UIA International forum 2024 tại Kuala Lumpur: Kiến trúc góp phần thúc đẩy sự bền vững xã hội

Diễn đàn Quốc tế của Liên đoàn KTS Thế giới (UIA) năm 2024 đã diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, từ ngày 15 đến 17/11/2024, với chủ đề “Diverscity: Humanity & Sustainable Growth”. Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng ngàn KTS, nhà quy hoạch, học giả và chuyên gia trên toàn cầu, tạo nên không gian trao đổi về sự đa dạng trong văn hóa, kiến trúc và sự phát triển bền vững.

Sự kiện được tổ chức xoay quanh 3 nội dung chính

1. Văn hóa và Di sản (Culture and Heritage): Khám phá vai trò của bản sắc địa phương và di sản trong việc định hình đô thị. Các nghiên cứu về sự nhạy cảm về văn hóa trong kiến trúc – Hình dung lại những câu chuyện văn hóa trong những không gian được xây dựng lại.

2. Mật độ và Tăng trưởng bền vững (Density and Sustainable Growth): Thảo luận các chiến lược phát triển siêu đô thị thân thiện với môi trường.

3. Bình đẳng và Sinh thái (Equity and Ecology): Đưa ra giải pháp kết hợp giữa sự phát triển xã hội và bảo vệ hệ sinh thái. Diễn đàn không chỉ là nơi trình bày ý tưởng mà còn tạo cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thông qua các phiên thảo luận và tham quan thực tế tại Malaysia.

Chuỗi hoạt động với 7 chủ đề chính trong 3 ngày

Đó là các chủ đề: “Hình tượng văn hóa trong bối cảnh đô thị”; “Không gian và địa điểm tương tác văn hóa”; “Sự nhạy cảm về văn hóa trong kiến trúc”; “Chính sách quản trị Đa dạng Đô thị”; “Hình dung lại những câu chuyện văn hóa trong những không gian được xây dựng lại”; “Thiết kế chú trọng đến con người và thiên nhiên”; “Kiến trúc lấy con người làm trung tâm: Thiết kế cho thế hệ tương lai”.

TS. KTS Nguyễn Việt Huy Chủ tịch Hội KTS ĐH Xây dựng Hà Nội trình bày

Các bài trình bày đáng chú ý phải kể đến bài diễn thuyết của KTS. Roland Schnizer, cộng sự chính của văn phòng Foster + Partners (UK); hay TS.KTS Wang Shu (Amateur Architecture Studio) – Giải thưởng Pritzker 2012). Họ đã trình bày về việc khai thác các yếu tố bản địa trong kiến trúc đương đại, được vận dụng qua những công trình của mình. KTS. Kai Uwe Bergmann, cộng sự chính của Bjarke Ingles Group (BIG), (USA /Denmark) diễn giả chính đã để lại nhiều sự thuyết phục qua việc nghiên cứu những kiến trúc và đô thị “không tưởng” nhưng lại rất khả thi. Hay GS.TS.KTS Ken Yaeng đã cho Diễn đàn năm nay được thưởng thức một “bữa tiệc kiến trúc sinh thái” đúng nghĩa… Trong số các diễn giả chính nổi bật tại sự kiện, thật tự hào khi có đại diện từ Việt Nam, KTS. Đoàn Thanh Hà (H&P) đã để lại dấu ấn sâu sắc với bài thuyết trình gắn liền với chủ đề “Sự đa dạng và tăng trưởng bền vững”.

KTS Wang Shu và Vợ trình bày tại Hội thảo

Trong chủ đề “Sự nhạy cảm văn hóa trong kiến trúc: Cách các KTS thiết kế không gian tôn trọng và tôn vinh sự đa dạng văn hóa” (cùng trình bày với TS.KTS Wang Shu), qua bài diễn thuyết của mình, KTS Đoàn Thanh Hà đã tập trung vào các thiết kế cộng đồng dành cho những nhóm dân cư yếu thế tại Việt Nam Đó là những công trình sử dụng vật liệu địa phương như tre, gỗ tái chế, kết hợp với cách tiếp cận thiết kế sáng tạo nhưng đơn giản, không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà còn thể hiện sự hòa quyện giữa kiến trúc và thiên nhiên, góp phần thúc đẩy sự bền vững xã hội. Bài trình bày cũng nhấn mạnh những giá trị của kiến trúc bản địa Việt Nam (vật liệu địa phương, vật liệu tại chỗ và các kinh nghiệm xây dựng truyền thống) là nền tảng và cảm hứng để nghiên cứu phát huy trong những thiết kế đương đại vì con người.

Trung tâm Hội nghị diễn ra sự kiện tại Kuala Lumpur, Malaysia
KTS Ken Yeang – Những nghiên cứu về Kiến trúc Xanh

Ngoài ra, trong Diễn đàn UIA lần này còn có sự tham gia của rất nhiều các bài báo cáo khoa học theo sát các chủ đề của diễn đàn. Đến từ ĐH Xây dựng Hà Nội, TS.KTS Nguyễn Việt Huy và TS.KTS Vũ Thị Hương Lan đã mang đến một bài tham luận chuyên sâu về quá trình hiện đại hóa bản địa trong kiến trúc nhà ở vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng. Bài trình bày tập trung phân tích cách các giá trị văn hóa truyền thống có thể được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh các thách thức hiện đại, bao gồm biến đổi khí hậu và tăng trưởng đô thị. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kiến trúc kết hợp vật liệu địa phương với công nghệ mới để vừa bảo tồn bản sắc vừa nâng cao chất lượng sống. Các bài thuyết trình năm nay đều nhấn mạnh vai trò của sự đa dạng – không chỉ trong văn hóa mà còn trong cách tiếp cận và áp dụng giải pháp thiết kế – như một yếu tố cốt lõi để đạt được sự phát triển bền vững.

Chi hội KTS ĐH Xây dựng Hà Nội tham gia sự kiện

Những thông điệp chung

Phát huy và gìn giữ kiến trúc bản địa: Trong thời đại phát triển mới, kiến trúc và các giá trị bản địa mang đến những nét đa dạng hấp dẫn và thú vị tại mỗi vùng đất đó. Các bài trình bày và những nghiên cứu xoay quanh nội dung của UIA Forum 2024 –“ Diversecity” tính đa dạng . Kiến trúc truyền thống Trung Quốc, Bhutan, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Việt Nam, Indonesia, Palestine, Somalia…được các tác giả nghiên cứu và trình bày sâu sắc, mang đến những cái nhìn mới, những hướng tiếp cận đa chiều và thuyết phục. Mỗi đất nước, dân tộc đều có những giá trị bản địa, văn hóa, khí hậu riêng nhưng điểm chung vẫn là gìn giữ di sản, phát triển kiến trúc vì con người, vì sự đa dạng văn hóa.

Sự kiện kết thúc với lời kêu gọi từ cộng đồng KTS quốc tế: Hãy sử dụng kiến trúc như một công cụ để thúc đẩy bình đẳng, gìn giữ di sản và bảo vệ môi trường. Sự đa dạng không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tạo nên những đô thị nhân văn và bền vững hơn. Sự kiện UIA International Forum 2024 là một minh chứng cho thấy: Kiến trúc không chỉ là nghệ thuật mà còn là cách để kết nối con người, văn hóa và thiên nhiên trong sự hài hòa.

(Bài đăng trên  Tạp chí Kiến trúc số 9-2024)