Pavilion tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 – Đối thoại để bền vững

Thực hiện cam kết với UNESCO khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu về lĩnh vực Thiết kế, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đã trở thành hoạt động được tổ chức thường niên của thành phố Hà Nội mỗi dịp cuối năm. Lễ hội lần thứ 4 đã được tổ chức từ ngày 9 đến 17 tháng 11 năm 2024.

Với nguồn quỹ di sản kiến trúc – đô thị dồi dào và có giá trị cao, Hà Nội có một bệ đỡ quá khứ tốt để xây dựng hình ảnh về một Thành phố Sáng tạo hấp dẫn, nổi trội về lĩnh vực Thiết kế mà trong đó lấy trọng tâm là Kiến trúc. Trải qua 4 kỳ tổ chức, có thể thấy rất rõ việc chọn lựa địa điểm diễn ra lễ hội đều gắn liền với các di sản của Hà Nội như di sản kiến trúc khu 36 Phố Phường (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm), di sản cảnh quan đô thị (khu vực quanh Hồ Gươm), di sản kiến trúc công nghiệp (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm), di sản kiến trúc thời Pháp thuộc (Tháp nước Hàng Đậu, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Nhà hát lớn Hà Nội, Đại học Dược, Nhà khách Chính Phủ) và di sản kiến trúc thời Hiện đại (Cung Thiếu Nhi Hà Nội cũ). Điều này tạo ra những đối thoại thú vị giữa cái mới và cái cũ; mở cơ hội cho các kiến trúc sư, nghệ sĩ, nhà làm sáng tạo có dịp tương tác trực tiếp với các công trình di sản mà bình thường hiếm khi có thể tiếp cận.

Với việc xác định Kiến trúc là thế mạnh và cũng là lĩnh vực trọng tâm trong xây dựng Thành phố Sáng tạo, việc tạo ra các pavilion – những cấu trúc kiến trúc mới ứng xử với mỗi địa điểm di sản, đồng thời nêu bật tính sáng tạo đương đại là không thể thiếu trong mỗi kỳ tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo. Ở năm thứ nhất 2021, do vẫn còn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tổ chức các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế nên Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo khi đó chưa xuất hiện những cấu trúc pavilion xây dựng mới mà chính bản thân công trình Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (trước đây là Hội quán Quảng Đông, vừa được hoàn thành quá trình bảo tồn, trùng tu khi đó) đã đóng vai trò của một Pavilion kiến trúc để chứa đựng trong đó rất nhiều trưng bày, triển lãm, workshop, tọa đàm và trình diễn nghệ thuật.

Năm 2022 là năm đầu tiên thành phố mời các KTS trẻ tham gia sáng tạo những cấu trúc mới với 3 pavilion ngoài trời: Pavilion “Cổng Sáng tạo” – KTS Lê Quang Thạch; Pavilion “Không gian Truyền thống” – KTS Nhâm Chí Kiên và Pavilion “Không gian Hội nhập” – KTS Nguyễn Hồng Quang được đặt lần lượt ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà Bát giác vườn hoa Chí Linh, bờ Hồ Gươm đoạn đối diện UBND thành phố Hà Nội. Đến kỳ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thì chỉ có duy nhất Pavilion “Bến Chờ” do KTS Lê Quang Thạch thiết kế được đặt ở ngoài trời, 3 cấu trúc còn lại đều được đặt bên trong một cấu trúc hiện hữu: đó là Pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” – KTS Nguyễn Hồng Quang được đặt bên trong Phân xưởng nóng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; Pavilion Triển lãm “Kiến trúc, Nhà máy và vẽ (lại) Giấc mơ hiện đại” – KTS Mai Hưng Trung cũng được đặt trong một nhà kho thuộc Phân xưởng nóng và Pavilion Triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu” – KTS Cao Thế Anh là một cấu trúc giao thông được cấy vào bên trong của Tháp nước Hàng Đậu. Tất cả những cấu trúc trên đều đã tạo được tiếng vang và gây được sự thu hút lớn đối với công chúng đến với Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Riêng Pavilion Triển lãm “Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu” đã đón 30.000 lượt khách tham quan trong 9 ngày mở cửa. Dựa vào những con số thống kê ấn tượng về lượt khách tham quan của mỗi kỳ lễ hội Thiết kế sáng tạo, có thể khẳng định các pavilion đã đạt được thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, giống như ở nhiều sự kiện có tính kỳ cuộc ngắn ngày, các pavilion thường được tính toán thiết kế thi công để chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn phục vụ Lễ hội sau đó lại tháo dỡ để trả lại mặt bằng nguyên trạng. Việc này rõ ràng đã gợi lên những suy nghĩ nuối tiếc hay cảm thấy lãng phí về công sức thiết kế, kinh phí xây dựng cũng như giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ hiện hữu. Vì lý do đó, từ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo về việc cần có sự tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu để tránh tối đa những lãng phí không đáng có, trong đó có việc xem xét tiếp tục kéo dài thời gian sử dụng tại chỗ của các pavilion hoặc di chuyển ra một vị trí công cộng mới có tính ổn định hơn để tiếp tục phát huy giá trị lâu dài hoặc xem xét tận dụng nguyên vật liệu cho Lễ hội năm sau hay các công việc khác. Đây có thể nói là một thách thức lớn đối với các kiến trúc sư khi vừa phải cân đối giữa kinh phí đầu tư hạn chế, thời gian thi công tại hiện trường rất ngắn nhưng công trình vẫn phải đảm bảo được các đòi hỏi về công năng, tính sáng tạo, thẩm mỹ, tính bền chắc để chịu được lượng tương tác lớn trong thời gian lễ hội, vừa có khả năng sử dụng tiếp an toàn sau lễ hội hoặc có những thiết kế thông minh để dễ dàng tách khối, vận chuyển đi nơi khác. Và một yếu tố tiên quyết thách thức các kiến trúc sư đó là phải tìm ra một thiết kế phù hợp, ứng xử khéo léo với những bối cảnh di sản kiến trúc đặc biệt được chọn lựa ở kỳ Lễ hội lần thứ 4 này: Cung Thiếu nhi Hà Nội (cũ), Nhà khách Chính phủ và Vườn hoa Diên Hồng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Pavilion “Hành lang Thơ ngây”

Tên gọi “Hành lang Thơ ngây” được các KTS của nhóm Gian Giữa lấy cảm hứng từ “Ấu Trĩ Viên” (có nghĩa là Vườn trẻ) – cách gọi cũ từ thời Pháp thuộc của Cung Thiếu nhi Hà Nội. Gian Giữa là một nhóm các KTS đến từ nhiều văn phòng khác nhau mong muốn tạo ra một không gian chung để thảo luận về kiến trúc và đô thị được khởi xướng bởi 5 thành viên: KTS Nguyễn Hà Thắng, KTS Nguyễn Bá Dũng, Ths KTS Nguyễn Lê Minh Nhựt, Ths KTS Nguyễn Mạnh Tuấn, Ths KTS Lê Đức. Nhóm thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, các workshop nghiên cứu và thực hành về kiến trúc, đô thị; đi kèm với trưng bày các kết quả đạt được. Pavilion “Hành lang Thơ ngây” cũng là một hoạt động kết hợp giữa nghiên cứu và thực hành chung của nhóm.

Qua phân tích hiện trạng tổng thể các công trình trong khuôn viên của Cung Thiếu nhi ở 36-38 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, các KTS đã chú ý đến hệ thống hành lang kết nối các công trình gồm tòa Ấu Trĩ Viên được xây dựng từ thời Pháp, khối nhà chức năng 6 tầng và rạp Khăn Quàng Đỏ do KTS Lê Văn Lân thiết kế vào gian đoạn 1974-1976 và trong mỗi công trình đó lại có các hệ hành lang khác được thiết kế giữa các lớp học, giữa các phòng ban, ngăn cách với lớp mặt tiền để kiểm soát khí hậu. Những tuyến hành lang của sự đã từng, sự cũ và sự mới đều hiện hữu. Theo thống kê, trong gần 60 năm qua, đã có gần 30 triệu lượt trẻ em tới tham gia sinh hoạt và vui chơi với hơn 80 bộ môn và câu lạc bộ ở nơi đây. Những hành lang này hẳn là nơi ghi dấu mạnh mẽ nhất cái dòng chảy chuyển động, dòng chảy ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của biết bao thế hệ người dân Hà Nội.

Bằng thủ pháp khai thác một lưới hình học ẩn được tạo ra bởi các hệ thống hành lang này, các kiến trúc sư đã làm động tác phóng chiếu, kéo dài dường như tới vô tận các hệ hành lang đó ra khu vực sân chung lớn. Những hành lang in dấu những thời kỳ khác nhau được cho cùng hội tụ, giao cắt ở vị trí ngay trước mái sảnh đón của khối nhà 6 tầng; từ đó là tiền đề hình thành hình thái của Pavilion “Hành lang Thơ ngây”. Sự mở rộng của Hành lang ấu trĩ gợi nhắc về sự phát triển và kế thừa liên thế hệ. Phần giao của các tuyến hành lang trở thành những khối kiến trúc chính, tạo ra điểm dừng chân để nhìn lại những hành lang cũ – mới đan liên. Với thiết kế này, Hành lang Thơ ngây không hàm ý chia cắt, phân biệt bên trong-bên ngoài, hay các khối kiến trúc mới-cũ, mà trở thành một không gian để kết nối, tạo điều kiện cho cả trẻ con và người lớn, những lớp thế hệ khác nhau đều có cơ hội để chơi, để xem trưng bày, để học hỏi, để trò chuyện và tương tác. Công trình là một tổ hợp gồm 4 khối kiến trúc có mặt bằng hình tam giác vuông quây quanh một sân trải cát ở trung tâm, tạo ra một không gian giàu tính tương tác. Với trẻ em thì đó có thể là sân vầy cát, leo lên, trượt xuống. Khi khác, không gian này có thể trở thành một sân diễn nhỏ có khán đài. Ở một trạng thái tĩnh hơn, nơi đây lại trở thành một sân trong hướng nội, một vườn thiền tâm tưởng. Các hành lang được phóng chiếu xuyên cắt qua các khối kiến trúc tạo ra nhiều góc nhìn và tương tác thú vị, như những con phố trên mặt đất cũng như trong suy nghĩ. Các lối đi có nhiều chỗ khá thấp và hẹp, ưu tiên phù hợp với kích thước cơ thể của trẻ em, kích thích sự tương tác, khám phá; tạo ra một cấu trúc hoàn hảo để chơi trốn tìm. Đi qua những hành lang này, trẻ em như bước vào một sân chơi bí mật, được “Thơ ngây” nô đùa chơi cầu trượt, vầy cát mà không còn bị ảnh hưởng bởi những ồn ào bên ngoài.
Để giải quyết bài toán tương lai của Pavilion “Hành lang Thơ ngây” sau khi Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 kết thúc, một giải pháp rất thông minh đã được đưa ra đó là tách công trình thành 5 khối có thể di chuyển độc lập với nhau. Các kiến trúc sư đã khéo léo chọn lựa kích thước các khối thành phần, tách nhỏ khối lớn nhất thành 2 phần vừa phải để có thể chở bằng sàn phía sau xe tải. Các khối được kết cấu từ khung thép hộp đảm bảo độ nhẹ và chắc chắn, bên dưới hàn cố định những bánh xe công nghiệp chịu tải lớn để vừa đáp ứng được lượng người tương tác khổng lồ trong thời gian lễ hội, vừa dễ dàng tách khối, di chuyển, xoay trở bằng sức của một nhóm người và có thể sử dụng cẩu nâng hạ hay di chuyển toàn khối bằng xe tải sang một địa điểm khác sau Lễ hội mà không phải cắt nhỏ.

Thực tế cho thấy những tính toán của nhóm kiến trúc sư Gian Giữa đã thành công theo đúng kịch bản. Sau 9 ngày phục vụ Lễ hội hết công suất thì Pavilion “Hành lang Thơ ngây” đã được cẩu từng khối nguyên lên các xe tải chuyển về khu đô thị Splendora để tiếp tục phục vu cộng đồng.

Pavilion “DÒNG”

Nhà khách Chính Phủ hay thường gọi là Bắc Bộ Phủ, trước đây là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, được xây dựng từ năm 1918-1919 theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển kiểu Pháp có pha trộn một phần thẩm mỹ Art Nouvo ở chi tiết mái sảnh. Công trình ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên tại Hà Nội năm 1945, kết thúc bằng dấu son lịch sử Tiếp quản Thủ Đô năm 1954. Là một trong những công trình di sản chính được tôn vinh tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Bắc Bộ Phủ lần đầu tiên được mở cửa đón nhân dân vào tham quan. Nhiệm vụ thiết kế một pavilion đối thoại với khuôn viên có nhiều yếu tố phải cân nhắc của Bắc Bộ Phủ là một thử thách lớn đặt ra với TS. KTS Trương Ngọc Lân – Phó trưởng Khoa Kiến trúc Quy hoạch trường Đại học Xây dựng Hà Nội và KTS Nguyễn Hồng Quang – Trưởng văn phòng TOOB Studio, cũng là Kiến trúc sư trưởng của Lễ hội.

Một chi tiết ít người biết là ở khuôn viên phía trong của Bắc Bộ Phủ có một đài phun nước hình tròn được xây về sau này với 8 con cóc bằng gốm quây quanh. Đây là sự nhắc lại của đài phun nước ở vườn hoa Diên Hồng phía đối diện được xây dựng từ năm 1901 với 8 con cóc bằng đồng nổi tiếng mà từ lâu đã tạo thành tên gọi quen thuộc “Vườn hoa Con Cóc”. Liên hệ thú vị Trước-Sau này đã gợi ý cho kiến trúc sư ý tưởng tạo một kết nối từ trước ra sau theo trục công trình Bắc Bộ Phủ, kết nối 2 đài phun nước “con cóc”. Đó là kết nối của dòng chảy Lịch sử, của dòng người tràn vào Bắc Bộ Phủ cướp chính quyền năm 1945. Từ một biểu tượng di sản về lòng yêu nước của con người Thủ đô, các kiến trúc sư đã tìm kiếm sự kết nối mới mẻ và sáng tạo với các không gian lịch sử kề cận, lấy Bắc Bộ Phủ làm nhân vật trung tâm nhưng không tác động trực tiếp hoặc sử dụng một cấu trúc kết nối vật lý mà tạo kết nối bằng thị giác từ Vườn hoa Diên Hồng xuyên qua sảnh chính Bắc Bộ Phủ sang đài phun nước phía sau.

Với tính toán trên, các kiến trúc sư đã tìm cách tạo ra cấu trúc đầu tiên của Pavilion “DÒNG” đặt tại Vườn hoa Diên Hồng mà ở đó có một điểm đứng được nâng cao bằng với sảnh tầng 1 của Bắc Bộ Phủ để từ đó có thể nhìn xuyên qua không gian sảnh trung tâm của công trình lịch sử và nhìn sang được đài phun nước ở phía sau. Đáng tiếc là trong thời gian diễn ra Lễ hội thì đài phun nước ở Vườn hoa Diên Hồng đang được quây tôn, hạ giải để trùng tu; chỉ có thể quan sát qua một ô cửa sổ kính. Lúc này cấu trúc thứ nhất của Pavilion “DÒNG” đóng vai trò như một trạm tiếp sóng, kết nối 2 đài phun nước bằng thị giác. Với mục tiêu đơn giản là tạo được một điểm đứng trên cao để từ đó mọi người có thể quan sát cả 2 đài phun nước, KTS Nguyễn Hồng Quang đã cân nhắc tiết chế tối đa hình thức của Pavilion về cấu trúc của một cầu thang 2 vế dẫn lên một “Ban công nàng thơ” với luồng lên và xuống được phân tách để đảm bảo cho dòng người xếp hàng lên trải nghiệm vào những lúc cao điểm không bị xung đột với luồng đi xuống.
Vật liệu chính được sử dụng là thép sơn xanh lá cây đậm phối với 2 mảng tường cao 2 tầng có tác dụng tập trung tia nhìn, được ghép từ các thân cây gỗ bạch đàn để nguyên không cắt xẻ – loại gỗ thường được sử dụng làm giáo chống cốp-pha trong xây dựng. Cách sử dụng vật liệu đơn giản, sẵn có, giá thành tối thiểu và bảo toàn tính toàn vẹn của vật liệu bằng cách hạn chế cắt xẻ giúp cho công trình đạt được tính bền vững trong thiết kế, tiết giảm chi phí, hòa hợp với cảnh quan cây cối của Vườn hoa Tao Đàn vừa đảm bảo chắc chắn an toàn chịu tải, có thể kéo dài thời gian sử dụng tại chỗ hoặc nếu phải tháo dỡ chuyển đi thì cũng tăng khả năng tận dụng vật liệu.

Phần thứ hai của Pavilion “DÒNG” là một cấu trúc tường kính có mặt bằng hình tròn bao quanh đài phun nước thứ hai trong khuôn viên phía sau của Bắc Bộ Phủ, tạo ra một vòng xuyến dẫn mọi người đi một vòng quanh đài phun nước, ngắm nhìn các tác phẩm điêu khắc và đồ họa được sắp đặt xung quanh, tạo ra một khu vườn nghệ thuật – cái kết đẹp cho một dòng chảy lịch sử oai hùng. Pavilion Dòng đã thể hiện được thông điệp mong muốn kế thừa và phát huy di sản cho những sáng tạo trong tương lai.

Pavilion “Rồng Rắn Lên Mây”

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (1929-1932), trước đây là Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ được coi là một trong những công trình tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Đông Dương, do kiến trúc sư Ernest Hébrard và Charles Batteur thiết kế, là một trong 3 địa điểm sớm được xác định sẽ đặt một pavilion kiến trúc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Tại đây CA’ Design Team gồm Ths. KTS Nguyễn Công Hiệp – sáng lập CA’ Library, KTS Nhâm Chí Kiên – Trưởng văn phòng APDI cùng các cộng sự đã nghiên cứu kỹ lưỡng khuôn viên của bảo tàng với mong muốn tạo ra một cấu trúc đối thoại và tôn vinh di sản. Nhóm xác định rằng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một di sản kiến trúc đặc biệt và là hiện vật quan trọng nhất của chính nó. Bất cứ cấu trúc nào được thêm mới vào khuôn viên bảo tàng cũng cần có sự đối thoại và tôn vinh di sản.

Khi nghiên cứu khu vực khuôn viên đang trưng bày các hiện vật bằng đá từ thời Lý đến thời Nguyễn ở mặt đường Phạm Ngũ Lão, nhóm KTS nhận thấy ở đây có nhiều vị trí rất đẹp để ngắm nhìn công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từ đó mong muốn tạo ra một cấu trúc tương tác với cảnh quan hiện hữu của khuôn viên này; thu hút mọi người tới để cùng ngắm nhìn công trình. Thông thường khi nghĩ đến các Pavilion trong các kỳ sự kiện, chúng ta hay có hình dung kỳ vọng về một cấu trúc mang tính điểm nhấn thị giác, có thể có khối tích lớn, vươn về chiều cao hoặc sử dụng các màu sắc nổi bật, dễ dàng nhìn thấy từ xa để hỗ trợ định hướng không gian cho lễ hội. Tuy nhiên trong bối cảnh di sản đặc biệt này, nhóm không chủ trương thiết kế một cấu trúc có thể gây tranh chấp thị giác với nhân vật chính của khung cảnh – chính là công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mà phải tham gia một cách nhẹ nhàng nhất vào khung cảnh. Việc này đòi hỏi thiết kế của pavilion phải có sự hòa nhập tối đa và trở thành một phần của cảnh quan hiện hữu. Tiếp nhận thông tin cần hạn chế đưa các cấu trúc cố định vào phần sân giữa của khuôn viên để tránh gây ảnh hưởng đến các hoạt động đông người thường xuyên tổ chức tại đây, các kiến trúc sư đã quyết định đưa cấu trúc pavilion vào tuyến đường dạo để phụ không làm mất diện tích sử dụng của sân trung tâm.

Qua phân tích kỹ lưỡng hình thái mặt bằng của tuyến đường dạo phụ kết hợp với tiếp nhận thêm thông tin có thể tận dụng các tấm inox gương sóng được dỡ ra từ Pavilion “Bến Chờ” của kỳ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, hình thái của Pavillion “Rồng Rắn Lên Mây” đã được định hình liên tục uốn lượn ra vào và lên xuống để có thể hòa hợp và tương tác tối đa với hiện trạng. Cụ thể là toàn bộ 82 tấm inox gương khổ tiêu chuẩn 1m22 x 2m44 sẽ được tận dụng thành mái cho Pavilion, xếp nối tiếp tạo thành một vòng khép kín dài hơn 130 m bám theo đường dạo phụ của khuôn viên. Cấu trúc của Pavilion có 4 vị trí vươn lên cao ở các lối tiếp cận vuông góc để mọi người có thể đi qua bên dưới và 4 vị trí xà xuống thấp ở những chỗ đường dạo phụ phình ra khoảng sân nhỏ hình bán nguyệt để tạo ra điểm dừng chân cho mọi người tương tác. Tên của Pavilion lấy theo tên của trò chơi dân gian “Rồng rắn lên mây”, một trò chơi từng rất quen thuộc với trẻ em Việt Nam, nhưng cũng giống như nhiều trò chơi dân gian khác đang dần bị quên lãng trong xã hội hiện đại. Hình ảnh trẻ em nối đuôi nhau thành hàng dài liên tục uống lượn để tránh bị nhân vật “Thầy thuốc” túm được “khúc đuôi” rất gần với hình thái uốn lượn liên tục của Pavilion. Bên cạnh những di sản vật thể bằng đá được trưng bày trong khuôn viên thì kiến trúc sư cũng muốn gợi lên sự quan tâm tới các trò chơi dân gian mà qua thời gian cũng sẽ trở thành các di sản phi vật thể cần được lưu giữ.

Cấu trúc mái uốn lượn của Pavilion “Rồng Rắn Lên Mây” được đỡ trên 58 cặp cột thép tròn thanh mảnh. Hình thức của các cặp cột này biến đổi liên tục để phù hợp với từng vị trí cắm xuống sao cho ảnh hưởng tối thiểu đến nền hiện trạng. Những chỗ chân cột liên kết xuống nền gạch đều được điều chỉnh về vị trí mạch giao để 4 lỗ khoan bắt đều vào mạch, hạn chế tối đa khả năng gây vỡ gạch. Tuy hình thái uốn lượn của công trình có vẻ phức tạp trong việc định vị thi công nhưng nhờ có cách khống chế các cao độ quan trọng gắn với các điểm đặc biệt trên mặt bằng của đường dạo phụ đã giúp công trình được thực thi dễ dàng dù biện pháp thi công mang nhiều tính thủ công và tiết kiệm.

Pavilion “Rồng Rắn Lên Mây” còn được tích hợp thêm 2 nội dung: Trưng bày “Từ Nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia” gồm các thông tin tư liệu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Bảo tàng và Trưng bày “Tỷ lệ có phải là vấn đề? / Does Scale Matter?” gồm 12 mô hình thu nhỏ của công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia ở các tỷ lệ khác nhau từ 1:20000 đến 1:75 và bằng các chất liệu khác nhau như in 3D, xi măng, gốm, gỗ,.. giúp công chúng có thêm những góc nhìn khác nhau về cấu trúc tổng thể của công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đồng thời có cái nhìn gần hơn với công việc của nhà quy hoạch, kiến trúc sư – những người thường xuyên làm việc với các bản vẽ và mô hình thu nhỏ tỉ lệ. Ở tỷ lệ 1:20000, một công trình khổng lồ như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dài 112m được thu nhỏ lại chỉ còn dài hơn 5mm và có thể trở thành một đối tượng rất mong manh trước những tác động từ mỗi nét vẽ của nhà quy hoạch.

Hai nội dung trưng bày này được rải dọc theo Pavilion “Rồng Rắn Lên Mây” trên bề mặt inox gương sóng ở những đoạn xà xuống thấp, biến toàn bộ Pavilion thành một hành trình khám phá thông tin, các tỷ lệ và chất liệu. Riêng mô hình tỷ lệ 1:75 được thể hiện dưới dạng một đèn lồng nghệ thuật và treo ở điểm cao nhất về phía Đông của Pavilion. Các đoạn xuống thấp cũng tạo ra những điểm dừng chân cho mọi người ngồi lên Pavilion, từ đó có những góc ngắm nhìn công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia rất đẹp. Trong mỗi khung hình mà Bảo tàng là nhân vật chính, Pavilion “Rồng Rắn Lên Mây” tham dự vào một cách rất nhẹ nhàng, thanh mảnh; không hề gây phản cảm hay tranh chấp thị giác. Hiện đã có nhiều không gian công cộng tại Hà Nội liên hệ để tiếp nhận Pavilion “Rồng Rắn Lên Mây”.

Qua cả 3 pavilion của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, có thể thấy chính việc phân tích hiện trạng kỹ lưỡng, tăng cường tính đối thoại với địa điểm di sản đã tự khắc tạo ra những thiết kế có tính bền vững và tiết chế từ vật liệu đầu vào đến đầu ra tương lai của công trình sau sự kiện. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho tương lai của một lễ hội được tổ chức thường niên và phù hợp với định hướng chỉ đạo từ đơn vị chủ nhà – UBND thành phố Hà Nội.

Th. KTS Nguyễn Công Hiệp
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2024)