Sắp phát động Cuộc thi Thiết kế Nhà ở xã hội theo xu hướng Xanh – Bền vững

Ngày 7/3/2025, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức cuộc họp lần thứ nhất triển khai cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội xu hướng xanh – bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tạp chí Kiến trúc được giao là đầu mối tổ chức thực hiện cuộc thi tuyển, phối hợp cùng các đơn vị liên quan, các chuyên gia để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cuộc thi tuyển.

Trước đó, chiều ngày 6/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy nhà ở xã hội và giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội toàn quốc, tìm thiết kế điển hình có thể áp dụng tại các khu đô thị, khu có đông công nhân…, hoàn thành việc này làm từ nay đến 30/4 trên tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán. Bộ Xây dựng thiết kế mẫu, thiết kế mô đun để rút ngắn thời gian thi công; giao các doanh nghiệp lớn phát triển nhà ở xã hội phát triển ngành công nghiệp phát triển nhà ở bài bản; phát huy tính sáng tạo của nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội – Ảnh: VGP/ Nhật Bắc – BCP

Nhà ở xã hội – Giải pháp cấp bách cho thị trường bất động sản

Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là nhiệm vụ cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Chiến lược Phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu xây dựng 100 triệu m2 diện tích sàn mỗi năm, trong đó ít nhất 20% diện tích sàn dành cho người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội được triển khai với tổng quy mô 593.428 căn, nhưng mới chỉ có 103 dự án hoàn thành với hơn 66.755 căn hộ. Số lượng này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Trước những khó khăn này, việc tìm kiếm các giải pháp thiết kế nhà ở xã hội tối ưu, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tiễn, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thi công là yêu cầu cấp thiết.

Một góc khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Huy – QDND

Cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế – Giải pháp cho nhà ở xã hội

Là tổ chức Chính trị xã hội nghề nghiệp được Đảng Nhà nước giao nhiệm vụ, từ trước đến nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bản sắc dưới sự lãnh đạo của Đảng; tham gia phát triển quy hoạch kiến trúc đô thị, nông thôn, trong đó có lĩnh vực nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.

Hiện nay, số dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng còn rất thiếu. Giá thành cao, chưa phù hợp với thu nhập thực tế của người thu nhập thấp tại các đô thị lớn; tốc độ thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ đến 2030 còn rất chậm, có khả năng không hoàn thành. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì chúng ta đang thiếu các thiết kế điển hình (mẫu) cho nhà ở xã hội và phù hợp với văn hóa vùng, miền.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất tổ chức cuộc thi phương án kiến trúc nhà ở xã hội phù hợp vùng miền, nhằm có các mẫu thiết kế mang tính ứng dụng cao, việc này sẽ tiết kiệm chi phí và đặc biệt là rút ngắn thời gian xây dựng.

Cuộc thi sẽ quy tụ các KTS, các nhà tư vấn, nhà phát triển dự án trong nước và cả quốc tế với 3 mục tiêu chính:

  • Tìm ra các thiết kế điển hình, áp dụng rộng rãi, có khả năng xây dựng tại các đô thị lớn và đô thị nén gắn với giao thông công cộng (TOD)
  • Khuyến khích các mẫu thiết kế nhà ở xã hội có giải pháp kỹ thuật, công nghệ đảm bảo khả năng lắp ghép để thi công nhanh, kinh tế, giảm giá thành căn hộ đảm bảo bền vững và tiện nghi cho phép.
  • Tạo điều kiện (bằng cơ chế chính sách ưu đãi) để các Doanh nghiệp lớn trong nước cùng tham gia phát triển công nghiệp sản xuất lắp ghép và xây dựng nhà ở xã hội.

Những ý tưởng, mô hình, mẫu Nhà ở xã hội được giới nghề hưởng ứng trong cuộc thi không chỉ đóng góp vào việc xây dựng những không gian sống đẹp, tiện nghi mà còn là những Giải pháp Nhà ở xã hội tối ưu, thông minh trong thiết kế, bền vững trong tương lai.

Ý kiến của chuyên gia về Cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội xu hướng xanh – bền vững

TS. KTS. Phan Đăng Sơn chia sẻ tại Cuộc họp

Chia sẻ tại cuộc họp, TS. KTS. Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh “Cuộc thi được tổ chức nhằm khơi dậy sự sáng tạo, tư duy phản biện và tinh thần hợp tác của các kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà đầu tư và các chuyên gia trong ngành. Những thiết kế xuất sắc sẽ giúp phát triển nhà ở xã hội bền vững, tiết kiệm chi phí và có thể nhân rộng trên toàn quốc

Theo đó, cuộc thi không chỉ dành cho các kiến trúc sư mà còn mở rộng tới bốn nhóm chính: Kiến trúc sư, nhà phát triển dự án, nhà thầu thi công và nhà sản xuất vật liệu. Sự kết hợp này nhằm đảm bảo rằng các thiết kế không chỉ sáng tạo về kiến trúc mà còn có tính khả thi cao trong thực tiễn.

 KTS. Đặng Kim Khôi – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, các phương án tham gia cuộc thi cần tập trung đảm bảo các yêu cầu: (1) Tối ưu giá thành xây dựng, (2) Đảm bảo tính chất công nghiệp hoá, (3) Có thời gian thi công nhanh, (4) Áp dụng các giải pháp xanh và thiết kế thụ động, hướng tới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, KTS. Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch Hội KTS Hà Nội cho biết, các mẫu nhà ở xã hội cần đạt tiêu chuẩn độc lập – khép kín, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân trong bối cảnh thời đại. Đồng thời, thiết kế Nhà ở xã hội cần đáp ứng được tiêu chuẩn Nhà ở thương mại cỡ trung bình, có diện tích, quy mô phù hợp.

TS. Trần Bá Việt chia sẻ từ góc độ vật liệu và kỹ thuật

Từ góc độ vật liệu và kỹ thuật, TS. Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam nhấn mạnh rằng thiết kế của Nhà ở xã hội cần đảm bảo đồng thời 3 yếu tố: công nghiệp hoá, điển hình hoá và module hoá. Việc này giúp tối ưu chi phí và thời gian khi thi công. Trong đó, nội dung module hoá nên tập trung cho các tấm chứ không nên module hoá dạng không gian để tránh khó khăn cho quá trình vận chuyển, lắp ráp.

Từ góc độ thực tiễn, KTS. Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đề xuất phương án huy động sự tham gia của các chủ đầu tư, nhà tư vấn có sẵn công trình – dự án thực tiễn và chỉnh sửa hoàn thiện từ kinh nghiệm thực tế, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu và triển khai.

KTS. Vũ Văn Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và doanh trại, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Bộ Công an

Ngoài ra, KTS. Vũ Văn Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và doanh trại, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Bộ Công an, đề xuất xây dựng đề bài thiết kế mở. Theo đó, chủ đầu tư có thể dựa trên thiết kế lõi của kiến trúc sư để tùy biến, linh hoạt trong việc lựa chọn giải pháp vật liệu và hình thức kiến trúc theo nhu cầu thực tế. Điều này giúp tăng tính ứng dụng và hiệu quả triển khai cho các dự án nhà ở xã hội trên phạm vi rộng.

Theo các chuyên gia, một trong những tiêu chí quan trọng của cuộc thi là đề xuất các giải pháp công nghiệp hóa, giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sống. Nhà ở xã hội phải đáp ứng được nhu cầu sống của các đối tượng một cách hài hòa, tiện nghi, đạt tiêu chuẩn cơ bản tương đương với nhà thương mại phổ thông. Đặc biệt, thiết kế cần phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền và có đột phá trong việc rút ngắn thời gian thiết kế – xây dựng so với hiện nay. Cuộc thi dự định sẽ tập trung vào hai dạng nhà ở xã hội: bán và cho thuê. Định mức căn hộ sẽ căn cứ vào nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng và có những đề xuất linh hoạt nhằm đảm bảo tính thực tiễn cao.

Các loại hình modul cơ động trong tổ hợp ghép nối mặt bằng của nhiều vùng miền là yếu tố then chốt trong cuộc thi lần này. Nhà ở xã hội không dành riêng cho một nhóm dân cư mà phải đáp ứng nhu cầu của đa dạng đối tượng, mọi dân tộc đều có thể sinh sống trong không gian đó. Yếu tố bản sắc văn hóa địa phương sẽ được phản ánh chủ yếu qua cách bài trí của chủ nhà, trong khi thiết kế tổng thể phải đảm bảo tính linh hoạt và có thể nhân rộng.

Với sự quan tâm từ Chính phủ, sự tham gia của các chuyên gia, nhà thiết kế, chủ đầu tư và doanh nghiệp, cuộc thi thiết kế nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ mang đến những giải pháp đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Thông tin sẽ được Tạp chí Kiến trúc tiếp tục cập nhật trên website www.tapchikientruc.com.vn.

An Du – TCKT.VN
(c) Tạp chí Kiến trúc

—-

Để đăng ký nhận thông tin về Cuộc thi, vui lòng nhập thông tin tại biểu mẫu tại link này