KTS Lưu Hướng Dương – “Vì một nền kiến trúc thân thiện, lành mạnh và gần gũi với thiên nhiên”.

“Kiến kiến trúc phải mang hơi thở của cuộc sống, nơi nó được xây dựng dựa trên các đặc điểm văn hóa, khí hậu, địa hình…. Thông qua các công trình, chúng tôi mong muốn mang đến cho mọi người một môi trường sống và làm việc thân thiện, lành mạnh và gần gũi với thiên nhiên”. Đó là quan điểm sáng tác KTS Lưu Hướng Dương đã luôn theo đuổi và thể hiện trong các tác phẩm của mình, từ Nhà ga hàng không Liên Khương đến Khu nghỉ dưỡng Phi Lao – Vũng Tàu… Với Nhà ga hàng không Liên Khương, tác giả đã thành công trong việc khai thác bản sắc văn hóa địa phương, trong một thiết kế hiện đại, công trình đáp ứng nhu cầu sử dụng và mang ý nghĩa biểu tượng cao. Hội đồng GTKTQG 2010 đã thống nhất trao Giải Nhất cho nhóm tác giả: KTS Lưu Hướng Dương, Trần Trung Vương, Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phan Đình Kha thuộc Công ty Xây dựng kiến trúc miền Nam (ACSA).
KTS Lưu Hướng Dương: Chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng khi được biết Công trình Nhà ga hàng không Liên Khương đạt Giải Nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG 2010). Chúng tôi xin cảm ơn Chủ đầu tư là Tổng Công ty Cảng Hàng Không Miền Nam đã tin tưởng giao cho chúng tôi thiết kế công trình này! Cảm ơn tất cả các đồng sự trong nhiều lĩnh vực đã tham gia cùng chúng tôi để cho dự án hoàn thành tốt đẹp!.
Phóng viên (PV): Công trình Nhà ga Hàng không Liên Khương đã khánh thành và đi vào sử dụng từ nam 2009. Ông có thể giới thiệu đôi nét về ý tưởng nổi bật trong thiết kế của công trình này?
KTS Lưu Hướng Dương: Nếu đã từng ghé thăm Đà Lạt vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm, bạn sẽ thấy sắc hoa vàng rực rỡ giữa không gian và thời tiết tuyệt vời, lay động mọi cảm xúc. Một KTS trong nhóm thiết kế, quê ở Đà Lạt đã đề nghị đưa hoa Dã Quỳ – loài hoa mộc mạc, đầy sắc hương làm ý tưởng chung cho phương án thiết kế Nhà ga hàng không Liên Khương. Cùng với việc tìm hiểu thêm về vật liệu sử dụng, màu sắc của vật liệu cũng như các giải pháp kỹ thuật để có thể thực hiện ý tưởng hình cánh hoa… đã đưa chúng tôi tới quyết định ngôn ngữ kiến trúc của Nhà ga như các bạn đã thấy. Cũng xin nói thêm, vào đúng mùa hoa đi trên con đường dẫn vào nhà ga Liên Khương bạn sẽ thấy cả một cánh rừng hoa Dã Quỳ đang khoe sắc rất ấn tượng.
Về hình thức kiến trúc, Nhà ga Liên Khương được thiết kế theo dây chuyền chung của một nhà ga hàng không, các luồng giao thông  được tổ chức một cách hợp lý, hài hòa với phía trước là sảnh đưa và đón chung. Mặt bằng của nhà ga được thiết kế theo hướng mở nhưng đảm bảo các quy trình thủ tục hành khách đi và đến, an ninh, giao nhận hành lý… Ở đây, ý tưởng cánh hoa Dã Quỳ màu vàng rực nổi lên giữa khung cảnh thiên nhiên, trở thành phương án mái và mặt đứng chính cho công trình. Khu sảnh được thiết kế cao và rộng rãi, tạo vẻ bề thế, không gian thoáng đãng cho nhân viên cũng như hành khách. Toàn bộ hệ thống mái khu sảnh đón được chuyển từ mặt đất đến độ cao 18m, uốn cong theo 2 phương, và được cách điệu như cánh chim câu. Hệ thống đèn chiếu sáng được mô phỏng hình dáng cây thông, cây tùng – loại cây đặc trưng của vùng cao nguyên.
Kết cấu công trình chính là bê tông cốt thép, kết hợp với giàn thép không gian có khẩu độ tương đối lớn, vật liệu lợp mái là loại nhôm có đặc tính kỹ thuật cao được thi công lắp đặt bằng một loại máy chuyên dụng có thể uốn theo nhiều phương khác nhau tạo nên hình cánh hoa, cánh chim. Các loại vật liệu cao cấp được sử dụng để hoàn thiện và có sự cân nhắc, chọn lựa, tăng tính bền vững và thẩm mỹ của công trình.

PV: Được biết, ngoài công tác nghề nghiệp, Ông và các cộng sự còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội KTS TP Hồ Chí Minh. Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, theo Ông chúng ta cần làm gì để nâng cao vai trò của Hội Kiến trúc sư ?
KTS Lưu Hướng Dương: KTS chúng ta, ngoài công việc chuyên môn đang đảm nhận nên cố gắng có những đóng góp tốt nhất trong khả năng có thể cho hoạt động của Hội KTS, cùng nhau tạo ra những sân chơi chung trong hoạt động nghề nghiệp, cũng như trong các sinh hoạt khác để mọi thành viên đều tham gia và cùng gặt hái những thành quả từ đó. Sự góp của các thành viên sẽ làm cho vai trò của Hội KTS ngày càng được nâng cao. Đồng thời các KTS chúng ta cũng cần phải chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, có tinh thần tập thể, sự đoàn kết cao trong công tác hành nghề, và phải có bản lĩnh để hạn chế những thỏa hiệp có thể lam xấu đi hình ảnh người KTS. Giải quyết được những vấn đề trên, giới KTS chúng ta mới có thể nâng cao vai trò và vị trí của mình trong xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Hương thực hiện