Khai thác các yếu tố bản địa nhằm tạo lập các “di sản mới” trong lòng di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long

Bài báo đưa ra một góc nhìn quy hoạch và xây dựng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nơi có di sản thiên nhiên thế giới, cũng là nơi đang được quy hoạch hướng tới đô thị lớn cần nghiên cứu sâu về tính bền vững. Hai yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc đô thị và tính bền vững cho sự phát triển đô thị là khai thác giá trị bản địa về văn hóa và thiên nhiên, môi trường. Ứng dụng những giá trị bản địa đó như thế nào trong việc thiết kế và quy hoạch đô thị để góp phần tạo ra những di sản đô thị mới mang bản sắc địa phương, đồng thời bắt kịp với những xu thế thời đại mới. 

Khung lý thuyết

Di sản kiến trúc

Theo công ước Di sản thế giới của UNESCO năm 1972, các di tích, các công trình hay địa điểm được coi là di sản văn hóa có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật và khoa học.

Trong lý thuyết hiện đại của Brandi, phẩm chất của một di sản văn hóa là những giá trị lịch sử và thẩm mỹ. Công trình di sản là một hệ thống phức tạp gồm không gian, khối lượng, vật liệu, bề mặt, các khía cạnh xây dựng, chức năng và hình dạng thực tế trong quá khứ, sự xuống cấp… Di sản kiến trúc có thể được hiểu là một “hiện vật”, là nhân chứng của các nền văn hóa, và các sự kiện xảy ra trong suốt vòng đời của công trình.

Theo giới chuyên gia, Di sản đô thị bao gồm các công trình mang tính tượng đài và các yếu tố kiến trúc thông thường, tạo thành một chỉnh thể thống nhất hoặc một cấu trúc không gian đô thị thống nhất, thể hiện qua các đặc tính chung, phong thái quy hoạch, công năng đặc thù hoặc dấu ấn của một giai đoạn. Các công trình kiến trúc được coi là di sản kiến trúc khi nó mang những giá trị tiêu biểu đặc trưng về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đối với dân cư địa phương, quốc gia, hoặc cộng đồng quốc tế. Điều quan trọng là các di sản này đã và đang tiếp tục đóng góp vào việc hình thành bản sắc và góp phần nhận diện đô thị.

Di sản kiến trúc hiện đại

Kiến trúc, quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan từ thế kỷ 19 và 20 đều được coi là Di sản Hiện đại theo Nhận dạng và Tài liệu về Di sản Hiện đại của UNESCO (2003). Những tòa nhà này đóng vai trò như một lời nhắc nhở về một thời đại được đặc trưng bởi sự phát triển kinh tế xã hội và công nghệ chưa từng có diễn ra một cách nhanh chóng. Việc kết nối một công trình kiến trúc hiện đại với di sản có thể là một thách thức vì thuật ngữ “di sản” thường gắn liền với những công trình kiến trúc bằng gạch hoặc đá bị hư hỏng nghiêm trọng, đã cũ đi. Tuy nhiên, các công trình hiện đại là một phần không thể thiếu của nhiều quần thể đô thị, đại diện cho lịch sử phát triển của các đô thị trong thời đại mới.

Yếu tố bản địa trong việc định hình bản sắc kiến trúc để trở thành di sản đô thị

Dù được biểu hiện vô cùng đa dạng, nhưng mỗi một không gian và thời gian cụ thể của kiến trúc đều xác định một bản sắc riêng. Mỗi KTS đều biết đến bản sắc kiến trúc theo các góc độ:

  • Bản sắc địa lý vùng miền: Nhiệt đới, hàn đới, sa mạc, núi đồi…;
  • Bản sắc theo tập quán xây dựng: Đá, gỗ, gạch, kính, kim loại;
  • Bản sắc theo tập quán mưu sinh: Nông dân, ngư dân, du mục, thành thị, nông thôn…

Biểu hiện của bản sắc kiến trúc càng tinh tế và nhiều khác biệt khi gắn với tính nơi chốn của kiến trúc, với điều kiện kinh tế xã hội của từng cộng đồng cư dân bản địa.

Chỉ có sự khác biệt rất “người” trong bản sắc địa lý mới làm rõ hơn và làm phong phú vô cùng bản sắc kiến trúc. Bởi sự khác biệt hình thức, thuộc tính vùng miền địa lý, chỉ là vài khía cạnh nhỏ so với sự khác nhau cực kỳ phong phú ở phong tục, tập quán, truyền thống… là những yếu tố nội hàm của bản sắc kiến trúc – Thêm nữa, bản sắc kiến trúc, thuộc nội hàm phi vật thể, có sự tương tác chằng chịt theo dòng lịch sử phát triển của văn hóa xã hội nói chung, làm đậm thêm giá trị các mặt của bản sắc.

Hình 1. Các dạng địa hình độc đáo của Thành phố Hạ Long và vịnh Hạ Long

Những đặc điểm được lặp đi lặp lại một cách khách quan trong phạm trù bản sắc được hoàn thiện dần, theo nhu cầu, thói quen, kỹ năng lẫn tình cảm. Đến mức vừa là phương tiện, vừa là mục đích, vừa là đại diện cho các mặt giá trị của một nền kiến trúc, thì nó sẽ thành di sản.

Di sản có sự thôi thúc không chỉ sự gìn giữ mà còn góp phần quảng bá, giáo dục lòng tự hào, tiếp sức sống tinh thần cho nhiều thế hệ con cháu muôn đời sau. Bản sắc nặng về biểu hiện. Di sản có đời sống riêng, phát huy ảnh hưởng tốt đẹp tới dòng chảy của văn hóa kiến trúc. Đã là di sản thì đồng nghĩa với một giá trị được xác định. Chính vì vậy, đặc điểm nổi bật nhất của di sản kiến trúc, là yếu tố động. Động vì nó phụ thuộc vào hệ sinh thái địa lý lẫn nhân văn, kinh tế lẫn xã hội. Và các yếu tố đó là đại diện cho yếu tố bản địa của một khu vực. Có thể nói áp dụng những yếu tố bản địa trong thiết kế và xây dựng công trình chính là những bước khởi đầu để công trình đó trở thành di sản đô thị trong tương lai.

Yếu tố bản địa của thành phố Hạ Long

Yếu tố vật thể

Yếu tố tự nhiên

Giá trị thẩm mỹ của địa hình: Vịnh Hạ Long là tác phẩm nghệ thuật tạo các hình kỳ lạ của tạo hoá, kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng, khoẻ khoắn với sự duyên dáng, thơ mộng. Nhưng Hạ Long không phải là “tác phẩm” nghệ thuật tĩnh, mà luôn biến đổi về tạo hình và màu sắc theo thời gian và góc nhìn, tạo nên trong giây lát những cảnh sắc khác thường, khiến cho du khách ngữ ngàng, bối rối.

Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Hạ Long là vùng biển duy nhất của Việt nam, trên diện tích không rộng, mọc lên hàng nghìn hòn đảo với vô số hình dạng kỳ di khác nhau. Đảo đá xen kẽ với đảo đất như rồng bay phượng múa, có nơi đảo quần tụ xúm xít như những quân cờ chồng chênh trên sóng nước, lại có chỗ các đảo đứng xen kẽ nhau san sát chạy dài hàng chục cây số, trông xa như một bức tưởng thành ngăn khơi với lộng, nối mặt biển xanh với chân trời biếc.

Có thể khẳng định rằng địa hình là yếu tố cảnh quan nổi bật nhất của khu vực. Giá trị thẩm mỹ của Hạ Long đã được công nhận là giá trị toàn cầu, tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất đối với khách du lịch. Việc tổ chức các tuyến tham quan đa dạng, hấp dẫn với nhiều cách tiếp cận phong phú sẽ giúp cho du khách cảm thụ được tốt nhất vẻ đẹp của Hạ Long và góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị của di sản. Địa hình của hệ thống đảo còn tạo ra rất nhiều hang động, tùng áng, bãi cát là những yếu tố cảnh quan đặc biệt hấp dẫn mà các khu vực khác khó có thể có được.

Yếu tố nhân tạo

Các không gian và công trình kiến trúc truyền thống của TP bao gồm những di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ những công trình kiến trúc mang phong cách bản địa, những làng nghề truyền thống – Đó là những dấu ấn lịch sử đã đi sâu vào tâm thức người dân bản địa, tạo nên giá trị thời gian hay “cái hồn” cho một khu du lịch. Các di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ tập trung chủ yếu ở khu vực Bái Tử Long, đảo Quan Lạn, bán đảo Trà Cổ, hang Soi Nho, hang Nhà Trò Đồng Mang, Xích Thổ. Ngọc Vừng, Tuần Châu… thể hiện quá trình phát triển của nhiều tầng văn hoá khác nhau tạo nên một nền văn hóa Hạ Long rực rỡ. Những làng nghề truyền thống hiện nay còn tồn tại rất ít, nét văn hoá chủ yếu còn giữ lại được là hình thái không gian kiến trúc của các làng chài với lối sống quần tụ theo cụm nhỏ.

 Yếu tố phi vật thể

Yếu tố văn hóa

  • Văn hóa biển: Văn hóa biển của Quảng Ninh thường được coi là hình thành từ thời tiền sử, phát triển rực rỡ và đỉnh cao thời kỳ Văn hóa Hạ Long. Cư dân cổ thời Văn hóa Hạ Long đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hoá biển, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, giao lưu, trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hoá lớn trong khu vực; thường xuyên thâu nhận, hội giao văn hóa với các quốc gia cũng có truyền thống khai thác biển và sống dựa vào biển. Đặc tính văn hóa biển ảnh hưởng và hình thành nên nhiều giá trị trong tính cách, phẩm chất con người Quảng Ninh, cùng những đặc trưng riêng có của văn hóa Quảng Ninh.
  • Văn hóa làng chài: Cho đến nay, đã làm rõ được một lịch sử văn hoá ít nhất 25000 năm cách ngày nay ở Hạ Long – nền văn hoá Soi Nhụ, kế tiếp là văn hoá Cái Bèo, gạch nối giữa văn hoá Soi Nhụ và văn hoá Hạ Long. Từ đầu thế kỷ 19, người ta đã thấy sự có mặt của ngư dân Giang Võng, Trúc Vong trên vịnh Hạ Long mà hậu duệ của họ là những người dân chài sống trên các làng chài nổi Ba Hang, Cống Tàu, Vông Viêng, Cửa Vạn. Họ lấy thuyền, bè làm nhà và chọn vịnh làm quê hương. Cuộc sống, sinh hoạt, kiếm sống…trên biển đã tạo ra những nét văn hóa đặc trưng riêng cho người dân làng chài trên vịnh Hạ Long.
Làng chài Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long

Yếu tố con người, phong tục, tập quán

Văn hóa công nhân mỏ: Văn hóa công nhân mỏ – văn hóa riêng có và là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh. Đoàn kết, đồng tâm vốn là truyền thống của cư dân vùng biên ải, vùng biển trong trong lao động, sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, giặc giã. Ở vùng đất heo hút, hiểm trở, thường trực bị đe dọa bởi các mối hiểm nguy từ thiên tai và địch họa, cố kết lại thành một khối bền chặt, đồng tâm hiệp lực là yêu cầu bắt buộc để sinh tồn; trải qua thời gian, đoàn kết, đồng tâm càng thêm khăng khít, trở thành một lẽ tự nhiên của cư dân vùng Đông Bắc. Tinh thần đoàn kết, đồng tâm trong văn hóa truyền thống càng được phát huy trong văn hóa hiện đại ra đời từ cuộc sống công nghiệp trên vùng đất Quảng Ninh. Văn hóa “kỷ luật và đồng tâm” được hình thành từ giữa thế kỷ 19 khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than tại núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở vùng Đông Bắc, lực lượng công nhân mỏ được hình thành và phát triển ngày càng đông đảo. Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ phải đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh.

Yếu tố truyền thuyết, lịch sử

Truyền thuyết “Rồng Hạ”. Thuở xa xưa, những người dân ở vùng này thỉnh thoảng lại trông thấy một con rồng mẹ đem theo một đàn rồng con từ trên trời cao bay xuống, nô đùa trên sóng nước. Khi đất đai hạn hán khô cằn nứt nẻ, cây cối héo hon, Rồng nuốt những xoáy nước lớn phun khắp vùng. Cảnh vật trở lại tươi tốt. Gặp ngày giông bão, thuyền chài đi biển xa về chậm gặp nguy hiểm, Rồng lượn xuống quanh thuyền che sóng to gió lớn dân thuyền cập bến. Nhưng rồi bỗng nhiên đàn Rồng vắng bóng. Giặc ngoại xâm kéo đến tàn phá dân lành. Dân mang đồ tế lễ đến bên bờ biển cấu cứu, Rồng mẹ cùng đàn Rồng con lại xuất hiện, hoá thành những dãy núi khổng lồ đứng san sát như bức tưởng thành ngăn bước tiến của quân giặc. Nơi Rồng mẹ hạ xuống nay là Vịnh Hạ Long, nơi đàn Rồng con quay về châu mẹ là phần Vịnh Bái Tử Long. Truyền thuyết ấy có lẽ đã gắn với quan niệm của người Việt xưa về tổ tiên mình là Rồng và Tiên.

Truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long, động Thiên Cung (vịnh Hạ Long) là nơi được coi là địa chỉ phát tích truyền thuyết này. Vua Rồng tức Lạc Long Quân lấy vợ tên là Âu Cơ – một nàng Tiên rất xinh đẹp. Đám cưới linh đình được tổ chức tại động Thiên Cung, một trong những đóng to và đẹp nhất ở Vịnh Hạ Long. Động Thiên Cung cũng là nơi Âu cơ đã sinh hạ ra 100 quả trứng ứng với 100 người con. Khi họ lớn khôn, 50 người đã theo cha lên núi, 50 người đã ở lại biển với mẹ, từ đó hình thành và phát triển lên dân tộc Việt Nam ngày nay.
Quan sát và phân tích các yếu tố truyền thuyết đậm đặc trên ta cảm nhận được một sắc thái mới trong vẻ đẹp Hạ Long, càng trở nên huyền bí và thiêng liêng bởi sự bao phủ của các yếu tố tâm linh. Việc tìm tòi hình tượng cho các công trình kiến trúc cũng như các phương tiện phục vụ du lịch, hoàn toàn có thể khai thác trên những đặc điểm hình thái và ý nghĩa biểu trưng của TP, nhằm tạo ra một một sắc thái đồng nhất trong cảnh quan các đảo du lịch ven bờ Đông Bắc.

Khai thác các yếu tố bản địa để xây dựng TP Hạ Long trong tương lai trở thành đô thị di sản

Sau nhiều năm thực hiện quy hoạch và xây dựng, TP Hạ Long có nhiều sắc thái mới. Không thể phủ nhận giá trị phát triển thông qua bộ mặt đô thị. Những con đường, những cây cầu mới đem lại sự tiện nghi. Nhiều công trình đẹp, được thiết kế bài bản, vẻ quang đãng và có phần hào nhoáng được thiết lập, các hoạt động du lịch phát triển tốt.
Tuy nhiên, những vấn đề của quy hoạch xây dựng đã hiện hữu, thiếu đi nét bản địa, tạo ra quá nhiều bức tường ngăn cách con người với thiên nhiên, gây ra sự lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên biển và cả tài nguyên rừng. Nhưng cũng nhờ chưa hoàn thiện mà nó còn làm người ta được thấy biển. Nhiều khu đô thị mới do các nhà đầu tư lớn xây dựng tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản và du lịch, nhưng các sản phẩm này nặng về việc sao chép nên không tạo ra hình ảnh đặc thù. Tư duy quy hoạch đơn giản đã vô tình làm thẳng và làm phẳng không gian đô thị. Nó làm cho không gian “sạch” nhưng không còn vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Điều này có làm mất đi khả năng khai thác bền vững của văn hóa đô thị và văn hóa bản địa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Đô thị Hạ Long có nét đặc thù gì khác với các đô thị như Ninh Bình, Hải Phòng…? Trong khi vốn TP này đã có nền tảng là điều kiện tự nhiên rất đặc thù.

Từ tư duy quy hoạch như vậy nên mới xuất hiện những con đường lớn chạy dọc ven biển và các công trình cũng lần lượt “chạy” theo. Bức tường thành tạo nên sự “đứt gãy” xuất hiện. Con người nhỏ bé như “thoát khỏi” môi trường sinh thái vốn có của họ, các công trình vô cảm mọc lên. Tôi cho rằng một vấn đề quan trọng của đô thị Hạ Long đang thiếu – Đó là “lát cắt” tự nhiên theo chiều từ đất liền ra biển. Mà cụ thể ở đây là thiên nhiên đã làm sẵn một sự giao thoa làm nên sự độc đáo của Vịnh, những ngọn núi đi dần từ đất liền ra biển.

Tứ lý thuyết đến thực tế trong việc tạo lập những di sản mới tại Tp Hạ Long

Các nguyên tắc thiết kế

Từ những phân tích về lý thuyết di sản cũng như di sản đô thị hiện đại đến những phân tích về yếu tố bản địa vật thể và phi vật thể của TP Hạ Long, đề xuất những nguyên tắc thiết kế được coi là cơ bản nhất trong quy hoạch đô thị và kiến trúc công trình, với mục tiêu tận dụng tối đa những yếu tố bản địa, từ đó tạo lập nên bản sắc kiến trúc của TP.

Về Quy hoạch đô thị

  • Hạn chế san lấp, tạo ra nhiều cao độ theo địa hình tự nhiên;
  • Xác định những không gian mềm, là nơi giao thoa giữa không gian đô thị và không gian tự nhiên (núi non, sông, biển);
  • Giảm chiều ngang chắn mặt biển, tăng khoảng cách giữa các công trình, tạo khoảng mở lưu thông gió đô thị, đồng thời tạo điểm nhìn ra biển cho các công trình lớp phía sau.

Về kiến trúc

  • Thiết kế kiến trúc tôn trọng tối đa hiện trạng và địa hình tự nhiên, hạn chế san lấp và đào đắp;
  • Thiết kế dựa theo hướng nắng và hướng gió của khu vực. Các công trình tận dụng tối đa hướng biển, giải pháp giúp cho gió được lưu thông, không có diện nhà lớn để cản gió, cũng như không bị áp lực của gió lớn từ biển thổi vào, giúp cho độ an toàn của hệ thống cửa được đảm bảo hơn, nhất là khi có hiện tượng gió giật của bão;
  • Xác định tầm quan trọng của các không gian logia và ban công trong kiến trúc công trình. Đây là không gian vô cùng quan trọng đối với các công trình ven biển, vừa đáp ứng nhu cầu về công năng sử dụng, vừa là khoảng đệm giúp mặt tiền công trình tránh được tác động trực tiếp từ yếu tố xâm thực của khí hậu biển;
  • Nghiên cứu sử dụng vật liệu địa phương, các vật liệu bền vững trước môi trường xâm thực của khí hậu biển.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh – Ứng xử nhân văn với di sản

Một dự án khác trong chuỗi những dự án tại TP Hạ Long cũng thể hiện rõ được triết lý thiết kế của văn phòng ADA là phương án Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Dự án được hợp tác liên danh với Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng (CCU), là phương án tham gia Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tại khu vực Nam Cầu Trắng, TP Hạ Long. Phương án của nhóm thiết kế đã được trao Giải Ba (không có Giải Nhất) và được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về tính thân thiện môi trường, tôn trọng bản sắc địa phương.

Thiết kế dựa trên yếu tố thiên nhiên và khí hậu bản địa

Nhóm thiết kế đã nghiên cứu đặc trưng về khi hậu bản địa để đảm bảo những sự hài hòa về vật lý học trong thiết kế, tận dụng tối đa những ưu điểm như hướng gió, ánh sáng, đồng thời hạn chế nhất những khuyết điểm, giảm thiểu việc hấp thụ bức xạ mặt trời vào trong công trình. Công trình được bố trí tạo khoảng lùi tối đa với đường ven biển để có không gian xanh lớn nhất, hạn chế những tác động xâm thực của môi trường biển đối với công trình.

Tận dụng tối đa điểm nhìn ra Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên cũng sẽ góp phần trong việc điều trị

Việc tổ hợp công trình thành khối lớn đan xen với các khoảng sân bên trong làm cho công trình trở nên gần gũi hòa hợp với thiên nhiên hơn bao giờ hết, việc khai thác kiểu không gian mở thế này cũng giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình tiếp cận sử dụng.

Khối điều trị cũng được tổ chức thành giếng trời bên trong mỗi khối và toàn bộ mặt đứng được tận dụng tối đa trường view về phía Vịnh Hạ Long khiến cho tổng thể không gian mang lại cảm giác nghỉ dưỡng hơn, điều này sẽ giúp khối điều trị vốn là nơi cảm xúc nặng nề nhất trở nên nhẹ nhàng và yên bình hơn, như một sự trị liệu đem lại cảm giác an lành cho tâm hồn người bệnh, như một sự xoa dịu đến từ thiên nhiên bao la.

Khai thác yếu tố bản sắc địa phương và ứng xử nhân văn với di sản

Vị trí của công trình nằm kề cận Vịnh Hạ Long, đối diện là đảo đá như một “hòn non bộ” phía mặt tiền công trình. Ngoài việc khai thác ý tưởng từ những hòn đảo – sự nhắc lại nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây – một thắng cảnh được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới kết hợp với việc bố trí mặt đứng giật cấp tạo nên nhịp điệu riêng cho công trình, thì việc sắp xếp cho khu điều trị nội trú nằm sát cạnh Vịnh là một biện pháp ứng xử vô cùng nhân văn.

Một vị trí đẹp và đáng giá sẽ càng trở nên có giá trị hơn khi nó được dùng cho những mục đích tốt đẹp. Tài sản lớn nhất của thiên nhiên là con người, còn tài sản lớn nhất của con người chính là sức khỏe, đây chính là cách ứng xử với di sản của tác giả.

 Thành phố Ánh Sáng – Nơi di sản thiên nhiên và di sản đô thị hòa làm một

Hạ Long sở hữu một di sản, kì quan thiên nhiên thế giới và trong tương lai TP Hạ Long có điều kiện để trở thành đô thị di sản, đô thị du lịch. Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, với triết lý thiết kế của mình, văn phòng ADA cũng luôn muốn tạo ra những giá trị cộng đồng mang bản sắc địa phương đặc trưng.

Tạo dải xanh kết nối không gian tự nhiên và không gian đô thị như đã phân tích ở trên, một hiện trạng bất cập tại quy hoạch của TP Hạ Long đó là san gạt địa hình có thể tạo ra những vết cắt ngăn cách giữa thiên nhiên và con người. Cần nghiên cứu không gian chuyển tiếp giữa tự nhiên và con người, giữa mặt nước và công trình đô thị. Những không gian này là khoảng đệm, không gian mềm đề kết nối giữa tự nhiên và cảnh quan đô thị.

Thiết kế tầng bậc, đảm bảo thông gió đô thị và điểm nhìn cho toàn bộ các công trình, các khu vực luôn nhận được khí tươi từ biển vào đồng thời đảm bảo điểm nhìn từ trong ra ngoài. Các công trình phía ngoài, giáp biển được định hướng thấp tầng, mật độ thấp. Các công trình cao tầng được bố trí phía trong với mật độ cao hơn.

Đan xen cảnh quan mặt nước, cảnh quan thiên nhiên tràn vào trong đô thị. Tạo ra các khu vực đi dạo và chơi trò chơi trên biển, khu cảnh quan, giảng đường, sân chơi bằng cách loại bỏ một số đường ô tô không cần thiết, tạo đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Cuộc sống ở đây không còn chỉ có ô tô mà trở thành thị trấn, với những cuộc đi dạo cùng bạn bè, gia đình, nhóm trẻ em, trò chơi, khu thư giãn và cả nơi gặp gỡ, giao lưu. Ý niệm biến nơi đây thành một thị trấn di sản thu nhỏ trong lòng đô thị di sản Hạ Long.

Định hướng xây dựng công trình xanh, sử dụng vật liệu địa phương kết hợp với các yếu tố bản địa. Định hướng thiết kế kiến trúc công trình xanh, tiết kiệm năng lượng. Kiến trúc công trình được phát triển dựa trên những kinh nghiệm bản địa về xây dựng nhà trên đồi. Công trình sử dụng các vật liệu địa phương, thân thiện môi trường như gỗ, tre, ngói địa phương.

Theo TS.KTS Nguyễn Việt Huy
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng Hà Nội
THS.KTS Đỗ Đình Trọng
Công ty CP Tư vấn thiết kế ADA và cộng sự
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)

Xem thêm:


Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Quang. Ha Long City – A heritage-based city or the largest grade-1 city in the country? ;
2. Nguyễn Tiến Thuận. Dấu ấn bản địa trong kiến trúc công trình ven biển và đô thị ven biển;
3. Nguyễn Việt Huy, Hoàng Thị Cẩm Tú. Yếu tố văn hóa bản địa trong thiết kế kiến trúc đương đại;
4. Modern Heritage. UNESCO’s Identification and Documentation of Modern Heritage (2003).