Giải thưởng kiến trúc pritzker 2023: David Alan Chipperfield

Ngày 7/3/2023, KTS dân dụng, nhà quy hoạch đô thị và nhà hoạt động, ngài David Alan Chipperfield CH đã được lựa chọn và vinh danh với Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2023, giải thưởng quốc tế vinh dự cao quý nhất của ngành kiến trúc.

Hình 1: KTS David Alan Chipperfield (Ảnh: Tom Welsh)

Tinh tế mà mạnh mẽ, dịu dàng mà thanh tao, David Alan Chipperfield là một KTS với sự nghiệp đồ sộ, luôn mực thước trong sự thể hiện một niềm kính trọng với lịch sử và văn hóa, đồng thời tôn vinh môi trường tự nhiên và xây dựng gốc – ông đã tái hiện lại những công năng sử dụng và độ tiếp cận dễ dàng của những công trình mới, những cải tạo và phục hồi bằng những thiết kế hiện đại vượt thời gian mà vẫn giải quyết được những vấn đề khí hậu cấp bách, thay đổi những quan hệ xã hội và mang lại sức sống cho các đô thị.

“Tôi thật sự rất choáng ngợp khi mà nhận được vinh dự phi thường này và được đứng chung với những người nhận giải trước, những người đã truyền cảm hứng cho ngành kiến trúc,” Chipperfield cho biết: “Tôi đón nhận giải thưởng này như một lời động viên để tiếp tục hướng sự chú ý của tôi đến cả bản chất và ý nghĩa của kiến trúc với những cống hiến mà những KTS như chúng tôi có thể tạo nên, để giải quyết được những thách thức hiện hữu của biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội. Với tư cách là những KTS, chúng tôi có thể đóng một vai trò tiên quyết và dấn thân hơn, trong việc tạo ra không chỉ là một thế giới đẹp đẽ hơn, mà còn là một thế giới bình đẳng hơn và bền vững hơn nữa. Chúng ta phải vượt qua thách thức, giúp truyền cảm hứng cho thế hệ sau, để họ đảm nhận trách nhiệm này với tầm nhìn sâu xa và lòng can đảm.”

Các công trình của ông, trải dài qua bốn thập kỷ, phong phú cả về kiểu loại và địa hình, bao gồm hơn một trăm công trình từ dân dụng, văn hóa, giáo dục đến nhà ở và quy hoạch tổng thể đô thị khắp Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.

Ban Giảm khảo của Giải thưởng Pritzker 2023 có nêu: “Niềm tận tâm với một kiến trúc có gương mặt con người, nhẹ nhàng nhưng có sức biến đổi mạnh mẽ, và với một sự định nghĩa – dù là với các dự án của tư nhân – của không gian vì lợi ích công, luôn được thực hiện với kỷ luật chặt chẽ, không hề có một bước thừa, tránh khỏi những gì phong trào hay theo “mốt”… Tất cả điều đó là một thông điệp vô cùng xác đáng với xã hội đương đại của chúng ta. Khả năng chắt lọc và thực hiện được những thực hành thiết kế với sự cân nhắc kỹ càng chính là một khía cạnh của tính bền vững (những năm gần đây chưa hề được biểu hiện lên một cách rõ ràng): Tính bền vững với tư cách là tính thích hợp, không chỉ để loại bỏ những gì thừa thãi mà còn là sự chuẩn bị để xây nên những cấu trúc mà có thể tồn tại lâu dài, cả về mặt vật chất lẫn về mặt văn hóa.

Chipperfield đã tính toán được các tác động môi trường và lịch sử theo khía cạnh bền vững này, nắm bắt được những gì chúng ta đang có, thiết kế và can thiệp đây, trong cuộc đối thoại với thời gian và địa điểm, đ ể tìm ra và làm mới lại ngôn ngữ kiến trúc của từng địa phương.

Công trình James-Simon-Galerie (Berlin, Đức, 2018) được đặt trên một hòn đảo đẹp nằm dọc theo con kênh Kupfergraben và có thể đi đến bằng con cầu Schlossbrücke, được sử dụng như là một con đường để đi đến Museum Island. Những hàng cột định lối nhã nhặn bao quanh sân thượng, một cầu thang rộng rãi, và nhiều không gian mở xen kẽ nhau đã cho phép lượng ánh sáng tự nhiên dồi dào chiếu vào lối vào chính của tòa nhà. Thiết kế này cho phép những góc nhìn mở từ bên trong ra và bên ngoài vào, thấu rõ qua những công trình liền kề và cảnh quan đô thị xung quanh.

Tom Pritzker, Chủ tịch quỹ Hyatt, đơn vị tài trợ cho giải thưởng này, nhận xét: “Ông ấy tự tin mà không hề kiêu ngạo, luôn từ chối những gì hợp mốt hay theo phong trào, để đối mặt và duy trì những kết nối giữa tính truyền thống và nhu cầu đổi mới, để phục vụ lịch sử và nhân loại… Dù cho những tác phẩm của ông có tính trang nhã đến mức bậc thầy, ông vẫn đánh giá thành tựu của những thiết kế của ông qua mặt phúc lợi xã hội và môi trường để nâng cao chất lượng sống cho toàn bộ các nền văn minh.”

Hình 2: James-Simon-Galerie (Nguồn ảnh: Ute Zscharnt cho David Chipperfield Architects
Hình 3: James-Simon-Galerie (Ảnh thuộc về Ute Zscharnt cho David Chipperfield Architects)

Trong những công trình cách tân ấy, độ chính xác của ông được thể hiện trong tính nhạy bén với lịch sử, sự nhạy cảm ấy đã định hướng tầm nhìn của ông để có thể khôi phục lại những thiết kế và cấu trúc nguyên thủy thay vì thay thế toàn bộ chúng bằng kiến trúc hiện đại. Ông nhìn nhận lại: “Với tư cách là một KTS, theo một nghĩa nào đó, tôi là người bảo vệ của ý nghĩa, của ký ức, và của di sản. Những thành phố là những bản ghi chép lại lịch sử, và kiến trúc sau một giai đoạn nào đó, là một trong những bản ghi lịch sử ấy. Mặt khác, những đô thị rất năng động, chúng không hề đứng yên, mà luôn phát triển và tiến hóa. Và trong cuộc tiến hóa ấy, chúng ta đã lấy những công trình này và thay thế bằng những công trình khác. Chúng ta đã chọn chính chúng ta là điều để giữ lại. Chính vì vậy, nếu suy nghĩ rằng chỉ cần bảo vệ cái điều tốt nhất và cao quý nhất ấy là không đủ, chúng ta phải là làm sao để bảo vệ được những đặc tính và phẩm chất, những điều phản ánh được sự giàu đẹp của quá trình tiến hóa của một đô thị.”

Bảo tàng Neues (Berlin, Đức, 2009), được xây dựng ban đầu vào giữa thế kỷ 19, bị phá hoại và không thể sử dụng được nữa trong Thế chiến thứ Hai, thể hiện cái cách mà Chipperfield phân biệt rạch ròi giữa bảo tồn, tái thiết và bổ sung. Cái mới nằm trong đối thoại với cái cũ, khi mà kiến trúc của quá khứ được khơi lên, mang lại những khoảnh khắc của tính hiện đại, ví như là một dãy cầu thang chính được bao quanh bởi các bức tường, nó lại chứa đựng một vài dấu vết của những bức bích họa nguyên bản và những vật liệu tái sử dụng, kể cả khi những dấu vết này đã hoen ố và tàn phai theo vết nhơ thời chiến. Khoảng không gian ngoài trời thoáng đãng thực hiện vai trò như là một nút kết nối lại tất cả, kể cả với những người chẳng đặt chân vào phòng triển lãm bao giờ.

Hình 4: Bảo tàng Neues (Ảnh thuộc về Ute Zscharnt cho David Chipperfield Architects)
Hình 5: Bảo tàng Neues (Ảnh chụp bởi Joerg von Bruchhausen, thuộc về SPK / David Chipperfield Architects)

Alejandro Aravena, Chủ tịch Ban giám khảo năm nay, Người đoạt Giải thưởng Pritzker 2016, giải thích thêm rằng: “Trong một thế giới mà nhiều KTS coi những dự án kiến trúc như là cơ hội để đánh bóng portfolio của mình, ông ấy đáp ứng từng dự án một với những công cụ cụ thể mà ông đã chọn ra, với độ chính xác và sự tận tâm lớn. Có lúc nó đòi hỏi một cử chỉ mạnh mẽ và hoành tráng, những lúc khác, nó lại yêu cầu một sự biến mất gần như hoàn toàn. Những công trình của ông ấy sẽ luôn đứng vững trước thử thách của thời gian, bởi lẽ những gì ông ấy làm ra là để phục vụ mục đích cao cả cho xã hội. Việc tránh đi những gì thời thượng chính là thứ cho phép ông giữ được phẩm chất của sự lâu dài.”

Việc KTS David Alan Chipperfield trùng tu và tái tạo Procuratie Vecchie (Venice, Ý, 2022), một công trình xây dựng từ thế kỷ 16, đã định nghĩa lại mục đích dân dụng của công trình này giữa lòng thành phố khi nó lần đầu tiên mở cửa cho tất cả mọi người. KTS David Alan Chipperfield đề cao những mối quan hệ hợp tác trong quá trình thực hiện, vì ông ấy luôn giữ được cái niềm tin rằng kiến trúc và thủ công luôn luôn song hành. Ông kêu gọi những người thợ thủ công truyền thống tái dựng lại những bức bích họa nguyên bản trên sàn nhà và thạch cao bằng đá mài và phấn màu, để khơi lại những tầng lớp của lịch sử đã qua, đồng thời kết hợp thủ công địa phương với các kỹ thuật xây dựng để có thể tạo ra những can thiệp hiện đại có mối tương quan sâu sắc ví dụ như tính lưu thông theo chiều đứng, sau quá trình tái thiết, tòa nhà giờ đây đã cho phép những góc nhìn cả từ trên xuống lẫn từ trong ra, để mở ra những sân thượng, triển lãm và không gian sự kiện, một khán phòng và một dãy mái vòm phân tán ra những phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Hình 6: Procuratie Vecchie (Ảnh thuộc về Richard Davies)
Hình 7: Procuratie Vecchie (Ảnh thuộc về Alessandra Chemollo)

Mỗi sản phẩm là một trách nhiệm phục vụ công dân và xã hội, Tòa nhà American’s Cup có tên “Veles e Vents” (Valencia, Tây Ban Nha, 2006), với mục đích ban đầu là nơi tiếp đón tạm thời cho những đội bóng và những nhà tài trợ nước ngoài. Không gian bên ngoài vượt lên không gian bên trong, những bệ quan sát nhô ra kiểu console trông giống như những tấm gương, chúng có kích thước rộng, có bệ rộng tới 15 mét trên từng lớp tầng. Chipperfield cho vào thêm những phần không gian công cộng với những dãy bán hàng ở tầng một và một đài quan sát mở cửa rộng rãi cho mọi người, từ đó người ta có thể nhìn được ra con kênh và cả TP mà không hề bị khuất tầm nhìn. Chưa hết, ông còn tạo ra được thêm một đoạn đường đi nối từ địa điểm này đến một công viên ở phía Bắc. Hay ví dụ như là việc ông khôi phục và bổ sung cho công trình Morland Mixité Capitale (Paris, Pháp, 2022) đã làm hồi sinh lại khu dân cư địa phương, với cụm nhà ở vừa sang trọng lại vừa hợp túi tiền, những địa điểm bán lẻ, những nhà hàng, một khách sạn và một nhà trọ cho giới trẻ, một không gian sắp đặt nghệ thuật và một mái vườn đô thị. Bằng việc nâng lên thể tích của các mái vòm chịu lực chạy suốt theo chân tòa nhà ban đầu, KTS đã tạo ra một không gian để gặp gỡ, mời gọi những vị khách đang đi qua những con đường với những giá trị về mặt thị giác và trực quan từ Đại lộ Morland đến dòng sông Seine.

Hình 8: America’s Cup Building ‘Veles e Vents,’ ảnh thuộc về Christian Richters
Hình 9: Morland Mixité Capitale, ảnh thuộc về Simon Menges

Dù là qua dự án công hay tư, ông cũng đều mang đến cho xã hội cơ hội để chung sống và chia sẻ, bảo vệ tính cá nhân và đồng thời cũng nâng niu ý nghĩa xã hội của cảm giác thuộc về nơi chốn.

Trụ sở của Amorepacific (Seoul, Hàn Quốc, 2017) đã cân đối được tính cá nhân và tính tập thể, cái riêng và cái chung, giữa lao động và nghỉ ngơi. Những lá nhôm đứng trên mặt tiền bằng kính giúp che nắng, bổ sung vào giải pháp vi khí hậu và lưu thông gió tự nhiên, tăng cường những kết nối giữa những người ở bên trong, những người sống bên cạnh và những người quan sát. Không gian văn phòng được trang bị một giếng trời, bên cạnh bảo tàng, thư viện, khán phòng và những nhà hàng. Một sân nhỏ ở giữa đã gắn kết được cộng đồng bên trong với những yếu tố bên ngoài.

Tại Inagawa Cemetery Chapel and Visitor Center (Hyogo, Nhật Bản, 2017), trên những dãy núi Hokusetsu, nơi vật chất và tinh thần cùng tồn tại, cho sự tĩnh lặng để tự vấn tự truy. Những sự thể hiện được kết nối với nhau và được phản chiếu trong những tòa nhà nguyên khối với tông màu đất, những bậc thang và đường đi lối lại nằm lên địa hình dốc, và nhà nguyện đa giáo ấy lặng lẽ nằm chéo góc với nơi du khách đến giao lưu.

Hình 10: Trụ sở Amorepacific, ảnh thuộc về Noshe
Hình 11: Inagawa Cemetery Chapel and Visitor Center, ảnh thuộc về Keiko Sasaoka

Ban Giám khảo Giải thưởng Pritzker 2023 tiếp tục nhận xét: “Các công trình của David Chipperfield ở các TP khác nhau có tính cá nhân rõ nét, có thể nhận ra được tức thì. Bởi lẽ, những công trình khác nhau của David Chipperfield đều được thiết kế riêng để đáp ứng cho từng hoàn cảnh cụ thể. Mỗi công trình đều khẳng định được sự hiện diện của mình, trong kết nối với bối cảnh. Ngôn ngữ kiến trúc của ông cân bằng được sự nhất quán trong nguyên tắc thiết kế cơ bản và tính linh hoạt để trao đổi với văn hóa bản địa… Công trình của David Chipperfield thống nhất lại Chủ nghĩa cổ điển Châu Âu, tính Anh Quốc đa diện, và cả sự tinh tế của Nhật Bản. Đó chính là thành quả của đa dạng văn hóa.”

Hình 12: Trụ sở BBC Scotland, ảnh thuộc về Ute Zscharnt cho David Chipperfield Architects
Hình 13: Hoxton Press, ảnh thuộc về Simon Menges
Hình 14: Museo Jumex, ảnh thuộc về Simon Menges
Hình 15: Bảo tàng River and Rowing, ảnh thuộc về Richard Bryant / Arcaid

Những công trình quan trọng khác của ông bao gồm Bảo tàng River and Rowling (Henley-on-Thames, Vương Quốc Anh, 1997), Trụ sở BBC Scotland (Glasgow, Vương quốc Anh, 2007), Turner Contemporary (Margate, Vương quốc Anh, 2011), Bảo tàng Nghệ thuật Campus Saint Louis (Missouri, Mỹ, 2013), Khuôn viên Joachimstraße (Berlin, Đức, 2013), Bảo tàng Jumex (Thành phố Mexico, Mexico, 2013), Quảng trường One Pancras (London, Vương quốc Anh, 2013), Quy hoạch tổng thể Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (London, Vương quốc Anh, 2018), Hoxton Press (London, Vương quốc Anh, 2018) và Kunsthaus Zürich (Zurich, Thụy Sĩ, 2020).

Dịch từ: https://www.pritzkerprize.com/laureates/sir-david-alan-chipperfield-ch#laureate-page-2506

Chipperfield là người giành Giải thưởng Kiến trúc Pritzker lần thứ 52. Ông sống ở London và đứng đầu các văn phòng thiết kế khác ở Berlin, Milan, Thượng Hải và Santiago de Compostela. Lễ trao Giải Pritzker 2023 sẽ được tổ chức tại Athens, Hy Lạp vào tháng 5 này.

KTS Vũ Trung Kiên (dịch và tổng hợp)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)