Diễn đàn KTS: Di sản kiến trúc và đời sống xã hội

LTS: Bảo tồn di sản nhiều năm qua vẫn là chủ đề được giới nghề và dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế, các công trình di sản chưa thực sự phát huy giá trị trong sự phát triển xã hội nói chung và của nền kiến trúc Việt Nam nói riêng. Diễn đàn KTS trên TCKT số này trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến của các KTS, các nhà quản lý và một số ngành liên quan xung quanh chủ đề: Di sản kiến trúc và đời sống xã hội

Bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc- Những tồn tại và giải pháp

GS. TS Trương Quốc Bình
Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia

Di sản kiến trúc là bộ phận hữu cơ trong di sản văn hóa nhưng có vai trò hết sức quan trọng, được hình thành ngay trong quá trình phát triển của loài người, từ khi thoát thai từ thời kỳ hang động đến lúc ra ngoài – Đó là những hình thức sơ khai của kiến trúc, đầu tiên là công năng, sau đó mới phát sinh yếu tố thẩm mỹ. Hai chức năng đấy song song tồn tại từ lúc bình minh của lịch sử cho đến những giai đoạn sau này. Phải nhìn lại như thế để thấy rằng vị trí của di sản kiến trúc là hết sức quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa chung của nhân loại.
Ở Việt Nam, cũng theo tiến trình phát triển chung, trải qua các giai đoạn hình thành và phát triển, di sản kiến trúc là một trong 4 loại di tích được phân loại: Di tích lịch sử, di tích nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh.

Bảo vệ và phát triển giá trị di sản văn hóa nói chung, trong đó có kiến trúc, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, bất cập. Có thể thấy những hiện tượng nổi bật như:

  • Nhận thức chung về di sản ở các cấp, ngành còn hạn chế. Quan niệm bảo tồn và phát triển chưa được nhận thức đầy đủ, đa phần là muốn phá để xây mới, hoặc sửa theo kiểu mới, (ví dụ như đình Lương Xá, bỏ hết cái cũ để xây bằng vật liệu mới), nhiều nơi do quy hoạch, loại bỏ những công trình kiến trúc có giá trị. Một xu hướng nữa là sử dụng công trình di sản vì mục đích thương mại, thậm chí bỏ qua mục tiêu phát triển và bảo tồn văn hóa…
  • Trong những năm qua, bản thân các cơ quan bảo tồn di tích cũng có những nhận thức sai lệch trong việc quá trình thực hiện tu sửa, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Có thể lấy ví dụ như tình trạng báo chí vẫn đưa: Biến công trình nghìn năm tuổi thành 1 tuổi…; hoặc nhiều việc làm với mục đích tốt nhưng phương pháp không đúng, thành ra lại phá di tích, điển hình như việc chụp nhà kính lên tháp Phú Diên ở Thừa Thiên, Huế; hoặc việc chống đỡ và lợp mái tôn lên các tháp gạch ở Mỹ Sơn, An Giang, Tiền Giang ….
  • Tình trạng quản lý các cơ quan làm công tác tu bổ di tích rất lộn xộn, không thống nhất, nhiều công ty không có chức năng này cũng nhận công trình bảo tồn, cứ việc mua gỗ mới về thay cho các cấu kiện cũ, bỏ hết những chi tiết chạm khắc giá trị, phá vỡ di tích…Việc quản lý có nhiều bất cập, thậm chí mang định mức xây dựng áp cho công trình tu bổ di tích, điều này không đúng, cần phải rà soát lại từ khâu xây dựng chính sách, chế tài cho việc này;

Trong lĩnh vực bảo tàng, công tác xây dựng bảo tàng theo hình thức chìa khóa trao tay rất không hợp lý, không tính hết công năng sử dụng cho công tác bảo tồn bảo tàng.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn, tu bổ di tích, ở đây xin được đề xuất một vài giải pháp cơ bản:

  • Từ góc độ quản lý, cần thay đổi nhận thức, nội dung quản lý ở tầm vĩ mô, với các cấp các ngành. Phải có sự đồng bộ hữu hiệu giữa chính sách quản lý và hệ thống pháp luật, tăng cường trách nhiệm và nhận thức của những người làm công tác quản lý bảo tồn, bảo tàng’
  • Cần xác định vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuyên truyền, phổ cập kiến thức về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cho cộng đồng, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Tuy nhiên, cần tôn trọng những nỗ lực của cộng đồng nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản của công tác bảo tồn, tu bổ di tích
  •  Vai trò của các KTS thực sự là rất quan trọng. Họ là những người am tường về khoa học kiến trúc, là người trực tiếp thực hiện công tác tu bổ di tích. Tuy nhiên, họ vẫn cần “bảo tàng” hóa những nguyên tắc bảo tồn di tích. Cần học hỏi thêm kinh nghiệm nước ngoài, bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về văn hóa và di sản cho giới KTS. Những năm vừa qua, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức những khóa học dành cho những người làm công tác bảo tồn, tu bổ. Điều này rất cần được quan tâm và phát huy hơn nữa. Điều quan trọng hơn cả là: KTS cần có bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp, học hỏi và nghiên cứu, đồng thời phê phán những KTS thương mại hóa công tác bảo tồn.
  •  Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, cần có sự hiện diện của các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực kiến trúc, để tư vấn thêm cho chính phủ (nhiệm kỳ 3 thiếu vắng Hội KTS, các nhiệm kỳ sau cần có sự tham gia của Hội KTS Việt Nam).

Một vài chia sẻ với giới KTS, hy vọng rằng với sự tham gia của các bên, từ quản lý, đến người làm công tác tu bổ di tích, đến cộng đồng dân cư, những di sản sẽ được trân trọng, di sản kiến trúc sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị đúng cách, tạo ra sức sống và giá trị mới của di sản trong cuộc sống đương đại.


Mối quan hệ gữa Lý luận phê bình và Công tác bảo tồn di sản

PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường

Công tác bảo tồn di sản ở nước ta đang đứng trước một thách thức rất lớn: Đó là thiếu một hệ thống lý luận để làm định hướng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cả trên khía cạnh công tác quy hoạch, bảo tồn, tu bổ di tích và trên khía cạnh đổi mới công tác Quản lý di sản.

Việc thực thi công tác bảo tồn di sản trong bối cảnh các loại hình di sản đa dạng, trong đó các di sản ở đô thị, nông thôn phần lớn nằm trong các khu vực dân cư đô thị, làng xã đang có những biến đổi mạnh của quá trình đô thị hóa, của biến đổi kinh tế xã hội đa dạng. Đòi hỏi phải có các cách thức bảo tồn, phát huy giá trị rất khác nhau.

Bảo tồn “thích ứng” hoặc chuyển tiếp các giá trị di sản trong bối cảnh phát triển mới của các di tích đang “sống”, đang phải biến đổi cùng với các không gian sống khác của đô thị, nông thôn là một đòi hỏi khách quan và cần có các lý luận dẫn hướng. Việc chỉ dựa trên các Công ước quốc tế về di sản, các luật và quy định hiện hành của Việt Nam là không đủ độ chi tiết, sát sao để có thể triển khai, quản lý thực hiện có hiệu quả.

Thực tế giai đoạn vừa qua cũng cho thấy, khi có vấn đề xảy ra, trước những dư luận xã hội bức xúc, chúng ta mới họp nhau để “bàn luận”, rất dễ nhìn nhận thiếu thấu đáo, phiến diện dưới các tác động xã hội, chưa có những lý luận được hình thành từ các nghiên cứu một cách khoa học đi trước.

Nhận diện các vấn đề đã và sẽ nảy sinh, định hướng các quan điểm, giải pháp để thúc đẩy công tác bảo tồn di sản là một trách nhiệm rất cấp thiết của công tác Lý luận phê bình hiện nay.


Học gì từ kiến trúc truyền thống

Nguyễn Thượng Hỷ
Nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam

Không có gì phải bàn, phải quan tâm khi ai đó phát biểu rất đơn giản là: Tôi không biết gì ngày hôm qua, chỉ biết có hôm nay. Vâng, tôi đã từng nghe vài bạn KTS trẻ phát biểu như thế. Tôi không ngạc nhiên mà tự trách mình (người đang nghiên cứu về kiến trúc truyền thống) cũng như các phương tiện truyền thông cả tài liệu học tập chuyên ngành học đã chưa thuyết phục bạn ấy.

Việc phủ định cái cũ sẽ dẫn đến một hê lụy là: “Phá cũ xây mới”. Như vậy, một ngành học và một nghề như bảo tồn kiến trúc chắc không cần thiết. Một giai đoạn lịch sử về văn hóa mà văn hóa của kiến trúc đã biến mất. Cụ thể dẫn chứng như khi nghiên cứu các niên đại cùng với phong cách nghệ thuật xây dựng các tháp gạch của người Chăm cổ các học giả không thể chỉ dựa trên văn bia. Các minh văn cho người sau biết về niên đại xây dựng… vì đa số các bản, bia ghi chép bị hư hỏng đến thất lạc. Và việc ghi chép nầy cũng không cung cấp đủ thông tin cho việc nghiên cứu các kiến trúc. Dẫn đến nhà nghệ thuật học người Pháp Philipe Stern bắt buộc phải nghiên cứu cụ thể các kiểu dáng trụ áp, các cột sa thạch, các hoa văn chạm trên gạch,đá thuộc thành phần kiến trúc đền tháp nhằm xác định lại niên đại và phong cách nghệ thuật.

Việc nghiên cứu các kiến trúc truyền thống đã cho ta hiểu những vấn đề cơ bản của nếp ở của người xưa với mong muốn sự an cư trong địa hình và miền khí hậu gồm những nét chính bao gồm yếu tố vật thể và phi vật thể:

  •  Sử dụng vật liệu;
  • Kiểu thức kết cấu;
  • Chọn hướng nhà;
  • Không gian sinh hoạt

Vậy hiểu cơ bản kiến trúc truyền thống (xin nhấn mạnh là cái phổ biến kiến trúc của quãng thời gian tồn tại như là thời thượng của những năm ấy gọi là phong cách, trường phái… xây dựng) là cần thiết cho việc thiết kế các kiến trúc hôm nay. Như đã nói trên, việc chọn cho thích hợp các kiểu kiến trúc của từng vùng miền là một “tri thức bản địa” mà chí ít con người hôm nay, là người làm kiến trúc đương đại có thể tham khảo và học tập, cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật, quan trọng nhất là cái bản sắc không bị mất đi. Cũng nên có sự rộng mở để tiếp thu. Nhưng thực tế hơi buồn vì sự bắt chước không khôn ngoan nên chúng ta đã có nhưng thành phố với những mái nhà chóp, trang trí củ hành củ tỏi… nhiều gờ chỉ, đắp phao lồi lõm tốn kém, làm ngôi nhà diêm dúa lai căng. Rất tốn kém công thợ nhưng công năng tồi: Nắng nóng, mưa ẩm..

Điều quan trọng để khắc phục những điều cơ bản của người thiết kế, KTS làm nghề là cần có những ngành học chuyên môn về lý luận và phê bình kiến trúc tạm gọi là môn “lịch sử kiến trúc”. Sự cần thiết của sự kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống giúp người nước ngoài, khách thăm chúng ta cảm nhận được đây là TP của Việt Nam.


Giá trị của di sản văn hóa đối với kiến trúc hiện đại

KTS Nguyễn Khiêm – TP HCM

Năm 2004, khi tôi khoảng 20 tuổi, lần đầu xuất ngoại tham gia khóa học giao lưu văn hóa ở trường Liverpool John Moores, một trong những thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ điển và hiện đại ở Anh chỉ sau Luân Đôn. Khi đó Liverpool vừa được Liên minh Châu Âu bầu chọn làm Thủ đô Văn hóa Châu Âu để tổ chức các sự kiện văn hóa đa dạng trong năm 2008. Khi đó, với niềm đam mê kiến trúc tôi đã hỏi thầy giáo người Anh làm sao hiểu được những công trình kiến trúc cổ và hiện đại ngoài phố kia nó có giá trị như thế nào? Thầy tôi trả lời: Trước khi em quan tâm tìm hiểu về những công trình kiến trúc em nên đọc lịch sử văn hóa và hiểu về con người nơi thành phố đó trước.

Từ nước Anh xa xôi, câu chuyện tôi muốn kể về bảo tồn những giá trị di sản văn hóa, việc này không những giúp thành phố đó giữ được cái hồn và bản sắc trong quá trình phát triển mà còn là điểm thu hút du khách các nơi trên thế giới mong muốn đến tìm hiểu và đem lại lợi nhuận kinh tế về du lịch – thương mại, giúp cho thành phố đó có kinh phí duy trì bảo tồn những kiến trúc cổ điển và xây dựng phát triển tiếp những công trình hiện đại.


Phát huy giá trị di sản kiến trúc trong công cuộc cách mạng số 4.0

ThS.KTS Cao Đình Sơn

Cơ sở xác định giá trị di sản kiến trúc dựa vào hiến chương Venice 1964 trong việc trùng tu là làm sáng tỏ những giá trị về thẩm mỹ và lịch sử trên cơ sở gìn giữ chất liệu gốc và các cứ liệu xác thực của di tích. Đến văn kiện Nara năm 1994, tính xác thực của di tích không chỉ dừng lại ở các yếu tố mang tính vật thể như cách hiểu theo thông lệ, mà còn phải kể đến các yếu tố văn hóa phi vật thể, phù hợp với thực tế của thời đại như: Chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm. Di sản kiến trúc là di sản văn hóa, theo Luật Di sản Việt Nam năm 2013, bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở Việt Nam.

Ở một góc độ nhỏ, như một ví dụ về di sản kiến trúc nhà ở trước năm 1975 tại miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ những công trình kiến trúc đã xếp hạng (di tích kiến trúc) hay chưa xếp hạng đều chưa đánh giá được hết giá trị cũng như tính phổ biến về nhận biết (thông tin). Vậy, nên chăng, cần xác định lại giá trị các di sản kiến trúc nhà ở miền nam trước 75 nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị này trong công cuộc cách mạng 4.0.

Di tích kiến trúc nhà cổ Huỳnh Lệ Thủy, TP sadec, Đồng Tháp, được biết đến nhờ tác phẩm film “The lover”, kể về chuyện tình của ông chủ nhà Huỳnh Lệ Thủy với nhà văn người Pháp. Như vậy, ngoài giá trị vật thể giá trị truyền thông làm tăng giá trị di sản (là sản phẩm du lịch văn hóa – kinh tế di sản)

Để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giá trị di sản kiến trúc nói chung và giá trị di sản kiến trúc nhà ở miền nam trước 75 nói riêng không nên chỉ nhìn nhận ở một khía cạnh khuôn mẫu chỉ về tính lịch sử, nghệ thuật, địa điểm hay những đặc điểm kiến trúc thuần túy. Việc chuyển đổi công năng sử dụng hợp lý, khai thác quảng bá giá trị di sản mà vẫn gìn giữ được di sản mới thật sự là bài toán khó. Thiết nghĩ, giá trị di sản kiến trúc nên được định như sau: Giá trị di sản kiến trúc bao gồm = giá trị vật thể: (Giá trị kiến trúc, giá trị về địa điểm, giá trị kỹ thuật) + giá trị phi vật thể (giá trị chuyển đổi công năng, giá trị truyền thông, giá trị tinh thần). Với sự định lại giá trị di sản kiến trúc theo cách trên có thể nâng cao hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc nhà ở khu vực miền Nam trước 1975, từ đó là cơ sở để định hướng phát triển kinh tế di sản.
Dưới đây là hai ví dụ điển hình minh chứng cho quan điểm trên.

  1.  Di tích kiến trúc nhà cổ Huỳnh Lệ Thủy, TP sadec, Đồng Tháp, được biết đến nhờ tác phẩm film the lover, kể về chuyện tình của ông chủ nhà Huỳnh Lệ Thủy với nhà văn người pháp. Như vậy, ngoài giá trị vật thể giá trị truyền thông làm tăng giá trị di sản (là sản phẩm du lịch văn hóa – kinh tế di sản)
  2.  Nhà bà Cả – Thốt Nốt, An Giang, đã hơn trăm năm, của một phú hộ địa phương, nhà được trùng tu, toàn bộ cảnh quan sân vườn và nội ngoại thất còn nguyên, có giá trị kiến trúc cao, vị trí di tích ở xa và giá trị truyền thông kém nên không phát huy hiệu quả của giá trị di sản trên.

Di sản Hà Nội

KTS Trường Thành Viện Bảo tồn di tích Hà Nội

Theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 31/12/2015, Thành phố hiện có 5.922 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, bao gồm các loại hình: đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ, thành cổ, khảo cổ, quần thể danh thắng; Đến năm 2018; toàn thành phố có 2.462 di tích đã xếp hạng trên tổng số 5922 di tích, số lượng di tích đã xếp hạng lớn nhất và chiếm khoảng 1/3 số lượng di tích toàn quốc. Bao gồm: Di sản thế giới: 1 di tích; Di tích xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt: 14 di tích; Di tích xếp hạng cấp Quốc gia 1.164 di tích; Di tích xếp hạng cấp thành phố: 1.284 di tích (trong đó, di tích Cách mạng kháng chiến: 44 di tích); (đã xếp hạng); Di tích chưa xếp hạng: 3.460 di tích.

Bên cạnh số lượng di tích đồ sộ nêu trên, những di sản đô thị như phố cổ, biệt thự cổ, làng cổ… cũng được Thành phố thống kê vào danh mục nhằm tập trung nguồn lực của địa phương, các đơn vị chủ quản để bảo tồn và được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 về “Về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1945 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa” bao gồm: Danh mục Phố cổ: 79 phố; Danh mục Làng cổ: 01 làng; Danh mục Làng nghề truyền thống tiêu biểu: 07 làng nghề; Danh mục Biệt thự cũ: 225 biệt thự cũ; Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954: 41 công trình.

Mật độ phân bố các di tích, di sản tương đối đồng đều trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; Với thuộc tính hầu hết các di tích đã được xây dựng từ lâu đời mặc dù bộ khung gỗ lim rất chắc chắn, bền vững nhưng tuổi thọ hạn chế nên thường bị tiêu tâm, xuống cấp cùng những nguyên nhân xâm hại khác như mưa nhiều, nắng gắt hay mối mọt xâm thực, việc đô thị hóa tự phát trong những năm gần đây tại nhiều địa phương cũng gây ngập úng nhiều di tích mỗi khi trời mưa… Những nguyên nhân này đang làm giảm tuổi thọ của di tích; Ngoài ra, đối với một số di tích trong khu dân cư cũng đang bị lấn chiếm hoặc bị tình trạng đô thị hóa chèn ép như một số di tích trong nội thành bị nhiều hộ dân sinh sống trong nội tự là chùa Quang Minh, chùa Đồng Quang (quận Đống Đa)…

Hiện tại, số lượng di tích xuống cấp, hư hại của Hà Nội là khá lớn. Để làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo các di tích, công trình di sản của Thủ đô, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn về nguồn lực, năng lực quản lý, nhận thức xã hội và cả những công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kiến trúc di sản. Tiếc thay, nhiều KTS đến với di sản Hà Nội chỉ dừng ở mức tham gia khảo sát, tư liệu hóa (vẽ ghi) và thực hiện một số các hồ sơ thiết kế tu bổ di tích nhưng việc khảo cứu để đóng góp, tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành về kiến trúc di sản Hà Nội hiện vẫn bị bỏ ngỏ mà như bài Lý luận phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc của PGS.TS.KTS Tôn Đại đăng tại TCKT số ra ngày 12/11/2015 đã nhận xét rất khách quan: “Vấn đề bảo tồn tôn tạo công trình kiến trúc cổ, khu phố cổ cũng là một đề tài mà việc phê bình rất cần thiết. Tuy nhiên mảng việc này cũng chẳng có mấy bài phê bình chuyên sâu và xác đáng.”

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta không thể khảo cứu hết được những thách thức, những thành công hay tồn tại của công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo các di tích, công trình di sản trên địa bàn Hà Nội, rất mong TCKT mở rộng chuyên mục “di sản kiến trúc” để chúng ta sẽ có dịp trao đổi những ý kiến nhằm làm sáng tỏ những giá trị di sản cần gìn giữ, giúp chính quyền và nhân dân Hà Nội thực hiện tốt công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản quý báu của Thủ đô.


Tu bổ di tích: Quan trọng nhất là yếu tố Con Người

Nhà điêu khắc Nguyễn Minh Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ thuật Trung Ương

Việc tu bổ di tích nói chung đặt nền móng trên ba yếu tố căn bản: Sự hài hòa giữa công trình mỹ thuật với cảnh quan kiến trúc tại chỗ; sự hài hòa đó bắt nguồn từ con người – từ cái tâm và tầm nhìn của các căp quản lý, của người trực tiếp thực hiện tu bổ và của dân cư sở tại.

Phải nói rằng Mỹ thuật và Kiến trúc từ xa xưa đến nay vốn có mối liên hệ chặt chẽ. Kiến trúc không chỉ đáp ứng các nhu cầu ăn ở sinh hoạt và thờ cúng cơ bản nhất mà còn phù hợp với nề nếp, tục lệ, phong hóa của đời sống tinh thần-tâm linh đặc sắc của mỗi cộng đồng người dù lớn nhỏ khác nhau, theo cảm nhận khác nhau về cái đẹp ở mỗi cộng đồng ấy. Nhưng lâu nay, còn nhiều người chưa thực sự quan tâm đến yêu cầu cốt yếu này. Điều này có thể còn do ngay từ khâu đào tạo, bên mỹ thuật có vài tuần ít ỏi dành cho đạc biểu kiến trúc, vẽ ghi các công trình cổ nhưng chưa thật sự đi vào nghiên cứu, nhận biết toàn diện về tổng thể cảnh quan kiến trúc, tương ứng bối cảnh văn hóa tinh thần của những công trình ấy. Bên kiến trúc thì phần mỹ thuật được học cũng rất hạn chế, chưa ghi khắc cho người học những nhận thức nền tảng về mối liên quan hữu cơ, nhiều khi mang tính tất yếu, của sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa công trình kiến trúc với công trình mỹ thuật.

Ở những công trình di tích, từng chi tiết nhỏ của kiến trúc và mỹ thuật đều mang chứa, biểu đạt tâm hồn của những nghệ nhân đã làm nên chúng. Đó là sự “chưng cất” tinh hoa của con người và xứ sở vào thời điểm ấy, chính là một phần tinh hoa của lịch sử cư dân và đất nước, mang những dấu ấn thời đại độc đáo và duy nhất, không thể phục hiện nếu để mất đi. Vì thế, cái tâm của người làm công tác tu bổ di tích phải được đặt lên hàng đầu – phải kính trọng và yêu quý di sản của dân tộc để đủ lòng kiên nhẫn và thận trọng, kiên trì và sáng suốt nghiên cứu, từ dựa vào yếu tố gốc để phân tích, nhận định, phân biệt vật liệu, nhận biết các hình thức, chi tiết trang trí, chạm khắc…cho đến các khâu thực hiện tu bổ, dựa vững chắc trên nguyên lý chung của công tác bảo tồn.Trong thực tế tiến hành bảo tồn các di tích, chú trọng đến việc cân bằng giữa các yếu tố kỹ thuật – mỹ thuật đòi hỏi vai trò đặc biệt quan trọng của KTS, họ đóng vai trò như “nhạc trưởng” trên công trường tu bổ. Bởi vậy, KTS phải hiểu biết về lịch sử, mỹ thuật,về văn hóa truyền thống nói chung; đồng thời rất cần sự cộng tác thiết thực, hiệu quả, trên tinh thần học hỏi không ngừng, giữa nhà kiến trúc và nhà mỹ thuật trong từng công trình tu bổ di tích cụ thể.

Trên thực tế, có thể thấy hầu hết các cộng đồng sở tại đều rất ý thức về việc bảo vệ những di sản văn hóa-lịch sử của cộng đồng mình và tại các địa phương lân cận. Từ đó, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là xây dựng một nhận thức phù hợp (hoặc củng cố nhận thức đúng đắn sẵn có về bảo tồn di tích), trong đó quan trọng hàng đầu là nhận thức của các cấp quản lý Nhà nước, được đặt trong mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ với nhận thức và trình độ chuyên môn của những người làm công tác tu bổ, kết hợp với nhận thức của cộng đồng. Để thực hiện được điều này, cần đồng bộ các công cụ quản lý, các Luật Xây dựng, Luật Di sản, luật Quy hoạch… tạo hành lang quản lý cũng như chế tài đối với các công trình tu bổ; tổ chức đào tạo để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành; tổ chức truyền thông phổ cập đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức vốn có của các cộng đồng, cập nhật cho họ những hiểu biết về pháp lý và khoa học có liên quan. Mặt khác, thông qua tuyên truyền, người dân sẽ là kênh ủng hộ công tác giữ gìn bảo tồn giá trị của di tích.

Những người làm công tác tu bổ cần có trình độ, bản lĩnh để phản biện, thuyết phục các cấp quản lý trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn các công trình di tích. Bởi, xin được nhắc lại, yếu tố con người vẫn là then chốt của công tác bảo tồn, tu bổ – một công tác trực tiếp góp phần giáo dục, hướng dẫn cho nhiều thế hệ dân cư.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)