Mở thêm phố đi bộ ở Trung tâm TP Hồ Chí Minh có khả thi

“Thành phố cần tính toán hiệu quả kinh tế, mục tiêu đặt ra khi làm phố đi bộ. Nếu không, việc hạn chế phương tiện ở khu trung tâm có thể ảnh hưởng kinh tế”, TS Võ Kim Cương nói.

Di cư vào TP.HCM gần 3 năm, chị Hoa (27 tuổi) vẫn bối rối khi di chuyển ở trung tâm quận 1, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Có hôm, chị ở đường Huỳnh Thúc Kháng, bạn chị ở đường Nguyễn Thiệp – chỉ cách khoảng 200 m – nhưng phải 20 phút sau họ mới gặp được nhau vì phố đi bộ Nguyễn Huệ cấm xe máy vào thứ 7, chủ nhật.

Mình nhớ đường rất kém trong khi khu trung tâm hầu như là đường một chiều. Mới cấm một tuyến phố đi bộ đã lạc lên lạc xuống, nếu cấm cả 3-4 tuyến thì chắc mình sẽ bớt lên khu trung tâm cho đỡ… lạc”, chị Hoa tâm sự. Dù vậy, chị cũng cho rằng thành phố có nhiều phố đi bộ sẽ mang lại cảm giác văn minh, hiện đại hơn.

“Đi bộ hóa” là khái niệm được nhấn mạnh trong đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm thành phố mà Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) vừa công bố. Trước đề xuất này, không chỉ chị Hoa mà nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị đều ủng hộ và cũng đặt câu hỏi về tính khả thi trong bối cảnh hiện tại.

Xuyên phố đi bộ thế nào?

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, kế hoạch mở rộng phố đi bộ tại TP.HCM không mới, chủ trương này đã có trong đề án Quy hoạch phân khu Khu vực trung tâm hiện hữu TP.HCM 930 ha tỷ lệ 1/2000 ban hành năm 2012 và điều chỉnh năm 2019.

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM tán thành với chủ trương này, nhưng ông Cương cho rằng cần đánh giá tác động của việc mở rộng phố đi bộ với mạng lưới giao thông hiện hữu.

Nếu biến một khu vực thành phố đi bộ thì người dân sẽ tiếp cận giao thông như thế nào, đi xuyên qua phố đi bộ ra sao? Tránh đường đi bộ thì ảnh hưởng thế nào đến cả khu vực”, TS Cương băn khoăn.

Ông Cương lấy ví dụ đường Thái Văn Lung không phải trục giao thông thì có thể chuyển thành phố đi bộ. Tuy nhiên, đường Hàm Nghi hay Lê Lợi là trục giao thông quan trọng của thành phố nên cần tính toán kỹ.

Chuyên gia giả định chặn phố Lê Lợi để đi bộ thì người dân có thể chuyển qua Lý Tự Trọng. Nhưng đường Hàm Nghi là một trục khó có đường thay thế.

Theo quan điểm của ông Cương, dù là tuyến phố đi bộ toàn thời gian, bán thời gian hay tuyến phố ưu tiên đi bộ thì đều hạn chế phương tiện qua các trục giao thông. Điều này sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến người dân và cần tính toán toàn diện.

Đường Lê Thánh Tôn đông đúc hơn sau khi phố đi bộ Nguyễn Huệ đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Quân

Đánh giá cao chất lượng bản báo cáo gần 350 trang của Sở Giao thông Vận tải, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đơn vị này vẫn thiếu một kế hoạch cụ thể nhằm đưa chủ trương “đi bộ hóa” vào thực tế.

“Muốn kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ qua Lê Lợi thì phải cân nhắc giao thông tại Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa bởi các tuyến lân cận sẽ bị dồn tải.” – KTS Ngô Viết Nam Sơn

Cùng quan điểm với TS Cương, ông Sơn dẫn chứng lưu lượng giao thông trên đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn tăng nhiều lần sau khi đường Nguyễn Huệ được quy hoạch thành phố đi bộ.

Chuyên gia cho rằng phương án kéo dài trục đi bộ Nguyễn Huệ tới đường Lê Lợi thì khu vực trung tâm thành phố sẽ bị chia đôi. Người dân sẽ phải đi một đường vòng khá lớn để qua khu vực này, chưa kể tới việc “xương sống” Pasteur sẽ bị chia nhỏ gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

“Muốn kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ qua Lê Lợi thì phải cân nhắc giao thông tại Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa bởi các tuyến lân cận này sẽ bị dồn tải”, ông Sơn nhận định.

Cần đúng thời điểm

TS Cương đánh giá việc tổ chức phố đi bộ là giải pháp tốt nhằm phát triển giao thông công cộng, không gây ách tắc và giảm được lượng xe cá nhân. Tuy nhiên, nếu việc tổ chức không khéo, không đúng thời điểm thì sẽ là “lợi bất cập hại”, làm hạn chế sự phát triển chung của thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Đề án phải tính toán được nguồn thu ngân sách từ xã hội hóa thế nào, tái đầu tư bao nhiêu… thì phương án mới khả thi cả về mặt kinh tế. – KTS Ngô Viết Nam Sơn

Theo TS Cương, có 2 tiêu chí để xác định thời điểm phù hợp đưa kế hoạch này vào thực tế.

Thứ nhất, hệ thống giao thông công cộng của khu vực trung tâm phải được bảo đảm. Cụ thể, hệ thống metro 1 và 2 hoàn thành, đi vào hoạt động. Hệ thống xe buýt kết nối các phố đi bộ với những khu vực khác trong thành phố cũng được thiết kế.

Đồng thời, đường thay thế cho các trục giao thông làm phố đi bộ phải được lên kế hoạch chi tiết. Đặc biệt là tuyến vành đai vòng qua khu trung tâm phải thay thế được các tuyến đường dự định làm phố đi bộ.

Thứ hai, thành phố cần tính toán hiệu quả kinh tế mang lại, mục tiêu đặt ra khi làm phố đi bộ. Nếu không, việc hạn chế phương tiện ở khu trung tâm có thể dẫn đến hệ quả giảm sút kinh tế tại khu vực này do lượng người qua lại giảm.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút nhiều người dân dịp cuối tuần. Ảnh: Lê Quân.

Cũng ở khía cạnh này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để quy hoạch phố đi bộ thì yếu tố quan trọng nhất cần tính đến là hợp tác công – tư.

Dẫn lại thực tế về 3 tuyến phố đi bộ nổi tiếng nhất thành phố hiện tại là Bùi Viện, Nguyễn Huệ, và đường sách Nguyễn Văn Bình, ông Sơn chỉ ra nhược điểm của từng trường hợp.

Trong khi đường Nguyễn Huệ chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước thì đường sách Nguyễn Văn Bình và Bùi Viện có sự tham gia của tư nhân nhưng chưa thể hiện được hiệu quả. Đường sách có doanh thu không cao còn Bùi Viện chỉ có lợi cho các hộ kinh doanh, chưa có sự tái đầu tư bài bản để phát triển phố đi bộ.

Các sở nên có thói quen hợp tác làm chung một dự án để có kế hoạch hoàn chỉnh và khả thi. – KTS Ngô Viết Nam Sơn

Ông Sơn chỉ ra mô hình quản lý và phương án tài chính trong việc quy hoạch không gian chức năng, không gian sử dụng đất… là đặc trưng của các tuyến phố đi bộ.

“Đề án phải tính toán được nguồn thu ngân sách từ xã hội hóa thế nào, tái đầu tư bao nhiêu… thì phương án mới khả thi cả về mặt kinh tế”, chuyên gia nhận định và cho rằng đề án hiện tại vẫn thiên về phân tích hiện trạng giao thông.

TS Cương và KTS Sơn đều cho rằng thành phố nên thí điểm từng phần để đánh giá hiệu quả, khả thi của các phương án. KTS Sơn nhấn mạnh các sở, ban, ngành cần phối hợp để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch này, đặc biệt trong bối cảnh 2 đề án tương tự trước đó không nhận được ủng hộ.

Cụ thể, năm 2017, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch về không gian phố đi bộ tại 8 tuyến đường. Đến năm 2018, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cũng đề xuất chuyển trục đường Lê Lợi thành phố thương mại, mua sắm và hình thành quảng trường đi bộ. Tuy nhiên, cả 2 phương án này không được nhiều chuyên gia tán thành.

“Tôi nghĩ dự án phố đi bộ cần sự phối hợp của Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải. Sở Quy hoạch Kiến trúc làm quy hoạch thì thiếu giao thông. Sở Giao thông Vận tải lại chỉ nói giao thông mà thiếu quy hoạch. Các sở nên có thói quen hợp tác làm chung một dự án để có kế hoạch hoàn chỉnh và khả thi”, ông Sơn nhận định.

Ba phương án được Sở Giao thông Vận tải đề xuất trong đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm TP.HCM:

Phương án 1 – phố đi bộ vào cuối tuần cho quận 1: Chỉ cấm phương tiện lưu thông ở một số tuyến đường vào cuối tuần.

Phương án 2 – phố đi bộ ưu tiên cho đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách: Mạng lưới đường phố ưu tiên người đi bộ nhưng vẫn cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại các ngày trong tuần, cấm phương tiện cơ giới lưu thông trên đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi vào cuối tuần.

Phương án 3 – phố đi bộ 24/7 ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi: Đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và các đường liên kết là những con đường dành riêng cho người đi bộ.

Sau khi so sánh về độ an toàn, bảo mật, sự hấp dẫn, nhu cầu, kết nối, ủng hộ của cộng đồng, phương án 2 có tổng điểm cao nhất.

Theo Thu Hằng /Zing.vn