Không gian kiến trúc nội thất lớp học mẫu giáo khả năng phát triển trí thông minh đa chiều của trẻ em

Ngay khi mới sinh ra, trí thông minh đã có sẵn trong mỗi đứa trẻ, để khả năng ấy phát triển tự nhiên cần có một phương pháp giáo dục mới, từ đó sẽ tạo môi trường, không gian lớp học để trẻ tự bộc lộ hết những khả năng thông qua hoạt động trải nghiệm tạo niềm tin cho tương lai,…

Thông minh về toán học
Thông minh về toán học
Thông minh về không gian
Thông minh về không gian

Trí thông minh đa chiều của trẻ mẫu giáo

Theo GS.TS nhà tâm lý học, nhà giáo dục – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Phát triển con người của Mỹ Thomas Armstrong đã dựa vào học thuyết thông minh đa chiều của Howard Garner xây dựng lý thuyết của mình, trong đó khẳng định trẻ có cơ hội phát triển không chỉ 1 mà đến 8 loại thông minh. Do vậy, nếu cha mẹ chỉ chú trọng phát triển trí não của trẻ là chưa đủ để bé phát triển toàn diện. Các bậc phụ huynh thường đánh giá sự thông minh ở trẻ thông qua khả năng ghi nhớ, logic, toán học, tính toán. Điều này không sai nhưng chưa đủ, bởi nếu chỉ tập trung vào toán học, thì các bậc cha mẹ vô tình không nhận thấy các loại tố chất, năng khiếu khác của trẻ. Việc đánh giá một đứa trẻ không thông minh khi bé không làm tốt các phép tính hay “đầu hàng” trước các trò chơi logic là quan niệm sai lầm, vì theo thuyết thông minh đa chiều, trẻ không chỉ có 1 mà có đến 8 loại hình thông minh khác nhau.

Trong đó, thông minh ngôn ngữ thể hiện qua việc trẻ thích chơi chữ, đố từ, học đọc, học viết rất nhanh, thậm chí có thể sáng tác những bài thơ ngắn từ rất sớm. Với thông minh logic toán học, mẹ có thể thấy con cực kỳ xuất sắc khi tiếp xúc với các con số, các vấn đề mang tính logic.

Thông minh về không gian – Loại hình thông minh thường thấy ở các KTS, nhiếp ảnh, nghệ sĩ, phi công.

Tuy nhiên, bên cạnh hai loại hình thông minh được các mẹ nhận ra dễ dàng này, thực tế còn có những nhóm thông minh khác. Có những trẻ sở hữu sự thông minh về không gian. Đây là những em rất thích thú các trò chơi xếp hình, tìm đường trong mê cung. Nếu được phát triển tốt, trẻ có thể trở thành những KTS, nhiếp ảnh gia, phi công xuất sắc sau này

Lại có những trẻ thông minh về âm nhạc. Bạn sẽ nhận ra con ghi nhớ và bắt chước giai điệu rất giỏi. Một số bé khác lại có khả năng vận động và sự thông minh về cơ thể. Đây là các bé vượt trội trong các thao tác cầm nắm, điều khiển hoạt động cơ thể. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể có khả năng thông minh về năng lực tương tác (có khả năng giao tiếp tốt, hiểu người khác nhanh chóng, dễ dàng), thông minh về năng lực tự nhận thức bản thân (còn gọi là trí thông minh nội tâm. Những người có khả năng này có thể hiểu rõ từng cảm xúc của bản thân và sử dụng những hiểu biết này để vạch ra hướng đi cho cuộc đời), hoặc thông minh về lĩnh vực tự nhiên (tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại động thực vật, rất dễ trở thành nhà tự nhiên học, bác sĩ thú y xuất sắc sau này)

Để trẻ có thể phát huy tối đa trí thông minh của mình, hãy để trẻ phát triển tự nhiên chứ không bắt buộc phải gò ép một loại trí thông minh nào đó theo ý muốn chủ quan. Mỗi đứa trẻ đều có những năng khiếu nhất định và hoàn toàn có thể dẫn đầu trong lĩnh vực trí thông minh của mình. Việc phát hiện sớm bé sở hữu loại hình trí thông minh nào có thể giúp con định hướng đúng và thành công trong tương lai. Vì vậy hãy yêu quý về những năng lực hiện có của bé.

Dựa trên cơ sở trí thông minh đa chiều, chúng ta xem xét các tác động đó tới không gian các lớp mẫu giáo hiện nay để thấy được môi trường học tập cho tuổi mẫu giáo đã đáp ứng được như thế nào?

Tác động của không gian tới phát triển tư duy sáng tạo của trẻ

Chúng ta đều nhận thức rõ, không gian luôn là sự phản ánh về mặt hình thức của các hoạt động chức năng, do đó với trẻ mẫu giáo hiện nay, hoạt động chức năng quan trọng nhất là hoạt động “chơi”, tại đó, người lớn có thể phát hiện được mỗi trẻ sở hữu loại trí thông minh nào.

Sơ đồ trí thông minh đa chiều của trẻ em [2]
Sơ đồ trí thông minh đa chiều của trẻ em [2]
Theo lẽ tự nhiên nhất, trẻ thích chơi ở đâu? Công viên, vườn hoa, những không gian rộng rãi nhiều mầu sắc, khêu gợi được trí tò mò của trẻ…? Nếu như vậy, những lớp học khô cứng, ít có sự thay đổi đa dạng, chắc chắn không thể là không gian mà trẻ yêu thích và có khả năng bộc lộ các năng khiếu của mình.

Vì những lý do đó, chúng ta cần thay đổi quan niệm về không gian lớp học của trẻ mẫu giáo, không chỉ là một không gian vật lý bị giới hạn bởi các bức tường khô cứng với hình dạng xác định (đa số là vuông hoặc chữ nhật), mà là một không gian “mở” tự do, khoáng đạt có cảm giác không giới hạn đối với trẻ. Theo lẽ tự nhiên, những không gian đó sẽ gần gũi hơn, kích thích các hoạt động tìm tòi, các hoạt động thể chất , các hoạt động giao lưu cùng nhau hơn là trong một không gian học tập “khép kín”.

Tổ chức nội thất trong các lớp học trẻ mẫu giáo theo hướng phát triển trí thông minh đa chiều tại các nhà trẻ của Thụy Điển do văn phòng Rosan bosch studio thiết kế. [3]
Tổ chức nội thất trong các lớp học trẻ mẫu giáo theo hướng phát triển trí thông minh đa chiều tại các nhà trẻ của Thụy Điển do văn phòng Rosan bosch studio thiết kế. [3]
Như vậy, với những phát hiện mới gần đây về tâm sinh lý trẻ mẫu giáo, cùng với những phương pháp giáo dục trẻ mẫu giáo theo hướng phát triển tư duy sáng tạo thành công trên thế giới (như Montessori), sự thay đổi không gian lớp học có tính chất truyền đạt từ “không gian khép kín” sang không gian lớp học kích thích năng lực phát triển sáng tạo, có tính chất tự học, tự phát triển bản thân là “không gian mở”. Vì vậy, những không gian lớp học có khả năng kích thích năng lực sáng tạo của trẻ mẫu giáo có thể gọi là lớp học – công viên; lớp học – vườn hoa; lớp học – sân chơi… Như vậy, khái niệm không gian nội thất lớp học mẫu giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi 4 bức tường, mà chỉ nên quan niệm không gian đó là một thành phần của không gian xanh xung quanh, có chức năng che mưa nắng trong các thời gian cần thiết… và có thể mở thông với không gian xanh xung quanh bất cứ khi nào có môi trường tự nhiên thuận lợi. Với không gian như vậy, trẻ sẽ không còn cảm thấy sự bó hẹp như bị “nhố” vào một không gian có giới hạn vật lý như trẻ thường thấy ở các lớp mẫu giáo truyền thống. Trẻ lứa tuổi mẫu giáo sẽ vui thích và có nhiều cảm xúc để bộc lộ trí thông minh và năng lực của mình trong các không gian “tự do” không có giới hạn vật lý, với tầm mắt được ngước lên các cành cây xanh và bầu trời có nhiều yếu tố kích thích sự tìm tòi, hiểu biết của trẻ

Như vậy, việc phát hiện và giúp phát triển trí thông minh đa chiều, của mỗi trẻ mẫu giáo chủ yếu bộc lộ trong quá trình chơi tự do lựa chọn cái mình thích, do đó các hoạt động này được thực hiện tốt nhất trong các không gian mở linh hoạt của các lớp mẫu giáo. Khái niệm không gian mở ở đây mang tính liên kết, kết nối không gian giữa trong và ngoài. Sự kết nối này có thể thông qua thị giác, hoạt động hoặc là liên kết khi kết cấu bao che được mở ra với không gian mở bên ngoài. Điều này cũng đã được minh chứng tại nhiều không gian học tập phát triển năng lực trẻ mẫu giáo các nước phát triển cao trên thế giới.

Minh họa cho thiết kế không gian của trường và lớp là một không gian lớn dành cho các hoạt động vui chơi là chính [4]
Minh họa cho thiết kế không gian của trường và lớp là một không gian lớn dành cho các hoạt động vui chơi là chính [4]


Một số giải pháp trong việc tổ chức không gian kiến trúc có khả năng giúp phát triển trí thông minh đa chiều

  • Lấy định hướng GD, tâm sinh lý và sở thích của trẻ làm nền tảng để tổ chức không gian kiến trúc;
  • Thiết kế các trường mẫu giáo kết hợp môi trường thiên nhiên (suy nghĩ như đứa trẻ khi thiết kế);
  • Hình khối kiến trúc, nội ngoại thất đơn giản khúc triết dễ nhận biết, thân thuộc;
  • Ánh sáng, mầu sắc, vật liệu, trang trí phải đơn giản, gần gũi trí lực của trẻ;
  • Không gian dành cho trẻ là không gian tự do để trẻ khám phá và sử dụng theo cách riêng của mình;

Những vấn đề cần giải quyết đối với tổ chức không gian kiến trúc nội thất các lớp học mẫu giáo phát triển trí thông minh đa chiều tại các TP lớn ở Việt Nam

Việt Nam là nước đang phát triển, cơ sở vật chất và nguồn lực đầu tư cho các trường mẫu giáo công lập còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được hoàn toàn với phương pháp giáo dục mới, cho phép phát triển tự nhiên trí thông minh đa chiều của trẻ mẫu giáo. Đây cũng chính là vấn đề cần giải quyết mâu thuẫn giữa phương pháp giáo dục mới (lấy người học là trung tâm) giảng dạy phát triển trí thông minh đa chiều với sự hạn chế của phương pháp giáo dục cũ (truyền đạt) và không khuyến khích phát triển tự do, không gian lớp học bó hẹp cố định tại các trường mẫu giáo tại Việt Nam;

Cần tăng cường các yếu tố tự nhiên vào không gian nội thất lớp học cũng như tăng cường mối quan hệ giữa các không gian đóng của nội thất với không gian bán lộ thiên của hiên, ban công… với không gian mở của sân vườn bên ngoài (ngoại thất). Từ đó hình thành một lớp học – sân chơi và lớp học – công viên, giúp nâng cao các cảm hứng vận động, tự học, trải nghiệm phát triển trí thông minh đa chiều của các bé, vì các hoạt động vui chơi chính là học tập
Để giải quyết được vấn đề nêu trên, cần nghiên cứu yêu cầu về diện tích lớp học và khả năng biến đổi linh hoạt không gian học tập và sinh hoạt chung cho nhóm trẻ các lớp mẫu giáo sao cho có thể hình thành không gian học tập hấp dẫn với trẻ như khi đến sân chơi.

Bên cạnh việc định hướng tổ chức kích thước không gian nội thất phù hợp với phương pháp giảng dạy mới cần nghiên cứu và thiết kế trang thiết bị nội thất, đồ dùng giảng dạy đa chức năng, để có thể biến đổi thích hợp với phương pháp giảng dạy mới giúp phát triển trí thông minh đa chiều cho trẻ.

Nguyễn Việt Khoa
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2020)


Tài liệu tham khảo

  1. http://khoahocphothong.com.vn/news/detail/39123/cach-phat-hien-8-loai-thong-minh-cua-tre.html
  2. Hiệp hội Nghiên cứu Giáo dục Mỹ, Chicago, Báo cáo được trình bày tại Illinois,
    ( ngày 21 tháng 4 năm 2003. )
  3. https://rosanbosch.com/en/project/liceo-europa)
  4. https://archihunger.wordpress.com/2016/02/05/kindergarten-architectural-standards/
  5. https://www.designboom.com/architecture/hibinosekkei-youji-no-shiro-hanazono-kindergarten-japan-05-18-2015/