Tọa đàm Kiến trúc Việt Nam – Nhật Bản: “Những thách thức địa phương”

Nằm trong chuỗi các sự kiện của “Wooden Forum”, nhằm kết nối Nhật Bản và các nước Đông Nam Á về hướng đi mới của kiến trúc Việt Nam gắn với những thách thức địa phương như thiết kế, vật liệu, quản lý cộng đồng, ngày 9/10, Viện Kiến trúc Nhật Bản – Hội nghị Quốc gia về Môi trường đã đồng tổ chức tọa đàm “Những thách thức địa phương” trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc: KTS Trần Đại Nghĩa (NH Village); KTS. Niwa Takashi (Takashi Niwa Architects); KTS. Hoàng Thúc Hào (Văn phòng kiến trúc 1+1>2); KTS. Đàm Vũ / Anni Lê (Kiến Trúc O).

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia và khách mời đã cùng thảo luận về sự phát triển nhanh chóng của kiến trúc Việt Nam cũng như chia sẻ về thiết kế, công nghệ, dịch vụ xã hội và việc Việt Nam trở thành khu vực có nền công nghiệp gỗ xuất khẩu sang Nhật Bản lớn nhất châu Á.

“Đây là hoạt động trong diễn đàn vật liệu gỗ môi trường với mục đích kết nối kiến trúc Nhật Bản đến với kiến trúc thế giới.” – Ông Riichi Myake, Giám đốc ARCHI-DEPOT Corporation chia sẻ.

Ông Riichi Myake, Giám đốc ARCHI-DEPOT Corporation chia sẻ

Tham gia hội thảo, ông Riichi Myake, Giám đốc ARCHI-DEPOT Corporation đã chỉ ra các vấn đề về gỗ mà các nước Đông Nam Á gặp phải. Hiện nay có 4 vấn đề lớn mà khu vực Đông Nam Á mắc phải khi sử dụng vật liệu gỗ: biến đổi khí hậu môi trường, phá rừng; chảy máu gỗ, cộng đồng nhân dân địa phương yếu thế; văn hóa sử dụng nhiều sản phẩm đồ gỗ nhưng xu hướng không ưa chuộng vật liệu gỗ. Đồng thời ông của đã ra 4 nhiệm vụ lớn cho các kiến trúc sư: phương pháp giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, sáng tạo phát triển bền vững, hoạt động hướng tới cộng đồng địa phương, nỗ lực liên kết giữa các nước với nhau.

Không giống với khí hậu Nhật Bản, Việt Nam là nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới. Trong những năm gần đây, các KTS Việt Nam vẫn luôn nỗ lực đưa ra các giải pháp bằng cách sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ và đất, các biện pháp bảo vệ rừng tại công trình có sự tham gia của người dân, tạo ra các hoạt động có ích cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đại dự các KTS Việt Nam tham dự hội thảo, KTS Nguyễn Thúc Hào nhận định rằng Kiến trúc cổ và truyền thống của Việt Nam rất phong phú, nhưng kiến trúc hiện đại ngày nay chưa tiếp nối được truyền thống kiến trúc ngày xưa.

Bản sắc kiến trúc địa phương bắt đầu từ con người, từ văn hóa bản địa. Vì vậy vật liệu kiến trúc địa phương là thách thức đối với bản địa. Do đó các điều kiện kiến trúc địa phương được đưa ra bàn luận và nhận được nhiều sự quan tâm trong buổi tọa đàm. Ngoài ra, các chuyên gia còn bàn về cách tổ chức không gian nhiệt đới và không gian cận nhiệt đới, cách sử dụng vật liệu địa phương hợp lý.

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công và kết thúc tốt đẹp, mang đến những góc nhìn mới về kiến trúc địa phương với cuộc sống hiện đại, bên cạnh đó đưa ra các hướng đi mới cho kiến trúc Việt Nam giải quyết những thách thức địa phương. Hy vọng, sau buổi tọa đàm, các giải pháp kiến trúc được đưa ra sẽ được các kiến trúc sư hoàn hiện, đưa vào áp dụng thực tế để giải quyết vấn đề thách thức địa phương hiện nay.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc