giữa một vùng khí hậu mát lành; cùng với những hạng mục kiến trúc thiết thực, sẽ tô đậm và làm tăng thêm giá trị cốt lõi của những di sản văn hóa – kiến trúc Phật giáo ấn tượng…

Từ những suy nghĩ chân thực của mình, tôi mơ đến ngày được góp phần chuyên môn, cùng các nhà đầu tư tâm huyết và tiềm năng, để chuyển tải ước mơ thành hiện thực trong một dự án “Tứ động tâm tại Lâm Đồng” thật sự khả thi; nhằm có một điểm đến “du lịch văn hóa – tâm linh” hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – du lịch cho địa phương, cải thiện đời sống dân sinh của vùng dự án và nhất là tạo thêm “duyên lành, phước báu” cho muôn người sau có được bốn khu Phật tích quan trọng nhất trong cuộc đời đức Phật, để đến “chiêm ngưỡng và tôn kính” – như lời đức Phật mong muốn./.

Kỷ niệm chuyến đi tháng 12/2018.
Viết xong tháng 5/2020 (PL. 2564)
Bài và ảnh: ThS.KTS. Trần Đức Lộc (Đà Lạt)
© Tạp chí kiến trúc


Tài liệu tham khảo:             

  • Câu Thi Na, hành trình cuối cùng của Phật (thuvienhoasen.org)
  • Tuệ và Giác ngộ (www.bsphamdoan.wordpress.com)