NH VILLAGE: Kiến trúc vì môi trường, con người và cái đẹp

KTS Trần Đại Nghĩa (ảnh trái), KTS Nguyễn Phương Hiếu (ảnh phải)

Được thành lập năm 2012 với hai gương mặt KTS trẻ được đào tạo từ Nhật Bản: Trần Đại Nghĩa và Nguyễn Phương Hiếu, thiết kế kiến trúc của NH VILLAGE lấy con người làm trung tâm, xuất phát từ việc quan sát những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống, từ đó đề xuất những không gian vừa cải thiện môi trường sống, vừa giúp con người cảm nhận và đối thoại với thiên nhiên và các giải pháp thiết kế tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió, nước mưa….

Trong các giải pháp kỹ thuật, NH VILLAGE luôn tìm kiếm các loại vật liệu thân thiện, đồng thời nghiên cứu các phương pháp sử dụng mới để tối ưu hóa đặc tính vật liệu, kết hợp với phát triển các biện pháp thi công tương ứng.

TCKT số này trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những chia sẻ của hai thành viên sáng lập NH VILLAGE và những công trình độc đáo của họ trong thời gian qua.

Nói đến tầm nhìn về kiến trúc khi hành nghề tại Việt Nam, chúng tôi luôn nhớ lại câu nói của người Thầy hướng dẫn chúng tôi tại Nhật Bản GS.KTS Hiroshi Naito trong lần nói chuyện tại Đại học Xây dựng năm 2013: “Chúng ta hay nhìn các thành phố lớn Tokyo, London, hay New York như là các trung tâm của thế giới nhưng chỗ chúng ta đang đứng cũng có thể là trung tâm của thế giới”. Như vậy, ở bất kì địa điểm nào, việc chúng ta giải thích hay nhận thức các điều kiện tiền đề cho thiết kế là rất quan trọng, tất cả đều chứa đựng những tiềm năng để kiến tạo một công trình có ý nghĩa. Những yếu tố gợi ý cho công trình đều rất đa dạng, từ bối cảnh lịch sử địa lý, từ công năng vận hành, từ các vật liệu là thế mạnh của địa phương… Ngoài ý tưởng thiết kế, KTS cần vận động và phát huy sáng tạo các lực lượng xã hội tiềm ẩn trong chủ đầu tư, nhà thi công, nhà cung cấp…để công trình đi vào hiện thực.

Ở Việt Nam, do điều kiện lịch sử để lại, chúng ta còn lại ít các công trình có lịch sử trên vài trăm năm nên rất khó khăn cho thế hệ sau có được cái nhìn tổng quan về di sản thế hệ trước để lại. Việc kế thừa và phát triển nền kiến trúc nước nhà có nhiều chỗ đứt quãng. Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu về hình thức sinh hoạt của người Việt ở các vùng miền khác nhau, đặc biệt là ở các ngôi làng truyền thống, hoặc hình thức nhà ống trong đô thị. Chúng tôi hiện nay tập trung nhìn sâu vào các yếu tố khí hậu hoặc vật liệu địa phương bền vững, đồng thời nhận thấy có rất nhiều yếu tố về văn hóa có thể kế thừa được để truyền tải vào kiến trúc. Nếu kiến trúc là để phục vụ cuộc sống con người thì bằng việc quan sát các điều kiện tự nhiên và các cấu trúc văn hóa xã hội đặc trưng, chúng tôi hướng tới đề xuất các hình thức kiến trúc độc đáo phục vụ cộng đồng.

Giới thiệu các công trình tiêu biểu

Nhà cho Mưa

Thông tin công trình

  • Địa điểm: Hưng Yên
  • Diện tích: 210m2
  • Thiết kế: NH VILLAGE
  • Năm hoàn thành: 2017

Ý tưởng của thiết kế của ngôi nhà xuất phát từ việc tận dụng tối đa nước mưa làm nước sử dụng đồng thời tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên khác như ánh sáng và gió vào ngôi nhà. Mái của nhà được thiết kế giật cấp và vừa tạo ra các khớp nối tạo thành MÁNG THU NƯỚC mưa vừa tạo thành các cửa sổ lớn giúp lấy gió và ánh sáng. Các bể nước mưa và hệ thống đường ống thu nước để lộ trong nhà, gợi nhớ về cảnh quan của những góc sân có những bể nước mưa ở dưới hiên nhà ở vùng nông thôn lân cận.

Nhà hàng KIMONO

Thông tin công trình

  • Dự án mở rộng nhà hàng Nhật Bản KIMONO, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
  • Diện tích: 210m2
  • Thiết kế: NH VILLAGE
  • Năm hoàn thành: 2016

Lấy gợi ý từ vật liệu và cách đan tạo thành những chiếc đèn mây tre đan truyền thống ở Việt Nam, thiết kế sử dụng các thanh tre vót đan lại với nhau tạo lên vật liệu chủ đạo trong công trình. Vật liệu này được sử dụng làm vách, hệ cửa, trần, lan can. Kích thước và tỉ lệ đan các thanh tre được nghiên cứu sao cho vừa đảm bảo chức năng ngăn cách nhưng nhẹ nhàng, uyển chuyển. Việc vận dụng tối đa các kỹ năng sẵn có của các thợ thủ công chuyên làm đèn và các vật dụng thủ công mỹ nghệ sang các cấu kiện kiến trúc lớn trở thành một thử nghiệm thú vị.

Thuyền Nam Bình (2020)

Thông tin công trình

  • Dự án: Thuyền du lịch trên sông Hương, Huế
  • Diện tích: 105m2
  • Thiết kế: NH VILLAGE
  • Năm hoàn thành: 2019

Thuyền được thiết kế để đa dạng hóa trải nghiệm văn hóa và tự nhiên cho khách du lịch đến với thành phố di sản Huế. Tổng thể hình ảnh của thuyền nhấn mạnh vào mái với hình dáng là đường cong đơn giản nhưng tinh tế, màu sắc dùng tông trầm. Nhìn từ trên cao hoặc từ trên bờ sông ta thấy như hình ảnh như một chiếc lá đậu trên dòng sông, hài hòa với cảnh quan xung quanh, song cũng gợi lên hình ảnh của những mái nhà truyền thống ở xứ Huế. Trên thuyền sử dụng nhiều vật liệu như gỗ, cót tre tạo cảm giác thân thiện ấm cúng.

Nhà X

Thông tin công trình

  • Địa điểm: Phú Thọ
  • Diện tích: 450m2
  • Thiết kế: NH VILLAGE
  • Năm hoàn thành: 2020

Ở khu vực nông thôn điển hình ở Phú Thọ, ngôi nhà được thiết kế để làm nơi thờ tự và là nơi nghỉ cho các thành viên ở thành phố khi về quê.

Ý tưởng sử dụng vật liệu gỗ Xoan truyền thống làm vật liệu chủ đạo, một vật liệu thân thiện với nhiều khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ để tạo nên một ngôi nhà sinh thái, kết nối hài hòa với cảnh quan làng xóm xung quanh. Xoan là loại gỗ có vòng đời sinh trưởng nhanh và dễ trồng, bền khi được xử lý, việc sử dụng vật liệu này với mục đích định hướng sử dụng gỗ trong kiến trúc một cách bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn gỗ quý đang ngày càng cạn kiệt.
Với diện tích đất rộng 1200m2, được bao quanh bởi cảnh quan thôn quê gần gũi, công trình được thiết kế Vườn – Sân – Nhà đan xen, giao thông trong nhà được bố trí zigzag, vừa kết nối các không gian chức năng, vừa tạo cảm giác như đi dạo trong nhà.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)