Tổ chức không gian nhà mặt phố xây mới các hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc ở Hà Nội

Nhà mặt phố là loại hình nhà ở rất có giá trị trong nền kinh tế thị trường, là một bộ phận quan trọng trong quỹ nhà ở đô thị tại Hà Nội. Hầu hết nhà mặt phố kết hợp các hoạt động kinh doanh và dịch vụ rất đa dạng, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho chủ nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà mặt phố không được tổ chức không gian một cách hợp lý, dẫn đến điều kiện vi khí hậu không đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người ở. Các nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc là bất lợi hơn cả, vì phải chịu ảnh hưởng trực tiếp và quá mức từ bức xạ nhiệt mặt trời buổi chiều trong mùa hè, ngoài ra còn chịu tác động của tình trạng chung là môi trường không khí bị ô nhiễm và hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Để khắc phục tình trạng này, nhiều hộ gia đình chọn hoàn toàn dựa vào giải pháp nhân tạo, có thể cải thiện được một phần chất lượng không khí trong nhà song lại tiêu tốn quá nhiều năng lượng, không thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là phải lựa chọn giải pháp chủ động hơn nhằm đảm bảo tiện nghi và tiết kiệm năng lượng thông qua tối ưu hóa tổ chức không gian. Yếu tố kỹ thuật chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ trong những trường hợp thật sự cần thiết. Dựa trên các phân tích, một mô hình thiết kế không gian mới được đề xuất cho nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam, Tây Bắc tại Hà Nội, giúp nâng cao chất lượng ở và đảm bảo sự thuận tiện trong cá hoạt động kinh doanh và dịch vụ, mang tính khả thi và hoàn toàn có thể xây dựng thử nghiệm để kiểm chứng tính hiệu quả năng lượng trong thực tiễn.

Sự phát triển nhà ở đô thị Hà Nội có phần lộn xộn và manh mún

Tổng quan về nhà mặt phố trong các khu phố mới ở Hà Nội

Sau thời điểm Đổi mới năm 1986, và đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây, khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đã diễn ra nhanh chóng và ngày một mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường và tác động của xu thế toàn cầu hóa. Là trung tâm kinh tế lớn thứ hai, đồng thời là đô thị đông dân thứ hai tại Việt Nam với 7,4 triệu dân [1], Hà Nội cũng là thị trường nhà ở lớn thứ hai cả nước. Theo số liệu thống kê mới nhất năm 2016, Hà Nội có 1,85 triệu hộ gia đình, trong đó 0,77 triệu hộ gia đình đang sống trong các khu vực được xác định là đô thị, chiếm tỷ lệ 41,6% [2]. Việc xây dựng nhà ở đang gia tăng mạnh mẽ cả về quy mô lẫn tốc độ tại Hà Nội trong vòng 10 năm qua vì nhiều nguyên nhân, trong đó ba nguyên nhân chính là:

  • Nhu cầu mở rộng diện tích ở (hiện có) hoặc có chỗ ở mới rộng hơn của phần lớn người dân Hà Nội. Đây là một nguyện vọng hết sức chính đáng, sau một thời gian dài phải sống trong những ngôi nhà hoặc căn hộ vừa chật hẹp vừa kém tiện nghi suốt thời kỳ bao cấp và trải qua giai đoạn đầu tiên phát triển nóng của kinh tế thị trường;
  • Người dân đòi hỏi chất lượng xây dựng và thiết kế không gian ở cao hơn nhiều so với trước đây. Họ có điều kiện chi trả cho một chỗ ở tốt hơn cũng như hưởng nhiều cơ hội hơn về mặt tài chính từ các chương trình hỗ trợ nhà ở của nhà nước. Trong khi đó, các khu nhà ở cũ – cả thấp tầng lẫn nhiều tầng – được xây dựng trước năm 1986 vẫn tiếp tục xuống cấp. Nhiều khu nhà ở xây mới được quy hoạch và thiết kế sau năm 1995 đã bộc lộ khá nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của người dân, khiến nhu cầu nhà ở luôn ở mức cao dù đã có một số lượng lớn dự án nhà ở đã được đưa vào sử dụng;
  • Người nhập cư vào Hà Nội không ngừng tăng, khoảng 100.000 người/năm [3], bên cạnh số lượng Việt Kiều về nước làm ăn sinh sống và người nước ngoài đến Việt Nam công tác. Các thành phần này đã được pháp luật cho phép mua nhà và được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Sự tham dự của họ vào quá trình tìm kiếm chỗ ở phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bản thân khiến thị trường nhà ở tại Hà Nội vốn dĩ luôn sôi động lại càng trở nên phức tạp. Nỗ lực cung cấp nhà ở – các dự án nhà chung cư và biệt thự – của nhà nước thông qua các tổng công ty xây lắp với nhiều hình thức liên doanh, liên kết, xã hội hóa, … vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhà ở dân tự xây – chưa có số liệu thống kê đầy đủ đã cho thấy đó là một kênh tự đáp ứng nhu cầu nhà ở, có vai trò tích cực nhất định, không nên hạn chế, tuy nhiên vấn đề là thị trường này chưa được quản lý tốt nên đã phát triển vượt tầm kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và trật tự văn minh đô thị.
Nhà phố xây mới trên đường Chùa Bộc được xây dựng năm 1994 – 1995

Dù nhà ở cao tầng đã và đang được xây dựng trên quy mô lớn trong vòng 20 năm qua, nhà ở thấp tầng vẫn chiếm một phần đáng kể trong quỹ nhà ở tại Hà Nội, có giá trị sử dụng cao cũng như ý nghĩa về mặt tinh thần đối với nhiều người dân. Tại khu phố Cổ và khu phố Pháp trong bốn quận nội thành cũ của Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa), đại đa số nhà ở vẫn là nhà thấp tầng, được xây dựng mới hoặc cải tạo tự phát, thiếu đồng bộ. Những căn nhà mặt phố từ hai đến năm tầng tại đây, dù không được xếp hạng di sản thì vẫn được xem như một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên không gian kiến trúc đặc trưng của đô thị trung tâm, với nhiều phố nhỏ, ngõ hẹp, nhà thấp tầng nhưng mật độ cư trú cao. Trong và xung quanh các khu đô thị mới, nhà mặt phố cũng được xây dựng khá phổ biến.

Nhà mặt phố xây mới – đối tượng nghiên cứu của bài viết – có phạm vi phân bố rất rộng, không chỉ trong những khu phát triển mới giữa các đường vành đai và ngoại vi đô thị (hình thức tương đối đồng bộ do được quy hoạch từ trước và thiết kế theo một vài mẫu điển hình, đổi chỗ phần lộn xộn do người dân tự xây dựng theo sở thích, không có tư vấn của KTS, mà còn cả trong khu vực lõi đô thị (xây chen, thay thế những căn nhà đã cũ nát, xuống cấp sau nhiều thập kỷ sử dụng ít được nâng cấp hoặc sửa chữa). Những ngôi nhà mặt phố xây mới như vậy có kích thước, số tầng, kiểu dáng kiến trúc rất khác nhau, mục đích sử dụng cũng hết sức đa dạng, song có một đặc điểm chung: Mặt tiền được dùng để kinh doanh, hoặc gia đình tự mở cửa hàng hoặc cho người khác thuê lại, cũng để buôn bán hoặc làm văn phòng giao dịch. Tính thương mại – hay nói khác đi là sự sinh lợi về kinh tế – là yếu tố nổi bật, trong nhiều trường hợp lấn át nhu cầu ở, người dân chấp nhận ở chật chội và kém tiện nghi để dành nhiều diện tích cho các hoạt động kinh doanh, đảm bảo thu nhập cao và ổn định cho bản thân và/hoặc gia đình. Chủ hộ và các thành viên trong gia đình sinh hoạt ở tầng trên, trong các phòng phía sau, nơi thiếu ánh sáng, không thông thoáng hoặc ở phòng phía trước, tiếp xúc nhiều hơn với không gian đường phố, song lại bị ảnh hưởng bởi khói bụi và tiếng ồn. Nhiều nhà còn lắp các biển quảng cáo cỡ lớn, chạy từ mép trên cửa đi phía trước của tầng một đến hết tầng hai, thậm chí lên đến quá nửa tầng ba.

Nhà phố xây mới trên đường Giải Phóng được xây dựng năm 2004 – 2005

Những vấn đề còn tồn tại của nhà mặt phố xây mới nói chung

Theo quan sát, các nhà mặt phố xây mới trên nhiều tuyến đường và ngõ lớn, thuộc các khu vực phát triển trong vòng 20 năm qua ở Hà Nội có kích thước phổ biến là 4 – 5 m (rộng) x 15 – 20 m (dài), và chiều cao dao động 3 – 5 tầng, mỗi tầng trên dưới 3,5 m. Gần như 100% nhà mặt phố mang tính chất thương mại và dịch vụ. Trong các khu phố mới, mỗi nhà thông thường chỉ có một hộ gia đình sinh sống, trường hợp vài ba hộ gia đình sống chung khá ít gặp, nếu có thì là các hộ cùng trong gia đình nhưng được tách khẩu.

Các vấn đề cơ bản đang tồn tại đối với những căn nhà này bao gồm:

  • Không có chỗ đỗ xe, nếu có thì là thiếu diện tích hoặc không thuận tiện, đôi khi là cả hai. Với những gia đình có xe hơi thì giải pháp duy nhất, nếu không xây tầng bán hầm, là gửi xe bên ngoài. Với những gia đình chỉ có xe máy, do toàn bộ gian phía trước tầng một dùng để bán hàng, nên không đỗ xe được ban ngày, phải để tạm trên vỉa hè hoặc gửi nhờ chỗ khác, ban đêm khi đóng cửa hàng và thu dọn thì mới có thể để xe máy. Nếu có 4 – 5 xe máy, cửa hàng kinh doanh nhiều hàng hóa khó có thể cất cho gọn, thì gia đình phải gửi nhờ ít nhất 2 xe máy ở chỗ khác, thực sự rất bất tiện.
  • Môi trường ở không đảm bảo tiện nghi, thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên kém, do những ngôi nhà này thông thường chỉ có duy nhất một mặt phía trước tiếp xúc với không gian bên ngoài. Ba mặt còn lại đều giáp tường nhà hàng xóm hầu hết đều xây cao ít nhất ba hoặc bốn tầng. Cách bố trí mặt bằng các tầng trên luôn có hai phòng ngủ ở hai phía với cầu thang và một khu vệ sinh ở giữa. Do vậy, phòng ngủ phía sau luôn bất lợi hơn phòng ngủ phía trước về phương diện chiếu sáng và thông gió tự nhiên. Giải pháp tạo khoảng lưu không phía sau nhà để lấy ánh sáng và khí trời cho phòng ngủ phía sau không mấy hiệu quả vì khoảng lùi đó rất hẹp, ít khi lớn hơn 1,5 m, trong khi nhà hàng xóm xây sát đất cao ba đến bốn tầng. Nếu phía sau nhà hàng xóm là bếp và/hoặc khu vệ sinh thì hoàn toàn bất lợi. Một lựa chọn khác, nếu không để khoảng lùi phía sau, là thiết kế cầu thang ba vế, với khoảng cách hai vế thang khoảng 1 m để lấy ánh sáng từ trên xuống qua tum thang, đồng thời lắp quạt hút gió trên nóc tum và trổ cửa sổ nhỏ ra buồng thang cho phòng ngủ phía sau. Nếu điều kiện cho phép thì thiết kế thêm một giếng trời nhỏ, thực chất là một khe sáng hẹp giữa tường bên và chiếu nghỉ thang. Phòng ngủ phía trước mở cửa trực tiếp ra không gian đường phố nên có thể không gặp vấn đề về chiếu sáng và thông gió tự nhiên, song lại bất lợi vì chịu ảnh hưởng trực tiếp của khói bụi và tiếng ồn từ các hoạt động giao thông vận tải và kinh doanh trên phố.
  • Mức độ sử dụng năng lượng cao: Để đảm bảo tiện nghi, nhiều gia đình đã phải lắp đặt các thiết bị chiếu sáng và thông gió nhân tạo cho các không gian này. Qua khảo sát, mức độ sử dụng năng lượng của các hộ này dao động trong một biên độ khá rộng từ 23 đến 51 kWh/m2năm, tùy thuộc vào hướng nhà và loại hình kinh doanh cũng như số lượng và công suất trang thiết bị. Theo tính toán sơ bộ, việc sử dụng điều hòa không khí chiếm khoảng 28 – 45% tổng số năng lượng sử dụng trong năm của các hộ gia đình đã khảo sát [4].

Nhà mặt phố xây mới hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc

So với nhà mặt phố xây mới nói chung, ngoài ba vấn đề cơ bản đã nêu, nhà mặt phố xây mới các hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc còn có điểm bất lợi nữa do hướng nhà gây ra – Đó là chịu tác động trực tiếp của bức xạ mặt trời buổi trưa và buổi chiều, nhất là vào mùa hè, với các mức độ khác nhau. Riêng nhà quay về hướng Tây Nam, phía sau nhà thẳng hướng Đông Bắc nên phải chịu tác động mạnh của gió lạnh về mùa đông. Nhà quay về hướng Tây Bắc với góc cao của Mặt trời trong các tháng hè cũng chịu tác động của nắng gắt xiên sau 15h. Tuy nhiên, chỉ có một số ít nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc, theo như quan sát, có áp dụng một số giải pháp che chắn bức xạ mặt trời đơn giản như xây ban công đua ra ngoài đường đủ lớn hoặc thiết kế lô-gia lùi vào đủ sâu, có các lam che chắn nắng bằng bê tông. Nhiều nhà treo vải bạt, mành nhựa che nắng vừa kém bền vừa thiếu thẩm mỹ. Đại đa số các trường hợp còn lại chỉ có ô văng trên cửa sổ và cửa đi bằng tấm bê tông mỏng đua ra, độ 30 cm, che mưa là chính, không có nhiều tác dụng chống bức xạ. Thậm chí một số nhà còn không có giải pháp che chắn nào cho mặt đứng nhà trong khi diện tích cửa kính và vách kính khung nhôm khá lớn. Việc kéo rèm hoặc buông mành bên trong rất thụ động, không đem lại hiệu quả đáng kể, vì vậy việc chống nóng hoàn toàn phụ thuộc vào máy điều hòa không khí. Tường nhà xây theo cấu trúc thông thường bằng gạch đặc, không có lớp cách nhiệt ở giữa. Phần lớn mái nhà lợp tôn, là vật liệu hấp thụ nhiệt rất mạnh, dễ dàng truyền qua sàn bê tông xuống các phòng phía dưới. Hầu hết các hộ gia đình lắp đặt 3 – 6 máy điều hòa không khí. Qua so sánh các kết quả khảo sát, nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc tiêu thụ nhiều năng lượng hơn nhà mặt phố có điều kiện tương tự trên các hướng khác từ 24 – 35% [4].

Mô hình nhà ở mới

Vấn đề đặt ra là cần tái cấu trúc không gian các ngôi nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc để đảm bảo điều kiện tiện nghi nhiệt cho người ở mà không làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của gia đình. Trong số các khả năng có thể, thiết kế không gian tối ưu được xem là giải pháp mang tính chủ động cao, đơn giản song lại hiệu quả. Nếu cấu trúc nhà vẫn giữ nguyên như hiện nay, hoặc có chỉnh sửa nhưng ở mức độ khiêm tốn với tâm lý “ngại xáo trộn” thì các giải pháp đưa ra sẽ chỉ mang tính chất thụ động và tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Qua ba vấn đề hay gặp phải trong nhà mặt phố nói chung và vấn đề riêng của nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc, mô hình ở mới cần phải:

– Đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Cần tách biệt gian hàng kinh doanh hoặc cho thuê dịch vụ phía trước (tầng một) với phần còn lại của ngôi nhà về mặt chức năng (nhất là trường hợp cho thuê với yêu cầu sử dụng khép kín), song vẫn duy trì sự liên hệ về mặt không gian cần thiết bằng một cửa đi (khi cần sẽ khóa trái và giao chìa khóa cho người thuê). Gian hàng kinh doanh hoặc cho thuê này cần bố trí một vệ sinh riêng để thuận tiện cho việc sử dụng.

– Đảm bảo tính độc lập về giao thông, lối tiếp cận cũng như chỗ để xe cho chủ nhà. Trường hợp phổ biến nhất là các hộ gia đình có 3 – 5 xe máy, cần một diện tích đỗ xe khoảng 10 – 15m2. Vị trí hợp lý cho khu vực đỗ xe là ở khoảng sân giữa tầng một. Trong trường hợp gia đình có ô-tô, khuyến khích gửi xe ở địa điểm trong giữ gần nhà đảm bảo khoảng cách. Nếu vì lý do riêng cần phải đỗ xe ở nhà thì giải pháp sẽ là nâng không gian kinh doanh lên 2,25m (15 bậc thang bộ), chỗ đỗ xe ngay bên dưới cửa hàng, đào sâu xuống 0,5m so với cốt đường (đường dốc 1/3 đảm bảo xe lên xuống), và cũng chỉ đủ để đỗ một xe ô-tô loại nhỏ.

– Đảm bảo các phòng ngủ tách biệt với không gian đường phố, bằng cách tạo ra các không gian che chắn phía trước. Không gian che chắn này có hai cấp độ: Cấp độ một là lô-gia và cấp độ hai là không gian học tập hoặc làm việc. Cấp độ một có tác dụng che chắn một cách tương đối không gian học tập hoặc làm việc khỏi các tác động bất lợi về bức xạ nhiệt, khói bụi và tiếng ồn. Chiều sâu 2,5 m của lô-gia sẽ giúp chắn bức xạ mặt trời mùa hè đến 15h30 nghiêng góc 45o không hắt vào phòng có chiều cao 3,5 m (chạm bệ cửa sổ cao 1 m so với sàn tầng). Từ 15h30 đến 18h, khi mặt trời ở vị trí thấp hơn sẽ thực hiện việc hạ rèm chắn nắng. Cấp độ hai sẽ giảm một lần nữa các tác động bất lợi nói trên đến phòng ngủ, không gian yêu cầu tiện nghi vi khí hậu cao nhất trong nhà, nơi người dân lưu trú lâu hơn bất cứ không gian nào khác. Phòng ngủ do vậy sẽ dịch chuyển sâu vào bên trong, và mỗi tầng sẽ chỉ có một phòng ngủ. Phòng ngủ và phòng làm việc liên hệ với nhau qua một đoạn hành lang ngắn, mỗi phòng đều có một khu vệ sinh riêng khép kín nên lại càng tăng tính tiện dụng. Các khu vệ sinh đều thẳng hàng từ trên xuống dưới nên đảm bảo tính hợp lý về mặt cấp/thoát nước.

Sự bất lợi của nhà mặt phố hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc

– Thiết kế sân sau và sân giữa đủ lớn để đảm bảo thông thoáng. Như vậy cả phòng ngủ lẫn phòng làm việc hoặc học tập đều có hai mặt thoáng: Phòng làm việc hoặc phòng học tập mở cửa sổ và cửa đi ra phía trước, thông qua lô gia là không gian đệm, cửa sổ mở ra giếng trời, trong khi đó phòng ngủ phía sau mở cửa sổ ra giếng trời và một cửa sổ khác ra khoảng lưu không phía sau (được lùi lại so với tường bao ít nhất 3 m). Nếu hộ gia đình giáp tường phía sau cũng để một khoảng lùi tương tự thì khoảng lưu không phía sau giữa hai nhà đủ lớn – đến 6 m – đảm bảo thông thoáng và đủ ánh sáng, có lợi cho cả đôi bên. Khi ấy, cả phòng làm việc lẫn phòng ngủ đều có hai cửa sổ đối diện hoặc hơi chéo góc, tạo điều kiện thuận lợi cho thông gió xuyên phòng. Cửa sổ trong kính ngoài chớp của phòng ngủ mở ra sân phía sau (hướng Đông Bắc, Đông, hoặc Đông Nam) sẽ đóng mở linh hoạt để đón gió mát mùa hè và ngăn gió lạnh mùa đông.

– Cả hai khu vệ sinh của mỗi tầng đều tiếp xúc một cạnh với giếng trời hoặc khoảng lưu không nên không bị tối và bí.

– Cầu thang ở giữa hai giếng trời nên phần chiếu nghỉ sẽ mở được hai cửa sổ kính nhỏ ra hai giếng trời lấy gió và ánh sáng, do đó không cần tách vế thang, khiến cầu thang thành hai vế sát nhau, gọn hơn thang ba vế có khoảng hở ở giữa. Trong trường hợp gia đình có nhu cầu lắp thang máy thì cần thiết kế thang ba vế, sẽ căn chỉnh kích thước hai phòng: Phòng làm việc phía trước rút đi 0,5 m còn 3 m và phòng ngủ phía sau rút đi 1 m còn 4 m. Như vậy khoảng hở 1,5 m ở giữa buồng thang trừ đi chiều dày kết cấu vách thang đủ để lắp một thang máy cỡ nhỏ chiều ngang 1,2 m sử dụng trong hộ gia đình.

– Thiết kế phòng khách, phòng ăn và bếp dưới tầng một thành một không gian liên thông, ở vị trí tương ứng với phòng ngủ ở các tầng trên, nên cũng đủ ánh sáng tự nhiên và không khí sạch.
Như vậy, qua phân tích định tính, có thể thấy rằng mô hình mới của nhà mặt phố đã khắc phục về cơ bản những nhược điểm của mô hình ở hiện nay về yêu cầu vi khí hậu, qua đó tính hiệu quả về năng lượng có thể đạt được, còn kết quả cụ thể cần được tiến hành thí nghiệm để so sánh và kiểm chứng. Để tổ chức không gian một cách hiệu quả, lô đất cần có chiều dài và chiều rộng đủ lớn. Mô hình nhà ở đề xuất như Hình 5 cho kích thước lô đất là 5 m x 20 m (cũng là một kích thước tương đối phổ biến của nhiều nhà phố xây mới ở các khu vực đô thị mới phát triển hiện nay), được trình bày trên hệ mô-đun ô vuông 0,5 m x 0,5 m, chiều cao 4 đến 5 tầng.

Ngoài ra, do đặc điểm nhà hướng Tây, Tây Nam và Tây Bắc, vấn đề chống nóng được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc cho mặt tiền và diện mái. Tường mặt trước và mái, do đó, cần được thiết kế có lớp cách nhiệt ở giữa, kết hợp linh hoạt với các giải pháp khác như lam che nắng, chọn vật liệu hoàn thiện bề mặt màu sáng, treo mành/rèm, gắn giàn cây hoặc đặt bồn cây, phun sương, đặt bể cảnh tạo hiệu ứng bay hơi nước, … sẽ tạo ra hiệu quả làm mát tổng hợp. Khi ấy, nhu cầu sử dụng điều hòa trước tiên, sau đó là đèn điện và quạt hút sẽ giảm đáng kể, nhờ vậy mức độ tiêu thụ năng lượng của nhà ở chắc chắn sẽ ở mức thấp hơn so với hiện nay.

Mô hình nhà mặt phố mới hiệu quả hơn về năng lượng lấy nhà chính hướng Tây làm trường hợp nghiên cứu đại diện

Kết luận

Nhà mặt phố hoàn toàn có thể được tổ chức lại về mặt không gian để giải quyết hài hòa mối quan hệ cộng sinh kinh doanh và ở, lấy tính hiệu quả (nhưng phải đơn giản) và dựa vào tự nhiên, khai thác những điểm mạnh có lợi sẵn có của khí hậu trong khu vực để nâng cao chất lượng ở là nguyên tắc thiết kế chủ đạo. Mô hình ở 20 m x 5 m x (4 – 5 tầng) này hoàn toàn có thể được phát triển thêm tạo thành nhiều biến thể và áp dụng rộng rãi hơn trong tương lai, khi các ngôi nhà mặt phố trong các khu phố mới tiếp tục mọc lên và việc xây mới (hoặc cải tạo lớn) hàng chục vạn ngôi nhà mặt phố đã xuống cấp trong các khu phố cũ trở nên cấp bách.

Tài liệu tham khảo
[1] Tổng cục Thống kê, 2017, Niên giám thống kê Hà Nội, 2016, tr. 9
[2] http://thuonggiaonline.vn/ha-noi-dau-dau-vi-nguoi-nhap-cu-tang-dot-bien-2936.htm
[3] http://www.baomoi.com/100-000-nguoi-nhap-cu-moi-nam-ve-ha-noi/c/3474855.epi
[4] Nguyễn Quang Minh, 2013 – 2014, khảo sát hiện trạng và nhu cầu sử dụng năng lượng trong nhà ở thấp tầng đô thị tại Hà Nội

 

TS. KTS Nguyễn Quang Minh

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)