Trong 11 năm qua, Văn phòng (VP) Kiến trúc 1+1>2 đã thực hiện 45 dự án xã hội, trong đó có 18 dự án trường học trải từ đô thị đến các trường học ở vùng núi phía Bắc. Với những công trình này, KTS Hoàng Thúc Hào, KTS trưởng VP Kiến trúc 1+1> 2 chia sẻ: “Các dự án trường học vùng cao thực sự là những thách thức với KTS trong việc tạo ra các công trình có ý nghĩa xã hội – nhân văn, đồng thời thể hiện bản sắc văn hoá, thúc đẩy phát triển bền vững ở địa phương và những cộng đồng yếm thế. Tôi cho rằng KTS cần bản lĩnh “vén khéo” – trở thành hạt nhân kết nối các đối tượng, các nguồn lực xã hội….
P/v: Nhiều năm chung tay với các tổ chức xã hội thực hiện nhiều dự án thiện nguyện xây trường vùng cao, anh đánh giá thế nào về thực trạng thiết kế các điểm trường vùng núi hiện nay?
KTS Hoàng Thúc Hào: Theo TCVN 8793 : 2011, trong bán kính 2km quanh điểm dân cư tại các xã miền núi sẽ có một điểm trường. Nhưng thực tế, khoảng cách giữa các xã miền núi thường rất lớn, các điểm trường rất xa điểm dân cư. Địa hình đồi núi hiểm trở cùng thiên tai bão lũ khiến việc đến trường của trẻ em nơi đây gặp khó khăn hơn. Trên địa bàn này, các điểm trường cũ được xây từ rất lâu, trong điều kiện thiếu thốn tài chính, chất lượng và không gian học tập không đảm bảo. Phần lớn là công trình tạm bợ, chắp vá, thiếu diện tích và ánh sáng, xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Những dự án trường chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, nhiều nơi không có điểm trường, phải bắt tay làm từ đầu. Nơi khác thì lớp học s ập xệ, nguyện vọng của cư dân chỉ đơn giản là có lớp học khang trang cho các con. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và nhiều tổ chức xã hội đã xúc tiến, vận động xây những ngôi trường mới. So với trường cũ, quả thật trường mới khang trang, sáng sủa hơn. Nhưng đáng tiếc, những công trình này thường đơn điệu, rập khuôn và không có liên hệ với các yếu tố bản địa, thiếu vắng nhiều chức năng đa dạng cần có như không gian học nhóm, sân chơi, thư viện, nhà wc đạt chuẩn…
Cũng phải nói thẳng, trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, “đất diễn” cho KTS không nhiều, tiêu chí kiến trúc “thú vị” hay “bản sắc” dễ bị sa vào hình thức, nhiều công trình thực tế chúng tôi thực hiện chỉ dừng ở mức “duyên dáng”, ăn nhập với bối cảnh đã là tốt rồi. Phải “liệu cơm gắp mắm” để có những trường học thích dụng, đảm bảo các yếu tố thông thoáng, ánh sáng tự nhiên, vệ sinh sạch sẽ… Thực lòng, tôi nghĩ tiêu chuẩn xây dựng này kia rất khó áp dụng ở những khu vực đặc thù như thế.

P/v: Anh có thể chia sẻ với bạn đọc TCKT về một vài dự án trường học vùng cao tiêu biểu mà anh và các cộng sự đã thực hiện gần đây?
KTS Hoàng Thúc Hào: Như các bạn biết, từ 11 năm nay, VP 1+1>2 thực hiện nhiều dự án xã hội, trong đó có 18 dự án trường học vùng cao, trên thực tế đã đem lại những không gian tươi sáng, thiết thực, tạo ra niềm vui mỗi ngày đến trường cho trẻ nhỏ.
P/v: Từ thực tế thiết kế, anh có thể cho biết những khó khăn trong việc xây dựng trường học vùng cao?
KTS Hoàng Thúc Hào: Khu vực đồi núi chiếm ¾ lãnh thổ Việt Nam, phân bố rộng khắp các khu vực Tây Bắc, Trường Sơn và Tây Nguyên. Mỗi vùng có những điều kiện địa lý, dân cư, văn hóa khác nhau. Địa hình hiểm trở, giao thông tiếp cận khó khăn là thách thức lớn với KTS trong việc sáng tạo những giải pháp thiết kế, xây dựng thích hợp, thông minh.
Chính sách nhà nước cũng có vai trò quan trọng. Theo TCVN 8793 : 2011, “Tuỳ theo điều kiện địa phương, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường. Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học”. Tuy nhiên, các chính sách vẫn chung chung, chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể, ví dụ về quy mô hay các chỉ tiêu quy hoạch, thiết kế xây dựng. Rất cần thêm những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cũng như kiến trúc sư, kỹ sư tham gia vào việc chung tay xây trường. Những nghị định, biện pháp cụ thể nào cần đặt ra để huy động tối đa các nguồn lực xã hội? Nhất là khi nhà nước thiếu thốn, khó khăn cho việc đầu tư xây trường.
P/v: Và anh đã khắc phục những vấn đề này như thế nào?
KTS Hoàng Thúc Hào: Việc đầu tiên đối với mỗi dự án trường học vùng cao là chúng tôi tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ thực trạng từng khu vực, cùng địa phương đánh giá, tìm ra nguyên tắc phân bố trường hợp lý. Từ đó đề xuất số lượng điểm trường, lớp học cần thiết. Để dự án trường học khả thi, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ các yếu tố: bối cảnh, tâm lý và trình độ xây dựng của nhân công địa phương, giá thành vật liệu, giá nhân công…
Trong quá trình này, KTS là hạt nhân kết nối các đối tượng khác nhau, từ chính quyền, cộng đồng địa phương đến các nguồn lực xã hội. Đây cũng là cơ hội nghiên cứu tìm hiểu kiến trúc, văn hóa địa phương, từ đó đặt ra những thách thức mới cho thử nghiệm, đổi mới sáng tạo.
Kiến trúc trường học cũng như kiến trúc xã hội, trước hết là đáp ứng các nhu cầu sử dụng cấp thiết của cộng đồng, đồng thời mang lại không gian sử dụng, sinh hoạt thích ứng môi trường tự nhiên. Kiến trúc cộng đồng hướng đến tăng cường kết nối người dân, duy trì các hoạt động chung, các sinh hoạt văn hóa và tâm linh, góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hóa của từng khu vực. Những kiến trúc xã hội – cộng đồng tuy nhỏ, mang tính dân gian nhưng có tác động lâu dài, góp phần vào việc giáo dục thế hệ tương lai. Yếu tố then chốt là tôn trọng bối cảnh, tính kinh tế, sử dụng vật liệu truyền thống cùng những công nghệ đổi mới thích hợp, không gian – cấu trúc linh hoạt và vai trò địa phương.

P/v: Cảm ơn anh về những chia sẻ của mình. Chúc anh và các cộng sự tiếp tục thành công với các dự án dành cho cộng đồng, đem lại tác động tích cực dành sự quan tâm cho các cộng đồng khó khăn ở vùng sâu, vùng xa của đất nước!
Nhật khuê
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)