Trong sự phát triển của kiến trúc Việt Nam, hơn 5 năm vừa qua, giới KTS nước nhà đã miệt mài nỗ lực lao động trên những nẻo đường khác nhau, đạt được nhiều thành quả, tạo nên một bức tranh đa sắc màu, tươi mới và khả diệu, góp phần quan trọng để Nhà nước ban hành Luật và Nghị định hướng dẫn Luật Kiến trúc, niềm mong đợi của giới làm nghề suốt trên 30 năm. Công tác lý luận phê bình đã đi được vào một số vấn đề nóng, chuyên sâu, hòa nhập xu hướng xã hội, góp phần định hướng phát triển kiến trúc tương đối kịp thời theo nhịp đổi mới của đất nước. Các chương trình hoạt động của KTS trẻ sôi động và cuốn hút hơn, hầu hết thành công trong và ngoài nước thời gian này của họ đã được hội và giới nghề ghi nhận, cổ vũ kịp thời và giới thiệu lan tỏa toàn xã hội. Nội dung hợp tác quốc tế đã triển khai sâu rộng toàn diện có nhiều kết quả rõ rệt hơn. Công tác hội được tiến hành kỹ, rõ từng năm trong suốt nhiệm kỳ với hành động của lãnh đạo hội và các bộ phận nhịp nhàng hiệu quả. Nơi cư ngụ mới của hội tươi xanh, rộng rãi, khang trang, đủ điều kiện thực hiện có chất lượng cho công tác điều hành thường xuyên và các hoạt động cộng đồng của hội, trở thành “một chốn đi về” cuốn hút của KTS cả nước… là những dấu ấn rõ rệt.
Trong các thành quả nổi bật, sáng tác của KTS đã nở hoa kết trái tạo nên một khu vườn sum suê đậm chất riêng giàu bản sắc hài hòa với hiện đại, làm cho kiến trúc Việt Nam trở thành một địa chỉ không thể thiếu trên bản đồ Kiến trúc thế giới, trở thành một“ điểm hẹn của thiên niên kỷ”. Nền kiến trúc mong mỏi đậm đà tính dân tộc rời khỏi“ tơ vò” trong vùng nước quẩn buồn phiền quanh vách núi, mạnh mẽ hòa vào dòng chảy lớn đổ về đại dương toàn cầu. Điểm thú vị lớn ta nhìn thấy ở mảng sáng tác này là: Sự hòa nhập mà không hòa tan với kiến trúc đương đại quốc tế; sự cạnh tranh lành mạnh bước đầu ngang ngửa trên sân nhà với các KTS, kể cả những người có thứ hạng từ nhiều nước tiên tiến đến Việt Nam. Bài viết này xin trình bày ý riêng về một số công trình trong loại hình kiến trúc công cộng: Mảng văn hóa, mảng trường học – bệnh viện, mảng khách sạn – nghỉ dưỡng, mảng trụ sở và các công trình đặc biệt khác.
Về sáng tác kiến trúc, đây hẳn là bức tranh sôi động đa sắc nhất, không có khoảng cách phân biệt giữa các thế hệ. Một tỉ lệ đáng kể những công trình được thiết kế xây dựng đã mang âm hưởng mới mẻ khá đậm đặc góp phần bổ sung, làm sáng lên nhiều góc phố làng quê, tạo ra sự cảm nhận ngoái lại, trở lại với kiến trúc truyền thống ngày càng nhiều hơn! Có nghĩa là: Không riêng gì tác giả mà rất nhiều đồng nghiệp và người dân khi đến với công trình đã thấy nhiều cảm xúc thân thiện và ra đi với một niềm hứng khởi mong muốn được quay lại không phải chỉ một lần để tiếp tục được đồng ứng cùng công trình. Rõ ràng kiến trúc do người Việt Nam sáng tạo đã có nhiều dấu ấn đậm đà, thành công rõ rệt hơn những năm trước đây. Về khía cạnh “bản sắc” đã nhìn thấy công trình của KTS nước nhà sáng tác dần “lấn át” các công trình của KTS quốc tế làm ở Việt Nam. Ước tính có đến hàng trăm công trình trải khắp mọi miền đất nước đã ít nhiều đạt được điều đó. Tuy nhiên, do sự khảo sát và hiểu biết hạn chế của người viết, chỉ xin đơn cử khoảng vài ba mươi công trình đã được xây dựng hoàn chỉnh hoặc gần hoàn chỉnh. Đặc điểm chung của các công trình này là đã có sự bứt phá khỏi ảnh hưởng nệ cổ và vượt qua phương cách vận tạo tính dân tộc rập khuôn, máy móc. Có thể cảm nhận rõ rệt yếu tố truyền thống, bản sắc vùng miền đâu đó đã nhuyễn thành chất xúc tác cho “phản ứng hóa học” tạo nên hình hài mới, độc đáo và sáng tạo mà vẫn đậm đà Việt Nam.
Mảng công trình văn hóa đậm đà tính văn hóa
Đi qua TP HCM, ghé vào thăm Nhà Văn hóa Thiếu nhi của Kts Nguyễn Trường Lưu. Chúng tôi gặp ở đó ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đã làm cho khái niệm tự do bay nhảy của lứa tuổi hiếu động được tiếp biến vào khối, nét công trình một cách khá ảo diệu. Không gian chức năng ở đây thoát khỏi khuôn phép tầng bậc cố hữu gò bó mô phạm vốn là một điều ít hấp dẫn với tuối thơ. Công trình đã thành công từ hình tượng “tổ chim”, chắp cách cho ước mơ non tơ bay cao. Đồng thời tính xanh trong kiến trúc cũng được thể hiện không hề gượng ép. “Thành phố trẻ” đã được điểm xuyến thêm một chấm phá “trẻ, giàu năng lượng”.
Đến Huế, giữa thành quách rêu phong buồn buồn, Nhà hát Sông Hương của KTS Nguyễn Xuân Minh bên dòng Hương Giang làm ta thấy thì ra Huế mộng mơ vẫn luôn sẵn sàng mới mẻ, vẫn tràn dung dị mướt xanh nhân ảnh. Ngôn ngữ kiến trúc lựa chọn ở đây giản đơn tối đa về chi tiết, phổ thông không cầu kỳ về hình khối đã góp phần cho công trình làm vui sáng đẹp lên một khoảng trời TP. Huế đã tăng độ hấp dẫn về mặt kiến trúc không chỉ với di tích ngày xưa hoài mơ nhung gấm phồn hoa, mà bằng những hình hài thực thể tuy tương phản trong đồng thanh tương ứng. Triết lý sáng tác “neo đậu nơi chốn” của người trẻ tuổi giàu tính nhân văn tưởng lạ mà quen lấp lánh ánh sáng.
Bảo tàng thế giới cà phê của nhóm A21 Studio là một dấu ấn giàu cảm xúc mới mà vẫn dày tính bản địa ở vùng tây nguyên xanh còn nhiều hoang sơ về kiến trúc. Được đặt trên đồi cỏ với quy hoạch tự do không có giới hạn ràng buộc. Hình khối bảo tàng gây ngạc nhiên vì ý tưởng không hợp khối mà gồm nhiều ngôi nhà “dài” phân tán trong vũ điệu uốn lượn, liên tưởng đến bản làng quần tụ mà biến động mãnh liệt cùng phát triển với đời sống . Về công năng đã thực sự đổi mới cách tư duy về trưng bày. Không gian trưng bày sống động kết nối tương tác ngay và luôn cùng khách với đồng thời ngũ quan (nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm). Là nơi thẩm thấu giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống thực, không đóng mình vào khái niệm “bảo tàng” thụ động chờ tiếp cận như lối tư duy cũ. Không gian triển lãm mang tính mở. Mở cho hoạt động về thân-tâm-trí với giá trị cốt lõi là tinh thần cà phê, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn.
Công viên đất nung Thanh Hà – Hội An có lẽ là một sáng tạo về gốm trong kiến trúc ấn tượng và quy mô nhất từ trước tới nay ở nước ta. KTS Nguyễn Văn Nguyên đã làm cho bài ca về gốm trở nên lung linh nhờ sáng tạo của mình. Hai tòa nhà “lò úp” và “lò ngửa” được bố cục rất khéo mang tính biểu trưng cao là một phát kiến rất thi vị. Gốm gắn kết với truyền thống khắp mọi nơi chốn, và ở đây nó đã được đóng ấn đậm đà bản sắc dân tộc giao thoa với hiện đại. Thành công của công trình này còn thể hiện ở sức hút hàng trăm người đến thưởng ngoạn từng ngày, giữa một vùng du lịch có rất nhiều sức hấp dẫn của một đô thị đặc trưng giao thương còn giữ được nhiều vẹn nguyên xưa.
Lên Điện Biên gặp Công trình Trung tâm hành lễ – Nhà tưởng niệm nghĩa trang A1 và công trình Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ của KTS Nguyễn Tiến Thuận, một trong số ít người thiết kế bảo tàng thành công ở nước ta, sẽ nhìn thấy được khung cảnh núi rừng Tây Bắc, bản sắc vùng miền đã giao hòa một cách tự nhiên với luồng gió kiến trúc đương đại. Sự thành công của cụm công trình còn ở chỗ làm cho mỗi người đến đó thấy lòng mình chùng xuống vì mất mát lớn lao mà không hề bi lụy và dường như gặp giao cảm âm dương trong hình tượng cô đọng giàu biểu cảm của tác phẩm. Đến bảo tàng, dường như được nhìn thấy người lính Điện Biên năm xưa chiến thắng trở về cùng “hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” từ gợi hình chiếc mũ gắn lưới ngụy trang nhấp nhô giữa núi đồi Tây Bắc hùng vĩ trùng điệp cuồn cuộn no ấm ngày mai. Chưa nói là về giải pháp trưng bày ở đây đã rất hiện đại, khoa học với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nhưng gần gũi với tập quán bản địa, tôn vinh và làm thăng hoa chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cùng với sự tươi mới của “TP đáng sống”, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng của KTS Nguyễn Hữu Nhất tạo nên một điểm “check in” cuốn hút mỗi người yêu thích mỹ thuật. Công trình được xây mới kết hợp cải tạo rất nhuần nhuyễn với nguồn kinh phí hạn chế. Điều ngạc nhiên là chính sự hạn chế đó đã làm cho KTS bật phát ý tưởng trong gian khó để có một tác phẩm thăng hoa. Hình khối bảo tàng khá cô đọng, đầm chắc, giản dị, phẳng lặng mà dường như cuộn sóng.
Bảo tàng gốm Bát Tràng cuộn đỏ bên bờ sông Hồng của KTS Hoàng Thúc Hào lại là một ý tưởng tạo hình độc dị của tác giả. Không phải chỉ từ màu đất sét, màu của vỏ bảo tàng làm cho nó nổi bật; mà ở đây ý niệm tạo hình toàn khối, chắc là xuất phát từ ý tưởng vòng quay cuồn cuộn không mỏi của những khối đất sét vô tri dưới bàn tay phù thủy của người thợ để thành những tác phẩm nghệ thuật đã làm nên hình hài sống động bâng khuâng mãnh liệt của công trình. Người đến với Bát Tràng giờ đây thêm tò mò bởi một địa chỉ khám phá cuốn hút ngoài những lò gốm cổ xưa kỳ bí.
Những ngôi nhà cộng đồng của KTS Hoàng Thúc Hào ở các miền dân tộc thiểu số lại là những bông hoa có vẻ đẹp ý nhị mọc lên từ vạt rừng ấy, thung đồi ấy. Sự thành công về sáng tạo ở đây là chất mỗi dân tộc thiểu số được thấm tan vào hồn cốt công trình thiết kế xây dựng riêng cho họ. Người dân bản địa và đặc biệt là các em thơ tiếp nhận, sống chung với những ngôi nhà ấy như những người bạn đã thân thiết từ lâu. Bản thân công trình đã thực sự hòa nhập khu vực về văn hóa, nhưng vẫn toát lên được nét chấm phá cho hiện đại đi lên, góp phần để miền ngược tiến kịp miền xuôi.
Kiến trúc trường học, bệnh viện đã tạo được dấu ấn sáng tạo rõ rệt
Đây là hai loại công trình có tính đặc thù cao, trong giai đoạn trước đây thường được KTS thiết kế theo định dạng quy về mẫu. Do vậy một chặng đường dài hình ảnh gần như được mặc định, hầu như không còn khái niệm sáng tạo kiến trúc. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là 5 năm vừa qua cách nhận diện và ứng xử chuyển biến rất tích cực, nhờ vậy đã có nhiều trường học – bệnh viện được chính các KTS Việt Nam thiết kế trở thành những chấm phá kiến trúc tươi mới đầy cuốn hút.
Với thể loại công trình trường học:
Viettel Academy Educational Center của Võ Trọng Nghĩa có khi chính là điểm sáng khởi phát rõ rệt nhất đi trước trong giai đoạn này. Công trình được thiết kế theo quan niệm mở hài hòa hữu cơ với tự nhiên, những ranh giới trong – ngoài ở đây không còn rõ rệt nữa. Điều đặc biệt là công năng tổng phổ của công trình đã mang đậm triết lý bóng đá, môn thể thao càng hợp kết đồng đội càng nhiều thành công. Hình khối cô đọng giản lược, tổ hợp khéo léo đã làm cho công trình có dáng vẻ rất hiện đại mà quy củ tầng bậc đúng như yêu cầu thể loại trường học. Mỗi góc nhìn ở công trình này đều rất cuốn hút.
Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị mang đến sức sống mạnh mẽ vươn tới trong một vùng đất gió Lào cát trắng khắc nghiệt. KTS Nguyễn Xuân Minh đã tạo được một môi cảnh xanh mát tươi vui cuốn hút em thơ đến trường, tại ngôi trường đó mọi cảm xúc và ước mơ được chắp cánh bay cao không bị ràng buộc. Tính mới mẻ giàu sáng tạo trong tạo hình kiến trúc vượt hẳn ra ngoài khuôn phép cũ của ngôi trường làm cho ranh giới hạn chế phát triển vùng miền dường như biến mất.
Trường mầm non TTC ELTE Bến Tre, tác giả Huỳnh Đàn Quốc Vũ, thực sự là “một bông hoa không nhỏ” nơi xứ dừa. Vùng sông nước lụa mềm được hóa thành ngôn ngữ sáng tạo làm cho công trình có vẻ hồn nhiên trong trẻo giữa miền đất đồng khởi mênh mang. Điều dễ nhận thấy là khi được tu dưỡng và cả hoạt náo trong đó, những bé thơ và cả cô thầy giáo sẽ cảm thấy tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. “Dáng đứng Bến tre” thêm mềm mại lụa là.
“Hoa rừng” trường học vùng cao, một tác phẩm được hình thành từ nguồn kinh phí hạn hẹp! Nhưng thật sự đã đánh thức sự tươi mới trẻ trung tràn đầy lãng mạn kiến trúc cho núi rừng chưa nhiều khởi sắc, các công trình khác của Hoàng Thúc Hào: Sentia School, Trường mầm non Hòa bình…; cùng với Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố của Đồng Viết Thái; và xa hơn là trường trung học Amstecdam của nhóm A+G… những sáng tạo đầy chan chứa với tư duy vượt lên khuôn mẫu truyền thống, đã thực sự làm sáng lên khát vọng tương lai gợi mở cho những TP tưởng mình đã rất hoàn hảo hiện đại và đặc biệt là cho những vùng đất chờ mong đổi mới, góp thành điểm nhấn hội nhập niềm tin vững chắc cho nền kiến trúc nước nhà ngẩng cao đầu đi tới tương lai, chảy cùng dòng tốc với mọi “dòng sông nghề” của địa cầu.
Với thể loại công trình bệnh viện:
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ của KTS Phạm Thanh Truyền với cấu trúc không gian tổng thể mạch lạc, tổ chức công năng đã liên kết được các khối chức năng một cách cô đọng gọn gàng. Bố trí dây chuyền có tính dẫn hướng mạch lạc khoa học. Hình khối kiến trúc giản đơn hiện đại với đường nét mảng miếng chắt lọc đã tạo nên một sự mới mẻ cuốn hút. Hệ thống sân vườn, tiểu cảnh cũng được thiết kế tỷ mỉ với ý đồ rõ ràng vì người bệnh. Nếu kể cả đến yếu tố nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp thì bệnh viện này thực sự đã là một điểm nhấn góp phần dẫn hướng tốt cho kiến trúc khu vực vươn tới. Phạm Thanh Truyền còn thiết kế một công trình bệnh viện đặc sắc nữa, đó là Bệnh viện đa khoa Lâm đồng 2. Thiết kế lấy cảm hứng từ hình tượng phối hợp bộ đàn đá và cây đàn Đinh – Năm truyền thống. Hơi thở núi rừng tràn vào từng hình khối không gian và các khu vườn xen giữa các khoa chức năng tiện nghi thích dụng. Đến nay, khi công trình hoàn thành sau 11 năm xây dựng, tuy không được như ý tác giả, nhưng cũng là một điểm nhấn tốt cho miền bán sơn địa.
Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cũng là một công trình tạo được dấu ấn hiện đại khúc triết về hình khối mà vẫn tươi trẻ. Từ tổng thể đến chi tiết công trình này đã được tác giả nghiên cứu thống nhất cao với tính hệ thống chặt chẽ. Yếu tố tạo lập dây chuyền công năng sử dụng đúng cho đối tượng trẻ em với các buồng bệnh linh hoạt, các không gian nô dỡn vui đùa đan xen là một thành công rõ rệt. Tổng quan bệnh viện thiên về hướng tạo lập như là công viên vui chơi với các mảng cây xanh thảm cỏ, tiểu cảnh, sân chơi hài hòa góp phần cho sự thành công về thiết kế càng rõ.
Các bệnh viện do KTS Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) thiết kế đã tạo thành một chuỗi công trình khám chữa bệnh theo kịp sự tiến bộ khu vực và thế giới về công năng. Cùng với đó, ấn tượng nhìn thấy đầy đặn là các thiết kế này đã tạo lập mô thức kiến trúc vượt ra ngoài logic cũ, rất sống động và hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc vùng miền, đóng góp tốt cho bộ mặt kiến trúc các vùng đô thị và nông thôn như những điểm nhấn mới mẻ, tươi sáng, tin cậy, bền vững. Có thể nói các thiết kế xây dựng khắp toàn quốc này đã mang tính định hướng rất tốt cho các thiết kế xây dựng bệnh viện mới ở Việt Nam. Mảng bệnh viện “công” điển hình là bệnh viện trung ương: Việt Đức, Hữu Nghị, Thái Nguyên, Quảng Nam; đa khoa: Vĩnh Phúc, Bắc Cạn, Ninh Bình, Bạc Liêu, Thanh Nhàn, Xây dựng; chuyên khoa: Phụ sản trung ương, sản nhi Hưng Yên, phục hồi chức năng trung ương, Đại học y dược Cần thơ… Mảng bệnh viện “tư” với: Đa khoa quốc tế nghỉ dưỡng phương đông, Đa khoa Khánh Hưng, đa khoa Phúc thịnh, Bình dân, Việt Đức – Việt trì… Đặc biệt, VNCC đã xâm nhập thiết kế được chuỗi các bệnh viện Vinmec, với ngôn ngữ nhận diện riêng rất tươi mát, tin cậy và hiện đại tại nhiều đô thị lớn, xây dựng trong thời gian kỷ lục, với chất lượng khảm chữa bệnh đẳng cấp quốc tế tạo nên những hình ảnh rất sống động, ấn tượng trong phát triển hình thái kiến trúc một loại hình trước đây rất mờ nhạt.
Khi có sự bùng phát của một loại dịch lây nhiễm cấp A làm ngao ngán cả nhân loại Covid-19, mô hình bệnh viện điều trị chuyên sâu các bệnh truyền nhiễm “Bệnh viện nhiệt đới trung ương” dù được các KTS Quốc phòng thiết kế theo mô hình dự báo vào 5 năm trước đây và hiện mới xây dựng được 50% đã tỏ ra đáp ứng rất tốt về công năng đặc thù, được giới y học đánh giá cao. Hình khối kiến trúc của bệnh viện đã khá thành công về khai thác ngôn ngữ cô đọng, tối giản, gắn kết với công năng, mà vẫn tạo hình có chất mới và sáng tạo. Một số bệnh viện khác, tuy được thiết kế xây dựng theo công nghệ hiện đại phổ cập khu vực nhưng do đặc thù đã kết hợp khá tốt yếu tố “dã chiến” cũng đã được lực lượng KTS quân đội triển khai mang được dấu ấn ở giai đoạn này.
Cũng cần nói thêm một ý về dấu ấn sáng tác là: Với chương trình thiết thực kịp thời hành động cùng toàn dân tộc “chống dịch như chống giặc”, theo phương châm “Sáng tạo – Sẻ chia – Vì cộng đồng”, Hội KTS Việt Nam đầu năm 2020 đã tổ chức Cuộc thi “Thiết kế ý tưởng bệnh viện dã chiến”. Cuộc thi này đã thu hút được đông đảo giới nghề toàn quốc tham gia. Với 76 phương án gửi đến, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra được đến 8 ý tưởng xuất sắc mang tính hiện thực cao để làm cơ sở tư vấn cho chính quyền các cấp khi cần triển khai thiết kế xây dựng.
Về một loại hình phổ biến khắp vùng miền đất nước trong thời gian gần đây: Khách sạn – Nghĩ dưỡng
Naman Retreat Pure Spa Đà Nẵng và Oceanami của Kts Nguyễn Hoàng Mạnh là một sự vượt lên tiên phong theo dòng “xanh” cho thể loại này. Với công trình thứ nhất, bên bờ biển chói chang nắng rát, ta được gặp một ốc đảo xanh mát đầy lãng mạn du ca. Sự giải quyết đồng nhất và kỹ lưỡng từ ngoài vào trong yếu tố xanh kết hợp chặt với công năng sử dụng đã tạo lập được một tiện nghi hoàn hảo, níu chân mọi du khách khó tính. Không gian nghỉ dưỡng quen thuộc sang chảnh nhàm chán nhường chỗ cho sự cuốn hút khám phá không ngừng đầy bất ngờ. Với công trình thứ hai, triết lý resort đặc sắc riêng Việt Nam vẫn được tiếp tục phát triển. Nhưng ở đây sự mềm mại của sóng biển như đã được Kts tích hợp vào ý niệm xuất phát để rồi chuyển tải nhuần nhuyễn nuột nà làm nên hình hài công trình. Tiếng sóng biển đã lan tỏa từ khơi xa vào nỗi lòng khách thể, tuổi tác mỗi người đến cảm nhận bị xóa nhòa ranh giới.
Community House của Trần Thế Anh, Castways Island Resort của nhóm tác giả VTN Architect, Khu nghỉ dưỡng Amiana Hồng Hà và một số nhà nghỉ dưỡng đơn lẻ khắp vùng miền của Trần Ngọc Linh… cũng là những dấu ấn mới trong sáng tác của KTS trong thể loại này. Hình ảnh các khu nghỉ dưỡng “bao cấp” ngang bằng sổ thẳng, không bản sắc hoặc nhại cổ đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự biến tấu trong trẻo không giới hạn của KTS đã làm cho các khu nghỉ dưỡng trở nên cuốn hút về mặt kiến trúc. Mỗi công trình đều tạo được dấu ấn riêng, rất nhiệt đới, rất Việt Nam, cởi mở đón chào bằng bản sắc tự tin của dân tộc giàu văn hóa với vẻ đẹp luôn tiềm ẩn chờ khám phá.
Kiến trúc trụ sở và công trình đặc biệt khác đã định hình thêm rõ nét trong thời gian qua
Phi Long Technology Building của công ty CIAR là một công trình thương mại phức hợp đa chức năng 16 tầng. Sáng tạo kiến trúc công trình đã phá vỡ khuôn mẫu cao tầng hộp kính kín không thân thiện môi trường đang hiện hữu phổ cập khắp các đô thị trên thế giới, Việt Nam cũng đã nhiều và còn căng đầy nguy cơ tiếp diễn. Ấn tượng “nhượng bộ hào hiệp” cho không gian khu vực với sự biết điều về tạo ghép “tế bào” để đô thị phát triển thân thiện là thành công đáng nói về làm nghề của người sáng tác. Tác phẩm góp một lời kêu gọi xác lý cho ý tưởng tạo hình kiến trúc trong môi trường nhiệt đới, đặc biệt là nhiệt đới nóng ẩm gió mùa.
Nhóm KTS 1+1>2 đã mang đến dẫn dụ tương đối mới trong thiết kế công trình Trung tâm chính trị quận Hồng Bàng – Hải Phòng. Cảm giác uy nghi đường bệ khô khan xa cách ở đây đã được giảm thiểu. Tổng quan công trình đã tạo được sự thân thiện, gần gụi, sẵn sàng đối với mọi người dân. Không gian công năng được tổ chức linh hoạt thoáng đãng, nhưng vẫn có chính phụ rõ ràng và độ trang trọng cần thiết đã làm cho công trình hài lòng cao cho mọi đối tượng vận hành sử dụng.
Không gian thân thiện BE 2016 Quảng Ninh của KTS Đoàn Thanh Hà được tạo lập trong dòng dự án”không gian thân thiện trong chuỗi đô thị ngột ngạt” chỉ dựa trên 2 loại vật liệu dân gian chính là tre và đất tạo nên tạo nên một hướng đi trắc ẩn từ dân giã. Khi đến với dạng công trình phục vụ cộng đồng mở, chú trọng vào khía cạnh văn hóa và nghệ thuật này sẽ bắt gặp một sự ngạc nhiên vì sự biến hóa sang mà không chảnh của những vật liệu lam lũ. Chính vì lẽ đó, công trình mang đậm bản sắc truyền thống của Việt Nam trong nhịp thở thời đại. bản thân cách làm đó đã hàn kết lại mối quan hệ nhiều sóng gió giữa con người với thiên nhiên trong thời đại ngày nay.
Hồ Gươm và vùng phụ cận là một không gian khởi nguồn Thăng Long – Hà Nội, đầy chất linh thiêng và đậm đặc yếu tố văn hóa. Các KTS Việt Nam dù rất trăn trở khát khao, nhưng đã nhiều lần lỡ duyên đóng góp sáng tạo cho khu vực này. Tháng 7/2020, với tâm huyết bền bỉ của mình, trong Cuộc thi Thiết kế công trình Cột mốc KM0 – Hồ Hoàn Kiếm, các KTS còn rất trẻ đã dành trọn vẹn 5 giải từ Nhất cho đến Khuyến khích. Hà Nội hi vọng có thêm một dấu ấn sáng tạo từ ý tưởng trở thành hiện thực của KTS Việt Nam, vừa được phôi thai trong kỳ đại hội này.
Điểm nhấn rạng rỡ của Kiến trúc thời kỳ này còn thể hiện bâng khuâng mãnh liệt và đầy đặn ở sự thừa nhận đánh giá cao bằng các giải thưởng đầy vinh dự của các KTS Việt Nam trong môi trường quốc tế. 5 năm qua là một thời kỳ nở rộ vượt bậc của KTS Việt Nam. Xin được đề cập chi tiết nội dung này trong một bài viết khác do khối tích thành quả quá lớn, vô cùng đáng tự hào và trân trọng.
Thay Lời kết
Dĩ nhiên, với sự bùng nổ chưa tới hồi kết của dòng kiến trúc nhại cổ, dòng kiến trúc thương nghiệp, dòng kiến trúc bắt chước hiện đại vô thức… sáng tác của KTS Việt Nam cũng còn những mảng nhạt nhòa, thậm chí ngăn cản hoặc ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển đậm đà bản sắc đích thực và bền vững hiện đại của kiến trúc đất nước. Nhất là khi một bộ phận đáng kể những người chủ vẫn lấy dòng “Pháp xưa” làm tiêu chí đặt hàng thì sự “hào sảng” của các dòng kiến trúc trên vẫn còn phát triển không kém màu mỡ. Rồi đã có những vùng đô thị mới không nhỏ rập khuôn buồn tẻ đơn điệu với những loại kiến trúc này để lại nỗi buồn mênh mang cho những người làm nghề. Hi vọng là có dòng chảy mới mẻ sôi động giàu bản sắc, có sự hội nhập toàn diện đất nước với thế giới, sự ra đời và vận hành của luật kiến trúc sẽ dần khép bớt những trào lưu đi ngược sự tiến bộ phôi pha. Ở những đô thị, những vùng nông thôn, di sản kiến trúc chuẩn mực song hành với kiến trúc mới tiếp biến truyền thống vào hiện đại với những dòng kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc vị nhân sinh… nở rộ tạo nên ngàn bông hoa đa màu sắc tươi đẹp trong vườn đất nước ánh sáng bừng chiếu.
Để nói hết những điểm nhấn sáng tác của KTS Việt Nam ngay với mảng công trình công cộng là một điều hầu như không thể, dù có thời gian để đi đến mỗi ngõ ngách từ TP đến làng quê. Bài viết chỉ mong điểm xuyến vài số ít ỏi để nói lên một điều: Việt Nam luôn là mảnh đất giàu sáng tạo và không ngừng sáng tạo của những con người khát khao sáng tạo trên tinh thần dựng xây. Với KTS điều đó lại càng thể hiện rõ rệt, vì sáng tạo của họ góp phần mang lại hạnh phúc hiện hữu cao hay thấp cho con người.
Phan Đăng Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)