Không gian đô thị xanh – nhìn từ các nước

Cùng với sự phát triển và đô thị hóa, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, người người bị áp lực công việc đè nặng trong những tòa cao ốc kín bưng, hay tất tả ngược xuôi mưu sinh trên mặt đường khói bụi…, con người càng cần những không gian xanh để thư giãn, tìm khoảng lặng cho chính mình và tái tạo năng lượng cho cuộc sống đầy khó khăn phía trước.

Cây xanh đô thị được ví như lá phổi hô hấp của con người. Cây hấp thụ bụi, tiếng ồn, hấp thụ chất ô nhiễm độc hại, điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí “nhà kính”.


Cây cầu bao phủ màu xanh bắc qua đường A20, gần Grevesmühlen, Đức

Ở các đô thị lớn, đi cùng hệ thống ao hồ, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, mầu sắc. Hơn thế, các công trình kiến trúc vốn nhân tạo, khi được kết hợp với kiến trúc tự nhiên, sẽ tạo ra sự hài hòa và tăng tính sinh thái trong kiến trúc.

Tuy nhiên, hiện chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam khá “khiêm tốn”, đặc biệt là khi so với nhiều đô thị trên thế giới. Nếu như Singapore có diện tích cây xanh đến 30,3 m2 /người, Seoul là 41 m2 /người, Berlin (Đức) 50m2/người, Moscow (Nga) 44m2/người, Paris (Pháp) 25m2/người… thì Hà Nội chỉ đạt khoảng 2m2/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 – 25m2 cây xanh/người) và theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12m2/người.

Tất nhiên để có được thảm thực vật xanh đa dạng, một lá phổi sống khỏe mạnh cho thành phố, đô thị là cả một quá trình với nhiều cách làm sáng tạo. Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia phát động phong trào kiến tạo không gian xanh trong đất nước họ, bởi họ hiểu những lợi ích của những mảng xanh và họ luôn trân trọng và giữ gìn thiên nhiên. Trào lưu mang thiên nhiên vào không gian sống của riêng mình đã trở nên rất gần gũi và phổ biến, như ở thủ đô Copenhagen(Đan Mạch), thành phố Reykjavik(Iceland), thành phố Malmo (Thụy Điển), Vancouver (Canada), Ecuador, Sydney (Australia), Colombia, thành phố Curitiba (Brazil), Anh…

Ở Pháp, từ thời vua Henry IV (Henry Navarre 1579-1610), ông đã cho thiết kế lại các đường quốc lộ với những hàng cây rợp bóng mát. Sau khi ông bị ám sát, Hoàng hậu Marie De Medici đã cho làm con đường dài đầu tiên trong thành phố Paris có hàng cây hai bên để đi dạo. Từ đó, như là mốt thời thượng, con đường rợp bóng cây đua nhau xuất hiện, trở thành nền tảng cho sự phát triển cây xanh đường phố của Paris. Cho đến đời Napoleon III, các hàng cây xanh mướt khắp các con phố Paris mới được gây dựng quy mô lớn và phát triển thành Thủ đô Paris hoa lệ như ngày hôm nay.

Tại Australia, hai thành phố Sydney và Melbourne đã áp dụng hình thức xanh hóa mái nhà tại các trung tâm thương mại nhằm thu hút du khách đồng thời cải thiện môi trường cho cư dân và người lao động tại đây. Chính quyền thành phố khuyến khích người dân trồng cây trên mái nhà và biến tường công sở thành những bức tường xanh. Hình thức trồng cây trên mái nhà cũng hết sức đa dạng, từ các hộp xốp trồng cây cỡ nhỏ và đơn giản cho tới cả khu vườn có diện tích lên tới 2.600m2 trên nóc tòa nhà MCentral ở phố Harris, khu Pyrmont, thành phố Sydney…

Hơn 30 năm trước, thành phố Portland thuộc bang Oregon, Mỹ, đã dẫn đầu quy hoạch xanh bằng cách phá bỏ một tuyến đường cao tốc sáu làn và phát triẻn một công viên bờ sông tại đó. Hiện tại ở Portland có khoảng hơn 36.000 ha không gian xanh; 119km đường đi bộ, đi xe đạp; hơn 25 triệu héc ta rừng và trang trại. Ít ai biết rằng, trước đây Portland từng là thành phố nằm thứ hai trong danh sách “Những thành phố gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới”.

Tại quốc đảo Singapore, mỗi đường phố của đảo quốc này trồng một loại cây với chiều cao được khống chế và cắt tỉa tạo dáng phù hợp. Cây xanh thân gỗ che bóng mát, dây leo, cây bụi và các loại hoa được trồng trên những con phố, công viên, các công trình công cộng, khu bảo tồn thiên nhiên đã tạo nên không gian xanh mát của quốc gia này. Dọc theo những đại lộ chính của Singapore là những hàng cây me Tây đã nhiều tuổi, có độ che phủ và tỏa bóng rộng đến 30 mét đường kính. Điểm đặc biệt của loại cây này ban ngày lá cây xanh tươi nhưng chiều tối khép lại và hoa tỏa hương đêm. Những nhà thiết kế cây xanh thành phố này đã rất thông minh khi tận dụng đặc điểm của loại cây này nhằm tận dụng bóng mát vào ban ngày và hạn chế việc lá cây che khuất hệ thống chiếu sáng công cộng vào ban đêm.

Với Curitiba, Brazil, thành phố này là một điển hình cho sự ưu đãi về thuế để phát triển các dự án về môi trường, sinh thái. Hồ và công viên ở nơi đây không chỉ đơn thuần là để thưởng thức mà còn giúp giải quyết vấn đề lũ lụt. Thành phố có hơn 30 công viên và một lượng cây xanh đáng kể. Trong vòng 30 năm, Curitiba đã tăng không gian xanh trung bình từ 1m2/người lên 52m2/người và con số này hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục tăng. Cựu thị trường Jamie Lerner là người đã có cái nhìn xa và phù hợp với thành phố. Ông tạo ra nguồn cảm hứng cho cả cộng đồng để cùng chung tay vào kế hoạch xanh hóa nơi mình sinh sống. Nhân dân thành phố cùng nhau trồng 1,5 triệu cây xanh dọc theo đường cao tốc của thành phố. Thuế tài sản được loại bỏ hoàn toàn cho những trường hợp chủ đất duy trì từ 70% đến 100% rừng bản địa.

Bằng rất nhiều cách thức, từng thành phố trên thế giới đã có những sáng tạo riêng để dần may cho mình tấm áo xanh thân thiện với môi trường, duy trì nét đẹp và sự mềm mại cho đô thị. Và mỗi người dân Thủ đô, ước mơ và mong muốn được chung tay vì một Hà Nội xanh-sạch–đẹp vẫn luôn thường trực.



Hà Nội

Hồng Vân (Hà Nội Mới)