Đình Tây Đằng: Một di sản Văn hóa Kiến trúc vĩnh tuyệt

Đình làng Việt

Nước Việt Nam qua bao thăng trầm bi tráng của lịch sử dựng nước giữ nước, chống ngoại xâm để bảo vệ giang sơn thiêng liêng của biết bao thế hệ cha ông đã dày công vun đắp. Làng Việt phát triển theo tiến trình lịch sử đất nước. Mỗi làng quê đều lưu giữ những yếu tố địa văn hóa và đặc điểm riêng về ý thức hệ, thành tựu xây dựng làng và chống giặc ngoại xâm. Làng còn mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc của những con người đã gắn bó với quê hương yêu quý của mình. Đình làng là nơi thờ cúng vị Thành Hoàng, Người có công lao đặc biệt với làng như đánh đuổi giặc ngoại xâm, hộ công trợ giúp bảo vệ dân làng, lo cho dân tổ chức đảm bảo cuộc sống bền vững… Đình còn là nơi tổ chức lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Cột trụ nghi môn trước cổng đình

Mỗi làng tùy theo nét truyền thống văn hóa, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế xã hội riêng mà xây dựng ngôi đình với quy mô kích thước và trình độ kỹ – mỹ thuật khác nhau, hướng phong thủy của đình cũng không giống nhau. Thành Hoàng có thể là nhân thần hoặc thiên thần hay những hình tượng dị biệt mà nhân dân tôn thờ. Ví dụ làng Liêu Xuyên quê tôi, tương truyền Vua thân chinh đi đánh giặc, khi chiến thuyền vào sông Lô Giang, con sông có đoạn hình quả bầu do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đặt. Gặp thế giặc mạnh lại đang đuổi gấp, thuyền chạy đến khúc sông gần làng, nhìn thấy một cây Phù dung cổ thụ, Người liền khấn: “Nếu vận nước còn thì xin hãy phù hộ cho ta vượt qua lúc nguy khó này”. Vua vừa khấn xong, bỗng cây Phù dung đổ rạp xuống, ngăn kín cả dòng sông. Giặc bất thần bị chặn đứng liền quay lui. Vua thoát hiểm trở về, tổ chức lực lượng rồi đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Vua lệnh cho làng xây đình để thờ cúng vị thần Phù dung đã cứu vua giúp nước.

Xứ Đoài xưa, hay còn gọi là trấn Sơn Tây hoặc trấn Hưng Hóa, là miền quê có nhiều ngôi đình nổi tiếng của người Việt cổ. Đình Đoài mang dáng vóc kiến trúc kỳ vĩ, ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Hoa văn trên mái đình

Theo cuốn Di tích lịch sử Hà Tây, thì trên địa bàn toàn tỉnh có 820 ngôi đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Những ngôi đình này phần lớn được xây dựng vào thế kỷ 17 và 18 như các đình: Chu Quyến, Quang Húc, Phú Hữu, Phú Xuyên, Đông Viên, Viên Châu, Phượng Châu, Cộng Hòa thuộc Ba Vì, Tường Phiêu, Mông Phụ thị xã Sơn Tây, Đại Phùng Đan Phượng, Cấn Hữu và đình So Quốc Oai… Nhân dân nơi đây thường truyền nhau câu “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Đình So đẹp cả vị trí: Có sông trước mặt, có núi đất sau lưng quanh năm xanh mát. Nội thất ngôi đình rất quý hiếm, còn nguyên nét cổ xưa.

Giáo sư Trần Quốc Vượng lúc sinh thời đã khẳng định: Đình cổ nhất cả nước có năm ngôi thì Hà Nội chiếm cả năm. Riêng Ba Vì có đến ba ngôi, đó là: Đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng và đình Thụy Phiêu. Ba ngôi đình này đều xây dựng vào đầu thế kỷ 16 dưới thời nhà Mạc. Vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ mít và gỗ thông đỏ. Đền Chèm thuộc huyện Từ Liêm xây dựng trên 1.000 năm, cung Quảng Văn phố Cửa Nam xây dựng vào thời Lê sơ. Nhưng hai công trình này phải đến triều Mạc Đăng Doanh mới được hoàn thiện thành ngôi đình.

Vùng núi Ba Vì nơi có đền thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, người là Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh trong truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Ngài dạy dân biết chế ngự thiên nhiên, đắp đê phòng lụt, gieo trồng cấy lúa, phát triển sản xuất, đánh giặc ngoại xâm. Ngài là Đức Thánh Tổ của nền văn minh lúa nước, là Vua Thần Nông trông coi việc nhà nông trên Thiên Đình. Người được nhân dân cả nước tôn thờ Đệ Nhất Phúc Thần. Các đình làng ở hầu hết trong huyện Ba Vì cũng như trong vùng đất xứ Đoài xưa phần lớn suy tôn Ngài là Thành Hoàng Làng để thờ cúng và tỏ lòng thành kính, tri ân.

Đình Tây Đằng – Một di sản kiến trúc văn hóa còn mãi với thời gian

Là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, Đình Tây Đằng đã ngót 500 năm tuổi, được xây dựng vào thời nhà Mạc năm Đại Chính nhị niên (1531). Ngôi đình thờ Đức Thánh Tản Viên Đệ Nhất Phúc Thần. Toàn bộ khu đình nằm trên một khuôn viên rộng lớn, thoáng đẹp, hướng Nam mé Tây trông về đền Đức Thánh Tản trên núi Ba Vì. Đi qua cổng chính ta bắt gặp một hồ nước lớn, nơi giao hòa giữa trời cha đất mẹ dâng đầy linh khí. Tiếp đến là nghi môn, gồm bốn cột đồng trụ, hai cột thấp bên trên có hai nghê chầu, hai cột cao, bên trên mỗi đầu cột có bốn chim phượng uốn lượn vút lên như một bông hoa dành dành, thể hiện thế nghiêm thiêng của ngôi đình. Hai phía bên phải và bên trái là tả vu và hữu vũ. Hạng mục công trình này nhằm làm những công việc chuẩn bị cho việc khánh tiết. Nhà tả vu và hữu vu đã bị đổ nát từ lâu, mãi đến khi tiến hành trùng tu ngôi đình thì mới được dựng lại. Đầu hồi phía phải của ngôi đình là một giếng cổ, nguồn nước đá ong bốn mùa trong xanh. Giếng này trước đây nằm ngoài hàng rào của khuôn viên đình, nay mới được đưa vào trong, làm cho ngôi đình càng thêm linh diệu hơn. Sau nghi môn là một sân rộng, nơi tổ chức lễ hội vào dịp xuân về hoặc những ngày cúng tế.

Giếng nước cổ ở đầu hồi bên phải Đình Tây Đằng

Hai bên sân có tả mạc, hữu mạc dẫn vào đại đình. Trước đây, thềm đại đình chỉ cao khoảng 40 cm đủ một bước chân, sau khi trùng tu, thềm đã được nâng thành bậc tam cấp cao 75cm. Sàn đình rộng 360m2, được bố cục kiểu 3 gian với sáu hàng cột: Hai cột cái, hai cột quân và hai cột con, đó cũng là nét đặc trưng của những ngôi đình cổ. Tất cả các cột đều theo lối “thượng thu hạ thách” kiểu dáng bông đòng đòng, “ngồi” trên chân tảng đá ong. Tất cả các cột quân và cột con đều có xu hướng choãi ra, tạo thế mở rộng vùng chân đế và hạ thấp trọng tâm của ngôi đình nhằm tăng độ ổn định, bền vững cho công trình. Đỡ thượng lương là giá chiêng chồng rường kiểu “chồng nhị”. Gian chính giữa đình là bàn thờ Đức Thánh có cửa võng, y môn, lọng che, hai giàn bát bửu và đôi hạc chầu. Gian thờ quanh năm đóng cửa, trừ những ngày lễ hội, nhưng do đông khách thăm viếng nên gian thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương, không khí thật trang nghiêm! Các gian hai bên còn lại được bố trí sạp ngồi của các quan viên trong những ngày lễ hội hay khi việc làng. Kết cấu được giữ nguyên theo kiểu nhà sàn của người Việt cổ vùng sơn cước. Khác biệt của đình Tây Đằng so với các ngôi đình còn lại là không có ván thưng xung quanh, nhờ đó công trình trở nên thông thoáng hơn và bền vững với thời gian. Do đình thấp nên người Việt cổ đã chọn kết cấu rất sáng tạo, mặc dù không có quá giang: Liên kết cột cái với cột cái là câu đầu, cột cái với cột quân là xà nách. Trên xà nách là chồng rường tạo độ dốc cho mái. Kẻ liền bẩy kéo dài từ cột quân vươn dài đến tàu mái. Hệ thống xà thượng, giằng đầu các cột cái, cột quân và cột con lại với nhau theo chiều dài của ngôi đình. Cột con đỡ thẳng vào bẩy không qua ngàm, như vậy tạo cho bẩy không bị tiết diện giảm yếu khi liên kết với cột con làm cho công trình vững chắc hơn. Bí quyết để cấu trúc công trình được ổn định và bền vững là ở chỗ dùng mộng thắt đuôi én, ngoàm và nêm chắc đầu cột cũng như các cột quân, cột con choãi chân thang ra ngoài. Do đặc tính của công trình như vậy nên ngay cả sau khi đã tháo toàn bộ sạp và các xà chân cột, công trình hoàn toàn không suy xuyển gì, vẫn vững vàng cùng năm tháng.

Một số họa tiết trang trí gỗ trên vỉ kèo Đình Tây Đằng

Đình Tây Đằng có tới 1.300 họa tiết được chạm khắc hết sức tinh xảo, đậm nét tài hoa của những con người làm ra nó. Nét đặc biệt có một không hai của ngôi đình này là không một chi tiết nào giống nhau, từ họa tiết kẻ liền bẩy bốn góc, kẻ liền bẩy vì chính, đến các đầu dư đầu duôi, xà thượng, các chồng rường, bát đỡ, câu đầu, chếnh xối, ván nong… đều là những tác phẩm nghệ thuật kiệt tác. Mỗi hoa văn một kiểu, các họa tiết hoa văn mang tính đặc sắc của các vùng miền văn hóa khác nhau như: Họa tiết người nông dân trồng cấy lúa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, quăng chài bắt cá của vùng sông nước miền duyên hải, đua thuyền của Nam Bộ, chơi đàn tính của đồng bào Tày Nùng, voi chầu của vùng Tây Nguyên, ngựa hý của vùng cao, đấu vật kéo co trong ngày lễ hội mang màu sắc dân gian, cá vượt vũ môn hóa rồng, bộ tứ linh, trời mây hoa lá rất phong phú, có tới vài chục nữ thần cưỡi mây bay lượn trên bầu trời. Các nữ thần được bố trí trên các đầu duôi khắp bốn phía sát mái đình, hình tượng các nữ thần đầu quấn khăn như những Apxara, cũng với hình tượng Bà Banh mang ý nghĩa phồn thực đậm phong cách của các nghệ nhân Chămpa. Nghệ thuật Chămpa không chỉ thấy riêng ở đình Tây Đằng mà còn gặp ở đình Yên Bồ cũng gần đấy. Bà Banh đình Tây Đằng đặt ở con chồng nằm trên vị trí xà nách. Bà Banh ở đình Yên Bồ đặt trên giữa thượng cung, phía trước bài vị Thành Hoàng làng, gây một cảm giác tín lễ của phong tục Chăm, cùng với chiếc gậy hỉ. Khi người nào hiếm con trai đều đến xin cầu tự ở đây. Ông Từ làm lễ cúng Thành Hoàng xong, người chồng cầm gậy hỉ chọc vào khe linh của Bà Banh ba lần. Sau chín tháng mười ngày là đạt được linh ứng. Thể thức tín ngưỡng này giống như Linga và Yoni nguyên bản vùng tháp Chàm và Tây Nguyên.

Một số mẫu điêu khắc

Năm 2005, Bộ Văn hóa đã chủ trì việc trùng tu ngôi đình. Cột gỗ mít và thông đỏ được thay thế bằng gỗ lim, các chân tảng bằng đá ong được thay bằng đá xanh. Chỉ còn một vài cột cái, cột quân và một phần cột con là cố giữ lại. Các họa tiết đặc biệt quý hiếm của đình Tây Đằng vẫn được bảo tồn nguyên giá trị vốn có. Việc trùng tu đã đảm bảo kĩ thuật tốt, đảm bảo độ vững chãi của ngôi đình. Tiếc rằng, toàn bộ các cột được thay thế chỉ giữ lại được phần thượng thu hạ thách, còn dáng kiểu bông đòng đòng thì đã không còn, nên phần nào xa cách với di sản xưa. Bốn trụ đăng nghi môn cũng chỉ giữ lại được phần trụ lớn về phía bên phải của ngôi đình. Đỉnh trụ bốn góc chạm bốn con phượng uốn lượn thành bông hoa dành dành. Dáng trụ thanh thoát và nghệ thuật rất tinh xảo tiếc rằng, trụ lớn phía đối diện và hai trụ con hai bên đắp còn thô lược. Hậu thế không thể bắt trước được Tiền nhân.

Đình Tây Đằng là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc văn hóa đặc biệt độc đáo, đầy ắp các di vật quý giá cả về văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của ông cha. Với những giá trị văn hóa, kiến trúc, chạm khắc, tài hoa, sống động, đình Tây Đằng như một bảo tàng nghệ thuật của thế kỷ 16 và là di sản văn hóa kiến trúc độc nhất vô nhị của tổ tiên ban tặng cho các thế hệ con cháu muôn đời sau. Hãy biết bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ di sản đặc biệt quý giá này.

KTS Nguyễn Địch Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2016)