KTS Nguyễn Xuân Minh: “Một ngôi trường tốt phải lấy học sinh làm trung tâm cho mọi không gian”

Trong số các tác giả – tác phẩm được tôn vinh tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018-2019, Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị (KTS Nguyễn Xuân Minh – Công ty CP Kiến trúc BHA) được Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao và nhận được Giải Bạc (dành cho hạng mục công trình trường học bệnh viện) – Bởi giải pháp thiết kế tốt, không còn máy móc, dập khuôn theo mô hình cũ mà đi theo xu hướng tiến bộ, ngôn ngữ kiến trúc chắt lọc, không rườm rà, làm tăng thêm tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng của công trình, đem lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư. Trong số Chuyên đề đặc biệt, TCKT đã có cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Xuân Minh về Thiết kế – Kiến trúc trường học. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Trường Quốc tế Bắc Mỹ SNA Biên Hòa

Phóng viên (P/v): Trường liên cấp Ischool Quảng Trị có phải công trình trường học đầu tiên anh thiết kế?

KTS Nguyễn Xuân Minh: Ngôi trường đầu tiên tôi thiết kế là trường Hue Star được xây dựng cách đây khoảng 15 năm, khi đó tôi còn rất trẻ (hiện tại tôi cũng đang phụ trách thiết kế mở rộng, nâng cấp ngôi trường này sau khi được một tập đoàn giáo dục đầu tư). Bẵng đi một thời gian rất dài sau đó tôi mới nhận thiết kế trường Ischool Quảng Trị. Đây là một ngôi trường nằm ở vùng đất khắc nghiệt với khí hậu và điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Công trình khai thác tối đa giải pháp kiến trúc thụ động để thông gió chiếu sáng tốt nhằm tạo một môi trường học tập tiện nghi trong điều kiện kinh phí đầu tư thấp nhưng vẫn có kiến trúc hiện đại, ấn tượng.

P/v: Được biết sau công trình này, anh “bén duyên” với thể loại công trình trường học, anh có thể nói thêm về những công trình này không? Theo kinh nghiệm của anh, thiết kế trường học cần chú ý nhất điều gì?

KTS Nguyễn Xuân Minh: Sau thành công ban đầu của Trường Ischool Quảng Trị, tôi đã thiết kế một số trường học ở Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa… Ở mỗi địa phương, tôi đều phải nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu, bối cảnh và văn hoá mỗi vùng để đưa ra các thiết kế phù hợp. Tôi thường gọi đó là “hồn” nơi chốn của công trình. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất khi thiết kế các công trình trường học là phải tạo được các không gian để tăng sự tương tác, tăng kết nối giữa giáo viên và học sinh, giữa các học sinh với nhau và tương tác giữa học sinh với môi trường. Do đó, ngoài các không gian phòng học, mỗi ngôi trường do tôi thiết kế đều có những khoảng mở, nhiều không gian đệm và không gian xanh.

P/v: Việc dung hòa những quy chuẩn thiết kế trường học, chương trình dạy và học theo chuẩn mới và dây chuyền công năng, bản sắc kiến trúc … được anh xử lý trong những công trình của mình như thế nào?

KTS Nguyễn Xuân Minh: Thiết kế trường học là một hạng mục khó, phải đảm bảo nhiều quy định về mật độ, diện tích, ánh sáng, thông gió, tia nhìn, an toàn …. Ngoài ra, còn phải phù hợp với các quy trình giảng dạy luôn được đổi mới, do đó thiết kế trường cũng phải có sự linh động, dễ biến đổi. Các trường quốc tế tôi đang thiết kế có quy trình giảng dạy khác các trường công lập. Các ngôi trường này thường có nhiều các hoạt động ngoài khóa, hoạt động nhóm và học sinh luôn luôn di chuyển giữa các tiết học, thầy cô giáo sẽ ở phòng học cố định còn học sinh sẽ di chuyển đến lớp học mình đăng ký, do đó dây chuyền và bố trí giao thông sẽ phức tạp hơn. Mặt khác, các trường này còn có nhiều các công năng khác như các tiện nghi phục vụ học tập bổ sung, khu nội trú với nhiều tiện nghi, hệ thống kỹ thuật, an ninh, an toàn … với tiêu chuẩn rất cao mà kiến trúc phải đáp ứng.

Về yếu tố bản sắc thì mỗi một công trình tôi đều nghiên cứu tính nơi chốn, đó là lối sống, văn hoá, khí hậu, cảnh quan để công trình phù hợp với địa phương. Trường học là nơi đào tạo tri thức và nhân cách cho học sinh nên công trình đề cao tính địa phương qua kiến trúc tôi nghĩ sẽ rất tốt cho tình yêu quê hương của các em.

P/v: Anh có thể chia sẻ với bạn đọc TCKT về tâm tư gửi gắm trong thiết kế những ngôi trường với những không gian nhiều cảm xúc, tràn đầy nắng – gió và hơi thở của tự nhiên?

KTS Nguyễn Xuân Minh: Không có gì tốt hơn việc trẻ em được lớn lên trong môi trường tự nhiên, được giáo dục trong môi trường tự nhiên, được vận động cả thể chất và tư duy một cách tự nhiên nhất. Tôi đang thiết kế một số trường học do Tập đoàn NHG đầu tư, với những khái niệm giáo dục nhân văn. Các thiết kế trường học của tôi đều hướng đến điều này, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi không gian. Tôi nghĩ một ngôi trường đáp ứng được những yếu tố đó là ngôi trường tốt!

P/v: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Hy vọng sẽ ngày càng nhiều hơn những ngôi trường tốt với học sinh là trung tâm của mọi không gian!

Trúc Linh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)