Phong cách kiến trúc Đông Dương – Phần 1: Một nghệ thuật được xưng tụng

1. Đề dẫn

1.1. Đường hướng xây dựng cơ bản của nhà cầm quyền thuộc địa

Tháng 3/1897, quan Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857 – 1932) đã trình lên Bộ trưởng Thuộc địa Pháp một dự án, bao gồm các điểm chính sau:

  1. Tổ chức một chính phủ chung cho toàn Đông Dương và tổ chức bộ máy cai trị hành chính riêng cho từng xứ thuộc liên bang gồm Bắc, Trung, Nam kỳ của Việt Nam, xứ Ai Lao và xứ Cao Miên;
  2. Sửa đổi lại chế độ tài chính và thiết lập một hệ thống thuế mới phù hợp nhu cầu ngân sách. Nhưng, phải dựa trên cơ sở xã hội cụ thể và chú ý khai thác các phong tục tập quán của dân Đông Dương;
  3. Chú ý xây dựng thiết bị lớn cho Đông Dương như hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng, hải đăng…cần thiết cho công cuộc khai thác;
  4. Phát triển công cuộc thực dân của người Pháp, đẩy mạnh nền sản xuất và thương mại bằng sử dụng lao động bản xứ;
  5. Thiết lập những căn cứ hải quân, đồng thời tổ chức quân đội và hạm đội cho thật vững mạnh để đảm bảo phòng thủ Đông Dương;
  6. Hoàn thành công cuộc bình định và bảo đảm an ninh vùng biên giới Bắc Kỳ;
  7. Khuếch trương ảnh hưởng và mở rộng quyền lợi của nước Pháp ở vùng Viễn đông, nhất là các nước lân cận của Đông Dương (Pierre Clément và Nathalie Lancret. Hà Nội. Chu kỳ biến thái. Các hình thức kiến trúc và đô thị. H.M. trích dịch, đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, số tháng 11 – 2001, trang K)
Bản vẽ lần đầu tiên thiết kế đại học đông dương Hebrard

Hiểu rõ tiềm năng Văn hóa to lớn của các dân tộc Đông Dương, Paul Doumer tin ở tính khả thi của dự án. Về tiềm năng con người, kể riêng Việt Nam cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, dân số đã vượt ngưỡng 10 triệu; đạt 14.165.000 người năm 1913. Và, cả ngài toàn quyền, cả Bộ thuộc địa Pháp đều biết: Trước ngày mất nước, người Việt đã là “chủ nhân ông” của các TP: Hà Nội, Huế, Sài Gòn – Gia Định và nhiều tỉnh lỵ chững chạc, cùng vô vàn văn vật trăm tuổi, nghìn tuổi; khác nào “mâm bát dọn sẵn” cho kiến trúc đô thị du nhập. Cũng trong năm 1887, Paul Doumer ra quy định: Trên địa bàn Bắc Kỳ, thống nhất tất cả các loại thước thành thước ta mới (bằng 0,40m), thay vì 0,425m như trước kia. Theo đó, một trượng sẽ là 4,0m (riêng Trung kỳ vẫn dùng trượng 4,7m). Việc làm cơ trí của quan toàn quyền đã tạo điều kiện lý tưởng cho thiết kế hình học, khả dĩ dung hòa kiến trúc bản địa – thuộc địa sau này. Từ thập niên 1910 – 1920 người Pháp đã chắc chân ở Đông Dương, các họat động xây dựng cơ bản phục vụ cai trị, phát triển thuộc địa dần đi vào nhịp nhàng. Vận mệnh xây dựng cơ bản ở Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay chính phủ Bảo hộ. Chủ nhân toàn quyền của kiến trúc đô thị thuộc địa bao giờ cũng là những quan lớn cai trị, viên chức “chop bu” Pháp, Việt, các chính khách, sĩ quan cao cấp Pháp, kiều dân nước ngoài, hoặc đại gia, thương nhân mại bản. Hàng loạt kiến trúc kiểu dáng Âu tây đã xuất hiện. Trong đó, nhiều công trình tầm cỡ hoàn thành trong thời Paul Doumer, người được giới chức chính quốc mệnh danh là “Kẻ theo Chủ nghĩa đường sắt”. Rồi công cuộc xây dựng tiếp diễn sang đời các toàn quyền kế vị: Jean Beau (nhiệm kỳ 1902 – 1907) nhà cấp tiến mềm mỏng, chủ trương thành lập nhiều trường học, y tế cục, bệnh viện; Albert Sarraut (1911 – 1914), người quan tâm đến văn hóa giáo dục, Maurice Long (1920 – 1923), người mong muốn phát triển dân trí, hội nhập kinh tế, đẩy mạnh kiến thiết. Năm 1920, nhà cầm quyền Đông Dương áp dụng Luật Cornudet (đã được thực hiện bên chính quốc trước đó một năm). “Đạo luật đề ra quy tắc cho việc xây dựng đô thị, trong tình hình nhiều TP của nước Pháp vừa bị tàn phá sau Chiến tranh thế giới I. Đạo luật cũng qui định: Mọi địa bàn hành chính 10.000 dân trở lên đều phải được quy họach thiết kế đàng hoàng, mở rộng diện tích xây dựng và làm đẹp hơn ngày trước. Các TP lớn phải có một dự án tăng trưởng tổng thể, trù liệu các mặt vệ sinh, khảo cổ học và thẩm mỹ… Đông Dương, với tư cách là một bộ phận của Đế chế Pháp cũng phải thi hành những điều khoản quy định như ở chính quốc. Trong những năm 1920, luật này đã được áp dụng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng và Phnom Pênh…” (Pierre Clément và Nathalie Lancret. Hà Nội. Chu kỳ biến thái. Các hình thức kiến trúc và đô thị. H.M. trích dịch, đăng trên TC Xưa và Nay, số tháng 11 – 2001, trang K). Thực tế, văn hóa kiến trúc, kinh nghiệm xây dựng, vốn liếng nghệ thuật đặc sắc của ba quốc gia – dân tộc có lịch sử lâu đời là Việt Nam, Lào, Campuchia đã chinh phục các nhà khai hóa từ khi họ chân ướt chân ráo đến Đông Dương. Và để lĩnh hội văn hóa, nhất là ngôn ngữ bản địa, giới bảo hộ cần không ít thời gian, cho đến khi chính thức áp dụng Đạo Luật Cornudet, tuy chậm hơn chính quốc hai năm, nhưng cũng là khẩn trương rồi. Việc kiến thiết thuộc địa theo kỷ cương xây dựng mới đạt hiệu quả. Mọi công trình lớn nhỏ đều phải thoả mãn biên chỉ lề đường, hè phố, chỉ giới xây dựng. Trường hợp nhà gặp hướng không tốt thì khuyến khích trồng cây trong khuôn viên lấy bóng mát, cải thiện gió lùa. Tại các đô thị lớn bộc lộ không ít biến đổi căn bản và tích cực trong hệ thống hạ tầng, cơ sở sản xuất, công sở, kiến trúc văn hóa – giáo dục, công cộng – dịch vụ, quảng trường, công viên, nhà ở. Mỗi dự án lớn phải qua được xét duyệt của quan toàn quyền hoặc thống sứ, khâm sứ, công sứ. Ví như bản thiết kế Trường Viễn đông Bác cổ của KTS Ernest Hebrard và KTS Charles Batteur đã phải chịu sự xét nét ghê gớm: Đích thân Toàn quyền Merlin duyệt chi tiết từ tháng 2/1925, nhưng mãi tới tháng 11 năm ấy thì người kế nhiệm ông là Monguillo mới chính thức thông qua. Kiến trúc đô thị thuộc địa ban đầu mang tính áp đặt, ít dung hòa thích nghi, lộ rõ “bao cấp hình thức”, dứt khóat kiểu dáng châu Âu. Nhưng mặt khác, hạ tầng, cây xanh được cải thiện nhiều. Chiếm thế thượng phong trong quy họach “sành sỏi” của người Pháp là nhiều tuyến phố Tây, boulevard rộng rãi có trồng cây, trồng cột điện chiếu sáng, tháp nước, thiết bị đô thị, điện khí. Tất cả nhằm biểu dương kiến trúc đô thị mẫu quốc, công nghệ hàng hải, hỏa xa, giao thông cơ giới. Các thể loại mới mẻ được dịp phô diễn trong môi trường quy họach tốt. Ở các bề mặt phố lớn, người Pháp chỉ lựa ra một vài công trình mang tính biểu tượng thay vì thiết kế mới, chỉnh trang dứt điểm toàn tuyến, toàn khu. Trong việc xây dựng hạ tầng tại các TP thuộc địa, người Pháp ưa tối thiểu hóa…

Sở Tài chính Bắc bộ xây dựng 1925-1926, nay là trụ sở Bộ Ngoại giao (Ảnh: Triệu Chiến)

1.2. Sự thiết lập Sở Kiến trúc Quy hoạch Trung ương

Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long yêu cầu lập ở Hà Nội một Cơ quan trung ương về kiến trúc và quản lý đô thị, và KTS Ernest Hebrard được cử đứng đầu cơ quan này. Hebrard có trách nhiệm “vận dụng ở Đông Dương những tiêu chuẩn và nguyên tắc xây dựng, không phải tùy theo điều kiện đất đai và sự vận động của dân cư mà theo nguyên tắc qui họach thúc đẩy phát triển”. Điều nổi bật trong kiến trúc đô thị Đông Dương thời bấy giờ là sự áp đặt, phô trương không gian “văn hóa chính trị” nhập từ Pháp quốc. Áp lực chức vụ đã đành, nhưng danh dự nghề nghiệp thúc đẩy Hebrard và các nhà chuyên môn nhận về mình những thiết kế quan trọng. Khi Hà Nội đã trở thành thủ phủ Đông Dương, người Pháp chính thức chỉnh sửa, thiết kế nâng cấp quy hoạch cho TP này, trong đó, “Một phần lớn qui họach chủ đạo năm 1924 của Hà Nội là dành cho khu vực dinh Toàn quyền, bắt đầu từ phía Hồ Tây” (Đoàn Khắc Tình – “Lịch sử Đô thị Việt Nam, từ nhà nước Văn Lang đến ngày nay”, NXB Hồng Đức – 2018, trang 203). Nhà nước bảo hộ Pháp cho rằng kiến trúc đô thị Đông Dương thuộc địa cần dung hòa chính trị – kinh tế – văn hóa xã hội nửa thực dân nửa phong kiến; từ đó tìm kiếm thuận lợi cho công cuộc khai thác tài nguyên, mở rộng quyền lợi của Pháp. Người Pháp không thể không thích thú chiêm ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, Huế, đền tháp Champa, Angkor Vat, Angkor Thom, Thạt Luổng, hệt như khi họ đứng trước những công trình tuyệt vời nơi quê hương mình. Các KTS, họa sĩ trang trí kiến trúc lại càng tin tưởng: Cảnh sắc, tập quán xây dựng, văn hóa bản địa chắc chắn sẽ là những gợi mở thẩm mỹ chưa từng có cho tác phẩm của họ, khi mà trước đó, kiến trúc đô thị truyền thống châu Âu đã là khuôn mẫu khó lay chuyển. Không nghi ngờ gì, phong cách kiến trúc Đông Dương chính là sự tiếp nối ngoạn mục của nghệ thuật thuộc địa; đương nhiên toàn diện, hoàn chỉnh hơn. Nhất là gắn kết với nghệ thuật bản địa bằng phương tiện thiết kế, tập trung vào các tiêu chí sau:

  1. Phô trương văn hóa Pháp và sản phẩm của nó là văn hóa thuộc địa. Tôn vinh vị thế nhà nước bảo hộ, uy lực quân đội viễn chinh Pháp bằng trụ sở công quyền, pháp đình, tòa chóp bu, đại bản doanh, kiến trúc công cộng, văn hóa – giáo dục;
  2. Dùng mẹo mực hình họa, bố cục châu Âu kiến tạo hình khối kiến trúc bề thế, mạch lạc; chào hàng thức cột, hệ cột vòm liên hoàn, hình thức trang trí kiểu Âu điêu luyện nhằm bố cáo nghệ thuật Pháp;
  3. Tham khảo kiến trúc, mỹ thuật bản địa theo quan điểm Á Đông chung chung; tìm kiếm hỗn dung đề tài, không bó hẹp trong khuôn khổ song phương nào cả. Các mô típ Việt – Âu – Champa – Miên – Lào – Thái – Hoa có thể xuất hiện không cần hẹn trước;
  4. Thu xếp hạng mục kiến trúc theo kinh nghiệm châu Âu. Trường hợp công trình thiết chế, quân sự, văn hóa, khoa học tầm cỡ thì chừa bãi rộng làm quảng trường trước nhà chính, kết hợp mô phỏng, mượn cảnh sắc đất nước con người bản địa.
Trụ sở Ngân hàng Đông Dương tại Hà Nội, 1923 – 1928 do Fe’lix Dumail (1883 – 1955) thiết kế

Khác với những điều trình bày trên, có quan điểm cho rằng: “Sự hình thành của phong cách kiến trúc Đông Dương lại có nhiều lý do sâu xa tế nhị hơn. Trong những năm 20 và 30 của thế kỷ 20, phát xít Nhật tuyên truyền học thuyết Đại Đông Á lôi kéo người Việt Nam về phía Nhật và chống Pháp. Để lôi kéo người Việt Nam về phía Pháp, chủ trương của toàn quyền Pháp ở Đông Dương là mị dân, làm sao cho người Việt Nam ủng hộ Pháp hơn. Do đó phải sử dụng thêm nghệ thuật bản xứ để người dân thấy gần gũi với nước Pháp. Phong cách Đông Dương ra đời cũng nhằm mục đích ấy” (Hội KTS Việt Nam, sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam, NXB KHKT – 2015, trang 323). Phe Trục ra đời năm 1936 và Tôn chỉ Đại Đông Á do Thủ tướng Nhật Bản Fumimaro đưa ra vào tháng 8/1940; thì làm sao có thể kích thích sự ra đời (từ 15 năm trước đó) của phong cách kiến trúc Đông Dương?

1.3. Vai trò của Viễn Đông Bác Cổ (tiếng Pháp: École française d’Extrême-Orient, viết tắt EFEO) là một viện nghiên cứu của Cộng hòa Pháp về Đông Phương học, kết quả chủ yếu đúc rút từ thực địa. Tiền thân EFEO là Phái đoàn Khảo cổ tại Đông Dương từ năm 1898, được chính thức thành lập với tên gọi Viễn đông Bác cổ từ 1900, Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương. Trụ sở đầu tiên của Viện đóng tại Sài Gòn, năm 1902 dời ra Hà Nội, năm 1957 chuyển sang Campuchia, sau 1975 rời Phnôm Pênh về Paris. EFEO đã xây dựng tại Hà Nội một thư viện và một bảo tàng (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam); tiếp đó, thành lập các bảo tàng khác ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia như Đà Nẵng, Sài Gòn, Huế, Phnôm Pênh, Battambang… Về sau, EFEO không ngừng mở thêm các chi nhánh, tại Hồng Kông, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Tokyo, Seoul và cuối cùng là phân viện tại Bắc Kinh (khai trương) 1997. Giai đoạn khởi đầu của EFEO ghi dấu ấn nhờ những đóng góp của các học giả lỗi lạc về Đông phương học như Paul Pelliot, Henri Maspero, Paul Demiéville về Hán học, Louis Finot, George Cœdès về khoa văn khắc Đông Dương, Henri Parmentier về khảo cổ học, Paul Mus về lịch sử tôn giáo… Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Viện Viễn Đông Bác cổ đã đạt được nhiều thành tựu Đông Phương học quan trọng, có tính nền tảng. Tập san Viện Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) đã trở nên danh mục tham khảo không thể thiếu của nhiều sách, bài viết về khảo cổ, lịch sử, nhất là Lịch sử Kiến trúc – Mỹ thuật châu Á và Đông Nam Á. Đặc biệt là trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản kiến trúc, văn vật. Viện Viễn Đông Bác cổ có những ảnh hưởng quan trọng đối với bộ môn Lịch sử Nghệ thuật, kể cả các KTS, họa sĩ, điêu khắc gia Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho đến ngày nay. Mà nếu không học hỏi các chuyên khảo kiến trúc, mỹ thuật, các bản vẽ, ảnh chụp chỉ có ở EFEO thì chắc lẽ khó nghệ sĩ nào theo đuổi được nghệ thuật Đông Dương ngày ấy.

Trụ sở Ngân hàng Đông Dương (Ảnh: Triệu Chiến)

1.4. Vai trò của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Trường này tọa lạc tại nhà số 42 phố Yết Kiêu, P. Cửa Nam, Q. Hoàn Kiếm – Hà Nội, được xây dựng năm 1924, do hai họa sĩ Victor Tardieu sáng lập. Ngày mới mở, trường mang tên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, gọi tắt là Mỹ thuật Đông Dương, thuộc hệ thống giáo dục đại học (ĐH) của Cộng hòa Pháp. Muốn mở trường phải có quyết định của cấp Bộ trưởng. Kinh phí giảng dạy học tập sẽ do chính phủ Liên bang Đông Dương đài thọ. Ra đời sau trường Mỹ thuật Gia Định hơn mười năm, nhưng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã vượt trội Mỹ thuật Đệ nhất cấp Gia Định. Năm 1938, trường được tái tổ chức và mang tên Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật thực hành Đông Dương với hai ban chính là Ban Hội họa – Điêu khắc – Sơn mài và Ban Kiến trúc. Từ ngày ra đời, nhà trường đã là nơi gây dựng đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc, KTS cho tương lai; trang bị cho họ nền tảng tri thức, học thuật; khai mở cho sinh viên người bản địa tri thức nghệ thuật căn bản cả châu Âu lẫn Á Đông. Nhiều họa sĩ, điêu khắc gia, ra “lò” từ ĐH Mỹ thuật Đông Dương cho đến cuối thế kỷ 20 vẫn thuộc lớp nghệ sĩ hàng đầu của nước Việt Nam mới. Những tuyệt tác mà họ để lại, đến ngày nay vẫn thuộc về nhiều bộ sưu tập bất hủ quốc nội và hải ngoại. Đối với ngành kiến trúc, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng là cái nôi của phong trào tận dụng vật liệu địa phương; đề cao thiết kế giảm thiểu áp lực của hình thức Âu tây du nhập với hệ dầm cột thâm căn cố đế, mái chóp nhọn hay chóp cụt lợp ngói ardoise tốn kém, cửa vòm trên mái phức tạp, tường bao che nặng nề… không tương thích với môi trường nhiệt đới ẩm… Hầu hết KTS tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đều thuộc thế hệ những nhà thiết kế chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Và, không thể không nhớ một điều: Giám đốc Sở Kiến trúc Quy họach Đông Dương Ernest Hebrard (1875 – 1933) và không ít đồng nghiệp của ông còn là những người thầy đầu tiên, giảng lý thuyết và hướng dẫn đồ án cho sinh viên khoa kiến trúc. Sau này, họ còn tin tưởng mời học trò của mình cộng tác trong một số dự án.

1.5. Những tìm kiếm hình thức mới

Cũng tại thời buổi nghệ thuật Đông Dương “phát đạt” tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Phnompenh, Vientian…, hiện trạng đô thị được lãnh đạo Sở Kiến trúc Quy hoạch Đông Dương, đứng đầu là Ernest Hebrard quan tâm, đắn đo suy tính. Những chỉnh trang nội đô, lan tỏa phát triển ra ngoại vi của những TP ấy đều tương thích với kiến trúc công trình. Tuy ban đầu các nhà thiết kế xây dựng không khỏi khó xử trước những mâu thuẫn đường nét, hình khối dầm cột, hàng cột vòm liên hoàn kiểu châu Âu với ngôi nhà gỗ dàn trải gian điện cùng vô số trục trặc ngôn ngữ giữa antablement với bộ vì nóc, đấu củng, đầu dư, tay chống… sẽ thể hiện bằng chất liệu nào; cấu tạo đan xen, dung hòa Âu tây – Á đông ra sao? Đề tài du nhập gắn bó với đề tài bản địa thế nào? Chưa kể phải cải biên vì nóc, vì nách, kẻ bẩy, đấu củng, cột trốn, tay chống; nhất là chọn lựa những mảng miếng điêu khắc trang trí vốn nguồn chính tắc hình họa châu Âu. Chuyện cân đối đế nhà – thân tòa nhà – bộ mái cũng không kém nan giải. Sự uyển chuyển đài cơ gian điện ốc đính của ngôi nhà gỗ dễ bị tổn thất khi các hàng cột gỗ, quá giang được thay thế bởi những cây cột, cột giả (piliastre), dầm bê tông gối tựa, vòm cuốn gạch đá bán nguyệt, cung nhọn kiểu Âu đồ sộ và câm lặng. Rồi chuyện có thể hạ thấp tầng áp mái, hoàn trả tỷ lệ ba tầng bậc thành phần kiến trúc?… Còn nữa, màu “ve vàng Đông Dương” ban đầu tỏ ra hấp dẫn; nhưng rồi tràn ngập các công sở, bảo tàng, nhà hát, trường học, dinh thự mãi cũng sinh nhàm chán. Song phải thừa nhận rằng sắc vôi vàng vọt ấy làm dịu đi nhiều cái nắng quanh năm chói chang của xứ nhiệt đới ẩm; lại dễ dàng được cây xanh, thảm cỏ đồng thanh sắc màu. Trang trí mỹ thuật nội ngoại thất công trình Việt – Âu, kiểu dáng chiết trung hay tam giáo cách tân đều khắp vùng miền. Đã xuất hiện những hòa quyện tạo hình Đông Tây kim cổ tài tình chưa từng có. Tuy nhiên, kiến trúc phong cách Đông Dương ngay trong thời buổi hoàng kim của nó khó tránh khỏi khuôn sáo, ôm đồm. Một số thiết kế phô bày trang trí thừa thãi, lấn át những đặc sắc riêng có của Việt Nam, Lào, Campuchia. Chưa kể, không ít KTS người Pháp sưu tập cả những mô típ Trung Hoa, Lào – Thái, Ấn – Miến, Nhật Bản theo một quan niệm Á Đông chung chung; rồi từ định kiến địa lý đánh đồng chúng với đặc sắc nghệ thuật riêng (rất riêng) của các dân tộc Đông Dương. Về mặt này, KTS người Việt tỏ ra tinh tế, có lẽ tư chất KTS – kẻ sĩ đã thôi thúc họ sáng tạo tròn vành rõ nghĩa hơn các đồng nghiệp ngoại quốc. Thực tế số công trình phong cách Đông Dương theo đúng cương lĩnh do Hebrard và đồng nghiệp khởi xướng không nhiều như bàn tán lâu nay. Có bình phẩm chỉ đảo qua thời điểm thiết kế xây dựng hay dựa vào tên tuổi nhà thiết kế từng có tác phẩm phong cách Đông Dương; thậm chí chỉ là những võ đoán qua một số mô típ Việt – Âu – Hoa – Champa – Khmer – Lào – Thái ở phần vỏ hay nội thất, trong khi chính công trình kiến trúc về cơ bản lại hoàn toàn thuộc về phong cách khác. Bên cạnh đó, có thể bắt gặp không ít công trình dường như lặp lại hình thức thuộc địa sơ kỳ, song do địa điểm xây dựng gần xa mà sự hiện diện của chúng vừa đủ thưa thóang để gợi ra một ký ức; vừa có thể giới thiệu “làn điệu” kiến trúc đô thị mới trên nền tảng quy họach bài bản của người Pháp.

1.6. Tay nghề Kiến trúc quy họach bậc thầy

Hậu thế trân trọng nghệ thuật của các: KTS Ernest Hebrard, Henry Vildieu, Felix Dumail, Carpentier, Charles Batteur, Roger Gaston, Gardes, Broyer, Harlay, Delaval, Moncet, Arthur Kruze… Đáng nhớ, trước ngày sang Việt Nam, họ đã là các nhà chuyên nghiệp có tên tuổi của nước Pháp, thậm chí có tên tuổi ở châu Âu như trường hợp Hebrard. Ông từng quy họach Thesaloniki (Hy Lạp), nâng cấp Casablanca (TP miền Tây Maroc) và phục dựng cung Diocletian (Split – Croatia)… Các KTS đô thị gia của Sở Kiến trúc Quy họach Trung ương Đông Dương mong muốn chất lượng thẩm mỹ kiến trúc đô thị hơn là lệ thuộc vào luồng di dân hay sự bùng phát nhà đất. Hebrard đã quy họach một số TP, đầu tiên là Đà Lạt (1923) tiếp đến Hà Nội (1924), Sài Gòn (1928). Thế nhưng, phương án táo bạo của Hebrard cho một Sài Gòn công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á không được thực thi vì đụng chạm tới quyền lợi của giới mại bản Nam kỳ. Nhớ lại, ở Việt Nam lúc đó còn nguyên vẹn kinh thành Huế. Mọi sự thêm vào hay bớt đi đối với cố đô này đều không dễ dàng, nhưng cái chính là người Pháp không có ý định phát triển cố đô này thành trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa khoa học của Đông Dương. Những khó khăn được các KTS ngày ấy giải quyết tốt. Họ đưa ra “kịch bản” gắn kết sự dàn trải bố cục gian điện kiến trúc gỗ với các mặt đứng kết thúc bằng fronton trên cao có trang trí nếp cuộn (volute) hoặc lỗ khuyết, hốc tường. Đồng thời nhấn mạnh hình khối đậm chắc, bề thế cổ điển. Lại tìm cách dung hòa hai bộ mái là xòe rộng và thấp kiểu ta với dốc cao, chóp nhọn hay chóp cụt kiểu tây. Kể cả lấy hình ảnh khải hoàn môn (arc de triomphe) “dán” lên mặt tiền. Trên cơ sở đó, tùy cụ thể điều chỉnh thu hồi, gia giảm độ dốc mái, kể cả dùng mái vạt, ốc đính giản lược, trục nanh tay chống cách điệu. Trong nhà thì khéo hòa trộn architrave, frieze, cornice, đầu cột, antablement – những kết cấu vốn chỉ mực thước khi thuộc hệ dầm cột Hy La đồng điệu với các bộ phận chi tiết kiểu ta, như quá giang, câu đầu, vì nách, cột trốn, đấu đệm, kẻ bảy, tay chống, đấu củng, con sơn, đầu dư, đầu bảy…Không còn nghi ngờ gì, hệ thống kiến trúc đô thị thuộc địa cũng như phong cách Đông Dương thuộc về những nghệ sĩ, những nhà thiết kể Pháp – Việt tài ba, một lòng theo đuổi nền Kiến trúc cận hiện đại đích thực. Nhờ vậy, phong cách Đông Dương thóat khỏi sự khô cứng của kiến trúc thuộc địa trước đó. Và không ai khác ngoài những nghệ sĩ Pháp – Việt, truyền di sức sống bền lâu của phong cách Đông Dương vài ba thập niên về sau; thậm chí lâu hơn thế. Kiến trúc phong cách Đông Dương được thừa hưởng vốn liếng kỹ thuật dồi dào từ kiến trúc thuộc địa, đặc biệt là từ những công trình hạ tầng. lại kịp thời du nhập công nghệ tân kỳ nên ngay từ khi mới xuất hiện chúng đã phô bày cấu trúc, công năng mực thước, kiểu dáng đẹp mới lạ, sớm chinh phục được công chúng người Việt.

1.7. Sự trở lại Âu hóa

Từ thập niên 1930, nhiều KTS đã trở lại với kiểu dáng châu Âu và hết sức tiết chế nghệ thuật bản địa trong tác phẩm của họ. Đã xuất hiện không ít công trình không mấy can hệ tới tôn chỉ của phong cách kiến trúc Đông Dương. Sau ngày Hebrard tạ thế (1933) các nhà thiết kế ở Việt Nam và Đông Dương nói chung trở lại phong trào Âu hóa, dựa hẳn vào Tân cổ điển, Chiết trung hoài cổ, Art – Nouveau hay modernism, nhất là Chủ nghĩa duy lý và Chủ nghĩa biểu hiện đang rầm rộ ở châu Âu ngày bấy giờ. Tuy vậy, phong cách Đông Dương vẫn tiếp diễn, nhưng chủ yếu dưới hình thức cài đặt bố cục, hạng mục, bộ phận kiến trúc hay mảng miếng Á Đông trong màu áo Art – Nouveau, Art – Deco cũng như trong tô điểm hoa viên và nội thất. Sự tiếp diễn kéo dài sang đầu thập kỷ 1950. Riêng ở Hà Nội và tỉnh thành miền Bắc Việt Nam thì dai dẳng hơn, thậm chí bột phát trở lại, sao chép tràn lan liền hai thập niên 1980, 1990.

(Còn tiếp)

KTS Đoàn Khắc Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2024)