Kiến trúc công sở cấp địa phương thống nhất trong đa dạng

Thông tin Sở Kiến trúc Quy hoạch TP Hà Nội lấy ý kiến về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Việc áp dụng thống nhất một thiết kế điển hình là cần thiết để đạt hiệu quả về tính nhận diện, tiện ích, tiết kiệm nguồn lực nhưng cần có quy chế áp dụng khoa học – mềm dẻo linh hoạt để các thiết kế điển hình đi được vào cuộc sống.

Kiến trúc công sở – thống nhất nhưng phải đa dạng

Trong số các công trình dân dụng, trụ sở các cơ quan công quyền cấp địa phương là thể loại công trình cần đạt được yếu tố nhận diện cao bởi thể hiện hình ảnh của tính chuyên nghiệp và nghiêm túc của các cơ quan công quyền cấp địa phương trong xu thế đổi mới – hội nhập và phát triển. Về cơ bản, việc áp dụng một thiết kế mang tính điển hình để áp  dụng chung đồng bộ cho các công trình công sở chính quyền cấp địa phương là luôn một giải pháp hữu hiệu để tạo nên một tính nhận diện thống nhất chung cho loại hình công trình đặc biệt này. Điều này trước tiên giúp tạo nên sự đồng bộ về hình ảnh và tổ chức công năng, tính tiện nghi theo một chuẩn mực chung của trụ sở cơ quan công quyền cấp địa phương đối với không chỉ cho người dân tại địa phương mà với người dân từ nơi khác và khách quốc tế. Bên cạnh đó, áp dụng có hiệu quả các thiết kế điển hình chung cũng góp phần giảm thiểu sự lãng phí và gia tăng chí phí phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, áp dụng cứng nhắc một kiểu “đồng phục” cho trụ sở các cơ quan công quyền cấp địa phương lại tạo nên sự tranh cãi lớn bởi làm bó hẹp sự sáng tạo nếu quy chiếu công trình kiến trúc là một tác phẩm sáng tạo theo luật định. Trên quy mô rộng, việc mặc “đồng phục” cứng nhắc cho kiến trúc trụ sở các cơ quan công quyền có thể làm mất đi yếu tố văn hóa, tính vùng miền. Nếu điều này xẩy ra đây có thể cũng là một mất mát lớn với tổng thể kiến trúc đô thị thời kỳ hội nhập – phát triển của tương lai.

Tư duy “mặc đồng phục” trong quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị còn khá phổ biến trong những năm gần đây. Với riêng kiến trúc công sở, trong các năm trước đây, tại nhiều đô thị trên khắp cả nước đã từng xuất hiện trạng bùng nổ trào lưu đồng phục kiến trúc “nhại Pháp” làm tăng chi phí xây dựng, sáo mòn – lộn xộn về kiến trúc. Bộ Xây dựng dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã từng có các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, đồng thời ban hành một số các thiết kế điển hình giúp hạn đáng kể chế xu hướng trên.

Trụ sở chính quyền cấp địa phương xây dựng theo kiểu kiến trúc “nhại Pháp” làm tăng chi phí xây dựng, sáo mòn – lộn xộn về kiến trúc đã từng bị Bộ Xây dựng có văn bản điều chỉnh trong những năm trước đây

Thiết kế cần đặt trong tiêu chí phát triển kinh tế – xã hội chung

Nếu đặt trong hệ quy chiếu vềxu thế phát triển kinh tế xã hộichung, dù là sử dụng một thiết kế kiến trúc điển hình, kiến trúc trụ sở các cơ quan công quyền cấp địa phương cần đạt được 3 yếu tố chính bao gồm: tính nhận diện, tính tiện nghi, tính kinh tế.

Kiến trúc công trình trụ sở mới chỉ nhấn mạnh yếu tố hiện đại, còn thiếu truyền tải nội dung tính bản sắc văn hóa vùng miền, tổ chức vi khí hậu

Với tính nhận diện, trong xu thế hội nhập – phát triển, nên xem xét thiết kế không chỉ một mà có nhiều loại thiết kế điển hình trên cơ sở nghiên cứu rõ các yếu tố đặc thù, tính vùng miền của từng địa phương. Phương án thiết kế mẫu hiện nay còn thiên về yếu tố hiện đại, chưa làm rõ cụ thể các yếu tố truyền thống và tính vùng miền ở cả mức độ tổng thể và chi tiết. TP Hà Nội với các đặc trưng quy mô diện tích lớn sau khi sát nhập và mở rộng địa giới hành chính bao gồm các khu vực chính như phường nội đô, huyện đồng bằng, huyện trung du miền núi, cần có các thiết kế riêng cho từng vùng để phù hợp – hòa nhập với kiến trúc – cảnh quan – văn hóa xã hội từng khu vực. Tính nhận diện không nhất thiết tạo ra bằng toàn bộ công trình mà có thể áp dụng các phần khác nhau của công trình (như mặt tiền công trình, phần mái công trình…).

Kiến trúc trụ sở cở quan công quyền cấp địa phương đồng phục giống nhau, có tính thích ứng và nhận diện cao. (Trụ sở phương Hà Cầu, quận Hà Đông – nguồn ảnh: Internet)

Về tính tiện ích, trong xu thế cải cách hành chính, kiến trúc trụ sở các cơ quan công quyền cấp địa phương cần thể hiện rõ khả năng đáp ứng dịch vụ công tốt nhất cho người dân. Chính vì vậy, bên cạnh một ngoại hình đẹp, tổ chức công năng cần nhấn mạnh và tập trung tổ chức tốt các không gian quan trọng cơ bản như phòng một cửa, phòng tiếp nhận và trả hồ sơ, khu vực bảng thông tin cho người dân…

Về tính kinh tế, trong xu thế tiết kiệm – sử dụng hiệu quả vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng cơ bản, thiết kế mẫu kiến trúc trụ sở các cơ quan công quyền cấp địa phương cần có sự đa dạng thích ứng cao với nhiều địa thế đất xây dựng, đồng thời vẫn đáp ứng được các nhu cầu sử dụng để giảm thiểu chi phí thiết kế. Trên góc độ vật lý kiến trúc, phương án mẫu có kiến trúc mặt ngoài công trình thiên về sử dụng vật liệu kính, có thể gây nên các vấn đề về chi phí phát sinh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam. Do vậy, cần nghiên cứu đồng bộ và tối ưu các vấn đề về tổ chức kiến trúc mặt đứng (tối ưu hóa tiện ích cửa kính phù hợp với khí hậu Việt Nam),  tổ chức công năng, sử dụng vật liệu, tổ chức vi khí hậu để giảm thiểu tổng hợp chi phí đầu tư xây dựng và vận hành công trình.

Đồng thời có quy chế áp dụng linh hoạt để việc cải tạo – xây mới trụ sở các cơ quan công quyền cấp địa phương đạt được tính nhận diện cao nhất với chi phí thấp nhất. Riêng với TP Hà Nội, trong số 136 trụ sở cần cải tạo, bổ sung quy mô hoặc xây mới cục bộ như thống kê, cần xem xét áp dụng cải tạo từng phần quan trọng nhất như mặt tiền công trình, mở rộng các không gian chức năng chính quan trọng cơ bản, giúp tăng cường sự chuyên nghiệp và năng lực hoạt động – phục vụ nhân dân của cơ quan, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư

Ngày 24/9, Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết cơ quan chuyên môn đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Phương án kiến trúc trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND xã phường được đăng trên trên chuyên mục xin ý kiến cộng đồng – Cổng thông tin điện tử Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QHKT) từ ngày 12/9.
Theo phương án đơn vị tư vấn đề xuất, các trụ sở cần thống nhất hình ảnh nhận diện; hình khối ngôn ngữ kiến trúc; bố cục; vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc. Nội dung phương án cũng nêu rõ theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về kết quả kiểm tra thực trạng và nhu cầu đầu tư trụ sở xã phường trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020, hiện trên địa bàn TP còn 7 phường phải thuê trụ sở gồm: phường Phú Diễn, Đức Thắng, Xuân Tảo, Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm); phường Mỹ Đình 1, Xuân Phương, Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Trong 483 xã phường có nhu cầu đầu tư trụ sở, có 154 trụ sở đã xây dựng hoàn chỉnh; 75 trụ sở cần xây mới; 136 trụ sở cần cải tạo, bổ sung quy mô hoặc xây mới cục bộ; 118 trụ sở đã được đầu tư xây dựng, chỉ duy tu cải tạo sửa chữa.

ThS.Kts Đặng Tiên Phong
ThS.Kts Phạm Hoàng Phương

© Tạp chí kiến trúc