Khám phá biệt thự Park trong phim “Ký sinh trùng” đoạt 4 giải Oscar 2020

Khi Parasite công chiếu tại Cannes, nhiều đạo diễn kỳ cựu trong hội đồng giám khảo nghĩ rằng đoàn phim đã thuê được một căn hộ thật đẹp để quay. Vậy nhưng, ngôi nhà sang trọng của gia đình Park lại là một set quay được xây dựng tỉ mẩn đến từng viên gạch!

Trong bộ phim “Parasite” vừa giành giải Oscars cho phim xuất sắc nhất, căn nhà Park được thiết kế bởi kiến trúc sư Namgoong Hyeonja, nhưng thực tế đó chính là đứa con tinh thần của thiết kế mỹ thuật Lee Ha Jun.

Khác với cách kiến trúc sư thiết kế căn nhà xoay quanh con người và không gian sống, thì Lee Ha Jun phải thiết kế nhà ưu tiên việc dàn cảnh với nhân vật và các góc máy.

Ảnh bìa đĩa Blu-ray phát hành tại Pháp, minh họa bởi Jisu Choi.

Trong quá trình sản xuất, đạo diễn Bong gọi Parasite là “phim cầu thang”, với việc sử dụng yếu tố bậc thang tượng trưng cho các giai cấp xã hội xuyên suốt từ câu chuyện đến hình ảnh.

Đề bài Bong đưa ra là một set quay không gian mở, được xây giữa một bãi đất rộng, đồng thời bên trong căn nhà phải đủ các yếu tố để tự nó tạo nên “một vũ trụ điện ảnh” riêng.

Digital rendering cảnh nhà Park nhìn từ ngoài (nguồn: Neon)

Cảm hứng về ‘ký sinh trùng’ đến từ trải nghiệm của đạo diễn Bong khi đi dạy gia sư: khi đó ông thấy mình như đang xâm nhập vào gia đình người khác.

Căn nhà Park được xây dựa trên rất nhiều tính toán về hướng nắng và độ sáng ở từng khung giờ trong ngày, từ đó đạo diễn hình ảnh Hong Kyung Pyo có thể quyết định cách đánh sáng gián tiếp với các kích cỡ cửa sổ khác nhau.

Digital rendering tầng trệt căn nhà Park (nguồn: Neon)

Khi viết kịch bản, đạo diễn Bong đã nghĩ sẵn đến cách mỗi nhân vật sẽ di chuyển trong nhà: từ phòng khách ra vườn, cách xuống phòng ăn, cách họ đứng ở cầu thang để theo dõi căn bếp mà không bị phát hiện, hoặc khi một người đang bước tới, thì người khác phải trốn được vào góc nhà…

Và Lee phải thiết kế nhà với tất cả các mối tương quan về không gian giữa các nhân vật như vậy.

Theo lời đạo diễn Bong, đội thiết kế bị khủng hoảng mỗi ngày vì đống nội thất trong nhà Park đắt kinh hoàng, họ luôn mồm phải dặn dò mọi người cẩn thận khi quay phim.

Lee Ha Jun đã thuê một thợ mộc nổi tiếng tên Bahk Jong Sun thiết kế từ ghế đến đèn ngủ theo yêu cầu: vừa tạo cảm giác ấm áp, vừa lạnh lẽo như kim loại với những viền cắt thẳng.

Chiếc bàn phòng khách cũng được thiết kế theo chủ đề tầng trên/tầng dưới của bộ phim. Khi đóng bàn thì team thiết kế phải thay nhau chui xuống nằm thử, để đảm bảo tính logic khi nhà Kim nằm trốn ở dưới thì gia đình Park trên sofa không thể thấy được.Chiếc bàn phòng khách đó được làm từ gỗ hoa anh đào, có giá $19,800. Bàn ăn có giá $22,300, ghế bàn ăn mỗi chiếc là $2,100, chiếc đèn bằng đồng là $14,000. 2 bức tranh trang trí: tấm rừng cây bằng lưới thép giá $120,000, tấm tranh mèo giá $50,000.Phòng khách của nhà Park không có tivi. Vì theo ngụ ý của Bong, cả tầng trệt này là để phô bày cái vườn. Vì thế cửa sổ vĩ đại nhìn ra vườn cũng có tỉ lệ 2.35:1 như bộ phim, và nó luôn lung linh như một bức ảnh treo tường.

Digital rendering phòng khách nhà Park (nguồn: Neon)

Đặc biệt, chiếc thùng rác trong phòng bếp có giá $2,300. Thùng rác nhập về từ Đức được bác Bong mô tả là có một cái nắp ‘đậm chất điện ảnh’: khi dẫm chân vào để mở, nó sẽ mở chậm rãi êm ái; và khi thả chân ra, nó không đóng sầm một cái mà sẽ đóng lại nhẹ êm như thể có chip máy tính điều khiển.

Ở cảnh mở ra căn hầm trú ẩn phía dưới hầm rượu, yêu cầu của đạo diễn là một shot quay liền mạch gia đình Kim chạy xuống. Vì thế Lee phải xây một căn hầm “to đến nực cười”, với đầy đủ vài lượt cầu thang như mô tả trong kịch bản. “Nhờ set quay y như thật, dàn cast có thể tập trung diễn xuất, và việc chạy lên xuống đống cầu thang đó cũng đủ hụt hơi nên lại càng giúp diễn xuất thật hơn.” theo lời của Lee.

Digital rendering của hầm rượu (nguồn: Neon)

Khu nhà nghèo của gia đình Kim thực chất cũng là một set quay được dựng lên bởi đoàn làm phim. Set quay nhìn thật đến độ nhiều khán giả Hàn Quốc cũng không nhận ra!

Nhà Ki-taek được xây từ những cửa, gạch, cửa sổ, thậm chí là dây điện nhặt về từ các khu tái phát triển sắp bị phá ở Hàn Quốc. Đạo diễn Bong muốn các chất liệu phải có sự xơ xác vì đã dùng 10, 20 năm, và khi nhìn vào là phải cảm nhận được cái thứ mùi ẩm mốc của khu nhà nghèo.

Cả con hẻm khu nhà nghèo cũng được xây mới: bao gồm 20 tòa nhà, 40 hộ dân, mỗi hộ dân được team thiết kế tạo một câu chuyện riêng để trang trí nhà khác nhau (có 1 bà cô thu nhặt đồng nát, một nhà thì bán đồ ăn vặt với toàn hộp bánh cá và tương, một người đưa sữa, một nhà khác là tiệm sửa đồ điện của cựu binh).

Digital rendering của khu nhà ổ chuột (nguồn: Neon)

Để làm căn nhà Kim và cả khu phố bị ngập, đội sản xuất xây set quay trong hồ chứa nước dự phòng thảm họa ngoài Seoul. Và công cuộc chuẩn bị cho cảnh ngập nhà được đầu tư kĩ lưỡng nhất, với phần lớn nhân lực, kĩ xảo và ngân sách dồn vào đây.

Khi tiền kì, họ phải cho chạy mô phỏng 3-D để lường trước mọi góc máy, tiên liệu độ nổi của đạo cụ, an toàn điện, test màu khi nhìn qua nước… Trong 3 ngày quay, đoàn phim nâng dần mực nước lên mỗi ngày. Mỗi tiếng đồng hồ trôi qua, đoàn phải ngồi tính toán lượng nước mà set quay có thể chứa được. Và khi mực nước lên cao nhất có thể: đó là cảnh quay cả khu hẻm từ trên cao.

Digital rendering bố cục nhà Kim (nguồn: Neon)

Nguồn: Xinê House