Khai thác yếu tố văn hóa – xã hội trong kiến trúc chung cư cao tầng tại Hà Nội

Chung cư cao tầng (CCCT) tại Hà Nội mới chỉ được phát triển trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ chúng đã và đang làm thay đổi bộ mặt kiến trúc của Thủ đô. Khía cạnh tích cực là hình ảnh thành phố Hà Nội đã trở nên văn minh, hiện đại hơn, dần bắt kịp xu hướng phát triển của các đô thị lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng sự vay mượn và bắt chước các kiểu kiến trúc phương tây trong thiết kế CCCT làm “Các công trình mất đi những đặc trưng văn hóa bản địa, khiến chúng trở nên xa lạ và lạc lõng giữa đô thị” và Hà Nội sẽ trở thành “Một dạng đô thị toàn cầu với hình thái kiến trúc đô thị mang tính quốc tế”. Bên cạnh nguy cơ về hình thức kiến trúc, còn là những băn khoăn: Liệu mô hình CCCT (được dự báo sẽ trở thành mô hình ở chủ yếu tại Hà Nội) này có làm thành phố nghìn năm văn hiến mất dần đi nét độc đáo riêng có, được đặc trưng bởi sự hòa hợp giữa kiến trúc, cảnh quan và con người với những nét văn hóa đặc sắc và lối sống đậm tinh thần bản địa? 

Khu đô thị mới  Times City
Khu đô thị mới Times City

Hướng ngoại và hướng nội

Khảo sát sơ bộ các CCCT tại Hà Nội cho thấy: 2 dạng chung cư phổ biến nhất tại Hà Nội là dạng tháp – phát triển các căn hộ quanh một lõi trung tâm, và dạng tấm – các căn hộ bám theo hệ thống hành lang giữa. Các căn hộ chung cư cũng bao gồm 2 loại phổ biến: Hướng ngoại và hướng nội. Loại hướng ngoại thường bố trí phòng khách – sinh hoạt chung tiếp giáp với lối vào căn hộ, trong khi các phòng ngủ và bếp được bố trí sâu vào bên trong và được ưu tiên tiếp xúc với bên ngoài để lấy sáng và thông gió tự nhiên. Cách bố trí này gợi đến giải pháp kiến trúc của nhà dân gian truyền thống và cả nhà lô phố hiện đại, trong đó, phòng khách đóng vai trò là không gian hướng ngoại thường hướng ra mặt ngoài. Nét độc đáo của mô hình này là “kế thừa” được những đặc điểm của lối sống truyền thống vốn đã ăn sâu vào quan niệm của những cư dân đô thị sở hữu nhà mặt phố/ngõ hay ngách – tức là “quyền” được sử dụng và phát triển hoạt động ra không gian phía trước ngôi nhà của mình. Dù có vẻ lộn xộn và hơi mất trật tự, nhưng thông qua không gian này, các cư dân trên cùng một tầng có cơ hội giao tiếp với nhau.

Thực tế khảo sát các CCCT dạng tấm có hành lang giữa như Linh Đàm, Định Công, Đại Kim… cho thấy phần lớn các căn hộ hướng hoạt động ra không gian hành lang chung, hoặc ít nhất cũng thường xuyên để cửa mở thông ra không gian này. Thậm chí tại nhiều khu chung cư như Xa La, Kim Văn – Kim Lũ, Ecohome…, hành lang chung còn được sử dụng như một không gian cộng đồng – nơi ăn uống, gặp mặt, hay tổ chức các sự kiện của các hộ gia đình cùng tầng. Việc quá hướng ngoại làm phòng khách – sinh hoạt chung1 của các căn hộ tại các CCCT này tuy cởi mở với hàng xóm láng giềng, nhưng lại trở nên kém hấp dẫn với chính các thành viên gia đình, bởi không đảm bảo được mức độ riêng tư cần thiết. Ngoài ra, do không được tiếp xúc với mặt ngoài công trình nên không gian này không liên hệ được với môi trường cảnh quan bên ngoài, không phát huy được tầm nhìn – vốn là lợi thế của nhà cao tầng, lại thiếu ánh sáng tự nhiên và thường xuyên phải chiếu sáng nhân tạo.
Loại hướng nội, trái lại, đẩy phòng khách – sinh hoạt chung sâu vào bên trong căn hộ, nơi tiếp giáp với ánh sáng mặt trời. Ngay lối vào căn hộ là tiền phòng, bếp, khu vực ăn uống. Cách bố trí này có phần giống với các căn hộ phương Tây, vốn coi trọng tính độc lập, riêng tư của căn hộ. Ưu điểm của loại này là khuyến khích được các thành viên sử dụng không gian sinh hoạt chung, bởi đây là không gian hấp dẫn nhất của căn hộ – rộng thoáng, tràn trề ánh sáng tự nhiên, có tầm nhìn bao quát ra bên ngoài, thậm chí còn gia tăng cảm giác gần gũi với tự nhiên khi được bổ sung một khu vườn nho nhỏ ngoài logia. Không gian này cũng có tính độc lập tương đối với không gian phía trước – lối vào căn hộ do không bị mở trực tiếp ra hành lang. Với cách thức tổ chức như vậy, vai trò tiếp khách bị xem nhẹ hơn nhiều so với sinh hoạt chung trong nội bộ gia đình, và các hoạt động hướng ngoại ít được khuyến khích hơn. Thực tế khảo sát cho thấy, không gian hành lang/sảnh tầng của các CCCT có các căn hộ hướng nội, nhất là tại các tòa nhà có bố cục dạng tháp, thường khá sạch sẽ, ngăn nắp và chủ yếu được sử dụng làm lối đi, các căn hộ cũng ít có xu hướng mở rộng hoạt động ra không gian chung của tầng.

Giao tiếp cộng đồng

Kết quả một số điều tra xã hội học tại các CCCT ở Hà Nội được thực hiện trong thời gian qua cho thấy: Nhu cầu giao tiếp cộng đồng tại các khu CCCT khá cao, và người dân mong muốn có mối quan hệ tốt, thậm chí thân thiết với hàng xóm láng giềng. Nhu cầu này chắc hẳn có nguồn gốc từ lối sống truyền thống của người Việt – vốn coi trọng tính cộng đồng, ngay cả khi họ đã rời các vùng nông thôn với cộng đồng làng khép kín để hòa nhập vào đời sống đô thị.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế các khu CCCT ở Hà Nội cho thấy: Phần lớn chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu giao tiếp cộng đồng của cư dân. Bên trong các tòa nhà rất thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng, hoặc nếu có thì mang tính chiếu lệ, thiếu chức năng hoạt động, và không đủ sức hấp dẫn để thu hút mọi người. Tầng trệt chủ yếu được tận dụng và khai thác làm dịch vụ hoặc chỗ để xe. Mái nhà cũng ít khi được tổ chức để phục vụ cho cộng đồng.
Không gian bên ngoài nhà thì thường bị bao vây bởi đường giao thông hay/và bãi để xe. Khuôn viên cây xanh quá nhỏ hoặc bị chia cắt, không đủ để có thể trở thành điểm thu hút hoạt động ngoài trời của cả trẻ em và người lớn. Một số khu CCCT có vườn hoa rộng thoáng nhưng tổ chức thiếu hợp lý, không khai thác được cho các hoạt động cộng đồng…

CCCT Dolphin Plaza với nhiều không gian giao tiếp trên cao (Nguồn: dolphinplaza.org)
CCCT Dolphin Plaza với nhiều không gian giao tiếp trên cao (Nguồn: dolphinplaza.org)

Câu chuyện này diễn ra không chỉ ở các khu chung cư bình dân, mà cả tại các khu ở cao cấp. Chẳng hạn một trong những Khu đô thị mới vào loại đắt giá nhất Hà Nội là Ciputra bị đánh giá là đã “phủ nhận những gì tạo nên cuộc sống hàng ngày cho người dân của Hà Nội”, bởi không tạo ra được các mối quan hệ xã hội vốn rất quan trọng cho hạnh phúc của con người.
Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta quan tâm đến việc thiết kế và xây dựng nên các khu CCCT phù hợp với đặc điểm bản địa, ví dụ ở Malaysia với các công trình nhiệt đới hóa nổi tiếng của Ken Yeang, hay Singapore với các tòa chung cư của HDB gần gũi với lối sống truyền thống và phù hợp với đặc điểm đa sắc tộc của cư dân, vừa phản ánh những đặc trưng văn hóa bản địa vừa tăng cường nền văn hóa đã sử dụng nó.
Ở Việt Nam, dù thời gian tồn tại của CCCT chưa nhiều, nhưng theo một số nhà nghiên cứu, cũng đã bắt đầu hình thành văn hóa chung cư cao tầng. Và dù nhu cầu hoạt động cộng đồng và giao tiếp xã hội tại các khu CCCT chưa được các chủ dự án và người thiết kế quan tâm, nhưng số liệu khảo sát được thực hiện năm 2012 tại 4 khu đô thị mới tại Hà Nội lại cho thấy quan hệ cộng đồng và hàng xóm láng giềng tại các khu đô thị này khá mạnh, ngay cả khi đa số người dân đều mới chuyển đến gần đây. Tuy nhiên, đó hẳn là do “quán tính” trong văn hóa ứng xử của các cư dân, vốn trước đây ở trong các ngôi nhà thấp tầng, nay đưa lên các căn hộ ở trên cao. Không thể chắc chắn điều này sẽ ổn định và tiếp tục tồn tại trong đời sống tương lai của các khu CCCT một cách tích cực, khi các thế hệ cư dân kế tiếp được sinh ra và lớn lên ngay tại đây. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ bây giờ, có thể sẽ hình thành nên các thế hệ cư dân CCCT sống tách biệt, khép mình – “không ở đâu và cũng chẳng thuộc về đâu” như đã từng xảy ra ở nhiều nước phương Tây.
Đã đến lúc, cần có những nghiên cứu nghiêm túc theo hướng bản địa hóa kiến trúc CCCT để chúng vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa điểm, vừa góp phần bảo lưu lối sống, phong tục tập quán tốt đẹp đã được định hình qua nhiều thế hệ, lại vừa đóng vai trò định hướng ứng xử và điều chỉnh hành vi của cư dân chung cư theo hướng phù hợp với đời sống văn minh đô thị.

Một vài định hướng

Gần đây, một số nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp kiến trúc CCCT – đặc biệt là lớp vỏ công trình – theo hướng thích ứng với khí hậu địa phương, thông qua đó các tòa chung cư có mối quan hệ chặt chẽ với địa điểm hơn. Tuy nhiên, khía cạnh văn hóa – xã hội của CCCT cùng với sự tham gia của con người trong tổ chức hoạt động trong và xung quanh CCCT chưa được quan tâm nghiên cứu. Những bài học truyền thống cho thấy, khía cạnh này đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo ra tinh thần, hay “hồn – nơi chốn” của địa điểm. Chẳng hạn, dù hình ảnh cây đa – bến nước – sân đình mang tính tượng trưng cho làng xã, nhưng chính những hoạt động văn hóa xã hội, tâm linh tín ngưỡng hay kỷ niệm của con người gắn liền với những địa điểm này mới tạo nên tinh thần của nơi chốn, làm những địa điểm này trở nên có ý nghĩa, để những người xa quê phải nhớ về.

Căn hộ hướng nội - CCCT Dolphin Plaza (Nguồn: dolphinplaza.org)
Căn hộ hướng nội – CCCT Dolphin Plaza (Nguồn: dolphinplaza.org)

Từ điểm nhìn hoạt động và văn hóa ứng xử và xuất phát điểm khác nhau của đa số dân cư tại các khu CCCT – (nguồn gốc, quan điểm, lối sống, trình độ văn hóa, đến mức thu nhập, địa vị xã hội, nghề nghiệp…), để CCCT có thể vừa là nơi định hình văn hóa ở CCCT, vừa đảm bảo được văn minh đô thị nhưng vẫn kế thừa được những truyền thống văn hóa bản địa như lối sống cộng đồng, tình tương thân tương ái “tối lửa tắt đèn có nhau”: khi đề xuất phương án quy hoạch và thiết kế đô thị và kiến trúc các khu CCCT cần chú ý các vấn đề sau:
– Đặt con người – những chủ nhân tương lai của khu CCCT làm trung tâm, luôn tôn trọng nhu cầu và mong muốn của họ, bởi “việc đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người sử dụng trực tiếp không gian đó là yếu tố cơ bản để địa điểm trở thành nơi chốn và có bản sắc”.
– Tạo ra các không gian công cộng mang tính cộng đồng cao bên trong và giữa các tòa chung cư, để người dân có cơ hội giao tiếp, qua đó gắn kết tình hàng xóm láng giềng. Những không gian đó có thể là: Nhà/không gian cộng đồng, thư viện cộng đồng, sân chơi ngoài trời (kết hợp vui chơi cho trẻ em và tập thể dục cho người cao tuổi), sân thể thao quần chúng: Cầu lông, bóng chuyền, đá cầu… Theo TS Stephanie Geertman – cố vấn kỹ thuật của tổ chức Health Bridge (Canada) “Không gian công cộng là yếu tố góp phần tạo nên nét độc đáo và bản sắc của mỗi thành phố, là yếu tố dính kết đời sống cộng đồng và làm cho mỗi người dân thêm gắn bó với thành phố, với nơi mình ở hơn”.
– Các không gian công cộng ngoài trời nên được tổ chức theo nguyên tắc tiếp cận dễ dàng, không gặp trở ngại và đa dạng hóa để mỗi người đều có thể tìm thấy vị trí/hoạt động của mình. Do vậy, khi quy hoạch khu CCCT cần tách biệt hoàn toàn giao thông cơ giới với các lối đi bộ hay xe đạp dẫn đến các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí ngoài trời, vườn dạo… Bằng cách đó sẽ khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng ngoài trời hơn. Theo đề xuất của Dự án Không gian Công cộng PPS, một không gian công cộng thành công cần đảm bảo 4 yếu tố chủ chốt là: Dễ tiếp cận, thu hút được người dân tham gia hoạt động, không gian thoải mái, có hình thức hấp dẫn và là nơi để giao lưu.
– Chợ dân sinh theo mô hình truyền thống cũng nên là một thành phần hữu cơ của các khu CCCT hay khu đô thị mới, bởi theo nhiều nghiên cứu chúng vẫn là mô hình được ưa chuộng tại Hà Nội. Trong khi nhiều khu chợ nội thành đã bị thay thế bởi các trung tâm thương mại hiện đại thì việc thiết lập mạng lưới chợ một cách có kiểm soát tại các khu CCCT có ý nghĩa tiếp nối truyền thống bản địa, đồng thời làm cuộc sống tại đây trở nên sống động và phong phú hơn. Các khu chợ dân sinh này cũng sẽ đóng góp tích cực cho đời sống của cư dân các khu CCCT cả ở khía cạnh vật chất lẫn tinh thần, là nơi không chỉ thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu hàng ngày mà còn là nơi để mọi người giao tiếp, trao đổi và kết nối tình thân.
– Tại một số địa điểm phù hợp trong khu CCCT, có thể tổ chức các tuyến phố dịch vụ công cộng – vốn là mô hình đặc trưng của các đô thị Việt Nam, để tăng thêm không khí sống động và cảm nhận về nơi chốn. Sự tham gia của người dân sống ngay tại khu CCCT vừa giúp tạo ra việc làm tại chỗ, vừa nhiều cơ hội giao lưu tiếp xúc, từ đó gia tăng sức sống và bổ sung giá trị vật chất và tinh thần cho khu CCCT.
– Quan tâm đến khả năng hòa nhập giữa cư dân CCCT với làng xóm lân cận – nơi vẫn duy trì những thiết chế văn hóa truyền thống. Trong khi dân làng có thể tự do sử dụng các dịch vụ công cộng hiện đại của khu CCCT hay khu đô thị mới thì cư dân CCCT cũng có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa và sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của làng. Bằng cách đó, sự biến đổi về văn hóa sẽ diễn ra một cách nhẹ nhàng và không bị đứt đoạn, các cư dân CCCT cũng sẽ trở nên gắn bó với địa điểm mới hơn.
– Bên trong các tòa nhà, nên tạo ra những không gian hoạt động đa dạng để người sử dụng có thể lựa chọn các hoạt động phù hợp với mình: Ví dụ phòng sinh hoạt cộng đồng kết hợp giải trí, quán café kết hợp với vườn dạo trên cao, khu canh tác nông nghiệp trên sân thượng… Những nghiên cứu và khảo sát mới đây cho thấy canh tác nông nghiệp trong lòng đô thị đang trở thành một xu hướng mới ở nhiều nơi trên thế giới. Và đó cũng là nhu cầu có thật tại các đô thị lớn ở Việt Nam, nơi người dân tận dụng không gian mái, ban công, logia nhà mình và cả những khoảng đất trống công cộng để trồng rau. Việc tạo ra những không gian đa dạng thỏa mãn các nhu cầu hoạt động khác nhau bên trong CCCT sẽ giúp cư dân của tòa nhà có nhiều cơ hội giao tiếp và gắn bó với “ngôi nhà chung” của họ hơn.
– Riêng đối với các căn hộ, nên lựa chọn mô hình hướng nội để đảm bảo tính riêng tư cần thiết và khuyến khích giao tiếp trong nội bộ gia đình. Không gian sinh hoạt chung thoáng đãng, tràn đầy ánh sáng với những góc nhìn đẹp ra bên ngoài sẽ hấp dẫn các thành viên trong gia đình rời bỏ những góc trú ẩn riêng tư để tham dự nhiều hơn vào bầu không khí chung, qua đó bảo lưu và phát huy được truyền thống văn hóa gia đình. Mô hình này cũng giúp hạn chế sự lộn xộn trong không gian hành lang chung, đảm bảo sự sạch sẽ và văn minh cho các tòa CCCT.
Cùng với những đề xuất thích ứng với điều kiện tự nhiên và khí hậu, việc khai thác yếu tố văn hóa – xã hội trong quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc CCCT sẽ giúp tạo ra các các tòa chung cư vừa hiện đại vừa đậm chất bản địa – là tiền đề cho việc định hình những nơi chốn mới trong lòng Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Anh Đào, 2011. Kiến trúc bản địa mới trong nhà ở cao tầng Singapore. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 08/2011.
2. Stephanie Geertman & cộng sự, 2011. 11 Nguyên tắc để tạo dựng và duy trì các không gian công cộng tuyệt vời dùng tham khảo cho chính sách không gian công cộng của Việt Nam. Tài liệu chuẩn bị cho Hội thảo về không gian công cộng do HealthBridge và UDA (Bộ Xây dựng) tổ chức, ngày 2/10/2011.
3. Phạm Thúy Loan, 2015. Câu chuyện bản sắc trong thiết kế đô thị. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 1+2/2015.
4. Trịnh Duy Luân, 2012. Một vài đánh giá ban đầu của cư dân về các khu đô thị ở Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 12/2012.
5. Nguyễn Quốc Thông, 2010. Đặc điểm văn hóa đô thị mới ở Hà Nội. Tạp chí Kiến trúc số 9/2010.
6. Trần Minh Tùng, 2016. Khu đô thị mới tại Hà Nội – Hai thập kỷ nhìn lại một mô hình. Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà Nội.
7. Website:http://kienviet.net/2012/05/18/phat-trien-khong-gian-cong-cong-o-viet-nam-chua-dap-ung-nhu-cau-cua-nguoi-dan/

PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5 – 2017)