Dấu ấn của kiến trúc thuộc địa trong bản sắc đô thị huế

So với các đô thị lớn, kiến trúc thuộc địa tại Huế ít về số lượng, nhỏ về quy mô, và kém cầu kì trong trang trí, vậy nên quan điểm bảo tồn quỹ kiến trúc thuộc địa tại Huế là phải bảo tồn cấu trúc tổng thể chứ không thể bảo tồn từng công trình riêng lẻ [1], bởi vì vai trò đặc biệt của kiến trúc thuộc địa trong việc tạo lập bản sắc của đô thị Huế từ quá khứ đến hôm nay.

Sông Hương là trục cảnh quan đô thị

Tạo ra thành phố cảnh quan độc đáo

Khu đô thị thuộc địa tại Huế nằm ở bờ Nam sông Hương, bảo toàn trọn vẹn cấu trúc Kinh thành và làng truyền thống ở bờ Bắc, sông Hương cùng với công viên 2 bên bờ rộng hơn 500 mét trở thành trục cảnh quan rộng lớn nằm chính giữa lòng đô thị vô cùng độc đáo. Cách thức thiết lập địa điểm này của người Pháp không giống bất kì thành phố đương thời nào tại Việt Nam, giải pháp quy hoạch của người Pháp giúp Huế trở thành đô thị hai bên sông duy nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ.

Bảo tàng Văn hóa Huế
Trường Quốc Học

Cùng với trục cảnh quan sông Hương, công viên là yếu tố quan trọng trong việc tạo nên cảnh sắc đô thị bờ Nam sông Hương. Ngoài công viên lớn chạy dọc theo bờ sông từ Học viện Âm nhạc đến cầu Trường Tiền, người Pháp cũng tổ chức thêm các công viên phân bố đều ra các khu vực khác nhau của thành phố. Các công viên này thực chất là khoảng đất trống giao giữa các đường thẳng và đường chéo trong mạng lưới đường phố hình tia xạ [2], tạo nên những sự chuyển tiếp không gian rất tự nhiên và khoa học.

Đô thị bờ Nam sông Hương năm 1930

Đặc trưng lối sống nhà vườn của cư dân bản địa cũng được các nhà quy hoạch người Pháp áp dụng vào đô thị bờ Nam. Các công trình kiến trúc thuộc địa có bố cục phân tán, mật độ xây dựng thấp, cạnh ngắn công trình quay ra đường chính, thiết kế giật cấp thấp dần về phía bờ sông, các công trình nằm lùi sâu trong khu đất, phía ngoài được che bởi những hàng cổ thụ lớn, tạo cho đô thị cảnh quan của một thành phố vườn êm đềm.

Kiến trúc Cung đình nhà Nguyễn trong giai đoạn Vua Khải Định phát triển rực rỡ mang nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc Pháp

Vua Khải Định lên ngôi trong bối cảnh xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của thực dân Pháp, nhà vua là một người có tư tưởng “Tân thời”, yêu thích nghệ thuật nên các công trình kiến trúc Cung đình giai đoạn này có nhiều sự chuyển hóa, mang nhiều yếu tố nghệ thuật kiến trúc Pháp. Có thể kể đến một số công trình như: Cung An Định, Lầu Kiến Trung, Lăng Khải Định, Thái Bình Lâu, Cửa Hiển Nhơn, Cửa Chương Đức, Cửa Trường An,…

Lăng Khải Định
Cửa Chương Đức

Các thành tựu tiên tiến của vật liệu và kỹ thuật xây dựng được áp dụng trong thời kì này, giúp các công trình có khối tích và bước cột lớn hơn. Giải pháp thích nghi với khí hậu bản địa đã thay đổi từ hệ mái hiên vươn xa sang tổ chức không gian hàng lang bên có cửa sổ. Cửa sổ cửa đi đều dùng trong kính ngoài chớp, xây theo dạng vòm cuốn hoặc bán cung. Tường xây dày hơn để tránh các tác động về nhiệt vào không gian bên trong.
Trang trí là một đặc điểm nổi bật của kiến trúc Cung đình giai đoạn này. Các phong cách kiến trúc Roman, Baroque Cổ điển hay Tân Cổ điển được chuyển hóa vào kiến trúc Cung đình tạo thành các công trình vô cùng đặc sắc tráng lệ. Từ việc chủ yếu trang trí trên các khung cột, hệ vì kèo, bẩy và mái, giờ đây các kiến trúc Cung đình đã trang trí trên khắp các mảng tường bằng các đề tài truyền thống xen lẫn đề nước Pháp dưới nhiều hình thức, chi tiết khác nhau như: Hổ phù, ô hộc trang trí, các chi tiết có dạng phù điêu áp tường, gờ chỉ…

Các đề tài trang trí có sự giao thoa Đông Tây tinh tế, các đề tài truyền thống Việt như các hình ảnh rồng, phượng, lân, hổ, thiên hồ (bầu rượu), hoa lá, cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán, xen lẫn là các mô-típ trang trí theo văn hóa Tây phương như chùm nho, bình hoa, thiên thần có cánh, trụ tròn, trụ vuông, …

Lăng Khải Định và cung An Định là công trình mang dấu ấn Pháp rõ nét nhất. Toàn bộ mặt trước công trình được trang trí công phu tỉ mỉ theo các mô típ kiến trúc Roman Cận đại. Màu sắc tinh tế, kỹ thuật trang trí cấu trúc đường nét và hoa văn và thủ pháp bố cục chặt chẽ, các chi tiết khảm sành sứ rất cầu kì tinh xảo. Trong đó, công trình Lăng Khải Định được đánh giá là đã đạt đến đỉnh cao của trang trí phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh màu – “Gốm sứ trang trí kiến trúc là một bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng của một kiến trúc…Sử dụng chất liệu gốm sứ trong kiến trúc có thể làm giảm bớt những khuyết tật.”[4].

Sự kết hợp giữa các mô týp trang trí Đông Tây, giao thoa phong cách kiến trúc Việt Pháp, đã tạo ra bản sắc kiến trúc Cung đình Huế khác biệt các thời kì phong kiến trước đó, làm xuất hiện phong cách kiến trúc Đông Dương kiểu Huế đặc biệt trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.

Gạch nối từ đô thị trung đại sang đô thị hiện đại

Đô thị Huế có sự chuyển tiếp nhẹ nhàng về mặt kiến trúc quy hoạch từ một đô thị thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 bằng một Khu phố Pháp được sắp xếp khoa học, kiến trúc hòa nhập với cảnh quan chung. Huế từ một đô thị đóng chuyển sang đô thị mở.
Kinh thành ở bờ Bắc sông Hương có quy hoạch quy củ, đối xứng theo trục, các công trình phát triển theo chiều ngang. Ở gần bờ Nam sông Hương, chạy dọc theo đường Lê Lợi, các công trình thuộc địa có khối tích nhỏ, chiều cao và mật độ xây dựng thấp. Trong khi đó các công trình thời hiện đại về sau có quy mô lớn hơn, phát triển theo chiều cao, vị trí được đẩy ra xa, lan tỏa về phía Nam theo các tuyến đường chính được hình thành thời Pháp thuộc, tạo thành trung tâm mới của đô thị ngày nay. Mặt cắt ngang của thành phố cho thấy phân lớp không gian dạng parabol, càng xa bờ sông Hương càng cao dần. Phương trình giải tích không gian này giúp bảo lưu được tầm nhìn từ mọi vị trí và góc độ hướng về phía sông Hương.

Dựa trên sự phân bố không gian, đô thị Huế đã thể hiện các lớp thời gian một cách rõ nét. Kinh thành bờ Bắc được xây dựng trong thời kì trung đại vẫn được bảo toàn trọn vẹn cấu trúc thành 3 lớp, trung tâm bờ Nam biểu hiện cho sức sống của thời hiện đại, và gạch nối là khu phố Pháp của thời kì cận đại. Gạch nối này thể hiện một đô thị phát triển có tuần tự, không có sự đứt gãy đột ngột về không gian và thời gian. Vì thế mọi sự can thiệp vào Khu phố Pháp đều phải được cân nhắc cẩn trọng về chiều cao, tổng mặt bằng, chất liệu bề mặt để đảm bảo sự liên tục hình ảnh đô thị.

Toàn cảnh Đô thị TP Huế nhìn từ trên cao

Kết luận

Kiến trúc thuộc địa tại thành phố Huế hiện còn khoảng gần 70 công trình, một số đang bị đe dọa bởi những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện hạn chế về chính sách quản lý bảo tồn, sự eo hẹp về tài chính, thiếu kỹ thuật và đặc biệt chưa thể huy động được những nguồn lực từ phía cộng đồng, rất khó để bảo tồn từng công trình riêng lẻ. Dấu ấn của quỹ kiến trúc thuộc địa trong việc tạo lập bản sắc đô thị là rất rõ ràng và có nhiều giá trị trong việc phát triển đô thị về cả văn hóa và kinh tế. Thế nên việc đánh giá sự hòa nhập của các công trình kiến trúc thuộc địa vào bối cảnh hôm nay là hết sức quan trọng, từ đó có thể phân cấp được công trình nào cần được bảo tồn ở cấp độ nào, thậm chí không thể không tính đến việc xóa sổ những công trình nào không còn giá trị. Vậy mới đảm bảo được sự hài hòa trong phát triển bền vững, hướng đến một đô thị tôn trọng quá khứ, sống nhân văn và một đô thị phát triển.

*ThS.KTS. Dư Tôn Hoàng Long
Đại học Đông Á – Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Đạo Kính (2011). Huế – Đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối. Tạp chí Quy hoạch Đô thị, 05, 16.
2. Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (2018). Công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế,
<https://www.thuathienhue.gov.vn/vi-vn/Tin-tuc-su-kien/tid/Cong-bo-27-cong-trinh-kien-truc-Phap-tieu-bieu-tren-dia-ban-thanh-pho-Hue/newsid/7EAE85E3-6745-44BE-8747-A8F000F53B6E/cid/2BEA0540-FCA4-4F81-99F2-6E8848DC5F2F>, xem ngày 30/5/2018.
3. Doãn Minh Khôi (2003). Hình thái học và sự chuyển hoá các yếu tố cấu thành trong sự cân bằng tĩnh của đô thị Huế. Kỷ yếu Hội nghị chuyên gia “Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế”. Huế. Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Ủy ban Nhân dân TP Huế, Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, ngày 28/4/2003, 60-63
4. Đặng Hữu Tuyền (1977). Ghi chép về gốm sứ trang trí kiến trúc kinh thành Huế. Tạp chí Khảo cổ học, 4, 42-45