Điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ: Phát huy bản sắc đặc trưng đô thị vùng sông nước

Ngày 24/12/2012, tại Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội nghị thẩm định Điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Tham dự buổi thẩm định, về phía Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, đại diện lãnh đạo Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ… và đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc Phòng, Bộ TN&MT, Bộ VHTT-DL; Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam…
Về phía TP Cần Thơ có đồng chí Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban Thường trực, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và đại diện các sở Xây dựng, KHĐT, TN&MT, GTVT, NN&PTNT TP Cần Thơ…
Quy hoạch chung TP Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đồ án này đã xuất hiện nhiều điểm bất cập như Quy hoạch thiếu tính linh hoạt; thiên về phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến môi trường cảnh quan; đô thị hóa có xu hướng dựa trên giao thông bộ hơn là dựa trên giao thông thủy; không gian công cộng chưa được tổ chức một cách có hệ thống; vấn đề bản sắc của thành phố chưa được làm rõ trên cơ sở TP Cần Thơ… nên cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của vùng ĐBSCL, vùng TP HCM và quốc gia.
Phân Viện Kiến trúc – Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Miền Nam được giao nhiệm vụ điều chỉnh lại Quy hoạch chung TP Cần Thơ, trong đó đề xuất những giải pháp quy hoạch có tính chiến lược nhằm đáp ứng xu hướng phát triển, bối cảnh, tầm nhìn mới, ứng phó với BĐKH của đô thị trung tâm ĐBSCL.
 
Lợi thế vùng
Với vai trò vị thế là một cực phát triển của tam giác TP.HCM – Phnôm Pênh – Cần Thơ, có quan hệ với các vùng kinh tế phát triển, các đô thị lớn trong vùng Asean và là thành phố cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong, Cần Thơ – Thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị hạt nhân có sức lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng và là động lực phát triển của vùng ĐBSCL; có vị trí bản lề của hai hành lang kinh tế năng động nhất của vùng ĐBSCL; là trục hành lang TP HCM – Cần Thơ và trục sông Hậu. Thông qua các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế này, TP Cần Thơ kết nối với các đô thị trong vùng ĐBSCL, là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước. Thông qua cảng hàng không và cảng biển quốc tế, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, TP Cần Thơ kết nối với các vùng kinh tế, các đô thị lớn trong cả nước và vùng Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM và các quốc gia khác.
 
 
Mục tiêu chiến lược
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ nhằm: Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ là thành phố cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, đô thị trung tâm là động lực của vùng ĐBSCL và đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa của vùng ĐBSCL; là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của vùng và quốc gia, để góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội vùng ĐBSCL và có tầm ảnh hưởng trong vùng Đông Nam Á.
Phát triển không gian thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, theo hướng phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng của vùng ĐBSCL, làm cơ sở để quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị về sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan, cơ sở hạ tầng gồm các chỉ tiêu quy hoạch phát triển về quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Về mô hình phát triển và cấu trúc đô thị, điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ phát triển theo chuỗi các KĐT tập trung, đa trung tâm. Vùng đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh trung tâm huyện lỵ với bản sắc riêng; cân bằng những trọng tâm khác nhau của mỗi KĐT trong một cấu trúc đô thị có cơ cấu mạch lạc và quy mô phù hợp; định hướng quá trình đô thị hóa, gắn kết sự phát triển và nền cảnh quan hiện có; phát triển vùng lãnh thổ như một đô thị cây xanh và mặt nước, có không gian đô thị nén, đan xen với mặt nước và dải cảnh quan xanh (sản xuất hoặc sinh thái)
Về kết cấu các trục lưu thông gồm: Các trục dọc: Đường bộ cao tốc và đường sắt tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc. Trục đường thủy sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với các nước tiểu vùng sông Mekong với biển Đông. Trục xương sống đô thị 91-91B – Nam sông Hậu. Trục Vĩnh Thạnh – Cờ Đỏ – Phong Điền. Các trục ngang: Trục quốc lộ 80, N2 (Đường HCM), trục Kiên Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp qua Ô Môn. Trục đường sắt Cần Thơ – TP HCM qua Cái Răng. Các trục đường thủy vuông góc với sông Hậu như sông Ô Môn, sông Thốt Nốt, kênh Trà Nóc, kênh quốc gia Cái Sắn, sông Cần Thơ – kênh Xà No. Trục cao tốc HCM – Cần Thơ – Cà Mau, quốc lộ 1A. Đầu mối giao thông cảng biển Cái Cui, các cảng tổng hợp trên sông Hậu, cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sân bay quốc tế vùng dự kiến sau năm 2030 kết nối các vùng quốc gia và quốc tế.
Đồ án cũng chỉ ra rõ vùng phát triển đô thị – công nghiệp và vùng nội thành bao gồm các khu đô thị: Khu đô thị trung tâm (KĐT truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy, KĐT – công nghiệp Trà Nóc, KĐT – công nghiệp Cái Răng, KĐT sinh thái Phong Điền); KĐT mới Ô Môn; KĐT – công nghiệp Thốt Nốt. Vùng phát triển đô thị ngoại thành bao gồm các đô thị vệ tinh trung tâm huyện lỵ, các đô thị chuyên ngành: Thị trấn Cờ Đỏ, thị trấn Thới Lai; thị trấn Thạnh An; thị trấn Vĩnh Thạnh
Vùng cây xanh cảnh quan, không gian mở và vùng nông nghiệp; hệ thống bảo tồn cây xanh cảnh quan, các công viên chuyên đề và giải trí, các không gian mở, vùng nông nghiệp bao gồm đan xẽn giữa các KĐT và các vườn cây ăn trái, vùng rộng lớn phía Tây TP…
Phát huy bản sắc đặc trưng đô thị vùng sông nước
Sau khi nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định tập trung một số nội dung về cơ sở pháp lý, định hướng không gian, cảnh quan, tầm nhìn, chỉ tiêu quy hoạch…, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá: Cần Thơ là địa phương giàu bản sắc về văn hóa, lịch sử, cách mạng, đặc biệt, đây là địa phương có vị trí quan trọng trong vùng ĐBSCL, khu vực tây Nam Bộ, có nhiều lợi thế để phát triển. Trong suốt những năm qua, Cần Thơ luôn thể hiện là một đô thị đầu tàu của khu vực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐBSCL. Cùng với phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, công tác phát triển đô thị cũng được coi trọng. Khi còn là tỉnh Hậu Giang, đến khi tách ra, TP Cần Thơ luôn giữ vai trò là đô thị động lực của vùng. Sự phát triển đó như hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì vậy, địa phương cũng như Bộ Chính trị và Chính phủ đặt vấn đề phải phát triển Cần Thơ ngang tầm với vị trí chiến lược của nó…
Cần Thơ là đô thị phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch trong điều kiện bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam.
Từ quy hoạch năm 2006, triển khai lên đô thị Cần Thơ đã tạo ra KĐT mới, cảnh quan mới để phát triển, huy động các nguồn lực cũng là công cụ để quản lý, phát triển trước mắt và lâu dài, đảm bảo bền vững. Tuy nhiên, do yêu cầu phát triển ngày càng cao, Cần Thơ cần phải cập nhật quy hoạch để vừa có tính thực tiễn lại vừa có tính khoa học.
Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Cần Thơ đã chủ động yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch, phù hợp với định hướng chung về quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển vùng vùng kinh tế ĐBSCL, đồng thời liên hệ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hội đồng thẩm định đánh giá cao cố gắng của đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ, công phu và có nhiều ý tưởng mới trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung để thể hiện được vị trí đô thị Cần Thơ là đô thị cấp quốc gia, động lực của ĐBSCL; là 1 trong 5 đô thị lớn của Việt Nam; là đầu mối giao thông quan trọng của vùng và của quốc gia; có vị trí quốc phòng an ninh trọng yếu,…
Đơn vị tư vấn đã làm rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất đô thị, mô hình cấu trúc không gian theo chuỗi đô thị tập trung, đa trung tâm, kết nối với cây xanh, mặt nước đặc sắc của khu vực. Định hướng hạ tầng kỹ thuật rõ, đặc biệt là giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, để thực hiện đồ án hiệu quả, tư vấn cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung các cơ sở pháp lý để hoàn chỉnh đồ án với tính khả thi cao; nghiên cứu kỹ đô thị Ô Môn, nghiên cứu kỹ hơn đô thị Thốt Nốt nhằm tạo ra đô thị đối trọng với đô thị Cần Thơ cũ,…
Bên cạnh đó, đồ án cần được nghiên cứu thêm hệ thống HTKT, đánh giá, xác định các loại hình giao thông bao gồm giao thông đường thủy, phát triển giao thông đường thủy kết hợp du lịch; tổ chức giao thông, đặc biệt giao thông công cộng các tuyến; nghiên cứu thêm quy hoạch chống ngập với quy hoạch thoát nước mưa, giải pháp cụ thể ứng phó với BĐKH; các bước thực hiện quy hoạch có tính toán tới tổng nhu cầu vốn đầu tư cho từng giai đoạn….
Linh Anh