Nằm trong chuỗi công trình hướng tới quan điểm Kiến nông: kết hợp Kiến trúc với Nông nghiệp tạo ra Không gian sống cho tương lai (Agritecture = Agriculture + Achitecture) trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa toàn cầu. Quá trình đô thị hoá mạnh mẽ trên khắp Việt Nam đã và đang khiến cho nông thôn mất cân bằng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống định canh định cư của cộng đồng.
Thông tin công trình
- Thiết kế: H&P Architects
- Website: www.hpa.vn
- Vị trí công trình: Xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình, Việt Nam
- Nhóm thiết kế: Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hải Huệ, Trần Văn Dương,
- Lương Thị Ngọc Lan, Vũ Minh Diện, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Thịnh
- Diện tích khu đất: 245 m2
- Tổng diện tích sàn: 1.200 m2
- Hoàn thành: tháng 12/ 2022
- Vật liệu chủ đạo: Ngói âm dương, chum gốm, thép, bê tông
- Nhiếp ảnh: Lê Minh Hoàng
Thảm Thực Vật Bay (Flying Vegetation) là ngôi nhà ở khu đô thị mới thuộc thành phố Thái Bình, trước mặt khu đất xây dựng là khoảng sân vườn chơi chung của khu phố. Từ đó hình thành giải pháp tạo lớp màng thực vật làm khoảng đệm riêng tư cho không gian ở, giúp giảm tiếng ồn, khói bụi, nhưng vẫn đủ mở để tận hưởng mảng xanh ấy. Lớp màng như bay giữa không trung, làm mờ ranh giới giữa kiến trúc và cảnh quan: tạo cảm giác như đang sống trong rừng, sống bên ruộng đồng.
Ngôi nhà có chức năng ở (tầng 1-2-3) và cho mượn (tầng 4-5), vận hành với tinh thần chia sẻ (phi lợi nhuận) không gian sống của gia chủ với khách lưu trú. Tầng 3 và trên mái là không gian giao lưu đa năng, nơi kết nối thành viên ở các tầng với nhau.
Chủ nhà là những người yêu cây, biết chăm sóc thực vật và hiểu Cây và Đất (để trồng cây, làm nguyên liệu tạo ngói và chum gốm) là hai chất liệu nguyên thuỷ quen thuộc với mọi nền văn hoá. Cây và Đất gắn kết mọi người đến từ nhiều châu lục trong ngôi nhà chung.
Mặt trước và mặt sau nhà được định hình bởi hệ chum cây lơ lửng trong những cây cột vô tận (endless column) như đang bay. Hệ khung tạo nên cây cột có thể đóng mở ở những vị trí đặt chum để bảo dưỡng và thay thế khi cần, chum được bố trí so le và cách quãng để cây sống khoẻ.
Ngôi nhà đã giúp cho gia chủ tìm thấy niềm vui trong những hoạt động hằng ngày – khi tự tay gieo trồng, chăm sóc và chia sẻ với hàng xóm láng giềng những sản phẩm từ bầu rau, mảnh vườn của mình. Việc canh tác tại nhà cũng sẽ giúp người dân thành thị tiến lại gần hơn với thiên nhiên, với nông thôn, gợi lên sự gắn bó với quê hương bản quán. Thông qua đó, mô hình này có cơ hội được nhân rộng thành những “Cánh đồng nội thị” cung cấp màu xanh cho không gian sống và rau xanh cho nhu cầu hằng ngày của con người.
TCKT
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2025)