A+ Architects chiến tháng 3 giải thưởng tại Liv Hospitality Design Awards 2021

Vừa qua, tại thưởng thiết kế ngành khách sạn thế giới – Liv Hospitality Design Awards 2-22, Aplus Architects đã vượt qua 400 dự án từ 41 quốc gia khắp thế giới, giành được 3 giải thưởng. Trong đó đặc biệt công trình Tiny Club House của Aplus đạt giải thưởng cao nhất  – Giải Thiết kế Kiến trúc của năm – đồng thời công trình cũng nhận được chiến thắng tại hạng mục Thiết kế Kiến trúc – Không gian sống. Ngoài ra, công trình Swan Hotel – A Welcome Home Hotel cũng nhận được được chiến thắng tại hạng mục Thiết kế kiến ​​trúc Khách sạn – Cửa hàng nhỏ.

Công trình Tiny Club House

Tiny Club House nằm trong không gian cắm trại – hiên sau của chuỗi homestay ở Đà Lạt. Công trình được ra đời dựa trên nhu cầu cung cấp chỗ nghỉ ngơi cho người quản lý và đây cũng là không gian cho du khách đến homestay kết nối với nhau.

Hình ảnh củi trại bập bùng từ đó trở thành nguồn cảm hứng lý tưởng. Đội ngũ kiến trúc sư luôn tìm kiếm một thiết kế vừa thân thuộc, vừa kết nối con người với con người, vừa kết nối con người với không gian để mang lại cảm giác ấm cúng cho bất cứ ai đến, ngồi lại bên trong nó. Những gì riêng tư nhất, các kiến trúc sư chọn đưa nó lên trên. Và ngược lại, đội ngũ thiết kế muốn mọi người dễ tiếp cận với nhau ở mặt đất. Từ đó, quầy bar được bố trí ở tầng trệt. Tầng hai là nơi lưu trú cho người bảo vệ homestay và được sử dụng giải pháp tối giản tối đa các công năng sử dụng. Nhóm thiết kế chọn các vật liệu địa phương như gỗ thông, kính,… để công trình mang hơi hướng hòa nhập chung với sự tự nhiên vốn có của bối cảnh.

Tiny Club House là một bài toán thiết kế thực tế dựa trên nhu cầu có thực, dự án đem lại nguồn cảm hứng để chúng tôi lan tỏa về thông điệp tôn trọng bối cảnh, dù chỉ là một dự án nhỏ hay chỉ là một không gian nhất định. Và hơn thế nữa, chính vì tôn trọng giá trị đó mà các thiết kế đem đến giá trị nhân văn sâu sắc trong thời đại công nghiệp xây dựng phát triển tối đa.

Công trình Swan Hotel

Swan Hotel nằm trên cao nguyên Lâm Viên – Đà Lạt, một vùng đất thuộc miền nhiệt đới nhưng lại khác biệt hoàn toàn với khí hậu dịu mát quanh năm. Công trình vốn nằm ở vị trí có tính bản địa cao, nên các vấn đề pháp lí địa phương cũng trở nên nghiêm ngặt. Đội ngũ thiết kế buộc phải tách rời 2 công trình với giao thông xen giữa, kết nối lắp ghép với hình thức mái dốc.

Nguồn cảm hứng chính của công trình là hình ảnh tổ hợp của những ngôi nhà xếp chồng lên nhau. Mong muốn của đội ngữ thiết kế là khách sạn không chỉ là nơi lưu trú tạm thời cho những vị khách, mà còn là ngôi nhà để họ về. Một điểm quan trọng khác, nút giao thông của hai công trình được bố trí gần và cùng phía. Do đó, giải pháp chính là giao thông có kết cấu lắp ghép, tổ chức về phía ít ảnh hưởng đến view nhìn cho các phòng ở khách sạn nhất.

Vật liệu vốn là một chất cảm đưa công trình đến gần hơn bao giờ hết. Các vật liệu địa phương như vỏ thông, gỗ thông và đá taluy được sử dụng để công trình mang hơi hướng hòa nhập chung với lối kiến trúc mang hơi hướng thuộc địa vốn có của bối cảnh. Ngoài ra, bê tông và gạch vân đá tự nhiên được chọn làm chất liệu ngoại thất để củng cố tính nhận diện của công trình.

Swan Hotel là dự án tạo nên nguồn cảm hứng để lan tỏa thông điệp rèn luyện tính kiên nhẫn – đạo đức của người làm nghề kiến trúc sư. Khách sạn không chỉ là khách sạn, mà còn là nơi chốn tốt như khi bạn ngồi lại vào bên trong ngôi nhà của chính mình và khi đi xa bạn sẽ nhớ về. Một nơi chốn mang hơi hướng đương đại nhưng vô cùng hài hòa với bối cảnh đồi núi đặc trưng của thành phố cao nguyên Đà Lạt.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc