Chuyện về nhà ở & Văn hóa ở

Đó là chủ đề của cuộc trò chuyện giữa các KTS – Nhà báo và Doanh nghiệp diễn ra sáng ngày 29/7/2017 tại showroom Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” do Tạp chí Kiến trúc, CLB KTS Trẻ Việt Nam, Tập đoàn Thạch Bàn phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam.

Với sự tham gia của PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc); KTS Đoàn Kỳ Thanh (Giám đốc Công ty Kiến trúc Avant); KTS Hoàng Thúc Hào (KTS trưởng VP Kiến trúc 1+1>2); KTS Bùi Bình Minh (Giám đốc Công ty CP Kiến trúc XDTM Queen); ThS Nguyễn Trọng Kiên (Tổng Giám đốc Tập đoàn Thạch Bàn); KTS – Nhà Văn Nguyễn Trương Quý và đông đảo các nhà báo, các KTS trẻ; cuộc trò chuyện mang tính gợi mở, xoay quanh những vấn đề của không gian ở – văn hóa ở thời hiện đại, hướng đến việc giảm bớt khoảng cách giữa ý tưởng sáng tạo của KTS và thị hiếu thẩm mỹ của người dân trong lĩnh vực nhà ở; ứng dụng vật liệu mới – công nghệ tiên tiến trong thiết kế.

Nơi ở – Cách ở đang thay đổi như thế nào?

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Cuộc sống hiện đại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra những thay đổi lớn trong kiến trúc nhà ở. Tôi cho rằng sự thay đổi là bình thường, theo quy luật tất yếu. Việc của chúng ta là nhìn nhận được tất cả những điều đó, giữ lại những gì tinh túy, thích ứng với điều kiện mới.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Rõ ràng cách tiếp cận với không gian sống của người Việt đã khác trước rất nhiều. Nếu như nhà ở trước đây mang tính bất biến thì bây giờ với tư duy về việc ở thay đổi, nhà ở chịu tác động rất lớn của thị trường. Mô hình nhà chung cư như một điểm nhấn, mời gọi – Người dân ảnh hưởng cách sống theo trào lưu với những giá trị thay đổi rất khác so với trước đây.

KTS Hoàng Thúc Hào: Chúng ta liên tục thấy những khu đô thị xanh, đẳng cấp với những “slogan” sang trọng, kiểu như “Không gian châu Âu giữa lòng Hà Nội”, “Khu đô thị châu Âu thu nhỏ” Có lẽ đó là đặc tính “adua” của người Việt, các chủ đầu tư cũng như vậy, bắt chước nhau nhưng không biết những tiêu chí cụ thể như nào? Trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp, đại diện của Khu đô thị Ecopark cho rằng điều họ làm chính là việc xây dựng và “bán” những khu ở và văn hoá ở văn minh, hiện đại. Có thể đó là cách nói, cách chào hàng của họ. Tôi cho rằng chúng ta mới chỉ có văn hóa ở nông thôn, đô thị thì còn rất mới – đô thị ở Việt Nam mới chỉ được trăm năm, chung cư cũng chỉ vài chục năm. Chính vì vậy, văn hóa ở đô thị đang từng bước được xây dựng.

Văn hóa là cuộc sống – là hiện tại đang diễn ra!

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Gần đây, tôi có đọc tin về các đại siêu thị ở Mỹ đang đóng cửa, bỏ hoang. Những không gian lớn như thế, từng đông nghẹt người mà giờ bỏ hoang – Điều này có nghĩa là thói quen của người dân đã thay đổi. Ở Việt Nam thì sao? Sự thay đổi đó sẽ diễn ra như thế nào, tác động như thế nào đến cuộc sống? Ở châu Âu, đã có sự chuyển hóa những trung tâm lớn thành những star-up nhỏ hơn. Người dân sẽ lựa chọn nhà ở của họ, lối sống của họ và văn hóa ở của họ.

KTS Lê Trương (Giám đốc Công ty TVTK TTAS): Chủ đề văn hóa ở rất cần bàn. Văn hóa cần trải qua một quá trình, đúc kết và trải nghiệm. Thực tế là nhìn vào xã hội hiện nay bao nhiêu người có được không gian ở văn hóa và chất lượng? Tôi cho rằng văn hóa ở là kiến thức, dùng kiến thức để tạo dựng một không gian ở thoải mái và tiện nghi. Nhiều người có tiền, có chức với căn nhà phô diễn của cải, họ thích thế nhưng KTS coi đó là thảm họa… Thực tế còn nhiều điều nhức nhối, chắc nhiều năm nữa ở Việt Nam mới hình thành văn hóa ở đúng nghĩa.

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Tôi cho rằng văn hóa chính là cuộc sống, đang diễn ra quanh ta mỗi ngày. Phố cổ chật hẹp, đông đúc nhưng rõ ràng là người dân không muốn thay đổi. Tôi sống trong một căn nhà Pháp nhỏ, tôi không thấy thoải mái trong những khu ở rộng khác. Đó là thói quen và văn hóa sống của tôi. Tôi bừa bộn, tôi phải thiết kế nhà tôi để sự bừa bộn của tôi không ảnh hưởng đến người dân. Là KTS, chúng tôi phải quan sát và lắng nghe lối sống của chủ nhà để có thiết kế tối ưu.

Vai trò của KTS như thế nào?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Tôi làm ít công trình hơn so với các anh em khác, nhưng tôi chịu khó đi khắp nơi. Khi đến Hội An, tôi đã gặp một thanh niên, anh ta tự làm nhà của mình, tự vẽ, tự xây home-stay đắt nhất Hội An. Điều làm tôi ngỡ ngàng là ngôi nhà của anh ta được xây với chất lượng không gian, nơi chốn, yếu tố văn hóa làng xã được khai thác cực kỳ đặc sắc. Tại sao một người không qua trường lớp nào lại làm được điều đó, tốt hơn các KTS rất nhiều? Thực tế là nhiều người khác cũng đã tự xây nhà cho mình, không cần đến các KTS, có đẹp, có xấu – Tôi cho rằng “Trăm hoa đua nở” sẽ tạo nên sự đa dạng – Đa dạng sinh học, đa dạng môi trường và đa dạng văn hóa.

ThS Nguyễn Trọng Kiên: Tôi lại đang thấy nhiều khi những người quản lý đang quyết định lối ở, văn hóa ở hơn là người dân hay KTS, chẳng hạn như sự quy hoạch hay quản lý đô thị đang áp đặt lối sống vùng nông thôn. Vậy vai trò định hướng và kiểm soát của chính quyền nên ở mức nào trong câu chuyện này?

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Bản thân phong cách kiến trúc không có lỗi, lỗi ở người làm – Đó chính là vai trò và trách nhiệm của KTS. Những công trình xấu như những cái gai, làm xốn mắt ta, đau tay ta, mà nó cứ ở đó mãi. Tôi không cho rằng chính quyền nên hoạch định phong cách hay có chính sách gì cả. Họ cần đưa ra những tiêu chí về chất lượng ở để người dân và KTS làm theo – ở mức độ tiêu chuẩn.

KTS Hoàng Thúc Hào: Trở lại câu chuyện những slogan về đẳng cấp hay phong cách châu Âu ở các khu đô thị như tôi đã nói ở trên, rõ ràng kiến trúc là kinh nghiệm từ châu Âu, nhưng tư tưởng của KTS không thể tách ra khỏi công trình. Trách nhiệm xã hội của KTS nằm ở chính công trình của họ. Châu Âu chưa phải là tất cả thế giới, trong lĩnh vực nhà ở cũng vậy. Thời kỳ toàn cầu hóa, kiến trúc cũng đang hướng tới văn hóa bản địa. Cách kiến trúc được làm ra, tác động đến văn hóa ở cũng rất quan trọng. Chỉ sau 5-10 năm, thói quen sẽ hình thành, trở thành văn hóa. Chính quyền có thể có tác động đến văn hóa ở do những chính sách quản lý hay quy hoạch. Công việc của KTS là cố gắng làm điều tốt nhất có thể: Minh bạch trong thiết kế, thuyết phục chủ đầu tư chọn giải pháp có lợi cho dân cư và môi trường…

KTS Bùi Bình Minh: Cá nhân tôi thấy người dân còn khá hồn nhiên trong cách họ xây nhà hoặc quan niệm của họ về nhà ở. Tôi đã thấy có người bị bỏng do tự họ làm đường ống nước nóng thành song cửa sổ. Ý tôi là sự hồn nhiên ấy cần được dựa trên những nguyên tắc cơ bản và phổ biến. Xin được lấy ví dụ từ một ngôi nhà ở nước ngoài, sử dụng kính và phong cách nội thất tối giản. Ngôi nhà trong suốt, người ở cảm giác họ đang bị trưng bày trong một cái lồng, cách biệt với xung quanh và không thể thêm dù chỉ là một cái mắc áo hay thùng rác. Từ những câu chuyện về cuộc sống, về văn hóa ở như thế, tôi có được bài học cho mình: Người sử dụng với cá tính và lối sống riêng của họ phải được coi là “trái tim” của ngôi nhà. Tôi hay bất cứ KTS nào khác chỉ là người sử dụng công nghệ, giúp họ biểu đạt cá tính của họ thông qua không gian tiện ích có được trong ngôi nhà.

KTS Nguyễn Tuấn Anh: Nhà ở xuất phát từ văn hóa của người sử dụng. Tôi cho rằng chúng ta đang có những ngôi nhà “phải” ở chứ không tiện nghi. Không nên đổ lỗi cho người khác, KTS cần chung sức xây dựng những ngôi nhà ở có không gian chất lượng, tiện nghi dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng về lối sống, thói quen của chủ nhà. Người dân Việt Nam đừng quá dễ dãi với chỗ ở của mình. KTS cũng đừng quá chủ quan với thiết kế của mình. Văn hóa của người sử dụng, chủ đầu tư, người thiết kế – Kết hợp lại chắc sẽ có được ngôi nhà Việt, không gian ở mang tính văn hóa của người Việt.

PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Văn hóa được biểu hiện qua nhiều góc độ, như tôi vẫn thường hay nói “nhà tôi” – vợ tôi. Lối ở cũng có nhiều góc, nhiều hướng tiếp cận: Người ta sống như thế nào? KTS làm gì? – KTS vừa thỏa mãn nhu cầu về tổ chức không gian, vừa định hướng thẩm mỹ kiến trúc của chủ nhà. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của KTS. Văn hóa vừa là mục đích hướng tới, vừa là phương tiện. Tất cả những câu chuyện về nhà ở và văn hóa ở dần sẽ được giải quyết theo hướng tốt hơn. Thị trường có những nguyên tắc của nó, không thể chối bỏ những tác động của nó đến cuộc sống nói chung và kiến trúc nói riêng. Cách bán hàng của chủ đầu tư có nhiều điều đáng nói, có thể những khu ở mới sẽ góp phần hình thành văn hóa ở mới, nhưng cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ… Chúng tôi không có tham vọng giải quyết tất cả những vấn đề của nhà ở hiện nay chỉ trong một cuộc trò chuyện nhỏ, nhưng hy vọng sẽ đem đến cho các KTS – nhà báo, doanh nghiệp trẻ góc nhìn gợi mở những hướng đi riêng trong việc tìm kiếm giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng nhà ở, không gian ở theo xu hướng phát triển bền vững.

Tại cuộc họp báo tại showroom Thạch Bàn, Ban tổ chức Cuộc thi “Ngôi nhà mơ ước” đã chính thức công bố Hội đồng Giám khảo Cuộc thi gồm những thành viên sau:
1. PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập TCKT – Chủ tịch Hội đồng
2. KS Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Tập đoàn Thạch Bàn – Phó Chủ tịch Hội đồng
3. TS.KTS Đặng Kim Khôi, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, Nguyên Tổng Giám đốc VNCC – Ủy viên
4. ThS. Nguyễn Trọng Kiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thạch Bàn – Ủy viên
5. KTS Đoàn Kỳ Thanh, Giám đốc Cty Kiến trúc Avant – Ủy viên
6. KTS Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm CLB KTS Trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Cty Kiến trúc Nhà Vui – Ủy viên
7. KTS – Nhà Văn Nguyễn Trương Quý – Ủy viên
8. KTS Lê Trương – Tổng Giám đốc Công ty CP Kiến trúc XD TTAS – Ủy viên
9. TS.KTS Tô Văn Hùng – Phó Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng – Ủy viên
Nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, KTS và các bạn sinh viên về thời gian thực hiện công trình, đồ án để dự thi, Ban tổ chức cũng công bố quyết định gia hạn thời gian nộp bài thi đến hết ngày 18/10/2017.

 

VI KHÁNH

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)