Internet of things (IOT): Cuộc cách mạng tạo dựng bản sắc mới trong thiết kế nhà ở?

Đó là nội dung được KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Xây dựng Nhà Vui trao đổi tại Toạ đàm “Nội thất Việt: Bản sắc và công nghệ” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Cuộc thi Thiết kế “Ngôi nhà mơ ước 2021 – 2022”.

Tạp chí Kiến trúc đã có cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Thu Phong với câu hỏi thú vị: Liệu rằng sự tham gia của công nghệ có thể tạo ra một cuộc cách mạng tạo dựng bản sắc mới trong lĩnh vực thiết kế nhà ở? – Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phóng viên (P/v): Những nội dung của IOT – Internet of things đã được đề cập đến ở nhiều lĩnh vực, anh có thể chia sẻ thêm với bạn đọc TCKT về những tác động của IOT trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và nội thất được không, thưa anh?

KTS Nguyễn Thu Phong – Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam

KTS Nguyễn Thu Phong: Các bạn biết đấy, chúng ta đã nghe nhiều về cuộc Cách mạng 4.0, về chuyển đổi công nghệ số… Ở đây tôi muốn chia sẻ thêm những thông tin để gợi mở các bạn tìm hiểu cụ thể về IOT, về xu hướng smart home trong lĩnh vực thiết kế xây dựng – Thực chất đó là cuộc cách mạng của việc kết nối các vật dụng, các thiết bị trong nhà ở với mạng internet và việc này tác động rất lớn đến văn hoá ở cũng như không gian ở của chúng ta sau này.

Không phải tự nhiên mà chúng ta đề cập đến nội dung này như một cuộc cách mạng – Đó là sự thay đổi cơ bản về quan điểm sống, chất lượng sống, cũng như về các vật dụng, trang thiết bị nội thất hiện đại. Nếu như giường, tủ, bàn ghế… ban đầu chỉ đáp ứng các công năng sử dụng cơ bản và thiết yếu thì các trang thiết bị nội thất với công nghệ ngày càng hiện đại đang từng ngày nâng cấp chất lượng ở bằng sự tiện nghi và những trải nghiệm đầy hứng thú, và tồn tại như một thói quen mới trong không gian nhà ở.

Tôi sẽ cùng các bạn giải mã từng bước sự thay đổi này với những câu hỏi tưởng chừng như rất cơ bản:

  • Tại sao lại là sự thay đổi lớn? – Theo số liệu của năm 2021, có 36 tỷ thiết bị được nối mạng internet trongg nhà ở trên toàn thế giới, trong mỗi giây có 127 thiết bị được kết nối. Và con số này đang tăng lên mỗi ngày với tốc độ phi mã, dự báo các thiết bị thông minh kết nối vào nhà ở sẽ đạt 75 tỷ vào năm 2025.
  • Internet of things nghĩa là gì? – Đó là các thiết bị được kết nối mạng một cách thông minh, có thể tương tác và liên lạc với nhau. Ngoài ra hệ thống thiết bị thông minh có thể hoạt động cùng lúc để điều phối các tác vụ được đưa ra, bao gồm 5 thành phần chính: Thiết bị (là các hệ thống điện tử, các hệ thống điều chỉnh và các thiết bị ứng dụng, đem lại cuộc sống thoải mái và tiện nghi); Bộ nguồn và thiết bị cảm ứng, kết nối các thiết bị, có khả năng tự động hoá, hoạt động trên mạng internet; Internet; mạng không dây; tự động hoá.

Trong đó, tôi cho rằng, 3 nguồn cảm hứng quan trọng đối với cả người sử dụng và người thiết kế – Đó là internet, điều khiển không dây và sự tích hợp.

P/v: Vậy theo anh, tác động của IOT trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc – nội thất thể hiện rõ nét nhất trong các tiện nghi của ngôi nhà thông minh – smarthome?

KTS Nguyễn Thu Phong: Cũng không hẳn như vậy. Bạn có thể thấy: Chúng ta có quá nhiều thiết bị thông minh nhưng tích hợp nó trong nhà ở như thế nào lại là trải nghiệm hoàn toàn khác. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có những thay đổi trong công việc thiết kế. Tôi xin lấy 1 ví dụ về việc lập trình của các thiết bị nội thất đã đem đến 24h tiện nghi cho người sử dụng như thế nào.

Hoặc một ví dụ khác, các sản phẩm cụ thể đang rất phát triển mạnh tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, như từ màn hình, camera, bộ điều khiển, các thiết bị gia dụng truyền thống nay được trang bị các tính năng thông minh kết nối internet…. nhiều sản phẩm tích hợp đem đến tiện nghi và những điều thú vị cho cuộc sống, Ví dụ : không chỉ Tủ lạnh, tivi, các thiết bị nhà bếp… mà toàn bộ hệ thống điện tử an toàn, hệ thống sưởi, tự động hóa, quạt trần… cho đến các vật dụng như bàn cân sức khỏe điện tử chậu cây thủy sinh.. đều có thể kết nối internet và báo cho chúng ta dữ liệu qua các App cài đặt qua điện thoại, tất cả thế giới thu nhỏ qua handphone. Nhưng không phải sản phẩm nào cũng thực sự hữu ích. Những sản phẩm công nghệ tồn tại được đã bước vào đời sống con người theo những cách rất truyền thống – Đó chính là tiêu chuẩn sản xuất của vật liệu xây dựng ở thị trường hiện đại. Khi tôi phải thay bộ khoá mới, tôi rất lo ngại, sợ rằng nó sẽ không tương thích với công nghệ cũ của cánh cửa nhà mình, nhưng thực tế là các nhà sản xuất đã nghĩ đến điều này, và tôi lựa chọn được bộ khoá số rất hiện đại, kết nối internet, mở đóng từ xa, báo có người đột nhập, nhưng lại gắn trên một bộ cửa cũ trong ngôi nhà theo kiểu truyền thống đang ở. Đó chính là sự thông minh của nhà sản xuất, và IoT đã âm thầm hiện đại hóa không gian sống chúng ta từng ngóc ngách.

Và như vậy, xu hướng sử dụng ngôi nhà thông minh với sự tăng cường của các thiết bị được kết nối internet – IOT đã làm nơi ở của chúng ta tiện nghi hơn, kinh tế hơn, giải trí hơn và an toàn hơn.

Tôi cho rằng xu hướng này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thập niên tới với thị trường thiết bị smart home, đang càng ngày càng tích hợp nhiiều thiết bị hơn trong cuộc sống hiện đại. Đồng thời, các sản phẩm cũng sẽ được cải tiến mạnh mẽ hơn với 5 xu hướng nổi bật là:

  • Nâng cao tiêu chuẩn hoá, đồng bộ hoá (tạo ra 1 “hệ sinh thái” bao trùm lên các thiết bị);
  • Smart home sẽ thật sự thông minh;
  • Sự xuất hiện và bùng nổ của các thiết bị dạng robot;
  • Y tế và sức khoẻ;
  • Mạng nhanh hơn, có nghĩa là thông minh hơn.

Như vậy, tôi cho rằng, sự tác động mạnh mẽ nhất của IOT là đến nhận thức, làm thay đổi tư duy của người thiết kế và người tiêu dùng/sử dụng những sản phẩm được cải tiến và tích hợp một cách thông minh, làm chính những chủ nhân ngôi nhà thay đổi tập quán, phong cách và văn hóa sống. Điều đó quan trọng hơn nhiều, rộng mở hơn nhiều so với việc chúng ta chỉ nhìn vào sự tiến bộ của các thiết bị của smarthome đơn lẻ.

Bộ khóa số tích hợp internet vẫn có thể tương thích trên bộ cửa tiêu chuẩn cũ của ngôi nhà hiện hữu. Yếu tố tích hợp internet trên điều kiện đồng bộ tiêu chuẩn xây dựng

P/v: Sự thay đổi này sẽ tác động như thế nào tới bản sắc của nội thất và kiến trúc – Liệu chúng có tạo ra một cuộc cách mạng tạo dựng bản sắc mới trong thiết kế nhà ở không thưa anh?

KTS Nguyễn Thu Phong: Tôi nghĩ là có, nhưng nó sẽ diễn ra theo 1 tiến độ nhất định: Đầu tiên là xuất hiện sức ì, sự phản kháng khi tiếp nhận cái mới rồi sẽ đến sự dung hoà với những yếu tố mới và truyền thống một cách hấp dẫn. Điều này dẫn đến sự thay đổi một cách đa dạng trong mọi phong cách kiến trúc. Ta có thể thấy dẫn chứng ở thực tế:

  • Phong cách hiện đại, rất dễ tích hợp với những thiết bị công nghệ cao, thực sự là nguồn cảm hứng bất tận cho những chủ nhà yêu công nghệ,
  • Những thiết bị cũ nhưng đã được tích hợp những yếu tố công nghệ đem đến sự tươi mới cho không gian, tiện nghi cho người sử dụng
  • Phong cách cổ điển được ẩn giấu những thiết bị cảm ứng hiện đại, khiến không gian ở vẫn truyền thống bản sắc nhưng đổi mới nâng cao tiện ích thông minh tích hợp

Với những ví dụ trên, những thiết bị mới không hề phá vỡ những bản sắc cũ. Smart home và homestyle với tâm điểm là các thiết bị nội thất được kết nối internet, khuyến khích yếu tố không dây, tích hợp với các phần mềm có sẵn. Sự thay đổi quan trọng nhất nằm ở sự phát kiến công nghệ, con người cần chấp nhận những trải nghiệm mới. Một sản phẩm thành công được xác định bằng sự chấp nhận và sử dụng lâu dài.

Trong đó, chủ nhà vẫn chọn đc phong cách yêu thích, điều này đòi hỏi các nhà thiết kế phải sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới.

Rõ ràng, đến đây, vai trò tiếp cận của người thiết kế trong áp dụng công nghệ mới sẽ góp phần tạo dựng bản sắc theo yêu cầu chủ nhà

Đối với thị trường Việt Nam, dự báo khá tươi sáng với việc tiếp cận nhanh các tiến bô công nghệ, các sản phẩm ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin. Nhưng để các sản phẩm công nghệ cao đi vào bản sắc nhà ở thì vẫn cần thêm thời gian, trong đó cần sự cải thiện lớn bởi các yếu tố:

  • Văn hoá sống, sự phát triển văn minh của cả xã hội, định hình các phong cách thẩm mỹ;
  • Hạ tầng phát triển chung bởi các nhà sản xuất, bảo dưỡng và cung cấp dịch vụ
  • Tiêu chuẩn hoá trong xây dựng;
  • Vấn đề sở hữu trí tuệ, an ninh, bảo mật, và hành lang pháp lý bảo vệ.

IOT đang dần hiển hiện và tiếp cận cuộc sống quanh ta. Nội thất Việt Nam đang trong quá trình tiếp thu tinh hoa của thế giới và tìm kiếm phong cách riêng cho chính mình. Việc du nhập những công nghệ mới nhất là việc cần thiết để làm cho truyền thống được tiếp nối một cách tươi mới, nhưng vấn đề đặt ra là KTS, nhà thiết kế cần sử dụng công nghệ như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho thiết kế mà không làm phai nhạt bản sắc văn hoá trong không gian nhà Việt. Hy vọng rằng, việc nhận thức rõ được vai trò cũng như con đường phải đi sẽ giúp các KTS trẻ, các nhà thiết kế của chúng ta mạnh dạn thử nghiệm và tìm ra hướng đi tối ưu cho công nghệ và bản sắc Việt.

P/v: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

Bích vượng (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2022)