Hà Nội của chúng ta – Thủ đô có lịch sử phát triển hơn 1000 năm tuổi, đã và đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, đang sẵn sàng “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”.
Là nơi gặp gỡ Đông – Tây, Hà Nội là thành phố (TP) của sự đa dạng. Với hệ thống di sản văn hóa dày đặc gồm 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công truyền thống tạo thành lớp lang sáng tạo, tôn vinh văn hóa Việt, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống ra thị trường quốc tế.
Hà Nội cũng tự tin với tỷ lệ dân số vàng (51,7% dân số trẻ), có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đây chính là thế mạnh của TP trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số. Phương thức quản trị hệ thống, các sáng kiến trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm bảo tồn tự nhiên, phát huy di sản văn hóa dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ đang truyền năng lượng sáng tạo mạnh mẽ đến các công dân TP.
Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời từ năm 2004 với mục tiêu lấy Nguồn lực văn hóa và Sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đến nay đã có sự tham gia của 246 thành phố đến từ các quốc gia trên thế giới theo 7 nhóm lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn – Media Arts; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học và Âm nhạc. Lựa chọn lĩnh vực Thiết kế sáng tạo, Hà Nội xác định còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, TP đã xây dựng Hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO và trở thành thành viên chính thức vào ngày 30/10/2019. Đây là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các TP toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Trong thời gian qua Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, tích cực hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đặc biệt là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo – một trong những nhiệm vụ chiến lược cho phát triển Thủ đô giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp theo. TP đang nỗ lực hành động vì một môi trường hấp dẫn, an toàn, thân thiện, hiệu quả cho các nhà đầu tư, đến từ các quốc gia trên thế giới.
“Lễ hội Văn hoá dân gian trong đời sống đương đại” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12/2019 là không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng với những sản phẩm được thiết kế đa dạng, sáng tạo của 16 nghề thủ công truyền thống đặc sắc nhất của Hà Nội cùng những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được các nghệ nhân, những người yêu văn hóa Thủ đô trình diễn đầy ấn tượng. Đây là sự kiện chào mừng Hà Nội gia nhập Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO, đồng thời cũng là sự kiện tiếp nối chuỗi hoạt động để kết nối, xây dựng, quảng bá hình ảnh TP Sáng tạo của Hà Nội như: Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, Chương trình hòa nhạc ngoài trời “Vietnam Airline Classic – Hanoi Concert”, “Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019”, “Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019”, Giải chạy quốc tế Di sản Hà Nội “VPBank Hanoi Marathon 2019”, “Triển lãm ảnh báo chí thế giới 2019”, “Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội – Haniff”…
Từ dấu mốc này, TP Hà Nội sẽ xây dựng các kế hoạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng hòa trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của TP để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và đề xuất của Hà Nội trong hồ sơ ứng cử hướng đến mục tiêu trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới như:
- Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội: Mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
- Xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội:
- Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh một cách phù hợp để kết nối phố đi bộ hiện có với các địa danh văn hóa gần đó của Hà Nội, bao gồm tranh tường đường Phùng Hưng; khu Phố cổ, Phố cũ; Phố ẩm thực Hà Nội nổi tiếng thế giới và các di tích lịch sử. Tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, các khu vực này sẽ đóng vai trò là không gian để sắp đặt nghệ thuật, biểu diễn và tổ chức các hoạt động sáng tạo khác.
- Thiết lập một khu vực dành cho việc thiết kế, thủ công và nghệ thuật, nằm liền kề sông Hồng, có thể đặt dưới sự điều hành chung của Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội.
Khu vực này có thể bao gồm các nhà triển lãm, các khu vực làm việc cho những người thực hành sáng tạo ở nhiều bộ môn khác nhau có liên quan đến thiết kế sáng tạo, cũng như các không gian tổ chức sự kiện lớn về thiết kế sáng tạo. - Mở rộng ra, các mô típ sáng tạo được sử dụng trong khu vực sáng tạo này cũng sẽ được sử dụng tại các khu vực khác trong TP, tạo thành một hệ sinh thái sáng tạo chung. Tiêu biểu là không gian thông minh tại Bảo tàng Hà Nội, được sắp đặt ứng dụng công nghệ hiện đại, bố trí những thiết bị mang tính tương tác cao (trải nghiệm không gian 3D, thực tế ảo) và TP thông minh Đông Anh cung cấp hệ thống công nghệ phục vụ hoạt động thiết kế sáng tạo, tích hợp các yếu tố thiết kế lấy cảm hứng từ các làng nghề thủ công truyền thống. Ngoài ra, mạng lưới này cũng sẽ có sự kết nối chặt chẽ với khoảng trên 60 không gian sáng tạo nhỏ hiện đang hoạt động trên địa bàn TP.
- Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội: Một chuỗi các chương trình truyền hình (talk show, game show và live show) sẽ được Đài truyền hình Hà Nội và các báo điện tử tại Hà Nội tổ chức với sự phối hợp của kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6, hướng tới tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo. Chương trình sẽ thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, đồng thời có sự tham gia tư vấn của đội ngũ các nhà nghiên cứu và các chuyên gia thiết kế sáng tạo và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp có liên quan trong và ngoài nước.
- Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội hàng năm sẽ bao gồm một loạt các sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành và công chúng, nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ trong Hà Nội và trên toàn cầu.
- Diễn đàn Mạng lưới các TP Sáng tạo Đông Nam Á: Diễn đàn sẽ diễn ra tại Hà Nội để hỗ trợ trao đổi kiến thức, hỗ trợ và hợp tác giữa các TP Đông Nam Á. Những người tham gia sẽ bao gồm các bên liên quan khác nhau bao gồm chính quyền thành phố, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo quốc tế, các doanh nghiệp và tổ chức thực hành thiết kế sáng tạo trong cộng đồng UCCN Đông Nam Á, bao gồm những người từ Singapore, Phuket và Chiang Mai – cũng như các TP đang phát triển không thuộc UCCN. Diễn đàn cũng sẽ thể hiện tầm quan trọng của UCCN trong khu vực Đông Nam Á, với mục đích khuyến khích các TP đang phát triển đăng ký làm thành viên.
- Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ: Do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội điều hành, mục tiêu là tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo – từ đó cung cấp hỗ trợ và cơ hội cho những người có khả năng thực hiện các mục tiêu đó cùng với TP trong tương lai.
Mang trong mình tiềm năng của những mạch nguồn sáng tạo, thể hiện một tinh thần đổi mới và năng động của Thủ đô Hà Nội, đại diện cho trí tuệ và tài năng của thế hệ trẻ Việt Nam, Hà Nội hôm nay hứa hẹn sẽ là động lực, là cầu nối cho các TP khác của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các TP Sáng tạo của UNESCO và tiếp tục cho những sáng tạo vươn tầm thế giới trong sự kết nối toàn cầu.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)