Kết nối – Tương tác vị dân sinh qua hai chương trình nghệ thuật công cộng ở quận Hoàn Kiếm Hà Nội

Một chiều mùa hè, nghệ sĩ Thế Sơn – người giám tuyển chương trình đã giới thiệu với Chủ tịch Hội KTS Việt Nam và một số anh chị em KTS hai  dự án nghệ thuật vì cộng đồng ở phố Phùng Hưng và đường mòn tự phát ven bờ sông Hồng. Phong cách giới thiệu hào sảng và những đường nét phóng khoáng ở cả hai dự án đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ của sự giao hòa của nghệ thuật và cuộc sống vị dân sinh. Những tác phẩm này làm sáng lên hình ảnh kiến trúc khu vực mà thường ngày trông có vẻ lam lũ và bị lãng quên. Nghệ thuật hoạ – khắc tương tác hữu hiệu cùng kiến trúc và gần gũi với cộng đồng. “Hẻm Phùng Hưng” đã vào lãng du! “Lối mòn ven sông Phúc Tân” thắp sáng nên miền nhớ.

TCKT xin trân trọng giới thiệu hai dự án nghệ thuật công cộng do quận Hoàn Kiếm và các anh em họa sĩ – điêu khắc – KTS cùng thực hiện với sự tham gia nhiệt tâm của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

Cấn Văn Ân – PHẢN CHIẾU SONG HÀNH: Hình ảnh con thuyền gác bến được gắn nổi hàng ngàn mảnh gương phản chiếu linh ảo hiện tại vào di tưởng quá khứ lấp lánh.
Nguyễn Thế Sơn – GÁNH HÀNG RONG: Cuộc đối thoại của những bóng hình giới cần lao thời đầu thế kỷ 20 với chính bến nước sông Hồng nay và những con phố mỹ thuật khai sáng xưa
Nguyễn Trần Ưu Đàm – NHỮNG THÁNH GIÓNG ĐƯƠNG ĐẠI: Một ẩn dụ sự phát triển kéo theo những mặt tiêu cực về môi trường trong xu hướng toàn cầu-trận chiến thánh gióng hiện đại vì cuộc sống xanh
Trần Tuấn – CHIẾC KẸP TÓC: Sự xâm lấn mềm hoạt và quyết liệt của dòng trôi cuộc sống (trong đó có ngành địa ốc) có thể làm nhòa mất mọi giới hạn ràng buộc
Nguyễn Ngọc Lâm – THÀNH PHỐ VEN SÔNG: Gợi viễn cảnh rộng dài rực sáng của đô thị ven sông với những cảnh tỉnh đi kèm

Nghệ thuật đường phố Phùng Hưng – Đánh thức vùng hẻm bị lãng quên

(Dự án nghệ thuật công cộng hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc do UBND Quận Hoàn Kiếm thực hiện)

Jang Suik – CẦU LONG BIÊN: Góc nhìn “người ra đi đầu ngoảnh lại” cầu Long Biên kết nối quá khứ vào tương lai. Được tạo lập từ hàng vạn dây điện nhiều màu ken vào nhau cũng là một dụng ý tầng thời gian
Nguyễn Xuân Lam – TUẦN LỄ THỜI TRANG PHỐ CỔ: Lấy cảm hứng từ “múa rồng” tác phẩm nổi tiếng dòng tranh dân gian hàng Trống với những bộ trang phục chuyển hóa thời đại từ “mặc ấm” sang “mặc đẹp” hợp mốt. hội nhập toàn cầu nhưng không hòa tan
Kim hu Chang – TÀU ĐIỆN LENG KENG: Tái hiện để mọi người cảm nhận lại ngày xưa thanh nhã thư thái. Khuôn mặt khách đi tàu hao hao người Hàn mang đến một thi vị về giao lưu văn hóa quốc tế

Ảnh trong bài: TS.KTS Phan Đăng Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)