Hướng phát triển bền vững cho Long An khi ở cạnh một Vùng đại đô thị như Tp Hồ Chí Minh

Long An nằm trong vành đai nông nghiệp của TP HCM trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vị trí này có các điểm lợi và cũng không ít điều bất lợi, nhất là khi thành phố lớn trung tâm như TP HCM quá tải, có khuynh hướng bành trướng đô thị “bẩn” ra vành đai xanh ngoại vi. Quy hoạch đô thị Long An phải làm gì để phát triển đượctheo hướng xanh bền vững?

Bản đồ Long An
Bản đồ Long An

Xu thế hình thành Vùng đại đô thị Tp Hồ Chí Minh

Có lẽ hiện nay trong số các nước châu Á chỉ có Hà Nội, TP HCM là còn nằm trong tình trạng “đại đô thị đơn tâm” (monocentricity hoặc là megacity). Do vậy, việc chuyển nhanh sang “Vùng Đại Đô thị” (VĐĐT, Mega-Urban Region) với đặc tính đa cực, phi tập trung là một yêu cầu cấp bách có tính chất sống còn.
Nếu làm được như thế thì TP HCM trong Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam sẽ phát huy được nhiều hơn nữa vai trò là đầu tàu trong tiến trình phát triển của Nam bộ.
Cho đến nay, VĐĐT được coi là mô hình có ưu thế nhất, đáp ứng được sự đòi hỏi cùng lúc các lời giải cho bài toán qui hoạch, tăng trưởng kinh tế, dân số, giao thông, môi trường, văn hóa, lối sống.
Mỗi khu vực có thể lựa chọn cho mình mô hình VĐĐT khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải tìm mọi cách phá thế đơn độc để hòa nhập vào không gian kinh tế, văn hóa – xã hội rộng lớn hơn vượt ra khỏi biên giới hành chính hiện hữu. Việc chuyển sang VĐĐT sẽ giải quyết được một cách căn bản những vấn nạn bên trong mỗi đô thị lớn như tắc nghẽn giao thông, quá tải dân số, ô nhiễm môi trường và chủ động điều phối được những quan hệ giữa các đô thị trong toàn vùng về thị trường lao động, hàng hóa, vốn và các nguồn lực từ bên ngoài.
Tuy vậy, nếu thành phố trung tâm bành trướng quá lớn thì nó luôn có khuynh hướng tìm cách tăng quỹ đất hoặc đẩy các công trình gây ô nhiễm ra vành đai nông nghiệp của mình và các tỉnh phụ cận.

Nguy cơ thải chất “bẩn” đô thị ra vành đai xanh ngoại vi

Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam thường vạch kế hoạch cho tổng thể đất đô thị ngày càng tăng. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM tuy đã bành trướng mở rộng mà vẫn còn nguy cơ làm biến mất vùng vành đai xanh bao bọc. Sự việc này đi ngược nguyên tắc giữ các vành đai đảm bảo phát triển bền vững, lấy đi những vùng đất màu mỡ cung cấp rau xanh, thực phẩm và các loại hoa, thủ tiêu những lá phổi xanh, không gian nghỉ dưỡng tối thiểu… Báo cáo của Ngân hàng Thế giới rất sớm vào năm 2006 đã cảnh báo: “Việt Nam mỗi năm chuyển đổi khoảng 10.000ha đất nông nghiệp thành đất đô thị – hầu hết là các vùng ven đô. Điều thú vị là việc này dường như mâu thuẫn với các Chính sách quốc gia về chống hao hụt quỹ đất nông nghiệp cơ bản và đảm bảo an ninh lương thực”.
Nhìn tổng thể, chất lượng định cư đô thị của Việt Nam đã mắc phải 3 nhược điểm lớn là chất lượng con người (văn hóa, trình độ lao động), chất lượng xây dựng (vật chất) của thành phố yếu kém, và căn bệnh liên tục bành trướng đô thị “bẩn” ra vành đai xanh ngoại vi, gây nguy hại tới tính bền vững.
Mặt khác, việc phát triển các vùng đô thị ở Việt Nam luôn phải đối đầu với hiện tượng xung đột lớn giữa đô thị – nông thôn, cần rất nhiều thời gian để chuyển hoá. Tương lai của chúng nằm ở sự biến chuyển thật sự của các vùng ven và vùng nông thôn rộng lớn bao quanh. Có lẽ các khái niệm: Đô thị nông nghiệp, đô thị rừng bảo tồn sinh thái, đô thị du lịch, vành đai xanh… cần được sử dụng để khi quy hoạch tránh được sự xáo trộn dân cư quá lớn.
Quá trình chuyển đất nông nghiệp (đặc biệt là đất lúa nước) sang các mục đích khác (xây dựng, giao thông, công nghiệp, vui chơi giải trí…) là một đi không trở lại. Cho nên cần hạn chế tối đa quá trình chuyển đổi đó để đảm bảo an ninh lương thực cho không chỉ vài thập kỷ tới, mà các thế hệ người Việt trong những thiên niên kỷ sau này. Cụ thể là không được lấy đất lúa nước cho xây dựng đô thị, khu công nghiệp, xây dựng sân golf trên đất nông nghiệp…
Nên nghiên cứu mô hình phương Tây khi bảo tồn các vùng ngoại vi của đô thị (Agglomeration) lớn nhất, ở đó các đô thị chiếm ưu thế đích thực, nhưng cũng bao gồm một phần quan trọng là những dân cư nông thôn. Như vậy, khung cảnh sống của thuộc tính nông thôn gắn với trồng trọt vẫn được bảo lưu một cách hài hoà trong khung cảnh hiện đại.
Hiện nay, TP HCM có nhu cầu giải tỏa các nhà máy gây ô nhiễm nội thành ra vùng ven, dễ nhất là chuyển về các tỉnh nông nghiệp phụ cận. Long An với mục tiêu công nghiệp hóa tỉnh nhà, khả năng một sốnhà máy gây ô nhiễm sẽ chuyển đến các huyện giáp ranh với thành phố là không tránh khỏi..
Các huyện ngoại thành TP HCM đều bức xúc với các bãi rác thải. Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An cũng trong tâm trạng ấy khi tiếp nhậnkhu xử lý rác với tên gọi “Khu công nghệ môi trường xanh”, quy mô 1760 ha.
Sân golf là nhu cầu cho người giàu ở đô thị lớn. Với điều kiện đất đai, vị trí thuận lợi, những năm trước đây, Long An, cũng phải chịu áp lực nặng nề khi các nhà đầu tư bất động sản đến từ TP HCM đề nghị cho xây dựng đến 18 sân golf, với diện tích mỗi sân rất lớn do kết hợp với kinh doanh nhà đất, trong đó huyện Cần Giuộc có đến 5-6 sân với diện tích lên đến 1500 ha. Lãnh đạo tỉnh Long An đã kịp kiểm soát tình hình, điều chỉnh chủ trương tiếp nhận và yêu cầu thay đổi mục tiêu đầu tư khi biết được khả năng gây ô nhiễm đất, tiêu tốn nước của các sân golf và ý định kinh doanh đất đai không thích hợp của các nhà đầu tư.

Quy hoạch đô thị Long An phải làm gì để phát triển theo hướng xanh bền vững ?

Chúng ta nên tránh hiện tượng đô thị hoá nông thôn để tạo ra các đô thị nhỏ mật độ cao, lộn xộn hình thành xung quanh các vùng đô thị trung tâm (metropolitan zone) hay liên đô thị (conurbation). Nếu chúng có thể thành công ở Bắc Mỹ hoặc TâyÂu, do điều kiện đầu tư cao và công nghiệp hoá nông nghiệp toàn diện, hiện tượng này đang có xu hướng lan nhanh ở Việt Nam và sẽ gây bất ổn cho các vùng định cư nông thôn.
Ta nên nghiên cứu mô hình doanh nghiệp gia đình hay xí nghiệp nông nghiệp ở nông thôn nhằm phát triển công nghiệp hoá từng bước ở đây, dần giảm bớt đáng kể con số của lực lượng sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn xây dựng được nền nông nghiệp thương phẩm. Đồng thời nghiên cứu các mô hình định cư nông thôn mới mang thuộc tính nông nghiệp cho dân cư nông nghiệp và phi nông nghiệp tại chỗ.
Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy tiến trình công nghiệp hóa ở đây đã xuất phát từ quyền lợi của số đông dân cư nông thôn để liên kết chặt chẽ với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm hiện đại hoá nông thôn và nông nghiệp. Các mô hình doanh nghiệp nông thôn đã ra đời nhanh chóng đảm bảo cho Trung Quốc phát triển tiến trình công nghiệp hoá đất nước trên mọi vùng lãnh thổ. Như vậy, Trung Quốc tìm cách tách rời công nghiệp hoá ra khỏi đô thị hoá ở vùng nông thôn và kéo lại gần nhau hai thái cực “công nghiệp hoá” và “nông thôn hoá”. Mặc dù trong lịch sử kinh tế phương Tây và sự phổ quát của nó ở quy mô toàn thế giới, hai thái cực nêu trên tới thời điểm này vẫn được coi là tương phản, không thể gắn kết. Trung Quốc đã thành công công nghiệp hoá nông thôn với khẩu hiệu “Ly nông bất ly hương”. Do vậy giữ được khung cảnh sống với thuộc tính nông thôn phi nông nghiệp,chứ không đô thị hoá nông thôn như chúng ta vẫn hiểu và đang áp dụng ở Việt Nam.
Về thực chất, các mô hình cư trú truyền thống ở nông thôn liên kết chặt chẽ với khung cảnh sống mà ở đó cơ bản là nông dân làm lụng trên những cánh đồng, trang trại, rừng… Xu hướng chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ thời kỳ hiện đại hóa đã tách một phần lớn mô hình này ra khỏi chức năng kinh tế nông nghiệp mà nó vốn có để tạo ra một tầng lớp dân cư nông thôn phi nông nghiệp. Đây là những cơ sở lý luận để điều tra về dân cư nông thôn Việt Nam và những biến động của nó trong tương lai nhằm nghiên cứu đề xuất tiêu chuẩn sử dụng đất ở, đất sản xuất… cũng như các mô hình cư trú thích ứng với nông thôn mới.
Quy hoạch đô thị Long An nên nghiên cứu làm theo lối đó thì sẽ sử dụng tốt được vị trí đứng cạnh VĐĐT lớn như TP HCM mà vẫn thực hiện được hướng phát triển xanh bền vững.

KTS Nguyễn Hữu Thái

( Bài đăng trên tạp chí kiến trúc số 06 -2015 )