Trường mầm non Dịch Vọng Hậu: Kinh nghiệm cải tạo trường nội đô

Cùng với sự gia tăng dân cư và đô thị hóa nhanh đặc biệt là tại các thành phố (TP) lớn như Hà Nội và TPHCM, yêu cầu về phát triển trường học nội đô trở thành vấn đề bức thiết, hạn chế tình trạng “bốc thăm cho con được đi học trường công lập” hay “phụ huynh sếp hàng mua hồ sơ nhập học xuyên đêm”. Cùng với các giải pháp xây mới, trên cơ sở số lượng tương đối lớn, việc cải tạo các trường cũ nội đô là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để gia tăng diện tích lớp học, giải quyết tình trạng quá tải trường học hiện nay.

Dự án trường mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) với các giải pháp thiết kế sáng tạo đã được nhiều tiêu chí tối ưu, đặc biệt là cung cấp diện tích lớp học đạt chuẩn, tiện nghi, kiến trúc công trình thẩm mỹ và nhân văn,  trong bối ảnh yêu cầu tiết kiệm thời gian và sử dụng nguồn lực đầu tư hợp lý.

Trường mầm non Dịch Vọng Hậu là công trình trường học cũ 20 năm tuổi, trước đây thuộc địa bàn huyện ven đô Từ Liêm. Trong quá trình đô thị hóa và mở rộng, trường hiện nay được sát nhập thuộc khu vực trung tâm quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trên khuôn viên khu đất gần 6540m2, công trình cũ chỉ gồm có: 01 Khối nhà lớp học 2 tầng với 10 lớp học cùng một số hạng mục phụ trợ đã bị xuống cấp.

Quy hoạch tổng mặt bằng chỉnh trang tối ưu về sử dụng đất, tiện nghi đồng bộ, tối ưu về tổ chức vi khí hậu, kết nối liên thông với các chức năng mới và hiện hữu trên cơ sở 04 giải pháp:

  • Giữ nguyên vị trí để cải tạo khối nhà học hiện có, giữ nguyên cấu trúc công trình nhưng sử dụng hệ thống mái nhẹ để gia tăng tầng cao thành 03 tầng theo đúng các chỉ tiêu quy hoạch đô thị mới.
  • Xây mới 02 khối chức năng mới cao 04 tầng ở vị trí mặt phía Tây, với nhiều không gian phụ trợ cũng được bố trí tại vị trí mặt tiền, đóng vai trò che chắn bức xạ nắng và tiếng ồn trực tiếp cho khối lớp học thấp tầng phía sau, khép kín một phần không gian sân trung tâm tạo nên một không gian chơi an toàn, thú vị, để không gian trung tâm thành một giếng đối lưu tối ưu về thông gió tự nhiên.
  • Quy hoạch đổi mới toàn hiện hệ thống hạ tầng và giao thông kết nối theo chiều đứng/ chiều ngang bao gồm: Bố trí diện tích hầm dành cho giáo viên và phụ huynh học sinh với quy mô diện tích 1524m2; Bố trí cổng chính ở trục đường hướng tây và 01 cổng phụ phục vụ giao thông cho xe xuống tầng hầm. Đặc biệt quy hoạch bố trí hệ thống hành lang cầu có mái che kết nối đồng bộ và tiện nghi giữa các khối công trình xây mới và cải tạo.
  • Quy hoạch chỉnh trang hệ thống sân trường, trong đó tổ chức nhiều không gian sân chơi sân tập chính và các sân phụ, cũng như chỉnh trang hệ thống cây xanh bóng mát kết hợp cây xanh trang trí tạo cảnh quan cũng như chống ồn và sinh thái.

Cải tạo kiến trúc công trình: phù hợp với các tiêu chí và yêu cầu giáo dục mới, tạo dựng công trình kiến trúc hiện đại điểm nhấn, sinh thái cho công trình với chi phí đầu tư xây dựng hợp lý.

Trên cơ sở chất lượng kết cấu sau khi kiểm định vẫn đủ điều kiện tiếp tục sử dụng, thiết kế cải tạo khối lớp học hiện hữu tập trung thay đổi toàn bộ kiến trúc ngoại thất, bao gồm hệ thống cửa, ốp gạch hoàn thiện mặt tiền để có sự thống nhất ngôn ngữ kiến trúc với các khối nhà xây mới. Trong đó, nghiên cứu tái cấu trúc hệ thống cửa sổ với sự bổ sung tối đa để đạt được các ưu thế về thông gió và chiếu sáng tự nhiên, giảm thiểu các bệnh về cận thị học đường. Các lớp học cũ cũng được cải tạo theo các giải pháp ngăn chia linh hoạt để phù hợp với nhiều hình thức học tập theo chuẩn giáo dục mới.

Các khu vệ sinh cũ được cải tạo theo mô hình khép kín trong từng lớp học đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thoáng mát, lắp đặt thiết bị đồng bộ để hạn chế các bệnh về tiết niệu học đường. Màu sắc diện mạo khối công trình được thay đổi vui tươi, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh mầm non, sử dụng các chủng loại gạch ốp, sơn trang trí, đá tự nhiên mới.

Thiết kế bổ sung 02 khối xây mới cao 04 tầng theo giải pháp hành lang giữa trong đó bố trí các khu vực vệ sinh và phụ trợ vào hướng Tây, nhằm che chắn bức xạ mặt trời và tiếng ồn cho khối lớp học phía trong, đồng thời có khả năng tiếp cận trực tiếp với thông gió và nắng mặt trời tự nhiên. Các không gian lớp học bổ sung được ưu tiên bố trí ở mặt sau khối xây mới tại các tầng dưới, giúp gia tăng thêm 1,5 lần diện tích lớp học. Các lớp học xây mới cũng được tổ chức với diện tích sử dụng lớn, có thể sử dụng linh hoạt cho nhiều mục đích, tiện nghi khép kín đồng bộ, có khả năng thông thoáng cao với diện tích cửa sổ lớn, đặc biệt là khu vệ sinh khép kín thông thoáng và vệ sinh an toàn. Đồng thời, các không gian chức năng như  hiệu bộ và phụ trợ cũng được bố trí đạt chuẩn tại khu vực tầng 4. Cũng giống như khối cải tạo,  mặt tiền công trình được thiết kế với kiến trúc và mầu sắc tươi vui sống động. Ngôn ngữ kiến trúc tối giản nhưng hình khối và mầu sắc ấn tượng giúp tạo dựng một công trình điểm nhấn ấn tượng.

Đặc biệt, giải pháp thiết kế cải tạo không gian mái khối lớp học hiện hữu với hệ thống mái khung thép nhẹ, có chiều cao thêm 01 tầng, tạo thành không gian chơi trong nhà và vườn xanh trên mái với nhiều chủ đề trang trí khác nhau đóng vai trò là vườn sinh vật, không gian giao lưu, sân chơi chung/ riêng đầy ấn tượng và thú vị, cũng như đóng góp thêm một không gian sinh thái cho toàn bộ khu đô thị.  Hệ thống giàn mái với cấu trúc khung thép tiền chế ốp gỗ nhựa có hình khối ngẫu hứng nhẹ nhưng ấn tượng tô điểm cho phần trên cùng của công trình, kết nối thị giác kiến trúc các công trình cũ mới liên kết hữu cơ trong một tổng thể chung.

Theo KTS Trần Nguyễn Quảng – Tổng giám đốc công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam, chủ trì tư vấn thiết kế chia sẻ: Dự án thiết kế cải tạo trường mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi được đưa vào sử dụng năm 2022 đã giải quyết tốt nhu cầu gia tăng nhanh chóng diện tích trường học nội đô cũng như nâng cấp toàn diện trường học công lập cũ gần 20 năm tuổi thuộc vùng ven đô trước kia khi đô thị chưa mở rộng, trở thành trường học nội đô tiện nghi – đồng bộ – đạt chuẩn giáo giục mới – tối ưu về sử dụng đất cũng như hòa nhập và tạo dựng giá trị bản sắc cho cảnh quan đô thị. Thiết kế cải tạo trường học công lập cũ  đảm bảo đạt chuẩn tiện nghi cơ sở vật chất theo yêu cầu đổi mới giáo dục, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh bậc học mầm non, tiệm cận các triết lý đổi mới giáo dục tiên tiến của khu vực và quốc tế; đồng thời đạt được các giá trị tiết kiệm năng lượng, sinh thái cho không chỉ bản thân công trình mà còn đóng góp cộng đồng dân cư xung quanh. Nhưng đồng thời cũng tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách đầu tư công.

Ths. KTS Phạm Hoàng Phương – Viện kiến trúc Quốc Gia
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)