Phát triển đô thị bền vững – Sự tham gia của người dân: Nguồn lực quyết định

Trung tâm Văn hoá Thể thao thành phố Tân An
Trung tâm Văn hoá Thể thao thành phố Tân An

Ngày nay, mọi việc liên quan đến công cuộc phát triển kinh tế xã hội và môi trường, sự hiểu biết, đồng thuận và tham gia tích cực của người dân có ý nghĩa quyết định. Phát triển đô thị bền vững trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương, đất nước, một công việc lâu dài của xã hội, sự tham gia của người dân càng có ý nghĩa quan trọng.

Trong những năm gần đây, ở các thị trấn, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An, việc mở rộng đô thị, làm đường mới, nâng cấp mở rộng hẻm, mở rộng đường giao thông trong nội thị, giải tỏa nhà ven kinh rạch, chỉnh trang khu dân cư lụp xụp, xóa khu ổ chuột, tăng khoảng xanh cho đô thị, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng,…được hoàn thành tốt đẹp, cũng nhờ vào sự tham gia tích cực của người dân.

Các khu đô thị mới tại phường 5, phường  6, Lợi Bình Nhơn ở  thành phố Tân An, các khu dân cư ở Cần Giuộc, Cần Đước, Hậu Nghĩa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường được chỉnh trang, nâng cấp dễ dàng, thuận lợi, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, luôn có sự đóng góp rất lớn từ sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân.

Điểm lại, hơn 20 năm qua, đô thị Long An có nhiều đổi thay rõ rệt, cũng chính là nhờ ở sự đóng góp, tham gia xây dựng rất lớn từ người dân. Các thị trấn Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, khởi đầu từ những khu dân cư có đê bao, tôn nền vượt lũ, trở thành những thị trấn sầm uất, trung tâm vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của tỉnh. Đô thị Thủ Thừa, Tầm Vu, Tân Trụ, từ những thị trấn hầu như chỉ có cái tên, nay đã được mở rộng, chỉnh trang, bóng dáng của những đường phố nhộn nhịp ngày đêm tăng dần lên. Sự tham gia tích cực của người dân, ngay từ lúc quy hoạch, chọn địa điểm, hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành xây dựng công trình và đưa vào hoạt động, sử dụng, đã góp phần quan trọng nuôi dưỡng từng mạch sống mạnh mẽ của đô thị tỉnh Long An.

Phát triển đô thị bền vững thường được hiểu với ý nghĩa tích cực là sự mở rộng đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời không xâm hại đến môi trường, không hủy hoại những giá trị văn hóa truyền thống, không làm tăng khoảng cách giàu nghèo, không ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Ngược lại, mặt tiêu cực của nó là lợi ích nhất thời, hủy hoại môi trường sống, phân cực giàu nghèo, giải tỏa, di dời, chuyển chổ ở, bồi thường không thỏa đáng, thay đổi thói quen, tập quán, xây dựng công trình kéo dài cùng với chất lượng kém, khói bụi, ô nhiễm, làm ăn buôn bán, đi lại khó khăn, kẹt xe, ngập nước, mất an toàn, an ninh trật tự xáo trộn,….

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng tác động đến mọi lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt, đời sống và môi trường xã hội, mọi người dân rất cần được định hướng, thấu hiểu và hành động một cách tự chủ, tự giác và có trách nhiệm để góp phần tích cực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững. 

Trình độ hiểu biết, ý thức bảo vệ môi trường, cân nhắc khi tiêu thụ năng lượng, sử dụng tiết kiệm hợp lý nguồn nước, tái sử dụng nước, thu gom nước mưa, tăng diện tích thẩm thấu nước mưa, giảm cường độ dòng chảy tràn, giữ gìn mặt nước để điều hòa nhiệt độ trong thời gian nắng nóng, bức xạ nhiệt tăng lên do biến đổi khí hậu, sử dụng vật liệu bền vững, ….trong mọi hoạt động của người dân đô thị, góp phần quyết định vào chiến lược tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững.

Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến
Di tích lịch sử Ngã tư Rạch Kiến

 Phát triển bền vững vốn là một lãnh vực rộng lớn và cần có thời gian thực hiện dài lâu. Khó  làm cho người dân nhận biết đầy đủ trong thời gian ngắn. Vì vậy, thiết nghĩ các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo đảng, đoàn thể, chính quyền, những người quản lý có thể giúp người dân quan tâm, suy nghĩ và nhận thức bằng những việc làm thiết thực. Những mục tiêu cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, kết quả rõ ràng, lợi ích nhìn thấy được, sẽ dễ lôi cuốn người dân tham gia thực hiện hơn là những kế hoạch chung chung, tuyên truyền rầm rộ, tốn kém, nặng hình thức, nhưng đối tượng không xác định. 

Hiện nay, một số nước trên thế giới đã đưa vào luật bắt buộc phải xây dựng các công trình xanh, phủ xanh mái nhà khi xây dựng mới, khuyến khích người dân trồng cây xanh trên mái, tường nhà, để tiết kiệm năng lượng làm mát, tăng khoảng xanh, mặt nước cho đô thị. Những công trình thương mại, dịch vụ đều bắt buộc phải phủ xanh mái và có nhiều cây xanh trên tường. Những quy định về tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước, tái sử dụng chất thải rắn, giữ gìn mặt nước trong đô thị, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường,…nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững cũng được các nước tiên tiến quan tâm thực hiện.

Trong điều kiện nước ta, các nhà quy hoạch, thiết kế xây dựng, chính quyền các đô thị có thể vận dụng đưa vào quy chế quản lý quy hoạch, có quy định khuyến khích hoặc bắt buộc (khi cần thiết) về tường xanh, mái xanh, phục hồi diện tích cây xanh đã bị chiếm chỗ do xây dựng đường, vỉa hè, nhà ở, công trình công cộng. Những công trình thương mại dịch vụ sẽ được khuyến khích, vận động và quy định thực hiện tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nước. Những công trình quan trọng, phục vụ công cộng, công trình văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn, di tích lịch sử, di tích cảnh quan phải ưu tiên áp dụng tiêu chí công trình xanh, kiến trúc xanh. Việc phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng chất thải, phải được các công sở, công trình thương mại, dịch vụ thực hiện gương mẫu, nghiêm túc. Qua đó, người dân sẽ quen dần, thấu hiểu, thấy được lợi ích, từng bước chủ động áp dụng và tự giác thực hiện.

Các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững cần được đưa vào quy định quản lý quy hoạch, khi lập kế hoạch trung, dài hạn, kế hoạch chi tiết hàng năm về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở các cấp quản lý. Tất cả những tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị đều cần được tuyên truyền, phổ biến, tiếp thị và khuyến khích áp dụng bằng nhiều cách, sao cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận, nhận biết và chủ động thực hiện, tự giác tuân theo.

Dự án Idico New City - Trung  tâm Thành phố Tân An - Tỉnh Long An
Dự án Idico New City – Trung tâm Thành phố Tân An – Tỉnh Long An

Ngoài ra, các tiêu chí, tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đặc biệt là tiêu chuẩn về công trình xanh, kiến trúc xanh cần được đưa vào nội dung giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ quản lý phát triển đô thị các cấp. Kiến thức về những vấn đề này phải được xem là bắt buộc trong các kỳ sát hạch quan trọng. Chính quyền, các hội, đoàn thể cần có cơ chế, biện pháp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt các tiêu chí, tiêu chuẩn này hàng năm hoặc định kỳ, tại mỗi đơn vị, cộng đồng dân cư và trong đô thị.

Những công trình, vật chất, không gian đô thị có thể biến đổi, lụi tàn. Nhưng nguồn lực của người dân đô thị, nếu được huy động, định hướng hợp lý, chắc chắn sẽ không bao giờ cạn và sẽ luôn góp phần quan trọng, xứng đáng vào mục tiêu phát triển đô thị bền vững nói chung và việc xây dựng đô thị Long An theo hướng xanh, hiện đại và đậm bản sắc.

TS Lưu Đình Khẩn – Giám đốc Sở Xây dựng Long An – Chủ tịch Hội KTS Long An

Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2015