Năm nay, trong khuôn khổ Giải thưởng Kiến trúc Gió Mùa lần thứ 3, Việt Nam có hai công trình được vinh danh: Terra Cotta Workshop của TROPICAL SPACE và TH House của ODDO ARCHITECTS. Hai công trình này, với cách tiếp cận thực tế và gần gũi, thể hiện rõ sự thấu hiểu khí hậu, văn hóa và nhu cầu sống của con người Việt Nam.
Liên hoan Kiến trúc Gió Mùa (Living Monsoon), khởi đầu từ năm 2015 bởi Viện Kiến trúc sư Ấn Độ tại Cochin, đã đánh dấu chặng đường 10 năm bền bỉ tổ chức, gắn kết và phát triển chuyên môn trong cộng đồng thực hành, nghiên cứu, và giáo dục thuộc lĩnh vực thiết kế kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan, và xây dựng ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Trong khuôn khổ kỉ niệm 10 năm Liên hoan Kiến trúc Gió Mùa, Giải thưởng Kiến trúc Gió Mùa lần thứ 3 được tổ chức và đã chào đón sự tham gia đông đảo nhiều công trình của kiến trúc sư và văn phòng khắp nơi thuộc vùng khí hậu gió mùa trên thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên, các tác phẩm vào vòng chung kết sẽ phải thuyết trình và bảo vệ trước Hội đồng ban giám khảo uy tín quốc tế gồm có KTS John Bulcock, Malaysia; KTS Yossapon Bonsom, Thailand; KTS Philip Goad, Australia; KTS Hirante Welandawe, Sri Lanka; KTS Madhura Prematelleke, Sri Lanka; KTS Shimul Javeri, Ấn Độ; KTS Robert Powell, Anh; KTS Ktravindran, Ấn Độ.
Việt Nam vinh dự có 2 công trình đạt giải là TROPICAL SPACE chiến thắng tại hạng mục công trình Giáo dục/làm việc/thương mại với công trình TERRA COTTA WORKSHOP, Quảng Nam và ODDO ARCHITECTURES chiến thắng tại hạng mục công trình Nhà ở với công trình TH House.
Terra Cotta Workshop
Terra Cotta Workshop ở Quảng Nam là nơi làm việc của các nghệ nhân đất nung, được TROPICAL SPACE thiết kế dựa trên sự tôn trọng di sản và môi trường xung quanh. Công trình giữ lại lò gạch cũ hơn 20 năm tuổi làm trung tâm, bao quanh bởi các bức tường gạch được xếp đặt tỉ mỉ: hai bức tường gấp khúc dài và một bức tường tròn. Những bức tường này không chỉ phân chia không gian mà còn tạo bóng râm, dẫn gió và ánh sáng vào xưởng một cách tự nhiên.
Thiết kế của công trình xuất phát từ việc quan sát kỹ lưỡng thói quen làm việc của nghệ nhân. Các ô thoáng thấp ngang tầm mắt trên tường gạch giúp người trong xưởng có thể nhìn ra khu vườn, dòng sông hay lũy tre, tạo cảm giác kết nối với cảnh quan. Công trình sử dụng đất đầm làm nền, giữ độ ẩm tự nhiên, trong khi các kệ gạch dọc tường vừa là nơi trưng bày sản phẩm, vừa là không gian để du khách trải nghiệm quy trình làm gốm.
TH House
TH House của ODDO ARCHITECTS được xây trên mảnh đất chỉ 4x6m, với lối vào là con ngõ rộng 1,2m. Thách thức lớn nhất của công trình là mang lại ánh sáng và thông gió tự nhiên trong một không gian bị bao quanh bởi các nhà cao tầng.
Thiết kế của công trình kết nối với các không gian riêng tư qua một giếng trời xuyên suốt ngôi nhà. Giếng trời này không chỉ đưa sáng và gió vào mà còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình. Cây xanh được đưa vào các tầng nhà qua những khoảng nhỏ, giúp không gian luôn mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên, một yếu tố quan trọng trong bối cảnh Hà Nội thiếu không gian xanh công cộng.
Cả Terra Cotta Workshop và TH House đều cho thấy cách kiến trúc Việt Nam đáp ứng khí hậu nhiệt đới và bối cảnh địa phương. Đó đều là những giải pháp thiết thực, được xây dựng từ sự quan sát và thấu hiểu. Giải thưởng Gió Mùa 2025 đã ghi nhận giá trị ấy, đồng thời khẳng định vị trí của kiến trúc Việt Nam trong cộng đồng thiết kế vùng gió mùa – nơi mà sự bền vững và bản sắc địa phương luôn được đặt lên hàng đầu.
Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc