Bảo tồn thích ứng các di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch nông thôn mới

Làng xã truyền thống Việt Nam, tiêu biểu là các làng xã vùng Đồng Bằng sông Hồng (ĐBSH) chứa đựng nhiều giá trị di sản quý giá. Trong đó ngoài các công trình kiến trúc lớn như Đình, Chùa, Miếu… phải kể đến các di sản dạng cấu trúc làng, cây xanh, cảnh quan và các công trình kiến trúc phục vụ cộng đồng, của người dân như giếng làng, ao làng, cổng làng, cổng xóm, điếm, quán, nhà cổ…hòa quyện với văn hóa cộng đồng, tạo nên không gian đặc sắc của làng Việt

Giếng làng Hương Ngải (Thạch Thất) được tu bổ, bảo tồn nhưng không hoạt động, mất đi ý nghĩa cấp nước, tạo gắn kết cộng đồng của giếng làng

Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn đã tạo nên những diện mạo mới cho các làng xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn, nội dung Quy hoạch sử dụng đất, Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và Quy định quản lý quy hoạch có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn các di sản làng xã thông qua việc khoanh vùng các di sản, định rõ chức năng và các định hướng cải tạo, bảo tồn công trình kiến trúc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nội dung bảo tồn mới chỉ được làm rõ trong Luật Di sản văn hóa. Trong các đồ án Quy hoạch nông thôn, nội dung này chưa được quy định mang tính pháp lý, bắt buộc, chưa cụ thể, nhất là với các di sản chưa phải là di tích. Sự quan tâm đến vấn đề di sản trong các đồ án ở từng địa phương là khác nhau, dẫn đến vai trò của đồ án quy hoạch đối với việc bảo tồn di sản chưa được phát huy.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản trong làng truyền thống cũng có những đặc trưng riêng mà người thiết kế quy hoạch vẫn chưa có đủ cơ sở để thiết lập, cả về lý luận và thực tiễn. Di sản làng xã truyền thống không thể bảo tồn theo hình thức “bảo tàng hóa” mà nó là các di sản sống, có giá trị với cuộc sống đương đại và cũng có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống, cần phải có một cách tiếp cận bảo tồn mới.

Bài viết này nhằm phân tích những đặc điểm của công tác bảo tồn dạng di sản “sống” trong các làng truyền thống và đưa vào nội dung Quy hoạch xây dựng nông thôn mới các nguyên tắc để bảo tồn di sản, định hướng cho các giải pháp bảo tồn, đồng thời đề xuất phương pháp bảo tồn thích ứng trong quá trình Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Di sản trong các làng xã truyền thống là các di sản “sống”, đang tồn tại và phát triển

Hiện nay, vùng ĐBSH có khoảng 7500 làng truyền thống có lịch sử hình thành từ hàng ngàn năm, cấu trúc ổn định phổ biến khoảng từ 400-500 năm, mới nhất là khoảng 200 năm tại vùng lấn biển Thái Bình, Ninh Bình. Qua khảo sát khoảng 50 làng truyền thống tiêu biểu trong vùng (*) như Cổ Am (Hải Phòng), làng Nôm (Hưng Yên), làng Keo (Thái Bình), làng Hành Thiện (Nam Định)…trong năm 2018-2019 cho thấy các giá trị di sản trong các làng truyền thống dù đã mai một vẫn còn rất phong phú, cả về số lượng lẫn loại hình.

Nhìn chung, đó là di sản văn hóa về việc xây dựng môi trường cư trú có tính bền vững, tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm. Trên khía cạnh di sản vật thể đó là các giá trị: Giá trị di sản về cấu trúc không gian; giá trị di sản kiến trúc công trình công cộng và nhà ở; giá trị di sản cảnh quan, cây xanh đặc trưng; giá trị xây dựng, sử dụng vật liệu, kinh nghiệm bản địa; giá trị môi trường sinh thái, sinh thái nhân văn; giá trị tích hợp lồng ghép các giá trị văn hóa phi vật thể.

Những giá trị đó đã được khẳng định qua các nghiên cứu (1), (2), quy hoạch bảo tồn tôn tạo các làng cổ ở Đường Lâm (3), các hoạt động công nhận, xếp hạng, bảo tồn rất nhiều Di tích lịch sử văn hóa trong vùng theo Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn các giá trị khác của di sản chưa được nhìn nhận đầy đủ dẫn đến dễ xảy ra xung đột trong công tác bảo tồn. Đó là “Giá trị kế thừa, bổ sung trong bối cảnh đương đại”.

Những giá trị này được hình thành qua quá trình tồn tại của di sản, đặc biệt từ 1954 đến nay, dưới tác động của đời sống xã hội mới. Gồm:

  • Giá trị chức năng đương đại: Những chức năng mới đã xuất hiện bổ sung vào công trình di sản, phù hợp với cuộc sống đương đại. Ví dụ: Ao làng không còn giá trị lấy nước ăn, nước rửa, nuôi cá có thể trở thành ao sen tạo cảnh quan, nơi ngắm cảnh, không gian giao tiếp của cộng đồng;
  • Giá trị cảnh quan mới: Các tổ hợp cây xanh, mặt nước mới, địa hình thay đổi, cây xanh phát triển, trồng bổ sung theo thời gian. Giá trị này có tính biến động khá lớn, có khả năng khôi phục hoặc tạo lập bổ sung;
  • Giá trị văn hóa mới như dấu ấn nơi chốn, bản sắc, tính biểu tượng: Giá trị này hình thành qua thời gian, hiện hữu ngay cả khi giá trị vật thể gốc đã thay đổi. Ví dụ: Cổng làng, không còn chức năng bảo vệ nhưng có ý nghĩa tinh thần, biểu tượng cho hình ảnh của một khu vực cư trú truyền thống, đang được nhiều làng gìn giữ hoặc xây dựng lại;
  • Giá trị môi trường, sinh thái mới: Làng xã có thể trở lại là một đơn vị cân bằng sinh thái nếu có sự can thiệp của công nghệ, tạo hệ thống mặt nước, ao sinh thái, hạ tầng xanh…để đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái, chất lượng môi trường vốn trước đây hoàn toàn tự cân bằng dựa trên hệ sinh thái tự nhiên; (5)

Để bảo tồn được di sản, tất cả các giá trị đều phải được xem xét. Với hệ thống giá trị này, việc bảo tồn ” tĩnh” là rất khó khăn, vì vậy cần có phương pháp bảo tồn “thích ứng”, đó là bảo tồn tích hợp các giá trị, chuyển tiếp giá trị và bổ sung các giá trị của di sản phù hợp với bối cảnh của cuộc sống đương đại.

Phương pháp bảo tồn thích ứng rất phù hợp với mục tiêu phát triển, tạo lập không gian có bản sắc văn hóa trong quy hoạch nông thôn mới. Vì vậy, có thể vận dụng vào công tác bảo tồn các di sản làng truyền thống.

Qua nghiên cứu cũng cho thấy công tác quy hoạch nông thôn mới tác động toàn diện đến các di sản làng truyền thống bởi các công trình truyền thống vẫn là một thành tố để tạo nên cấu trúc chức năng và không gian làng. Sự phát triển mở rộng làng, sự bổ sung các chức năng mới theo 19 tiêu chí nông thôn mới có tác động tích cực đến di sản, di sản được bảo vệ, có nơi lại tác động xấu đến di sản với các giải pháp di dời, phá dỡ hoặc để xuống cấp đáng tiếc. Có nơi bảo tồn dạng “tĩnh”, di sản không phát huy được giá trị trong cuộc sống đương đại, sẽ khó gìn giữ lâu dài.

Công tác bảo tồn di sản trong quy hoạch nông thôn mới

Nhìn tổng thể các địa phương đã có ý thức gìn giữ các giá trị di sản, tuy nhiên còn tập trung vào những công trình lớn như đình, chùa. Các di sản ít được quan tâm là:

– Di sản về cấu trúc làng với các làng có hình thái cấu trúc đặc biệt, có ý đồ quy hoạch, thiết kế rõ nét từ khi thành lập chưa được đặt ra mục tiêu bảo tồn cấu trúc. Đây là vấn đề còn ít được đề cập trong các nghiên cứu;

– Các di sản khác về kiến trúc, về không gian cảnh quan như cổng làng, ao, giếng, điếm, quán, cầu, cây xanh, mặt nước… chưa được bảo tồn, đang bị mai một;

– Giá trị sinh thái, sinh thái nhân văn của làng chưa có sự nhận diện đúng, một số làng nghề môi trường bị suy giảm, tính bền vững của làng truyền thống giảm sút.
Có các nguyên nhân sau:

– Hệ thống pháp lý về quy hoạch chưa quy định rõ ràng về công tác bảo tồn: Qua rà soát các văn bản pháp quy trong công tác Quy hoạch nông thôn mới, việc quy định một cách rõ ràng nhiệm vụ của đồ án đối với việc bảo tồn các di sản chưa rõ nét. Một số ví dụ:

  • Trong Quy chuẩn QCVN14:2009 – Quy chuẩn quốc gia Quy hoạch xây dựng nông thôn mới có Điều 1.3.1. Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử văn hóa, giư gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo các yêu cầu vê quốc phòng an ninh. Điều khoản này thể hiện quan điểm hơn là quy chuẩn và không được cụ thể hóa trong nội dung quy hoạch, hướng dẫn thực hiện quy hoạch;
  • Mục 2.8. Quy hoạch cây xanh, không quy định chỉ tiêu cây xanh, vườn hoa công cộng, không nói đến các cây xanh đặc trưng của khu vực nông thôn. Mục 2.5: Quy hoạch trung tâm xã, không nhắc đến các công trình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống nếu có;
  • Thông tư 02-2017- BXD, hướng dẫn về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, có hướng dẫn cụ thể về các nội dung quy hoạch phải thực hiện. Trong đó mục Hiện trạng có nêu, các yêu cầu về đánh giá hiện trạng Công trình di tích, tuy nhiên nếu di sản chưa phải là di tích thì không rõ. Trong nội dung phê duyệt cũng chưa yêu cầu cụ thể về mục này;

– Qua nghiên cứu một số đồ án Quy hoạch nông thôn tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), tỉnh Nam Định, Hà Nam…đã được phê duyệt cho thấy một số nội dung liên quan đến bảo tồn chưa được làm rõ:

  • Trong các đồ án QH chung xây dựng mới chỉ khoanh vùng các di sản đã được công nhận là di tích. Các di sản về cấu trúc, kiến trúc, cảnh quan chưa được thống kê và định hướng quản lý đầy đủ trong quy hoạch. Quy định quản lý theo quy hoạch ít đề cập đến di sản, nhất là nhóm công trình chưa là di tích như nhà cổ, cổng nhà, giếng, ao, miếu, điếm…;
Ví dụ về di sản cấu trúc là, cần được nhận diện trong quá trình quy hoạch nông thôn mới.
Cấu trúc làng Hành Thiện, hình thành từ 400 năm trước. cấu trúc chặt chẽ với các đường dong xóm chạy song song, như được thiết kế, quy hoạch hoàn chỉnh ngay từ ban đầu.

Không gian khu ở cũ không có quy định kiểm soát do thiếu đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Không gian khu ở mới thiếu định hướng để tạo sự hài hòa, kết nối đặc trưng.

Thiếu định hướng về bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái, sinh thái nhân văn, bảo vệ hoặc tôn tạo hệ thống cây xanh, mặt nước đặc thù.

  • Trong đồ án Quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư mới, tỷ lệ 1/500, nếu khoanh ranh giới nghiên cứu có các di sản thì mới có điều kiện để nghiên cứu đề xuất. Nếu di sản nằm trong khu dân cư cũ thì không được nghiên cứu.

– Về mặt nhận thức, lý luận: do chưa có lý luận về phương pháp bảo tồn phù hợp, chưa có nhận thức đúng về bảo tồn di sản nên đã có một số cách bảo tồn không đúng như cổng làng xây bằng đá ong khi tu bổ lấy vữa trát lại, quét vôi, làm mất vẻ đẹp của vật liệu nguyên gốc. Cổng làng đã mất được nhiều làng xây lại nhưng lại biến thành cổng chào với quy mô đồ sộ, xây cách xa khu dân cư của làng.

Còn có nhận thức trách nhiệm bảo tồn là thuộc về cơ quan nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa, chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của công tác quy hoạch trong việc bảo tồn di sản.

– Sự khác biệt trong quy định ranh giới bảo tồn Di tích và không gian cần bảo tồn, kết nối:

Hiện nay ranh giới khoanh vùng bảo tồn di tích chưa thống nhất với không gian cần bảo tồn, kết nối trong quy hoạch. Các di tích thường được khoanh vùng bảo vệ trong phạm vi hẹp, tường rào của công trình hiện hữu (cả vùng I và II). Đây là một hạn chế vì phạm vi không gian của di tích gốc thường rộng hơn. Vấn đề này một phần cũng do yếu tố của lịch sử phát triển của làng, ví dụ như đất ao làng, vườn đình, vườn chùa đã bị thu hẹp, bị cấp làm đất ở…do nhận thức của giai đoạn trước (1954-1980). Điều này cần được cân nhắc trong quá trình làm quy hoạch để có thể giải tỏa, mở rộng phạm vi bảo vệ, kết nối với cảnh quan mới.

Ví dụ về ranh giới bảo tồn vùng I, II của Đình Giang, làng Hương Ngải, huyện Thạch Thất, công nhận là Di tích cấp tỉnh năm 2005 (Quyết định số 1054 QĐ/UB của UBND tỉnh Hà Tây). Ranh giới bảo tồn chỉ trong phạm vi tường rào của Đình (ô 8A là vùng I, lô 8B là vùng II, không bao gồm ao phía trước và giếng thôn nằm ngay sát tường rào của đình.

Một số đề xuất đưa nội dung bảo tồn thích ứng vào công tác quy hoạch

Để có thể đưa công tác bảo tồn vào đồ án quy hoạch nông thôn mới, cần nhận rõ các giá trị phải bảo tồn, nhận diện được phạm vi khu vực bảo tồn, làm cơ sở cho bảo tồn công trình, kiến trúc. Một số đề xuất như sau:

– Bổ sung thêm khái niệm về các khu vực, các không gian cần bảo tồn:

  • Khái niệm “Khu vực cây xanh, cảnh quan truyền thống”: Là khu vực cây xanh và cảnh quan có yếu tố lịch sử như ao làng, giếng làng, cây cổ thụ…được gọi tên khác với Khu cây xanh, cảnh quan thông thường để có quy định quản lý, định hướng cải tạo phát triển riêng.
  • Khái niệm ” Không gian kiến trúc truyền thống”: Là không gian bao hàm các công trình lịch sử và cảnh quan lịch sử có liên quan.

Ví dụ: Cả đình, chùa và giếng đình, giếng chùa, ao đình, ao chùa…đã từng là cấu thành trong ý đồ tổ chức không gian truyền thống nhưng chưa được đưa vào vùng bảo vệ I hoặc II của di tích đình, chùa. Không gian kiến trúc truyền thống gồm cả những công trình đã được công nhận là di tích và những hạng mục chưa được công nhận là di tích.

Ví dụ đề xuất “Không gian kiến trúc truyền thống” trong quy hoạch chi tiết Đình Giang, làng Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Ao đình, giếng được đưa vào không gian để bảo tồn, tôn tạo. So với ranh giới bảo tồn di tích chỉ trong phạm vi Đình, phạm vi bảo tồn đã được mở rộng.

– Quy hoạch và Quy định quản lý trong các “Không gian kiến trúc truyền thống”:

  • Quy định đó là loại hình không gian công cộng, không được chuyển đổi để sử dụng cho mục đích cá nhân.
  • Đa dạng chức năng. Có thể là chức năng truyền thống hoặc bổ sung trên cơ sở chức năng mới không tác động xấu đến công trình kiến trúc đã có. Khuyến khích bổ sung các chức năng sinh hoạt cộng đồng, tạo sự sống động của không gian, tránh để các không gian” chết”, không sử dụng.

Ví dụ như không gian Giếng làng có thể chuyển đổi thành không gian giao tiếp cộng đồng với việc bố trí thêm ghế ghỉ, giàn cây leo hoặc có máy bơm nước để lấy nước tưới cây. Việc có biến giếng làng thành nơi trồng Sen, nơi bơi lội của trẻ em ngày hè hay không còn tùy thuộc vào sự đồng thuận của cộng đồng và cách thực hiện của mỗi làng.

Sân phơi của các làng hiện không còn nhiều, cần gìn giữ để biến thành các không gian công cộng có ích. Có thể kết hợp các công nghệ mới như pin mặt trời để hỗ trợ phơi sấy nông sản.
Không gian sân đình cũng cần khuyến khích có nhiều hoạt động của cộng đồng hơn, tránh xu hướng “thờ hóa” ngôi đình.
Mỗi một làng, từng trường hợp cụ thể mà các giá trị của di sản cần được bảo tồn ở các cách khác nhau. Ví dụ như làng Diềm, giếng Ngọc cần được bảo tồn nguyên vẹn cả hình thái, chức năng của một giếng cấp nước, văn hóa thờ nước nhưng làng Hương Ngải, giếng nước hiện mới được bảo tồn như một dấu ấn lịch sử có thể chuyển thành không gian sinh hoạt của cộng đồng, bổ sung thêm các tiện nghi như ghế nghỉ, giàn hoa trong khu vực giếng.

  • Quy định mật độ xây dựng, không tăng mật độ xây dựng làm thay đổi hình thái không gian truyền thống.

– Quy hoạch và Quy định quản lý trong “Khu vực cây xanh, cảnh quan truyền thống”, vị trí của các không gian này phát triển trên các không gian truyền thống hiện có hoặc khôi phục như ao làng, giếng làng, cây cổ thụ đầu làng, không gian cổng làng…Về chức năng là các không gian xanh, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tạo môi trường sống tốt cho cộng đồng. Sự khác biệt là tổ chức cảnh quan trên quan điểm cảnh quan văn hóa.

Cho phép trồng các cây bóng mát có bản sắc của làng xã truyền thống như Tre, Trúc, Gạo, Lộc vừng, Sung, Si…các giàn cây hoa, cây leo, cây xanh gắn với mặt nước ao làng, ao Sen…. Cây cổ thụ gắn với các không gian giao tiếp cộng đồng, các sinh hoạt tín ngưỡng hoặc tập quán.

– Quy định về hình thái kiến trúc của một số loại hình di sản tôn tạo hoặc phục dựng lại, xây mới.

Nhấn mạnh việc phải gìn giữ tối đa hình thái, kiến trúc của di tích gốc trong quá trình tu bổ, tôn tạo hoặc phục dựng.

Ví dụ đề xuất “Không gian kiến trúc truyền thống” trong quy hoạch chi tiết Đình Giang, làng Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Ao đình, giếng được đưa vào không gian để bảo tồn, tôn tạo. So với ranh giới bảo tồn di tích chỉ trong phạm vi Đình, phạm vi bảo tồn đã được mở rộng

Công trình xây mới cần được chỉ dẫn để bảo đảm về hình thái, quy mô, phù hợp với tinh thần của di tích gốc. Ví dụ cổng làng được xác định là thành tố có giá trị về tinh thần, củng cố quan hệ cộng đồng nên khuyến khích xây dựng lại. Để tránh những xu hướng lệch lạc, ” cổng chào hóa” cổng làng nên quy định cụ thể cho loại hình này: Vị trí cổng bố trí gần nhất với khu vực dân cư làng, không đặt xa mang tính chất cổng chào. Quy mô cổng chiều rộng bằng với đường trục chính trong làng, tối đa không quá 7,0m. Tại cổng có thể trồng Tre, Đa tạo đặc trưng làng truyền thống

– Quy định về “Sự hài hòa với không gian làng xã truyền thống”. Đối với khu vực dân cư mở rộng, việc tổ chức không gian cần tuân thủ các nguyên tắc:

  • Tổ chức các không gian đi bộ, chú trọng giao thông đi bộ, không khuyến khích giao thông cơ giới cá nhân; tạo lập các không gian giao tiếp quy mô xóm;
  • Tạo tính tương đồng giữa hình thái khu cũ và khu mới: Độ dài của các tuyến đường thẳng, có các khúc ngoặt, đổi hướng, có các không gian đóng và mở;
  • Tạo hình ảnh tường rào, cây xanh nhà ở là một phần của hình thái đặc trưng không gian làng. Có hình ảnh cây xanh, cảnh quan truyền thống; cây Tre, Trúc, Cau, giàn dây hoa leo, giàn Trầu…;
Minh họa đề xuất trồng Tre cạnh cổng làng xây mới, tạo đặc trưng cảnh quan

– Quy định về chỉ tiêu mặt nước công cộng. Để đảm bảo khả năng khôi phục lại hệ sinh thái lúa nước vùng ĐBSH và hệ sinh thái làng xã luôn gắn kết với mặt nước, cần thiết bổ sung quy định về chỉ tiêu mặt nước tối thiểu trong các làng xã, cùng với quy định về chỉ tiêu diện tích cây xanh.

– Quy hoạch làng có nhiều di sản, làng nghề phát triển theo hướng là du lịch để tạo điều kiện bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản. Đây là hướng phát triển có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế nông thôn đồng thời góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống.

Kết luận

Quy hoạch nông thôn mới đang là một cơ hội để bảo tồn các giá trị di sản làng xã truyền thống. Cần có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức của các cấp quản lý, của các nhà chuyên môn quy hoạch.
Trong quá trình lập đồ án Quy hoạch xây dựng, các nhà chuyên môn cần được trang bị các lý luận về nhận diện giá trị di sản, phương pháp bảo tồn thích ứng để có các giải pháp quy hoạch đúng đắn.
Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn nội dung bảo tồn di sản trong công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

*PGS.TS. Phạm Hùng Cường – Đại học Xây dựng

––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo

(*). Bài viết có tham khảo kết quả nghiên cứu của đề tài ” Bảo tồn thích ứng di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới”. Năm 2018- 2019. Bộ Xây dựng.

1. Phạm Hùng Cường. (2014). Làng xã truyền thống Việt nam – Bảo tồn và phát triển. 2014. Nhà Xuất bản Nông nghệp.
2. Phạm Hùng Cường (2009). Làng Việt và những giá trị di sản Kiến trúc cảnh quan. Tạp chí Kiến trúc số 5- 2009
3. Phạm Hùng Cường (2009). Quy hoạch bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm. Tạp Chí Kiến trúc Việt Nam – số 1 -2009.
4. Lê Quỳnh Chi (2014). Nhận diện giá trị giao thoa văn hoá Đông – Tây trong không gian kiến trúc quy hoạch và thách thức cho công tác bảo tồn Làng Cựu, Phú xuyên, Hà nội. Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, Số 19/5-2014.
5. Phạm Hùng Cường (2018). Nhận diện giá trị Di sản trong công tác bảo tồn. Tạp chí Kiến trúc – Số 10-2018


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương