
Công trình “Quán café Miền Thảo mộc” đã giải quyết bài toán với giải pháp kiến trúc hiện đại, kết hợp cùng việc cải tạo không gian xanh bằng cách giữ lại các cây chính của công trình cũng như bổ sung mặt nước và cây xanh theo ý đồ kiến trúc. Công trình thực sự đã tạo ra một điểm đến “xanh” cho khu vực và giải quyết ván đề vi khí hậu cục bộ cho đô thị.
Thông tin dự án:
Địa điểm xây dựng công trình: 554E Minh Phụng, Quận 11, Tp.HCM
Chủ đầu tư: Bà Mai Thị Hồng Hạnh
Công ty: Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Đông A Tích Hợp
Thiết kế: KTS. Trần Anh Đoàn
KTS. Hoàng Thanh Tuấn
KTS. Nguyễn Vương Hồng
Năm thiết kế: 2013
Năm hoàn thành xây dựng hoặc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng: 2014
Diện tích khu đất/ diện tích xây dựng: 880 m²/590 m²

Mặt bằng công trình

Sơ đồ vị trí
Công trình được xây dựng tại Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, nằm trên đường Minh Phụng. Đây là khu vực dân cư sinh sống tương đối lâu đời và ổn định. Đất xây dựng công trình là một khu đất rộng hơn 1000 m2 được sử dụng làm nhà ở, với một nhà phố 4 tầng và diện tích còn lại là sân vườn cây xanh.

Mặt bên và mặt đứng của Quán cafe
Song song với điều kiến thực tế, gia chủ muốn cải tạo thành một quán café sân vườn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và giải trí của người dân. Tuy nhiên mâu thuẫn thường xảy ra cho loại hình kiến trúc này là việc đảm bảo được diện tích chỗ ngồi để khai thác tối đa công suất của công trình, đồng thời cũng phải đảm bảo được mật độ cây xanh và thông thoáng nhằm đem đến một không gian chất lượng cho người sử dụng.

Phối cảnh một góc quán cafe
Những modul có mái che sử dụng hệ khung sắt chịu lực, mái lót ván và lợp tấm giấy dầu là những vật liệu nhẹ dễ lắp đặt, sử dụng làm cho công trình thoáng mát.
– Những thanh gỗ cũ tưởng chừng như bỏ đi được tận dụng làm hàng rào che nhưng không chắn. Công trình mới hoạt động 2 tháng chưa kịp phủ xanh nhưng vẫn mang hơi tở của riêng bản thân nó.
– Đá cuội ven những dòng thác uốn quanh hoà mình vào những nhịp điệu của lan can như ta lạc vào chốn rừng thẳm, đâu đó trên ngọn cây lấp ló chim làm tổ. Những lồng đèn trang trí được làm bằng nan tre và giấy bìa.
Các vật liệu và màu sắc trộn lẫn vào nhau hài hoà, thân thuộc và gần gũi.
Bên cạnh các không gian được chiếu sáng tự nhiên vào ban ngày, đối với loại hình công trình dịch vụ thì chiếu sáng trang trí là một yếu tố quan trọng không chỉ ở tính chất thẩm mỹ mà còn là mức tiêu hao năng lượng của công trình.
Việc lựa chọn loại hình chiếu sáng, góc mở của đèn, cường độ cũng như công suất của đèn để không gây ra hiện tượng loá sáng và gây ô nhiễm ánh sáng.
Ngoài ra, hệ thống cũng trang bị các thiết bị ít tiêu hao năng lượng và phát sinh khí CO2 trong quá trình sử dụng như đèn Led, hệ thống dimmer, hệ thống tự động (cho nhà kho, khu để xe…).
Công trình được thiết kế các không gian sân vườn xen kẽ, cũng như tận dụng các không gian ngoài trời, tiếp giáp các mặt với tự nhiên. Mặt nước và cây xanh được bố trí theo suốt chiều dài khu đất. Điều này cung cấp độ ẩm và sự trong lành cho luồng gió chính thổi vào công trình, giúp cho việc thông thoáng tự nhiên cho công trình mà hạn chế dùng các thiết bị làm mát sử dụng điện.
Với thói quen sinh sống và khai thác tối đa các không gian ngoài trời, không gian thoáng có mái che, người phương nam đã từ lâu xem không gian ngoài trời là một phần không thể thiếu của đời sống sinh hoạt của mình.
Cùng với tốc độ đô thị hoá, môi trường thành phố ngày càng ô nhiễm. Do đó thói quen sinh hoạt hàng ngày như một mâu thuẫn không thể tránh được của cư dân thành phố.
Công trình chính là một minh hoạ cho một giải pháp kiến trúc có thể góp phần lưu giữ và thăng hoa một cách sống, thói quen sinh hoạt. Con người xích lại gần thông qua tôn trọng các giá trị thiên nhiên ban tặng.
Biên tập: Quỳnh Nga – TCKT/Kienviet