Trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, Hội KTS Việt Nam luôn giữ vững vai trò “Mái nhà chung”, dẫn dắt, kết nối, khuyến khích giới nghề tiếp cận xu hướng kiến trúc hiện đại, kiến trúc sinh thái và phát triển bền vững. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập, TCKT đã ghi nhận các ý kiến về vai trò của Hội KTS Việt Nam với góc nhìn của các KTS trẻ, doanh nghiệp và các hội viên đang làm nghề trên khắp cả nước. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chúng tôi là ba KTS – sáng lập viên công ty cổ phần kiến trúc Lập Phương – CUBIC Architects. Những năm qua, chúng tôi luôn đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam qua nhiều hoạt động: Tham gia các chương trình đào tạo, tài trợ workshop, học bổng… Với chúng tôi, sự hiện diện của Hội là chỗ dựa vững chắc cho các KTS khi làm nghề. Những hội thảo chuyên sâu có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước mang lại cái nhìn tổng quan, cập nhật kiến thức công nghệ mới, nâng cao năng lực của các KTS một cách hiệu quả. Đồng thời, các hoạt động cộng đồng được tổ chức bài bản, nghiêm túc, giúp KTS chúng tôi có cơ hội tiếp cận, chia sẻ, gần gũi hơn với cộng đồng. Trên hết, quan trọng nhất vẫn là vai trò của Hội KTS Việt Nam trong phản biện xã hội – nghề nghiệp, bảo vệ quyền lợi pháp lý của giới KTS.
70 năm là một chặng đường dài và còn tiếp tục trong tương lai với nhiều thách thức. Hội KTS Việt Nam cần thể hiện tiếng nói của mình rõ nét hơn bằng những hành động cụ thể trong các lĩnh vực: Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề, đóng góp ý kiến xây dựng các quy chuẩn, quy phạm đối với các cuộc thi tuyển, hội đồng giám khảo là một yếu tố quan trọng mà KTS chúng tôi quan tâm. Hội KTS Việt Nam với tiếng nói của mình có khả năng mời những chuyên gia xứng tầm, đúng chuyên môn tham gia chấm giải. Qua đó, các giải thưởng do Hội bảo trợ sẽ ngày càng có uy tín. Ngoài ra, các hoạt động chuyên môn đào tạo cần được đầu tư phát triển hơn nữa. Những doanh nghiệp như chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng Hội. Chúng tôi luôn khao khát được tiếp xúc, giao lưu cọ xát với các chuyên gia đầu ngành trên toàn thế giới. Hội KTS Việt Nam chính là cầu nối giúp chúng tôi thực hiện điều đó.
Hội KTS Việt Nam là một tổ chức lớn, đóng vai trò là “hòn đá tảng” trong môi trường kiến trúc chuyên nghiệp của Việt Nam. Tất cả các quốc gia khác cũng có Hội KTS với vai trò là đơn vị bảo trợ, tổ chức hay dẫn dắt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các hoạt động triển lãm kiến trúc, các cuộc thi, giải thưởng hay phát hành các ấn phẩm kiến trúc…
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy Hội KTS Việt Nam rất năng động và hoạt động hiệu quả. Những thành viên của Hội mà tôi biết đều rất năng động, ham hiểu biết và nắm bắt được bối cảnh quốc tế.
Hội KTS Việt Nam làm việc vô cùng trách nhiệm, hỗ trợ các KTS định hướng cho các chủ đầu tư và xã hội về chất lượng kiến trúc, các tiêu chuẩn mới, các vấn đề về môi trường và luôn quan tâm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống. Tôi đã hợp tác với Hội nhiều năm và rất ấn tượng bởi sự công tâm và rõ ràng của Hội,đặc biệt là với vai trò Hội đồng Giám khảo của các cuộc thi.
Hội KTS Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức các khóa đào tạo sau đại học và các buổi hội thảo, thúc đẩy sự thích nghi của các KTS với những tiêu chí mới. Xã hội đang quan tâm hơn và đòi hỏi cao hơn ở các KTS. Chức năng thúc đẩy chất lượng chuyên môn này không chỉ thuộc về các trường đại học đào tạo và tôi nhận thấy Hội KTS Việt Nam đang hoạt động rất tốt theo hướng này
Chi hội KTS Sóc Trăng mới thành lập, số lượng KTS còn ít, đa phần là KTS trẻ, kinh phí hoạt động của hội không được hỗ trợ từ ngân sách. Trong khi đó, hoạt động Hội là tự nguyện, để thu hút giới trẻ tham gia thực sự là một thách thức với những người làm công tác Hội từ TƯ đến địa phương. Chúng tôi rất cần Hội KTS Việt Nam hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm cấp vùng (Đồng bằng sông Cửu Long) để các KTS có điều kiện tham gia.
Việc hành nghề của KTS ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng KTS không nhiều mà bị phân tán ở nhiều đơn vị nên không cạnh tranh lại các đơn vị từ nơi khác đến (TP.HCM và Hà Nội). Việc hành nghề cá nhân của các KTS không có văn bản nào quy định. Rất mong Hội KTS Việt Nam thúc đẩy việc ban hành Luật Kiến trúc nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và phát triển trong hoạt động kiến trúc nói chung và trong lĩnh vực hành nghề KTS nói riêng.
Để thu hút được các KTS trẻ tham gia các hội của địa phương, tôi nghĩ cần nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để các KTS trẻ giao lưu, học hỏi, gắn kết với nhau, ví dụ như: Các hội thảo chuyên môn, những chuyến dã ngoại, về nguồn, các giải thể thao… Đó là những sân chơi, nơi các KTS trẻ được trải nghiệm cuộc sống để tạo nên những cảm hứng trong sáng tác kiến trúc với thiên nhiên.
Trong 3 năm gần đây, định kỳ vào tháng 04 hằng năm, Hội KTS Ninh Thuận đều tổ chức “Ngày hội tư vấn nhà ở miễn phí cho người dân”. Đó là một hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, thể hiện vai trò của KTS với xã hội và cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về kiến trúc, xây dựng. Nâng cao vai trò của Hội, của giới nghề, mỗi KTS cần ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với xã hội.
Qua các chương trình hoạt động gần đây, có thể thấy Hội KTS Việt Nam đã thu hút được nhiều Hội viên, nhất là các KTS trẻ hướng lòng tin của mình về Hội. Cụ thể, hàng năm, hội đều đặn tổ chức các hoạt động, tập hợp được nhiều KTS trẻ hưởng ứng tham gia đông đảo cùng nhau trao đổi nghề nghiệp thể hiện tình đoàn kết gắn bó bền vững. Chương trình “Gặp gỡ mùa thu” truyền thống hàng năm là nơi giao lưu trao đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ, định hướng và xác định trách nhiệm của KTS với nền kiến trúc nước nhà, nhằm phấn đấu vì một nền kiến trúc hiện đại có bản sắc. Đặc biệt, Hội đã gây được sự kỳ vọng lớn cho hội viên với chương trình nghiên cứu xây dựng Luật kiến trúc trình Quốc hội và Nhà nước thông qua.
Tuy nhiên, đối diện với những thách thức của quá trình hội nhập, giới KTS mong muốn được đóng góp sức mình nhiều hơn nữa để xây dựng nền kiến trúc nước nhà. Rất mong Hội KTS Việt Nam giữ vững vai trò mái nhà chung của giới nghề, góp phần hoạch định chính sách phát triển nền kiến trúc cho xứng với những tình cảm vô cùng sâu sắc trong thư của Bác Hồ kính yêu gửi cho Đoàn KTS thành lập từ 70 năm về trước.
Tôi biết đến Hội KTS từ khi bắt đầu bước vào ngôi trường kiến trúc, cũng đã hơn 20 năm. Trải qua một thời gian dài học tập nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, tôi vẫn luôn luôn theo dõi và ủng hộ các hoạt động của Hội KTS Việt Nam bằng cách này hay cách khác, những lần tham gia góp ý, đóng góp cho các hoạt động của Hội tôi luôn cảm thấy tự hào và cảm nhận được trách nhiệm của mình.
Có thể nói, vai trò của Hội KTS Việt Nam đối với giới nghề hết sức quan trọng. Chính từ đây, chúng ta có những định hướng đúng đắn về cách hành nghề và những quan điểm đúng đắn về định hướng phát triển bền vững trong xây dựng theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, là những KTS làm nghề, tôi mong muốn Hội sẽ có những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ KTS, tăng cường tiếng nói phản biện đối với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý, tạo môi trường hành nghề lành mạnh cho các KTS.
Kiến trúc Việt Nam trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đúng xu th. Tuy vậy, kiến trúc Việt Nam vẫn còn khoảng cách với kiến trúc thế giới và khu vực. Công trình xây dựng nhiều, nhưng ít tác phẩm kiến trúc xuất sắc, ít tác phẩm có chiều sâu hành nghề. KTS đông nhưng những KTS lớn, đủ sức đảm đương những công trình tầm cỡ còn khiêm tốn. Kiến trúc đô thị, nông thôn ít bản sắc, phát triển thiếu bền vững. Xu hướng xây dựng công trình kiến trúc với vốn đầu tư lớn, quy mô quá khả năng sử dụng dẫn đến lãng phí đã và đang diễn ra ở một số tỉnh, thành phố trong lĩnh vực Văn hóa – Thể thao và Hành chính công. Hội KTS Việt Nam có tiếng nói trong việc định hướng, nâng cao vai trò trong quản lý hoặc tham vấn cho Nhà nước nói chung và các Bộ, Sở ban ngành nói riêng nhưng còn hạn chế, chưa phát huy được hết lợi thế có rất nhiều Chi hội, hội viên ở nhiều mặt lĩnh vực khác nhau.
Mặc dù Hội KTS Việt Nam đã khẩn trương hoàn thành Dự thảo Luật Hành nghề KTS trình Bộ Xây dựng, nhưng đến thời điểm hiện tại, Luật vẫn chưa được Quốc hội xem xét. Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp tư vấn thiết kế, Chúng tôi mong muốn Hội KTS Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế của mình, hoạt động của Hội không chỉ dừng lại ở phong trào mà đi vào chiều sâu, rộng hơn, tác động nhiều tới xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của giới KTS và công tác tư vấn thiết kế, định hướng nên kiến trúc nước nhà bắt kịp với trình độ và nhận thức kiến trúc của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG
Là người kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ, tôi càng thấu hiểu sự quan trọng của công tác tư vấn thiết kế và quy hoạch. Chúng tôi luôn dành rất nhiều tâm sức và thời gian cho công tác hoạch định ban đầu này, và luôn nỗ lực để hiện thực những ý tưởng của đơn vị thiết kế nhằm mang lại sự thành công cho dự án.
Nhìn lại chặng đường đã qua, thế hệ của chúng tôi bước đi từ gian khó, chặng đường 70 năm của Hội KTS Việt Nam đã qua cũng chính là thời gian đất nước đã phát triển rực rỡ, các công trình xuất hiện ngày một nhiều đã mang tới cho đất nước diện mạo mới. Đó chính là nhờ vào sự cống hiến hết mình của các thế hệ KTS Việt Nam và Hội KTS Việt Nam. Kỉ niệm 70 năm Hội KTS Việt Nam, tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi là Hội viên danh dự của Hội KTS Việt Nam, tôi xin hứa sẽ cố gắng hết mình để đồng hành cùng giới KTS xây dựng những công trình đẹp, những khu đô thị hay nghỉ dưỡng hiện đại, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, và xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đai, giàu bản sắc.
Nhóm Phóng viên TCKT thực hiện
Bích Vượng – Ánh Dương – Kim Thúy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)