Giới thiệu
Kiến trúc đô thị và văn hóa truyền thống ở Nhật Bản luôn có mối quan hệ cộng sinh từ lâu đời. Bài viết này đi vào một chủ đề nhánh thú vị là những kiến trúc đô thị và văn hóa truyền thống liên quan tới các dịp lễ tết lớn như lễ hội Năm mới shogatsu. Kiến trúc đô thị sẽ được giới thiệu trên cả phương diện phần cứng như kiến trúc, không gian, trang trí, màu sắc hay chiếu sáng, và phần mềm như dây chuyền công năng, các chương trình, sự kiện, vấn đề quản lý giao thông và luồng người.
Lễ hội Năm mới shogatsu (kính ngữ là oshogatsu, chữ Hán là chính nguyệt tức là tháng đầu tiên của năm) là một trong những dịp lễ quan trọng nhất và diễn ra cùng thời điểm với tết dương lịch. Xưa kia, Nhật Bản cũng từng ăn tết âm lịch, nhưng trong cuộc cách mạng cải cách của Thiên hoàng Minh Trị (Minh trị Duy tân), chính phủ đã chính thức chuyển sang dùng lịch phương Tây và ăn tết dương lịch từ năm 1873.
Shogatsu là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, chiêm nghiệm những điều đã qua, cầu nguyện cho năm mới và quây quần bên gia đình, cộng đồng. Lễ hội mang đậm tính tâm linh, truyền tải nét văn hóa truyền thống độc đáo. Người nước ngoài thường ngạc nhiên khi giao thừa ở Nhật diễn ra lặng lẽ, không có lễ đếm ngược, pháo hoa hay diễu hành, văn nghệ sôi động như nhiều nước khác. Thay vào đó, các gia đình sum họp bên mâm cơm tất niên với đồ ăn osechi tượng trưng cho may mắn, sức khỏe, bình an, rồi đến các đền chùa để cầu nguyện.
Thời khắc giao thừa chuyển giao năm mới được đánh dấu bằng tiếng chuông trầm mặc, phù hợp với sự tĩnh tâm và cầu nguyện. Người Nhật tin rằng ngày cuối cùng của năm phản ánh những điều tốt xấu của năm cũ, và đêm giao thừa là thời điểm để giải quyết hoặc làm tan biến vấn đề, tái sinh thành phiên bản mới của chính mình. Đây chính là ý nghĩa tâm linh sâu sắc của tết Nhật Bản khi mọi người đến đền chùa để cầu nguyện trong khoảnh khắc giao thừa và những ngày đầu năm mới.
Các không gian diễn ra những sự kiện này – đền Thần đạo, chùa chiền, phố chợ truyền thống shotengai, phố đi bộ hokoten, quảng trường, bờ sông bờ biển, và các hội quán cộng đồng – là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ cộng sinh giữa kiến trúc và văn hóa truyền thống.
Các yếu tố kiến trúc như bố cục, tỉ xích, tỉ lệ, màu sắc, ánh sáng, và luồng tuyến giao thông được chú trọng để tạo nên không gian tôn nghiêm, trang trọng, nhân văn và thẩm mỹ. Các thiết kế này không chỉ phục vụ những nghi lễ tôn giáo truyền thống mà còn kết nối cộng đồng, duy trì văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế, qua đó mang lại nguồn thu cho địa phương, cộng đồng và từng hộ dân.
Phần sau đây sẽ giới thiệu và phân tích bốn trường hợp khá đặc trưng cho mối quan hệ cộng sinh giữa kiến trúc đô thị và văn hóa truyền thống: Đền chùa, Phố chợ truyền thống shotengai, Phố đi bộ hokoten và các Khu tắm công cộng onsen và sento. Đồng thời, các nội dung cũng sẽ được lồng ghép và phân tích về hai yếu tố song hành là bảo tồn di sản và phát triển du lịch.
Đền Thần đạo và chùa chiền – Trung tâm tâm linh của sự tái sinh khi sang năm mới
Đền thờ Thần đạo jinja (chữ Hán là thần xã) và chùa chiền Phật giáo tera (chữ Hán là tự) tại Nhật Bản không chỉ là trung tâm tâm linh, khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần, mà còn là những tác phẩm kiến trúc nổi bật, kết hợp hài hòa giữa thẩm mỹ truyền thống và chức năng thực tiễn. Trong dịp lễ shogatsu, các trung tâm tâm linh này, đặc biệt là các danh thắng như đền Meiji Jingu (Tokyo), chùa Kiyomizu-dera (Kyoto), hay thành cổ Himeji (Hyogo) là tâm điểm của hàng triệu lượt khách đi lễ chùa đầu năm (hatsumode).
Về thiết kế, các đền và chùa thường có bố cục tuyến tính dọc theo trục thần đạo, trục bắt đầu từ cổng torii (với đền thờ) hoặc sanmon (với chùa), dẫn người tham gia qua một hành trình tâm linh từ việc thanh tẩy tại đài nước temizuya, gạt khói nhang vào người để lấy may, ném xu vào các hộp cúng đường, vỗ tay hai lần và cúi đầu cầu nguyện tại chính điện honden (với đền) hoặc kondo (với chùa), đến các hoạt động như rút quẻ bói omikuji (giống quẻ xăm nhưng bằng giấy) hoặc nhận omamori (bùa hộ mệnh). Hệ thống luồng di chuyển một chiều, một cổng vào và một cổng ra được áp dụng hiệu quả, đảm bảo trật tự và tránh tình trạng ùn tắc trong các dịp cao điểm.
Ngôi đền nổi tiếng, lớn và linh thiêng hàng đầu Nhật Bản là Đền Meiji Jingu ở Tokyo, hàng năm đón khoảng 3 triệu lượt khách đi lễ vào dịp giao thừa và đầu năm mới. Đền có cả hai làn đi bộ nhỏ khẩn cấp (emergency lane) ở hai bên để thoát người nếu có sự cố. Khi luồng người đổ về quá đông, các trật tự viên sẽ chăng dây và dùng còi hiệu lệnh để cho từng cụm vào một, tránh quá tải bên trong. Một số màn chiếu lớn được bố trí dọc đường giúp đám đông xếp hàng có thể theo dõi những gì đang diễn ra trong sân chính điện.
Đền Nishinomiya ở tỉnh Hyogo có truyền thống lâu đời từ thời kỳ Edo tổ chức hội thi chạy đầu xuân tìm ra “Phúc Nam” (người đàn ông may mắn) để cúng phúc thần Ebisu. Ba người đàn ông đầu tiên chạy nhanh nhất qua khuôn viên và đến được chính điện sẽ được nhận danh hiệu và chứng chỉ Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam Phúc. Khuôn viên của chùa có vài lối (lát đá) dẫn tới chính điện.
Quy mô và tỉ lệ các công trình được cân nhắc kỹ lưỡng, kết hợp màu sắc tự nhiên của gỗ tuyết tùng và chiếu sáng tự nhiên nhẹ để tôn lên vẻ âm u linh thiêng. Bên cạnh giá trị tâm linh, các đền chùa còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy du lịch. Nhiều địa điểm được công nhận là di sản quốc gia hoặc thế giới, là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế, mang lại nguồn thu và tăng cường giao lưu văn hóa.
Về cơ bản, các đền chùa ở Nhật mang một số nét tương đồng cốt lõi tương tự như ở Việt Nam, thí dụ như không gian tuyến tính và trục thần đạo đăng đối, nhấn mạnh tính tôn nghiêm và linh thiêng trong tổ chức nghi lễ, bầu không khí an tịnh và hài hòa với cảnh quan tự nhiên của cây xanh và mặt nước. Cả hai đều thể hiện sự giao hòa và cộng sinh giữa kiến trúc và tôn giáo tín ngưỡng, phản ánh vai trò quan trọng của không gian tâm linh trong đời sống văn hóa Á Đông.
Bảo tồn các không gian lễ hội trong đó có các đền chùa là yếu tố cốt lõi trong việc gìn giữ di sản văn hóa và thúc đẩy du lịch tại Nhật Bản. Nhiều đền thờ và chùa chiền được bảo vệ bởi Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa, đảm bảo chúng vừa được lưu giữ cho thế hệ tương lai vừa thích ứng với nhu cầu hiện đại. Cách tiếp cận “tái sử dụng thích ứng” (adaptive reuse) là tiếp cận phù hợp và phổ biến nhất để đáp ứng các nhu cầu tưởng như đối nghịch này. Shogatsu cũng là một dịp tốt để nâng tầm các di sản lịch sử và thúc đẩy du lịch. Những danh thắng như đền Meiji Jingu (Tokyo), chùa Kiyomizu-dera (Kyoto), hay lâu đài Himeji (Hyogo) là tâm điểm của các nghi lễ năm mới, bao gồm đi lễ đầu năm hatsumode,
Shotengai – Phố chợ truyền thống sôi động
Shotengai (chữ Hán là thương điếm nhai) là những phố chợ truyền thống mang nét kiến trúc và đô thị đặc sắc của Nhật Bản. Đây không chỉ là nơi mua sắm phục vụ đời sống thường nhật mà còn là không gian kết nối cộng đồng, và đặc biệt sôi động vào dịp cuối năm và năm mới. Các shotengai nổi tiếng như Nakamise (Tokyo) hay Tenjin-bashi-suji (Osaka) minh chứng cho sự kết hợp tinh tế giữa chức năng thương mại và giá trị văn hóa. Nhiều shotengai xây dựng từ thời Edo hoặc Meiji (Minh Trị) đã trở thành một phần di sản đô thị quan trọng.
Về quy hoạch, các shotengai thường nằm ở các vị trí giao thông thuận lợi như gần đền chùa, nhà ga, hoặc công viên và chủ yếu dành cho người đi bộ. Ở lối vào hay giữa con phố shotengai thường có một ngôi đền hay chùa làm điểm nhấn, phía trước là một quảng trường với ghế nghỉ. Đây là nơi mọi người lui tới để lễ bái hay đơn giản chỉ là nghỉ chân và trò chuyện.
Về kiến trúc, shotengai được thiết kế thân thiện với con người, với vỉa hè không khác cốt (chỉ phân định bằng vạch sơn) để tránh vấp cho người già và xe lăn (barrier-free). Chiều ngang được tính toán khoảng trên dưới 10m, đủ rộng để đi lại và bố trí các quầy hàng lưu động hai bên lề đường, song cũng đủ hẹp để tạo cảm giác thân mật, và khách có thể dễ dàng tạt qua tạt lại cả hai bên đường để mua sắm. Nhiều shotengai hiện đại còn có mái kính che mưa nắng, vừa thoáng đãng vừa an toàn và tiện lợi, tạo điều kiện tốt nhất về vi khí hậu khi các cửa hàng dùng máy điều hòa. Các kết cấu chống đỡ cũng tạo điều kiện để treo các băng rôn, biển quảng cáo và đèn trang trí. Yếu tố màu sắc và ánh sáng được khai thác chiến lược, với đèn lồng, bảng hiệu rực rỡ và trang trí theo mùa và theo lễ, mang lại không gian sống động và hấp dẫn.
Ngoài vai trò kinh tế, shotengai còn là biểu tượng văn hóa xã hội, nơi duy trì tinh thần hợp tác xã buôn bán theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Mỗi shotengai thường tạo thương hiệu riêng qua một linh vật tự tạo, qua các thương phẩm đặc trưng và bán kiểu độc quyền, và chiến lược truyền thông như mời người nổi tiếng tham gia các show ẩm thực để quảng bá trên truyền thông.
So với Việt Nam, phố chợ truyền thống tại Nhật được quy hoạch bài bản, có kiến trúc và chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng. Trong khi đó, các phố chợ ở Việt Nam đa phần phát triển tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ và ít mang tính tổ chức theo mô hình hợp tác xã như shotengai.
Vào mùa lễ shogatsu, các shotengai trở nên rực rỡ với các gian hàng bày bán đồ ăn tết (osechi ryori), bùa may mắn (omamori), và đồ trang trí. Các hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian thường diễn ra quanh khu vực đền chùa, tạo không khí lễ hội nhộn nhịp, thu hút đông đảo người dân và du khách. Khi cao điểm, các shotengai tổ chức quản lý và tối ưu hóa giao thông (động và tĩnh) và luồng người rất chặt chẽ và hiệu quả, đảm bảo lưu tuyến thông suốt và các hoạt động thương mại và văn hóa được trôi chảy. Các tuyến đường một chiều, các điểm đỗ xe, các điểm vào ra và nghỉ chân được tính toán kĩ lưỡng. Luồng khách và luồng hậu cần được tách biệt hoàn toàn, nên không bao giờ xảy ra cảnh tắc nghẽn hay lộn xộn.
Công tác bảo tồn và cải tạo những khu phố chợ là thách thức lớn trong quy hoạch quản lý đô thị, khi rất nhiều shotengai suy thoái do không cạnh tranh được với các trung tâm mua sắm hiện đại và mua sắm trực tuyến. Tuy đã thoái trào nhiều, nhiều shotengai vẫn giữ được phần nào vai trò trung tâm kinh tế và giao lưu văn hóa cộng đồng và thúc đẩy du lịch trong đời sống đô thị Nhật Bản ngày nay.
Hokoten – Không gian linh hoạt dành cho lễ hội
Hokoten, viết tắt của hokōsha tengoku (chữ Hán là bộ hành giả thiên quốc, tức “thiên đường cho người đi bộ”), là những tuyến phố tạm thời dành riêng cho đi bộ, thường xuất hiện vào cuối tuần hoặc trong các dịp lễ hội lớn tại Nhật Bản. Dựa chủ yếu vào việc đóng đường và cấm xe theo ngày giờ, đây là giải pháp linh hoạt trong quy hoạch đô thị, vừa đảm bảo an toàn đi lại cho người dân vừa tạo ra các không gian để tổ chức linh hoạt các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, sự kiện văn hóa và thương mại. Một số hokoten là phố đi bộ cố định 24/7, nhất là khi gắn liền với phát triển TOD.
Hokoten tuy đa phần quy hoạch thiết kế tạm thời nhưng có khả năng thích ứng cao, với các tuyến phố rộng rãi để đáp ứng luồng người lớn và các hoạt động như diễu hành, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống, hội chợ và chợ phiên. Những không gian này thường kết nối với các đầu mối giao thông, các khu vực văn hóa, thương mại và tâm linh, mang đến trải nghiệm đa dạng và toàn diện cho người tham gia, góp phần phát triển kinh tế và du lịch cho khu vực.
Một số hokoten lớn và nổi tiếng ở Thủ đô Tokyo là hokoten ở khu Ginza hay Shinjuku sầm uất, cho thấy sự cộng sinh thú vị giữa kiến trúc đô thị hiện đại và giá trị văn hóa truyền thống. Ở Việt Nam, những phố đi bộ nổi tiếng như phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) hay Nguyễn Huệ (TP. HCM) cũng là một dạng của hokoten.
Trong dịp lễ shogatsu, hokoten trở thành tâm điểm của các hoạt động văn hóa xã hội. Một số hokoten không chỉ dành cho mua sắm mà còn tổ chức các buổi biểu diễn truyền thống như trống Nhật Bản taiko, múa lân shishimai, và hòa nhạc đường phố. Các tuyến phố được trang trí với đèn lồng, cây trang trí ngày tết kadomatsu, cùng hệ thống chiếu sáng ban đêm, tạo không gian ấm áp, rực rỡ và đồng bộ với chủ đề lễ hội.
Văn hóa tắm công cộng và dịp lễ tết
Văn hóa tắm công cộng tại Nhật Bản, với hai hình thức chính là suối nước nóng tự nhiên onsen và nhà tắm công cộng nội đô sento (dùng nước đun nóng), là một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa thường nhật ở Nhật Bản. Tuy người Nhật đi onsen và sento quanh năm, vào dịp cuối năm và năm mới, các onsen và sento rất hút khách như một phong tục. Đây không chỉ là nơi để thư giãn nghỉ ngơi nữa mà còn mang ý nghĩa tâm linh và “chữa lành”, giúp thanh tẩy cơ thể và tinh thần, khởi đầu một năm mới an lành. Một số onsen và sento còn thả quả yuzu (tức quả thanh yên, thuộc họ cam chanh và có vỏ giống bưởi) vào một số bồn tắm. Phong tục tắm với quả yuzu có từ đầu thế kỷ 18. Nước nóng giúp giải phóng hương thơm tươi mát và tinh dầu yuzu giúp chống cảm lạnh, giảm tình trạng khô da, giữ ấm cho cơ thể và làm thư giãn tâm trí. Phong tục này có phần nào tương đồng với tục tắm xông nước lá mùi già vào chiều 30 tết ở Việt Nam.
Kiến trúc các onsen được cân nhắc kỹ lưỡng để tạo ra trải nghiệm thư thái và gần gũi với thiên nhiên nhất. Các onsen lộ thiên thường được bố trí tại những vị trí có cảnh quan tuyệt đẹp như núi Phú Sĩ, rừng thông, bãi biển…để có những view nhìn tuyệt đẹp khi ngâm bồn ngoài trời, ngắm nhìn kiến trúc truyền thống hòa quyện vào thiên nhiên. Các khoang tắm ngoài trời rotenburo thường được vây quanh và che chắn kín đáo bởi đá tự nhiên, cây cỏ, còn nước khoáng nóng được dẫn bằng các ống hay máng tre, mang lại cảm giác đắm mình vào thiên nhiên đích thực. Một số onsen cao cấp bố trí nhiều bồn tắm với nhiều kiểu nước cầu kỳ phục vụ sức khỏe như nước lưu huỳnh, nước sắt, nước kiềm, nước trà xanh, nước pha sữa dê, pha rượu vang…
Hakone onsen ở tỉnh Kanagawa nổi tiếng với tầm nhìn ra núi Phú Sĩ là một ví dụ tiêu biểu. Nội thất các phòng tắm ở đây sử dụng gỗ tuyết tùng tự nhiên và đá suối, kết hợp với cửa giấy trượt shoji để tạo phong cách truyền thống. Nhiều lữ quán kiểu Nhật ryokan trong khu vực cũng thiết kế không gian nội thất với chiếu tatami, phòng tắm riêng có nước nóng dẫn trực tiếp từ suối, mang lại cảm giác vừa riêng tư vừa sang trọng, ấm cúng. Mô hình khu du lịch onsen đã được du nhập ra nhiều nước trong đó có Việt Nam, thí dụ như Yoko Onsen Quang Hanh ở Quảng Ninh, Serena Resort Kim Bôi ở Hòa Bình…
Trong dịp tết shogatsu, các khu onsen nổi tiếng như Kusatsu (tỉnh Gunma), Hakone (tỉnh Kanagawa), và Arima (tỉnh Hyogo) thường tổ chức thêm các sự kiện chào mừng năm mới như rút quẻ bói omikuji, tiệc đồ ăn tết osechi ryori, và trang trí bằng các biểu tượng truyền thống như kadomatsu (bó 3 ống tre cắt vát đầu cắm cùng các cành thông nhỏ). Những không gian này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là điểm đến quen thuộc của người dân địa phương để tận hưởng sự thoải mái và khởi đầu một năm mới đầy may mắn và bình an.
Với các sento chật hẹp tọa lạc giữa các khu dân cư đông đúc và thường là nằm trong một khu shotengai, thiết kế lại tập trung vào tính tối giản, tiện nghi nhưng chi phí thấp, và kết nối cộng đồng lân cận. Nhiều sento được trang trí bằng tranh tường, với các chủ đề phong cảnh như núi Phú Sĩ hay sóng biển của danh họa Hokusai hoặc các hình ảnh biểu trưng Nhật Bản khác, giúp tạo chiều sâu ảo cho tầm nhìn và mang lại bầu không khí thư giãn, gần gũi thiên nhiên.
Kết luận
Lễ hội Năm mới shogatsu ở Nhật Bản là sự cộng sinh hài hòa giữa không gian vật thể và văn hóa truyền thống, mang đến trải nghiệm vừa linh thiêng, vừa nhộn nhịp sôi động. Các đền thờ, chùa chiền, phố chợ shotengai, phố đi bộ hokoten, khu tắm công cộng onsen và sento không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn là trung tâm văn hóa xã hội, nơi giao thoa và cộng sinh giữa truyền thống và hiện đại. Những không gian này được quy hoạch với bố cục đẹp và rõ ràng, tỉ xích và tỉ lệ hài hòa, phân luồng giao thông hợp lý, kết hợp cùng chiếu sáng, màu sắc và trang trí đặc trưng, đặc biệt trong các mùa lễ hội như shogatsu, tôn lên được mối giao thoa giữa kiến trúc, văn hóa đời sống và hành vi con người.
Bên cạnh việc bảo tồn các di sản văn hóa, Nhật Bản còn cải tạo sáng tạo chúng, đặc biệt là bên trong, để phục vụ những nhu cầu sử dụng hiện đại. Ngoài ra, theo dòng chảy chung của cách mạng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, các công trình được tích hợp công nghệ tiên tiến vào vật liệu truyền thống, giúp tăng độ bền, giảm tác động môi trường và nâng cao trải nghiệm của khách. Thí dụ, các công nghệ thông minh như AI camera, cảm biến và dữ liệu lớn được sử dụng để quản lý dòng người và cải thiện các dịch vụ, trong khi vẫn giữ nguyên giá trị thẩm mỹ truyền thống. Các không gian lễ hội shogatsu không chỉ gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy du lịch, giải quyết sinh kế cho cộng đồng. Đây là những bài học quý giá cho các quốc gia khác trong đó có Việt Nam, trong công cuộc bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa song hành với hiện đại hóa đất nước, hướng tới phát triển bền vững toàn diện về văn hóa xã hội, môi trường và kinh tế.
TS.KTS Tô Kiên *
*Quy hoạch sư Cao cấp, Tập đoàn Tư vấn Phát triển Hạ tầng Eight-Japan (EJEC), Nhật Bản
Giảng viên Cao cấp, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, Đại học UEH
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2024)