Tái sinh vòng đời, đưa củi lũ thành – “Đại sứ nghệ thuật tái chế Việt Nam”

Khởi nghiệp từ làng chài An Bàng, một làng biển nằm ngoại ô phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam với mô hình homestay từ năm 2012 với số vốn ít ỏi, tôi đã tái sử dụng những ngôi nhà ba gian cũ mang hồn quê của làng chài và sử dụng vật liệu địa phương. Từ đây, tôi đã nhặt những thanh củi lũ làm các vật dụng sinh hoạt trong homestay cho khách sử dụng. Sau thời gian dài, khách du lịch phương Tây đánh giá cao các sản phẩm này về tính nhân văn tái sử dụng lại những thứ bỏ đi.

Vào năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, tất cả mọi hoạt động đã bị đứt quãng, tôi đã có thời gian nghiên cứu và tìm hiểu về làng nghề mộc Kim Bồng từng vang tiếng một thời. Nhưng tôi không muốn bước đi trên con đường cũ của làng nghề mà nhận thấy rằng cần phải tìm một hướng đi khác, tạo ra các vật phẩm từ ngay những đồ bỏ đi, những phế phẩm sau sản xuất tại các xưởng mộc.

Tôi ra biển, xuống cửa sông Thu Bồn để chiêm nghiệm. Sự phóng khoáng của dòng sông mẹ đã rọi cho tôi một tầm nhìn mà có lẽ sẽ thay đổi cuộc đời mình. Tôi nhìn ở triền sông sau mỗi đợt lũ về lượng củi mục, gỗ khô từ rừng trôi dạt về tấp đầy các bãi bồi. Tôi chợt nghĩ ra ý tưởng sẽ tận dụng tất cả những thứ vô tri này để biến thành các món đồ nghệ thuật. Tôi khao khát chứng minh cho mọi người thấy rằng: Ngay cả những thứ tưởng chừng như đã ở tận cùng của ruồng bỏ vẫn hoàn toàn có thể tỏa sáng, lấp lánh và nhận được tán thưởng. Khách du lịch quốc tế, dòng khách yêu nghệ thuật từ các tỉnh phía Bắc, TP HCM chính là phân khúc khách hàng tinh túy mà tôi nghĩ tới.

Ban đầu, tôi nhặt nhạnh những thanh gỗ mục về để rửa sạch, nghĩ ra các món đồ trang trí, decor trong không gian gia đình để tạo sự gần gũi với đời sống. Nhưng một vài người bạn thân của tôi đã đùa và đặt tên cho tôi là “Thuận củi lũ” vì thấy tôi hay lang thang đi nhặt nhạnh gỗ ở dọc triền sông. Tôi bị kích thích bởi cái biệt danh ấy và nghĩ rằng biết đâu một ngày nào đó chính cái biệt danh “dị kì” chẳng giống ai ấy lại tạo ra các dòng sản phẩm khác biệt, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Tôi tìm hiểu dần, tỉ mẩn một cách say mê như một người trên hành trình dò kiếm, khám phá cái mới lạ. Các năm trước tôi đã nghĩ ra ý tưởng đó nhưng công việc kinh doanh không cho phép tôi có thời gian để tĩnh tâm. Trong hai năm đại dịch, sự rảnh rỗi và tẻ nhạt của thời gian đã thôi thúc tôi sáng tạo, tìm hướng đi cho mình. Tôi tự nhận mình được ông trời ưu ái ban cho một chút năng khiếu về hội họa, hình khối. Tôi cũng cố gắng giữ cho đầu óc mình luôn tươi mới và tràn đầy khát vọng. Mọi thứ đã đến thật nhanh.

Sau những chuyến trở về từ cửa sông, tôi thường tìm gặp những người anh em thợ mộc ở các làng nghề và thật đau lòng khi thấy mỗi năm anh em từng là linh hồn của một làng nghề vang bóng. Trong nhiều nghệ nhân lớn tuổi, tôi nhìn thấy ánh mắt ở họ một nỗ bất lực và buồn không cách gì cứu vãn được khi thấy số cơ sở làng nghề ngày một ít dần. Thế hệ con cháu dù được trui rèn tinh thần ý chí nhưng cũng không thể sống với nghề mộc mà phải ra đi kiếm nghề khác để mưu sinh. Tôi tâm sự với họ, chúng tôi gặp nhau ở sự khao khát tìm lại khôi phục làng quê của mình. Tôi tận dụng các gian nhà đã bỏ không vì không thể kinh doanh mùa dịch để sắm đồ đục, máy móc, làm chỗ ăn ngủ cho anh em thợ. Tôi lên ý tưởng, nhặt nhạnh gỗ về và trực tiếp phác thảo ý tưởng hội họa, màu sắc cho cho anh em thợ thao tác. Thật bất ngờ, rất nhiều thanh củi đã thật sự truyền thần dưới bàn tay thợ mộc Kim Bồng.

Sau một năm thực hiện, tới nay dự án bước đầu đã cho ra nhiều sản phẩm như mong muốn truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường và tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để từng bước khiến bà con Quảng Nam thay đổi suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm, lưu giữ được văn hoá làng nghề, giáo dục cộng đồng về sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học. Để làm được điều này, tôi sẽ mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho các em miền núi sau đó được trả lại quê đê tận dụng nguồn nguyên liệu và gia công cho dự án. Tôi tin một ngày không xa, Quảng Nam sẽ hình thành lên một mạng lưới làng nghệ mộc tái sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ mở khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tái chế kể về câu chuyện văn hoá Cơ Tu bản địa tại Quảng Nam và câu chuyên văn hoá Hội An qua từng thời kì lịch sử. Khách du lịch sẽ tham quan và trải nghiệm làng nghề tái sinh cùng với thợ điêu khắc. Từ đó dần đưa được văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Các thanh gỗ mục bị vứt bỏ sẽ tự thân đóng vai trò đại sứ văn hóa giúp tôi kể câu chuyện của chính mình và hành trình hóa thân đổi phận của những thứ tưởng như phế bỏ.

Điều mà tôi mong muốn nhất đó là tạo ra được công viên nghệ thuật tái chế để tạo không gian sáng tạo cho các trường đại học trong và ngoài nước và nơi đây chính là nơi giáo dục cho các em học sinh và cộng đồng một cách nhanh nhất cũng là nơi thu hút khách du lịch văn hoá, nghệ thuật.

Lê Ngọc Thuận
Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo Hội An
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2022)