Từ ngày 13/4 – 13/10 tại Yumeshima, Osaka đang diễn ra Triển lãm quốc tế Expo 2025 (Thường gọi là Triển lãm Osaka Kansai). Với chủ đề Thiết kế một xã hội tương lai – Nơi cuộc sống toả sáng, triển lãm diễn ra trong 184 ngày, quy tụ những không gian triển lãm kiến trúc mãn nhãn, từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Triển lãm quốc tế Expo là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, được tổ chức 5 năm một lần tại các quốc gia khác nhau, với mục đích thúc đẩy công nghệ mới, giao lưu văn hóa quốc tế và giải quyết những vấn đề toàn cầu chung. Triển lãm Expo 2025 đặt ra mục tiêu khám phá ba chủ đề phụ quan trọng: Cứu sống, Trao quyền cho cuộc sống và Kết nối cuộc sống. Các chủ đề này nhằm mục đích đoàn kết những người đam mê kiến trúc và thiết kế bằng cách chứng minh cách công nghệ tiên tiến và các giải pháp sáng tạo có thể giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy đối thoại truyền cảm hứng cho các hoạt động tập thể. Triển lãm Expo rộng khoảng 155 ha, với hơn 180 gian hàng. Trong bài viết này, Tạp chí Kiến trúc xin giới thiệu tới bạn đọc những gian hàng kiến trúc hấp dẫn đã hoàn thành tại triển lãm lần này.
1. Vòng mái lớn
“Big Ring Roof” (Vòng mái lớn) là tòa nhà bao quanh trung tâm địa điểm tổ chức và là biểu tượng của triển lãm Osaka-Kansai. Người phụ trách thiết kế cơ bản, thiết kế chi tiết và giám sát thi công sẽ là Sou Fujimoto, một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới và là nhà thiết kế địa điểm cho World Expo 2025, Nhật Bản. Gian hàng là biểu tượng cho triết lý thiết kế “đa dạng nhưng thống nhất” của địa điểm này và đã được Kỷ lục Guinness thế giới công nhận vào tháng 3 năm nay là “tòa nhà bằng gỗ lớn nhất”.
2. Triển lãm Hungary – Kiến tạo xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta
Gian triển lãm Hungary thể hiện chủ đề “Kiến tạo xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta” bằng cách tôn vinh mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, di sản văn hóa và tính bền vững. Thiết kế lấy cảm hứng từ đồng cỏ Hungary với thực vật bản địa, kết hợp mái vòm gỗ hình đống cỏ khô và một cấu trúc rừng làm biểu tượng. Triển lãm khám phá mối liên hệ giữa truyền thống âm nhạc Hungary và Nhật Bản, đặc biệt là thông qua việc sử dụng chung thang âm ngũ cung trong âm nhạc dân gian. Ngoài triển lãm, gian hàng còn có không gian hội nghị, bistro, quầy bar rượu và cửa hàng quà tặng để thúc đẩy giao lưu kinh doanh và văn hóa.
3. Vương quốc Anh – Xây dựng hướng tới tương lai
Triển lãm Vương quốc Anh do Woo Architects và ES Global thiết kế, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn, nhà triển lãm có cấu trúc dạng lưới 10×10 mét theo mô-đun được thiết kế ưu tiên tính dễ lắp ráp, tháo rời và di dời. Gian hàng được thiết kế để vận hành với mức tiêu thụ năng lượng thấp, có mái phẳng linh hoạt cho việc lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời hoặc gió. Gian hàng triển lãm phản ánh chủ đề của Expo, “Come Build the Future”, thể hiện tính bền vững và tái sử dụng .
Đây là sự tiếp nối kinh nghiệm của ES Global trong kiến trúc mô-đun, từng được áp dụng cho các công trình tại Thế vận hội Tokyo 2020 và Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung Birmingham 2022. Woo Architects và ES Global xem gian hàng này như một bước tiến trong lĩnh vực xây dựng mô-đun tại Nhật Bản, nơi vốn nổi tiếng về đổi mới trong ngành.
4. Triển lãm Philippines – Thiên nhiên, Văn hóa & Cộng đồng: Đan kết vì một tương lai tốt đẹp hơn
Triển lãm của Philippines tại kỳ Expo lần này được mở màn với một công trình kiến trúc do công ty tư vấn kiến trúc Carlo Calma Consultancy Inc. – một đơn vị do người Philippines đứng đầu – thiết kế, phối hợp cùng công ty kiến trúc Cat Inc. của Nhật Bản, đơn vị đảm nhận vai trò kiến trúc sư điều hành và quản lý dự án. Với tên gọi “Woven” (tạm dịch: “Đan kết”), gian nhà triển lãm thể hiện mối liên kết sâu sắc của đất nước Philippines với thiên nhiên, di sản văn hóa và các giá trị cộng đồng. Dưới chủ đề “Thiên nhiên, Văn hóa & Cộng đồng: Đan kết vì một tương lai tốt đẹp hơn,” gian triển lãm nhằm tôn vinh sự sáng tạo, tính đa dạng và khát vọng phát triển bền vững của Philippines, đồng thời mời gọi du khách cùng khám phá những ưu tiên văn hóa và môi trường của quốc gia này.
Các tấm đan này được thực hiện bởi các nghệ nhân địa phương đến từ nhiều cộng đồng khắp Philippines, như một sự tri ân đối với di sản nghề dệt truyền thống của đất nước, đồng thời thể hiện sự đa dạng văn hóa của 18 vùng ngôn ngữ – dân tộc khác nhau. Thông qua việc đưa kỹ thuật dệt thủ công vào kiến trúc, gian triển lãm muốn khẳng định giá trị đương đại của nghề thủ công Philippines.
5. Triển lãm Nhật Bản
Gian triển lãm Nhật Bản do Nikken Sekkei thiết kế, lấy chủ đề “Giữa những sự sống,” nhấn mạnh chu trình biến đổi của thực vật, động vật và xã hội. Gian hàng thể hiện cách các thực thể, khi hoàn thành vai trò của mình, sẽ chuyển hóa thành những dạng tồn tại mới, duy trì sự kết nối liên tục trong tự nhiên.
Thiết kế khuyến khích sự nhận thức và trân trọng tất cả các hình thức sống, đồng thời phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa con người Nhật Bản với thiên nhiên và cái đẹp. Thiết kế kiến trúc với kết cấu vòng tròn bằng gỗ ghép chéo (CLT) tượng trưng cho sự tuần hoàn không ngừng, cho phép du khách trải nghiệm sự chuyển tiếp giữa các trạng thái sống khác nhau. Sau Expo, vật liệu gỗ (từ cây tuyết tùng Nhật Bản) sẽ được tái sử dụng cho các dự án xây dựng trên khắp Nhật Bản, nhấn mạnh cam kết về tính bền vững.
6. Gian triển lãm Azerbaijan – Bảy cây cầu vì sự bền vững
Gian Triển lãm Azerbaijan mang chủ đề “Bảy cây cầu vì sự bền vững”, tôn vinh sự kết nối, yếu tố then chốt để tạo dựng một tương lai tươi sáng và hài hòa. Du khách sẽ bước vào hành trình đầy sắc màu qua “Bảy Vẻ đẹp”, mỗi cây cầu đại diện cho một khía cạnh văn hóa của Azerbaijan, truyền tải những bài học sâu sắc. Những sợi chỉ kiến thức và trí tuệ thu thập được từ mỗi bước đi sẽ dần dần hòa nhập vào nhau, tạo thành một bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng.
Triển lãm kết hợp kiến trúc ý nghĩa, công nghệ tương tác, trải nghiệm giác quan và thiết kế tinh tế, tạo nên một không gian sống động, thể hiện chủ đề “Kết nối cuộc sống”. Đây là một trải nghiệm không chỉ đáng nhớ mà còn sâu sắc, mở ra cánh cửa khám phá những bước đi của Azerbaijan trong việc thúc đẩy sự hợp tác và kết nối văn hóa.
7. Gian Triển lãm Uzbekistan – Khu vườn tri thức
Gian Triển lãm Uzbekistan tại Expo mang chủ đề “Khu vườn tri thức”, được thiết kế kiến trúc nhằm phản ánh tinh thần của sự kết nối giữa quá khứ và tương lai. Đây là sự hòa quyện giữa kiến trúc tiên tiến và di sản văn hóa lâu đời của đất nước. Ngoại thất của gian hàng được trang trí bằng các họa tiết mang tính biểu tượng, lấy cảm hứng từ nghệ thuật thêu, hoa văn và họa tiết truyền thống của Uzbekistan.
Bên trong, không gian trưng bày chính được chia thành ba khu vực: giáo dục, đổi mới và năng lượng sạch, thể hiện rõ cam kết của Uzbekistan đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Một trong những điểm nhấn nổi bật của gian hàng là “vườn ươm” – một nền tảng chuyển động và phát sáng đặt tại trung tâm, dẫn dắt du khách bước vào một hành trình trải nghiệm đầy sống động và giàu cảm xúc.
8. Gian Triển lãm Thụy Sĩ – Từ Heidi đến Công nghệ cao
Gian Triển lãm Thụy Sĩ mang đến cho du khách một hành trình tương tác và đa giác quan, khám phá tinh thần đổi mới dựa trên sự hợp tác. Với chủ đề “Từ Heidi đến Công nghệ cao”, gian hàng thể hiện hành trình phát triển của Thụy Sĩ – từ di sản núi non đặc trưng đến vị thế trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới. Nhân vật Heidi, được yêu mến qua nhiều thế hệ tại Nhật Bản, được chọn làm linh vật chính thức của gian hàng.
Phù hợp với chủ đề chung của Expo, “Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta”, gian hàng hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường bằng thiết kế màng nhẹ cho phép xây dựng nhanh chóng và củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia. Kiến trúc của gian hàng Thụy Sĩ gợi lên cảm giác nhẹ nhàng và vui tươi. Bên trong, du khách được trải nghiệm những thành tựu nổi bật của Thụy Sĩ trong lĩnh vực đổi mới và sáng tạo, đồng thời khám phá ba chủ đề trọng tâm: Con người tăng cường (Augmented Human) – Cuộc sống (Life) – Hành tinh (Planet).
9. Gian Triển lãm Qatar – Nơi truyền thống khơi nguồn đổi mới
Gian Triển lãm Qatar tại Expo 2025 mang chủ đề “Nơi truyền thống khơi nguồn đổi mới”, do văn phòng kiến trúc Kengo Kuma & Associates thiết kế. Lấy cảm hứng từ kỹ thuật đóng tàu truyền thống của Qatar và nghệ thuật mộng gỗ của Nhật Bản, thiết kế của gian hàng là sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa. Biển cả, nơi giao thoa tài nguyên và thương mại, đã tạo nền tảng cho mối quan hệ song phương bền chặt giữa Qatar và Nhật Bản, góp phần làm giàu bản sắc của cả hai quốc gia. Du khách đến với gian hàng Qatar sẽ được trải nghiệm hành trình khám phá giá trị lịch sử và đương đại của các vùng ven biển, nơi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
10. Gian Triển lãm Bồ Đào Nha – Đại dương – Đối thoại xanh
Gian hàng Bồ Đào Nha mang chủ đề “Đại dương – Đối thoại xanh”, thể hiện cam kết hợp tác vì một tương lai bền vững. Thông qua trải nghiệm đa phương tiện độc đáo và tương tác, gian hàng mời gọi du khách khám phá đại dương như một nguồn sống quý giá. Hành trình này đưa chúng ta từ những thách thức cấp bách hiện nay đến những “utopia kỳ diệu” – những viễn cảnh đầy cảm hứng cho một tương lai bền vững trong mối quan hệ giữa con người và biển cả.
11. Gian Triển lãm Ba Lan – Gen sáng tạo
Gian Triển lãm Ba Lan tại Expo 2025 giới thiệu hình ảnh một quốc gia mà nguồn tài nguyên quý giá nhất chính là con người sáng tạo. “Gen sáng tạo” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp người Ba Lan hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn, thích ứng linh hoạt trước những biến động toàn cầu, và không ngừng tạo ra các ý tưởng mới trong các giải pháp xã hội lẫn công nghệ.
Thiết kế kiến trúc của gian hàng sử dụng chất liệu gỗ làm chủ đạo, với hình khối gợi lên hình ảnh làn sóng lan tỏa của sức sáng tạo và đổi mới từ Ba Lan. Đặc biệt, các buổi hòa nhạc piano trong không gian biểu diễn của gian hàng sẽ mang đến cho du khách những tác phẩm kinh điển của nhà soạn nhạc vĩ đại Fryderyk Chopin – niềm tự hào của nền văn hóa Ba Lan.
12. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – Từ Trái Đất đến Tầng Không
Gian Triển lãm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mang đến một tuyên ngôn đầy cảm hứng về tương lai qua chủ đề “Từ Trái Đất đến Tầng Không” (Earth to Ether). Lấy hình ảnh cây chà là – loài cây bám rễ sâu trong lòng đất nhưng luôn hướng thẳng lên trời cao – làm biểu tượng, gian hàng tái hiện hành trình phát triển của con người UAE: gắn bó với cội nguồn nhưng không ngừng vươn xa chinh phục những giới hạn mới. Thông qua chuỗi trải nghiệm đa giác quan, khách tham quan sẽ gặp gỡ những con người tiêu biểu được gọi là “Người mơ dám hành động” – những nhà khoa học khám phá không gian, chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực y tế và những người dẫn đầu xu hướng phát triển bền vững. Họ chính là hiện thân cho khát vọng đổi mới không ngừng, vì một tương lai thịnh vượng cho cả hành tinh và không gian ngoài Trái Đất.
12. Gian Triển lãm Trung Quốc – Xây dựng cộng đồng sinh mệnh giữa con người và thiên nhiên
Gian hàng Trung Quốc mang chủ đề “Xây dựng cộng đồng sinh mệnh giữa con người và thiên nhiên – Hướng tới xã hội phát triển xanh trong tương lai”. Thiết kế ngoại thất của gian hàng lấy cảm hứng từ thẻ tre – một hình thức lưu trữ tri thức cổ xưa – và được tạo hình như một cuộn thư pháp truyền thống đang mở ra, gợi nhắc đến chiều sâu văn hóa lâu đời của Trung Hoa.
Gian hàng truyền tải tư tưởng triết học phương Đông sâu sắc: con người cần tôn trọng thiên nhiên, thuận theo quy luật của tự nhiên và sống hòa hợp với môi trường. Đây cũng chính là thông điệp cốt lõi mà Trung Quốc mong muốn lan tỏa trong hành trình hướng đến một tương lai phát triển bền vững.
13. Gian triển lãm Áo – Sáng tác tương lai
Tác phẩm điêu khắc hình xoắn ốc đầy sáng tạo – biểu tượng trung tâm của gian hàng Áo tại Expo 2025 – mở ra một hành trình hướng tới tương lai tươi sáng. Với chủ đề “Sáng tác tương lai” (Composing the Future), gian hàng mang đến một cách tiếp cận độc đáo: diễn giải chủ đề chung của triển lãm “Kiến tạo xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta” thông qua ngôn ngữ của âm nhạc.
Công trình kiến trúc nổi bật này được tạo nên từ những tấm gỗ xoắn trôn ốc, tựa như một bản nhạc khổng lồ vươn cao lên bầu trời. Tác phẩm không chỉ là lối dẫn vào không gian trưng bày, mà còn là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo và đổi mới – những giá trị đặc trưng của nước Áo. Bên trong gian hàng, du khách sẽ được khám phá một nước Áo hiện đại và đa sắc – từ quá khứ đến tương lai, từ những điều đã quen thuộc đến những điều chưa từng biết tới – qua lăng kính của nghệ thuật, văn hóa và công nghệ tiên tiến.
14. Vương quốc Bahrain: Kết nối Biển cả – Hành trình qua các giác quan
Gian hàng Vương quốc Bahrain mang chủ đề “Kết nối Biển cả – Hành trình qua các giác quan”, khám phá sự kiên cường và khả năng thích ứng của văn hóa biển Bahrain qua một triển lãm tương tác, trưng bày các yếu tố di sản hàng hải của đất nước. Tên gọi “Al Bahrayn” của quốc gia này ám chỉ hai đại dương của Bahrain: biển bao quanh các đảo và các mạch nước ngọt nằm dưới lớp nước nông. Biển cả, như một đặc trưng bền vững của các đảo Bahrain, đã giúp quốc gia này chuyển mình từ một cảng thương mại nổi bật thành một điểm đến du lịch và tài chính sôi động trong Vịnh Ả Rập.
15. Gian Triển lãm Pháp – Một bài ca dành cho tình yêu và lời mời gọi sự dũng cảm và cam kết
Gian Triển lãm Pháp mang chủ đề “Một bài ca dành cho tình yêu và lời mời gọi sự dũng cảm và cam kết”. Lấy cảm hứng từ huyền thoại sợi chỉ đỏ trong văn hóa Nhật Bản – một sợi chỉ vô hình và không thể phá vỡ kết nối hai sinh linh bằng những ngón tay út – gian hàng Pháp mang đến một “sợi chỉ đỏ” riêng, mở ra một tầm nhìn mới về tương lai, được dẫn dắt bởi các hình thức tình yêu khác nhau như “Yêu bản thân”, “Yêu người khác” và “Yêu thiên nhiên”.
Ngay từ lối vào, mặt tiền của gian hàng sẽ mở ra, giống như một sân khấu kịch lớn trước mắt công chúng, nhưng vẫn giữ lại yếu tố bí ẩn. Các mặt bên của gian hàng sẽ được che phủ hoàn toàn như những tấm màn sân khấu. Một khu vườn sẽ dần lộ diện vào thời điểm cuối cùng, trong suốt quá trình tham quan triển lãm thường trực.
16. Gian Triển lãm Hà Lan – Một bình minh mới
Gian hàng Hà Lan mang chủ đề “Tạo dựng bình minh mới cùng nhau trên nền tảng chung”, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu lớn như chuyển đổi năng lượng và bảo vệ sự sống.Gian hàng Hà Lan hướng đến việc trở thành một không gian mở, nơi mọi người có thể gặp gỡ, học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau. Đây là nơi chúng ta có thể đoàn kết năng lượng để tạo ra những xã hội khỏe mạnh và hạnh phúc. Với thông điệp hy vọng về một tương lai bền vững, thiết kế của gian hàng Hà Lan sử dụng hình ảnh mặt trời nhân tạo. Mặt trời này biểu tượng cho bình minh – một tương lai được trao quyền nhờ sự hợp tác và năng lượng sạch, vô hạn và có thể tiếp cận cho tất cả mọi người: Một bình minh mới.
17. Gian Triển lãm Malaysia – Dệt nên một tương lai hòa hợp
Gian Triển lãm Malaysia được thiết kế để giới thiệu nền văn hóa đa dạng và nền kinh tế sôi động của quốc gia này. Với chủ đề “Dệt nên một tương lai hòa hợp”, mặt tiền gian hàng ấn tượng được làm bằng tre, với họa tiết “dải ruy băng” đan xen nhau, gợi lên sự mềm mại, thanh thoát của vải “songket” – một loại vải mang tính biểu tượng của Malaysia. Khi màn đêm buông xuống, gian hàng chuyển mình, tỏa ra ánh sáng huyền bí phản chiếu sự lấp lánh sang trọng của những sợi chỉ vàng và bạc. Gian Triển lãm Malaysia Thiết kế này nhấn mạnh di sản văn hóa phong phú của Malaysia, đồng thời chứng minh rằng sự đa dạng chính là yếu tố thúc đẩy việc tạo ra một tương lai đổi mới, bao trùm và bền vững.
18. Gian Triển lãm Malta – Cánh cổng thời gian
Gian Triển lãm Malta kết hợp giữa việc tôn vinh di sản văn hóa của quốc đảo và khai thác những cơ hội của thế kỷ 21, mang đến một tầm nhìn về sự kiên cường và sáng tạo, được gắn kết sâu sắc với quá khứ phong phú của Malta. Mặt tiền bằng đá vôi ban đầu có vẻ đơn giản nhưng thực tế là một “cánh cổng thời gian” động, che giấu những dấu ấn lịch sử được lựa chọn kỹ lưỡng. Lối vào mảnh mai của gian hàng, được bao quanh bởi nước, gợi lên hình ảnh các khe hẹp bí ẩn trong các hang biển của Malta.
Sự kết hợp giữa ánh sáng và bóng tối trong không gian chuyển tiếp này tăng cường cảm giác mong đợi của du khách, tượng trưng cho những kho báu của Malta đang chờ được khám phá. Các yếu tố thẩm mỹ cổ xưa hòa quyện cùng công nghệ tiên tiến trong trải nghiệm nội thất, và khi ra ngoài, du khách có thể thư giãn tại khu vực ghế ngồi ngoài trời để thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Malta.
19. Gian Triển lãm Việt Nam –
Nằm ở vị trí đắc địa, gần Nhà Triển lãm Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Nhà Triển lãm Việt Nam do Cục Hợp tác quốc tế vận hành, đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem nhờ không gian trưng bày rực rỡ, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam nhưng cũng không kém phần đương đại. Khéo léo kết hợp các yếu tố công nghệ hiện đại như hologram 3D, cảm ứng, mapping…, ngôn ngữ kể chuyện hấp dẫn, tính tương tác cao, Nhà Triển lãm Việt Nam mong muốn trở thành sợi chỉ kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giới thiệu với khách tham quan về một đất nước Việt Nam hiện đại, phát triển bền vững, không bỏ lại ở phía sau.
Gian Triển lãm Việt Nam có diện tích 300m² với chủ đề “Xã hội toàn diện lấy con người làm trung tâm,” gian triển lãm truyền tải thông điệp về một xã hội phát triển hài hòa, bền vững, nơi con người vừa là trung tâm, vừa là động lực và mục tiêu của sự tiến bộ. Gian triển lãm là nơi kể những câu chuyện tự hào về Việt Nam – một quốc gia đặt văn hóa làm nền tảng, thúc đẩy nội lực và hướng đến một xã hội không ai bị bỏ lại phía sau.
20. Gian triển lãm Luxembourg – Nhịp đập trái tim
Gian hàng quốc gia Luxembourg , được thiết kế bởi công ty STDM architectes urbanistes có trụ sở tại Luxembourg hợp tác với công ty MIKAN của Nhật Bản, với ý tưởng “Doki-Doki – Nhịp đập trái tim Luxembourg”. Gian hàng lấy tên từ tiếng Nhật có nghĩa là nhịp tim, nhằm mục đích thể hiện niềm vui và sự nhiệt tình đồng thời củng cố mối liên kết giữa hai quốc gia. Gian hàng cũng nỗ lực mang đến cho du khách cơ hội khám phá sự phong phú về văn hóa của Luxembourg và bản sắc đa dạng của quốc gia này.
21. Gian Triển lãm dành cho phụ nữ
Gian Triển lãm dành cho phụ nữ hợp tác với Cartier, là một gian hàng có chủ đề xoay quanh việc thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. Dự án kết hợp hai yếu tố chính đưa chủ đề của Expo 2020 Dubai vào Expo 2025 Osaka , Kansai.
Yếu tố đầu tiên là sự tiếp nối của chính khái niệm Nhà triển lãm dành cho phụ nữ, được ra mắt tại Expo 2020 Dubai, và được thực hiện để nêu bật những đóng góp của phụ nữ cho xã hội. Trong khi vẫn giữ nguyên tên gọi và tinh thần của Nhà triển lãm dành cho phụ nữ ban đầu, phiên bản mới này là sáng kiến chung giữa Cartier, Hiệp hội Nhật Bản cho Triển lãm thế giới 2025, Văn phòng Nội các và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Hiện tại, các Nhà triển lãm vẫn tiếp tục hoàn thiện. Tạp chí Kiến trúc sẽ tiếp tục cập nhật các không gian triển lãm tại bài viết này. Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm theo dõi!
Khánh Hoà-Thu Vân
Biên dịch và tổng hợp từ Archdaily và Expo 2025
Link gốc xem tại:
1. https://www.archdaily.com/tag/expo-2025-osaka?page=2
2. https://www.tokyoartbeat.com/articles/-/expo2025-osaka-must-see-spots-report-202504
3. https://www.expo2025.or.jp/en/official-participant/?_gl=1*rxay4j*_gcl_au*NTMwMzAzODE1LjE3NDU5MzQ1MjI
4. https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/ra-mat-trang-web-chinh-thuc-va-nha-trien-lam-ao-cua-viet-nam-tai-expo-2025-52715