Điêu khắc Siêu thực – Sculpture Surrealism

Chủ nghĩa Siêu thực (Surrealism) là khuynh hướng nghệ thuật bắt nguồn từ Chủ nghĩa Tượng trưng và phân tâm học, đặt phi lý tính lên trên lý tính. Theo chủ trương, khuynh hướng này nhằm giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội, thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên, không bị gò bó bởi lý trí, logic, luân lý, mỹ học, kinh tế, tôn giáo. Những sáng tác phẩm của những nghệ sĩ Siêu thực ghi chép tất cả những trạng thái tâm lý luôn luôn chuyển biến trong tiềm thức, không phân biệt thực hay mộng, tỉnh hay điên, đúng hay sai.

Tuyên ngôn của Chủ nghĩa Siêu thực được đưa ra bởi Andre Breton vào năm 1924: “Siêu thực là sự tự động của tâm lý thể hiện ra bằng lời nói, bằng chữ viết hay bằng một phương tiện nào đó”. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Breton đã làm phục vụ y tế trong một bệnh viện ở Nantes dành cho nạn nhân bị sốc đạn pháo. Ở đó, ông đã được kiểm nghiệm một số kiến thức giải thích về những giấc mơ của Freud và ông có niềm tin vào thế giới vô thức đó. Vô thức hoạt động với một loại năng lượng hoàn toàn khác với năng lượng của tư duy phân tích, nó cố gắng làm lại hiện thực theo những mong muốn cực đoan nhất. Trong bối cảnh của xã hội lúc bấy giờ, Breton cùng các nghệ sỹ siêu thực đã bị thuyết phục bởi những lý giải của phân tâm học.

Châu Âu trải qua 2 cuộc đại chiến khốc liệt. Đời sống con người bị tàn phá, bị dồn nén, bị cô lập. Mọi giá trị của cuộc sống bị đảo lộn. Cùng với sự ra đời của Phân tâm học, Chủ nghĩa hiện sinh cũng là một tư tưởng quan trọng cho triết học phương Tây lúc bấy giờ. Những giá trị đó khiến người ta nhìn thực tế đời sống luôn cô đơn, chua chát, bất hạnh, bi đát, thất vọng, chán đời, đau khổ và tội lỗi, đó là những phi lý. Từ đây, người nghệ sĩ có thể đặt câu hỏi: “Nếu cuộc đời này là phi lý, phải chăng? nghệ thuật cũng cẩn phải phi lý…”. Và phi hiện thực, giấc mơ, tiềm thức, nỗi đau của con người … là những đặc điểm thường thấy trong nghệ thuật siêu thực.

Alberto Giacometti (1901-1966)

Alberto Giacometti là một nhà điêu khắc, họa sỹ, nhà soạn thảo và nhà in của Thụy Sĩ. Bắt đầu từ năm 1922, ông sống và làm việc chủ yếu ở Paris.

Giacometti là một trong những nhà điêu khắc quan trọng nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm của ông bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các phong cách nghệ thuật như Chủ nghĩa lập thể và Chủ nghĩa siêu thực. Những câu hỏi triết học về thân phận con người, cũng như các cuộc tranh luận về hiện sinh đã đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm của ông.

Cũng giống như Picasso, Matisse, Modigliani, Giacometti cũng bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật châu Phi, châu Đại Dương và Nam Mỹ, và những tác phẩm của Ai Cập cổ đại. Tiêu biểu cho sự ảnh hưởng này là hai tác phẩm “Cặp đôi” và “Người phụ nữ cái thìa ” (1926). Tác phẩm mở đầu cho việc đơn giản hóa và trừu tượng hóa hình ảnh con người, để đi đến việc xây dựng nam tính và nữ tính dưới dạng biểu tượng.

Người phụ nữ có cái họng bị cắt, 1932, Giacometti

“Người phụ nữ có cái họng bị cắt” là một trong những tác phẩm quan trọng của Chủ nghĩa Siêu thực, sự biến dạng và dịch chuyển của các bộ phận giải phẫu để thể hiện nỗi sợ hãi và thôi thúc của tiềm thức. Sự hung hãn mà hình tượng con người được thể hiện trong những tưởng tượng về cuộc tấn công khiêu dâm tàn bạo. Ở đây, một dạng thực vật giống như xương chậu kết thúc một cánh tay, và một trục xoay giống như thể thực vật, bộ phận duy nhất có thể di chuyển được, cố định một cách ghê tởm cái kia; xương sống của người phụ nữ ghim một chân bằng cách hợp nhất với nó. Ký ức về bạo lực bị đóng băng trong sự cứng rắn của sự nghiêm khắc. Nó gợi ra một sự dằn vặt tâm lý và sự khốn khổ tàn bạo.

Tác phẩm nổi tiếng “Bóng bị treo” (1931), với hàm ý khiêu dâm của nó, đã được rất nhiều nhà siêu thực ngưỡng mộ, vì nó có ý nghĩa phản đối bản năng dục tính của vô thức. Ngoài tính khiêu gợi rõ ràng của nó, có hai đặc điểm của “Bóng bị treo” khiến nó trở thành đối tượng trung tâm của tác phẩm điêu khắc hiện thực. Bóng treo tham gia vào chuyển động có thật. Như Giacometti đã giải thích: “Bất chấp mọi nỗ lực của tôi, một tác phẩm điêu khắc tạo ra ảo giác về sự di chuyển, một chân đang tiến lên, một cánh tay giơ lên, đầu nhìn sang một phía. Tôi chỉ có thể tạo ra chuyển động như vậy nếu nó là thật và thực tế. Tôi cũng muốn mang lại cảm giác chuyển động như nó được tạo ra”. Bởi vì chuyển động trong bóng cầu bị treo, khẳng định sự tồn tại hiện thực của đối tượng, chiếc lồng xác định không gian thực của đối tượng, nhưng nó được đóng hộp từ những thứ xung quanh nó – Là một phần của không gian thực và được phân chia bằng cách nào đó, quả bóng bị treo và hình lưỡi liềm cố gắng mở ra một khe nứt trong bề mặt liên tục của thực tế.

Và đó là trải nghiệm của giấc mơ, là nền tảng của sự siêu thực, vì siêu thực giống như một giấc mơ trong tiềm thức, nó là một mảnh vỡ của không gian thực đã bị thay đổi – Bởi Nó được tạo ra bởi mong muốn của người mơ, nhưng đồng thời xuất hiện như một thứ gì đó độc lập. Chính vì lý do đó mà Giacometti đã nói về các tác phẩm của mình như là “những phép chiếu” mà đã hiện thực hóa ngoài kia trong thế giới, chứ không phải điều mà ông muốn bịa đặt.

Các câu hỏi triết học về con người, cũng như các cuộc tranh luận hiện sinh và hiện tượng học đóng một vai trò quan trọng trong công việc của ông. Khoảng năm 1935 ông đã từ bỏ những ảnh hưởng siêu thực của mình để theo đuổi một phân tích sâu sắc hơn về hình tượng tượng trưng.

Và những triết lý của triết học hiện sinh đã ảnh hưởng không nhỏ và ngấm sâu vào nghệ thuật của Giacometti. Ông đã phá bỏ hoàn toàn các quy tắc truyền thống, kinh viện và các khái niệm, các nguyên lý căn bản của khoa giải phẫu học, luật viễn cận xa gần của chủ nghĩa kinh viện. Các hình thể của ông được kiến tạo theo một trình tự khác, một chuẩn mực khác – Đó là tư tưởng cách tân nghệ thuật thoát khỏi định kiến, thoát khỏi thói quen của tâm lý cũ, của cách nhìn cũ. Chính những sự kiện này đã giải thoát ông khỏi những ràng buộc lệ thuộc vào những quan niệm truyền thống, tạo cho ông phát triển một phong cách cá nhân, dị biệt, độc đáo, sâu sắc, độc nhất vô nhị.

Quả thật là độc đáo, khác thường. Toàn bộ các hình thể của cơ thể người che đến khuôn mặt đều bị ông vuốt kéo dài, các chi tiết mắt, mũi, mồm, tai và các khối trên mặt đều làm thô kệch, méo mó, dị dạng lồi lõm bất thường. Đôi mắt mở to nhìn chằm chằm về phía trước trong trạng thái ngơ ngác, hoang mang, hoài nghi. Bề mặt của tác phẩm luôn gồ ghề, xù xì như sinh vật thời tiền sử, hay giống một thân cây có nhiều mấu, già, quắt, bị cháy xám, hoặc giống những khối kim loại được hàn chắp vá một cách ngẫu nhiên… đã tạo cho tác phẩm có một sự độc đáo phi thường, khiến người ta liên tưởng đến những con người ở cõi âm, tật nguyền và đau khổ. Đứng trước những tác phẩm của Giacometti, tâm trạng của người xem bị xao xuyến, bị ám ảnh, hình như không gian, thời gian và tất cả mọi vật quanh nó như bị nhấn chìm trong sự im lặng!? Có lẽ Giacometti muốn lột tả phần cốt lõi sâu thẳm nhất, huyền bí nhất của con người – Phải chăng đó là linh hồn?

Điển hình là các bức tượng: “Chân dung phụ nữ” 1946, “Ba người đi bộ” 1948, “Người đàn bà ở Venise” 1950, “Con chó” 1951, “Trên quảng trường thành phố”, “Người đàn ông đi bộ trên quảng trường”, “Người đàn ông trôi trong mưa” và một loạt các bức chân dung của hai người em trai của ông là Diego Giacometti và Bruno Giacometti, sau đó là của Isabel và Annetti. Chúng đều biểu hiện những xung động mạnh mẽ, sâu sắc, độc đáo trong quan niệm về điêu khắc của Giacometti.

Con người luôn có ước vọng đạt được những điều huyền diệu cuối cùng. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng hoài vọng. Những hình thể và các khuôn mặt trong các tác phẩm của Giacometti biểu hiện cho sự khao khát nhưng bất lực, lẻ loi cô đơn của kiếp nhân sinh phù du, không bao giờ định đoạt được tương lai và số phận. Những hình bóng lang thang, hoang mang, vô định, không biết đi đâu, về đâu, không chốn nương thân, toàn bộ như ẩn hiện trong bóng đêm dằng dặc, vô tận, và chúng ta, con người, hoàn toàn bất lực, vô nghĩa trước sự trống rỗng của không gian, thời gian.

Tất cả những con người trong tác phẩm của Giacometti giống như con người của quá khứ, nó gợi lên sự trống rỗng, vô nghĩa của xã hội hiện đại. Với Giacometti, có lẽ điêu khắc không phải là hình thức thực của con người mà là hình bóng, là sắc thái của con người mới là quan trọng. Những hình thể mà ông tạo ra giống như cách mà người đó nhìn vào cái bóng của chính bản thân mình, nó là không phải là sự biểu hiện bên ngoài mà phải là sự sâu sắc ẩn chứa đằng sau sự vật.

Giữa những năm 1938 và 1944, tác phẩm điêu khắc Giacometti có chiều cao tối đa 7cm (2,75 inch). Với kích thước nhỏ phản ánh khoảng cách thực tế giữa vị trí của nghệ sĩ và người mẫu của mình. Những con người ông tạo ra từ trong ký ức, kích thước của nó càng nhỏ thì khoảng cách của nó càng xa với thực tại, đó là cái không gian và thời gian ông muốn xác nhận trong tác phẩm của mình, như ông đã quan niệm: Đó là “những phép chiếu” mà ông muốn hiện thực hóa trong thế giới. Sau chiến tranh, gia đình Giacometti đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất: Bức tượng khắc khổng lồ và mảnh mai của ông. Những tác phẩm điêu khắc này là những trải nghiệm, xem cá nhân giữa một không gian tưởng tượng nhưng tồn tại thực sự, một không gian hữu hình như quảng trường, căn phòng, đường phố… nhưng ta không thể tiếp cận.

Một số tác giả khác

Bên cạnh Giacometti, Chủ nghĩa Siêu thực còn được biết đến nhiều nghệ sỹ với nhiều tác phẩm tên tuổi khác.

Vào năm 1936, một nghệ sĩ 23 tuổi người Thụy Sĩ tên là Meret Oppenheim đã mua một chiếc tách trà, đĩa và thìa từ một cửa hàng bách hóa ở Paris và bọc chúng trong lớp vỏ màu kem và rám nắng của một con linh dương Trung Quốc. “Bữa tiệc trưa trong da” là món quà nhỏ bé bằng lông rậm rạp của Oppenheim đã trở thành một tác phẩm tiêu biểu của chủ nghĩa siêu thực – phong trào nghệ thuật xuất phát từ lối mòn rực rỡ của Chủ nghĩa dada. Tác phẩm đã trở thành tâm điểm của cuộc triển lãm siêu thực lần đầu tiên dành cho đồ vật. Tác phẩm gây nhiều cảm nhận cũng như nhận xét đa chiều. Và nó đã trở thành đại diện tiêu biểu cho thời đại của S. Frued, một chủ đề gợi liên tưởng đến bản năng dục tính của con người.

Cùng với “Bữa tiệc trưa trong da” của Meret Oppenheim, “Món quà” của Man Ray là những tác phẩm thuộc loại vật thể siêu thực. Nó là những kết hợp quái dị tạo ra những cảm giác của rối loạn chức năng, những vật dụng hàng ngày bị phủ định đi chức năng ban đầu của nó. “Bữa tiệc trưa trong da” không còn sự êm ái, mềm mại, ấm áp giống như khi nó là chất liệu của một trang phục mà ngược lại nó gợi cảm giác tiêu cực nhiều hơn. “Món quà” của Man Ray làm người ta thấy đau đớn đến gai người.

Ngoài những nghệ sỹ kể trên, Điêu khắc siêu thực còn kể đến nhiều nghệ sỹ tên tuổi khác như Max Ernst, Gonzales, Picacsso, Arp… Ra đời trong bối cảnh khủng hoảng của giai cấp tư sản, Chủ nghĩa siêu thực là vũ khí của Breton để chống lại chủ nghĩa thực chứng, là cách Breton cùng các nghệ sỹ tấn công vào “Tính hợp lý tư sản”.

TS.KTS Đoàn Hồng Lư
Bộ môn Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật – ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)