BẢO TỒN, TRÙNG TU DI SẢN KIẾN TRÚC THẾ GIỚI LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Thế kỷ XX đã chứng kiến những đổi thay vô cùng lớn lao đối với di sản văn hóa: Đó là sự hủy diệt di sản nghiêm trọng bởi 2 cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc chiến tranh sắc tộc, cục bộ, bởi thiên tai động đất, bão lụt, sóng thần và bởi cả nhân tai một cách vô thức hoặc ý thức đã hủy hoại môi trường gây, biến đổi khí hậu…
Thế kỷ XX cũng đồng thời xác lập sự hồi sinh của các di sản mang tầm vóc nhân loại: Đó là sự hồi sinh di sản của nền Văn minh Ai Cập, Văn minh Cổ Lưỡng Hà, Văn minh Trung Hoa, Di sản Văn hóa thời Hy Lạp, La Mã – Văn hóa Phục Hưng….
Chính trong thực tiễn hủy diệt và hồi sinh di sản đó, các luận thuyết về bảo tồn được ra đời và phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy, 14 Hiến chương, công ước quốc tế có liên quan đã minh chứng sự phát triển về lý luận và thực tế của Công cuộc bảo tồn trùng tu di sản văn hóa của nhân loại.
1. Các công ước Quốc tế về bảo tồn, trùng tu di tích.
– Hiến chương Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931) – The Athens charter for the  restoration of historic monuments (1931).
– Hiến chương Venice – Hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ (1964) the Venice Charter (1964).
– Công ước về Bảo vệ Di sản văn hoá và Thiên nhiên thế giới (1972) – Conservation Concerning the Protection of the World Cultural and Natural Heritage (1972).
– Hiến chương Burra (1979, sửa đổi 1999) the Burra Charter (1979, revised 1999).
– Hoa viên lịch sử – Hiến chương Florence (1981) Historic Garden – the Florence Charter (1981) các công ước quốc tế về bảo tồn, trùng tu di tích.
– Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử – Hiến chương Washington (1987) Charter for the Conservation of Historic Towns and Urban Areas – the Washington Charter (1987).
– Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học (1990) – Charter for the Protection and Management of the Archacological heritage (1990).
– Nguyên tắc chỉ đạo việc giáo dục và đào tạo về bảo vệ di tích, cụm công trình và di chỉ (1993) – Guidelines on Education and Training in the Conservation of Monuments, Ensembles and Sites (1993).
– Văn kiện Nara về tính xác thực (1994) – the Nara Document on Authenticity (1994).
– Hiến chương về việc bảo vệ và quản lý di sản văn hoá duới nước (1996) – Charter on the Protection and Management of Underwater Cultural Heritage (1996).
– Nguyên tắc lập hồ sơ di tích, cụm kiến trúc và di chỉ (1996) – Principles for the Recording of Monuments, Groups of Buildings and Sites (1996).
– Công ước quốc tế về du lịch văn hoá (1999)  – International Cultural Tourism Charter (1999).
– Hiến chương về di sản xây cất bản xứ (1999) Charter on the Built Vernacular Heritage (1999).
– Nguyên tắc bảo tồn các kiến trúc lịch sử bằng gỗ (1999) Principles for the Preservation of Historic Timber Structures (1999).
Tòa nhà Dancing House 
2. Những nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn, trùng tu di tích
– Mục đích của bảo tồn – trùng tu trước hết và tối cao là duy trì, đảm bảo sự tồn tại lâu dài của di tích, do đó trong trùng tu cần bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc và tính chân xác của di tích.
– Bảo tồn – trùng tu cần hạn chế càng nhiều càng tốt sự can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi cần thiết không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích. Ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo.
– Các thành phần thay thế, bổ sung phải được phân biệt với các thành phần nguyên gốc tránh sự nhầm lẫn của các thế hệ sau.
– Mọi quyết định về phục hồi cần phải có những căn cứ xác thực, tuyệt đối không được thực hiện trên các giả thiết.
– Bảo tồn – trùng tu di tích là một khoa học liên quan đến các vấn đề lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật không tương đồng với xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa. Công tác trùng tu phải dựa trên những nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá toàn diện. lập hồ sơ đầy đủ trước khi can thiệp vào di tích.
– Bảo tồn – trùng tu ưu tiên sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống, các quy trình kỹ thuật thi công truyền thống. Việc sử dụng các vật liệu, kỹ thuật mới khi cần thiết phải có các giải pháp không làm ảnh hưởng đến các đặc điểm, giá trị vốn có của di tích.
Khu phố cổ thành phố Warszawa sau khi được phục dựng 
3. Các phương pháp Bảo tồn Di tích
3.1.PHƯƠNG PHÁP HOÀN NGUYÊN PHỤC CỔ (PURITIC METHOD)
Phương pháp này cố gắng loại trừ tất cả các thay đổi và thêm thắt của thế hệ sau kể cả các trang thiết bị nội thất để đưa các di tích kiến trúc thời trung cổ nhất là các thành quách miếu đường trở lại hình thức vốn có của nó. 
Phương pháp này làm ngưng đọng, đóng băng thời gian, không gian của di tích, quá trình và tính lịch sử, độ dày của di tích bị hạn chế. 
Thường được áp dụng trong một số lâu đài, thành quách thời trung cổ.
Thánh đường Sagrada Familia – Các tháp cao vút xù xì giống như các thạch nhũ lộn ngược lên trời 
3.2. PHƯƠNG PHÁP PHỤC CHẾ –
(RESTORATIVE METHOD)
Phương pháp này xuất phát từ sự tôn trọng giá trị nghệ thuật cá biệt của từng di tích. Sử dụng các can thiệp không làm ảnh hưởng đến hình diện nguyên thuỷ.
Ví dụ: thay các cấu kiện hỏng bằng các cấu kiện mới, vật liệu mới nhưng giữ nguyên hình dạng cũ kể cả bề mặt vật liệu cũ. Phương pháp này được áp dụng từ cuối thế kỷ XIX và ngày nay vẫn phổ biến trong trùng tu phục chế.
3.3. PHƯƠNG PHÁP BẢO TỒN
(CONSERVATIVE METHOD)
Phương pháp này chủ yếu dùng các biện pháp bảo tồn di tích theo nguyên trạng đương thời kể cả vẻ điêu tàn cổ kính của công trình và cát bụi thời gian bao phủ bên ngoài. 
Chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng vẫn chạy cần cù đều đặn suôt 400 năm qua không sai 1 phút 
3.4. PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH
(ANALYTICAL METHOD)
Phương pháp này sử dụng tối đa các nguyên tắc bảo tồn và giữ nguyên tất cả các chi tiết của mỗi thời kỳ phát triển của di tích. Nó xuất phát từ quan điểm trung thành với lịch sử – tư liệu, song thường lại dẫn tới việc làm hỏng sức biểu hiện nghệ thuật của toàn bộ công trình kiến trúc.
3.5. PHƯƠNG PHÁP TỔNG HỢP
 (SYNTHETICAL METHOD)
Ngược với phương pháp phân tích, nó cố gắng dẫn tới một sức biểu hiện mới, một hiệu quả nghệ thuật tổng hợp và thống nhất trong bảo tồn trùng tu di tích.
3.6. PHƯƠNG PHÁP BẢO TỒN – TRÙNG TU TÁI THIẾT (RECONTRUCTIVE METHOD)
Phương pháp này phát triển sau năm 1945 do nhu cầu xây dựng lại như cũ các công trình và thành phần di tích bị chiến tranh tàn phá. Nội dung chủ yếu của nó là cố gắng xây dựng lại sao cho công trình giống như nguyên thể trước khi bị phá hoại.
Khu phố cổ thành phố Warszawa – Ba Lan được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, bị huỷ hoại bởi chiến tranh năm 1940, và được tái thiết sau 18 năm. Được liệt vào danh sách những di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1980, vì “Đây là một hình mẫu nổi bật của một công trình gần như được xây lại của một giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XX”.
Nhà hát lớn bên sông Vltava 
3.7. PHƯƠNG PHÁP BẢO TỒN – TÔN TẠO
Trong khi bổ sung và xây dựng lại các công trình di tích bị huỷ hoại, phương pháp này sử dụng các biểu hiện của nghệ thuật kiến trúc đương thời, phần mới thêm vào phải có hình thể, vật thể và kỹ thuật phù hợp với phần cũ của di tích.
3.8. PHƯƠNG PHÁP CẢI TẠO
 (REGENERATIVE METHOD)
Là phương pháp toàn diện giải quyết vấn đề trùng tu công trình không chỉ trên bình diện kỹ thuật và tạo hình mà còn cả về giải pháp chức năng sử dụng di tích phù hợp với nhu cầu trong xã hội đương thời. 
Nó là phương pháp điển hình của phương pháp chăm sóc và bảo quản di tích ở các nước trên toàn thế giới được sử dụng nhiều nhất trong trùng tu các tổng thể di tích  lịch sử đô thị  (khu phố cổ, đường phố cổ…)
Quảng trường san Marco 
4. Kinh nghiệm Bảo tồn Di sản Kiến trúc tại một số đô thị cổ trên thế giới.
4.1. Bảo tồn di sản ở Venice
Thành phố cổ kính 1500 năm tuổi Venice mang trong lòng một gia tài đồ sộ các công trình kiến trúc: khoảng 120 nhà thờ, hơn 60 tu viện (theo nhiều phong cách: Thiên chúa giáo, Byzantine, Roman, Gothic, Phục hưng với phong cách chiết trung, baroc hoặc roccoco), hơn 100 tháp chuông và 40 cung điện được xây dựng trải dài nhiều thế kỷ. Kiến trúc ở Venice là sự pha trộn phong cách của các dòng kiến trúc chính thống châu Âu và phong cách Byzantine, xen lẫn các ảnh hưởng mang hơi hướng Ả Rập dưới tác động của khí hậu Địa Trung Hải…hình thành phong cách kiến trúc gọi là Venetian style với đặc trưng là các vòm hình lưỡi mác đậm chất Gothic, các chi tiết trang trí mang phong cách Byzantine và Ả Rập. Kiến trúc Venetian đã gây bất ngờ cho nhiều KTS khi đặt chân đến đây.
Bộ sưu tập các công trình di sản nằm dọc hai bên bờ Canal Grande (kênh lớn) hết sức đồ sộ, mỗi công trình mang một vẻ độc đáo riêng. Ánh nắng chói chang, nước biển lấp lánh cùng vô vàn công trình kiến trúc làm nên cảnh tượng hấp dẫn dọc từng con phố dòng kênh. Những chiếc cầu cũng là đặc sản của thành phố. Người ta thường nhắc đến những cây cầu nổi tiếng bắc ngang Canal Grande như cầu đá Rialto (được cho là cây cầu được chụp ảnh nhiều nhất thế giới), cầu gỗ Academia, nhưng ít ai biết Venice còn một chiếc cầu đặc biệt bằng kính và thép của KTS Santiago Calatrava nằm giữa quảng trường Roma và ga tàu điện Santa Lucia. 
Do Venice nằm trong một vịnh kín (đầm phá), nền đất khá yếu, từ ngàn năm nay, người ta xây công trình trên cọc gỗ (của cây tổng quán sùi hoặc thông rụng lá của Nga) đóng xuống bùn san sát nhau. Do ngâm trong môi trường nước biển, hầu hết cọc gỗ vẫn làm việc tốt sau hàng trăm năm. Công trình ở đây hầu hết xây bằng gạch đất nung hoặc bằng đá, lợp ngói ống. Quần thể Kiến trúc Venice đều có tuổi đời vài trăm năm.   
Điểm độc đáo nhất của Venice chính là một đô thị thời hiện đại mà không ô tô, xe máy. Giao thông trong thành phố dựa hoàn toàn vào hệ thống đường thủy gồm các kênh đào, với xương sống là Kênh Lớn (Canal Grande) xuyên suốt thành phố: “đại lộ” độc đáo dài 3,5km này được phủ kín hai bên mình những nhà thờ, khách sạn, quảng trường, các điểm tham quan chính của Venice. “Đại lộ” nước này là nơi chứng kiến tất cả những hoạt động của Venice từ buôn bán, lễ hội đến đám cưới, đám tang. Khoảng 150 con kênh đào và khoảng 400 cây cầu biến không gian đô thị ở đây trở nên lãng mạn và độc đáo hiếm có. 
Phương tiện giao thông nội đô gồm có phà (water bus), ca nô (taxi), thuyền chèo cá nhân (gondola). Giao thông đối ngoại có tàu điện, hai sân bay quốc tế và đường bộ đến cửa ngõ thành phố. Tuy nhiên, hầu hết người dân và du khách ưa thích đi bộ trong các con hẻm nhỏ thay vì dùng các phương tiện giao thông công cộng. 
Đây là yếu tố quan trọng góp phần gìn giữ môi trường cảnh quan tạo điều kiện tốt cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc thông qua phát triển du lịch.
Thành phố có hàng trăm quảng trường, do không có xe cộ qua lại, người dân có thể tự do thưởng ngoạn mà không cần bận tâm đến giao thông. Quảng trường thường gắn liền tượng đài và nhà thờ hoặc tu viện cùng tháp chuông, khiến không gian đô thị liên tục thay đổi, hấp dẫn ở mọi góc nhìn. Đẹp nhất và nổi tiếng nhất là quảng trường San Marco, một mặt quay ra biển, phần còn lại được bao bọc bởi các kiến trúc di sản và lúc nào cũng đầy ắp chim bồ câu. Nói về quảng trường San Marco, Napoléon cho rằng đó là “căn phòng khách thanh lịch nhất Châu Âu” (nguyên văn: “le plus élégant salon d’Europe”).
Có thể nói hệ thống kênh đào, những chiếc cầu, những quảng trường, nhà thờ và tu viện, tháp chuông chính là các thành tố cấu trúc nên không gian đô thị độc đáo của Venice. Công tác bảo tồn đi đôi với phát triển du lịch. 
Venice được nguyên vẹn như ngày nay là nhờ những nỗ lực tột bậc của Chính phủ Italia, người dân ở đây và cả cộng đồng quốc tế, điều này có thể ghi nhận qua chính sách quản lý xây dựng rất hiệu quả. Mỗi ngôi nhà là một di sản và dường như chứa đựng cả một pho truyện cổ tích về lịch sử và gốc gác của nó. Nhà giáp với kênh đào luôn có một cửa chính mở trực tiếp ra mặt nước. Những ngôi nhà nhìn bề ngoài sứt sẹo, mốc meo và hầu như không thay đổi qua thời gian, nhưng nội thất thì lại tiện nghi sang trọng, đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại. Không có nhà nhiều tầng và cao tầng, biển quảng cáo cũng không hề xuất hiện và cũng không có kiến trúc mới xây chen. Một điểm rất thú vị là dường như chính quyền thành phố cho phép người dân tự do sinh hoạt đời thường như việc phơi phóng quần áo trước nhà, tự chọn màu sơn cho ngôi nhà của mình… khiến du khách rất thích thú và muốn khám phá cuộc sống nơi đây.
Chi tiết trang trí kiến trúc theo phong cách Venetian 
4.2. Bảo tồn di sản kiến trúc ở Praha – Cộng hòa Séc
Lâu đài Praha – lâu đài cổ nhất trên thế giới với nhiều cung điện đền đài, được bao bọc bởi bức tường thành, bên trên có nhiều ngọn tháp uy nghiêm trên đỉnh đồi Strahop trấn giữ, trông coi toàn thành phố. Cây cầu Charles Karluvmost với 30 bức tượng thánh kiệt tác bằng đá mà người ta quen gọi là “cầu tình” miệt mài đón đưa hàng triệu du khách trên thế giới mỗi năm từ quận Srato Mesto bên hữu ngạn qua sông Vltava sang bên tả ngạn, khu Cung điện nhà vua. Quảng trường “Con gà trống” với chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng vẫn chạy cần cù đều đặn suốt 400 năm qua không sai một phút. Cứ mỗi giờ chúa Jesus và 12 vị tông đồ quay đi một vòng, ở nóc đồng hồ có chú gà trống vàng cứ đúng 12 giờ trưa lại cất tiếng gáy vang. 
Các cung điện lâu đài từ Nhà thờ Praha, Tu viện Thánh Gioóc, Tháp toà thánh trong dinh Tổng thống, Tháp chuông cổ Oóclôi, Cung điện Mùa hè Hoàng gia tới các con phố lát đá nhỏ hẹp trong khu phố trung tâm chứa đựng hàng ngàn ngôi nhà cổ châu Âu xinh đẹp, sang trọng. Tất cả vẫn giữ nguyên vẻ thơ mộng lãng mạn làm say đắm du khách đến thăm.
Năm 1992, trung tâm thành phố Praha được Unesco công nhận là di sản thế giới. Nhà nước và nhân dân cộng hoà Séc đã làm rất tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hàng ngàn công trình tượng trưng cho nhiều phong cách nghệ thuật kiến trúc khác nhau từ Roman, Gothic đến Phục hưng, Ba rốc và cả Tân nghệ thuật.
Trong khu trung tâm thành phố quanh năm có những đền đài, miếu mạo được quây phủ bên ngoài để tu sửa phục chế bên trong. 
Nói vậy không có nghĩa là Praha bất biến. Nếu cố tình đi tìm những kiến trúc mới ta sẽ phát hiện ra tòa nhà “dancing house”  xây xen cấy ở khu trung tâm Thành phố cổ. Đây là minh chứng rõ nét cho quan điểm bảo tồn theo phương pháp cải tạo của chính quyền Thành phố: Trong khi giữ gìn giá trị của kiến trúc cũ vẫn có thể dung nạp những yếu tố kiến trúc mới phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật đương đại.
Tòa nhà văn phòng Nhà nước Hà Lan tại Praha của KTS tài ba Frank O Gehry đến từ California mà người ta thường gọi là toà nhà nhảy múa “dancing house”. Toà nhà được xây dựng từ năm 1992-1996 sau nhiều tranh cãi, nằm trên đại lộ dọc theo sông Vltrava bên phía hữu ngạn, được thiết kế theo trường phái “Kiến trúc ấn tượng”. Hình dáng bên ngoài tòa nhà miêu tả một đôi trai gái đang dìu nhau trong điệu nhảy cổ điển, làm ta liên tưởng tới các buổi dạ hội cung đình với các quý ông, quý bà trong giới quý tộc Châu Âu. Phải chăng đó là lý do khiến cho nó không bị xa lạ, lạc lõng giữa đại lộ toàn những dinh thự cổ kính. Frank O Gehry còn tìm tòi sáng tạo hình dáng và tỷ lệ cửa sổ tòa nhà ăn nhập và phù hợp với cửa sổ các tòa nhà bên cạnh. Điều đó khiến nó đứng được ổn định hài hoà với bối cảnh chung quanh.
Nó như muốn chứng tỏ rằng, Praha vẫn đập nhịp thời đại, vẫn mang hơi thở cuộc sống, vẫn phản ánh kiến trúc đương thời  – dù rằng thành phố mãi mãi vẫn là đô thị cổ thơ mộng và lãng mạn, mãi mãi vẫn là viên ngọc quý báu của nhân loại cần phải trân trọng gìn giữ cho muôn đời sau.
Quảng trường Con ngựa tại khu trung tâm Thành phố cổ 
4.3. Bảo tồn di sản trên Đại lộ Gracia – Barcelona – Tây Ban Nha
Nằm ở miền đông bắc Tây Ban Nha, bên bờ biển Địa Trung Hải đầy nắng và gió, Barcelona vừa mới bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử phát triển của mình. Khu phố cổ của thành phố cho đến nay vẫn giữ nguyên quy hoạch theo mạng lưới ô vuông bàn cờ điển hình. Mỗi ô vuông có cạnh khoảng 100m dài. Đại lộ Gracia nối từ trục đường Diagonal tới trục đường Gran-Via Corts Catalanes với chiều dài tám ô vuông.
Hai bên đại lộ các công trình xây dựng theo đủ loại phong cách kiến trúc Cổ điển, Phục hưng, Barocque, Gotic, Hiện đại, Hậu Hiện đại… Chúng thi nhau đua nở, tồn tại hồn nhiên bên nhau, rất hợp lý, bất chấp sự thách thức của cặp phạm trù hài hòa – tương phản trong quy luật tổ hợp kiến trúc, tựa như sự lặp đi, lặp lại của nhiều cái bất thường sẽ trở thành cái bình thường.
Mỗi toà nhà được xây dựng công phu tỷ mỉ tới từng chi tiết nhỏ nhặt, thể hiện những nét đẹp tinh tuý nhất của phong cách kiến trúc mà nó đại diện. Toà nhà mang phong cách kiến trúc Roman với hàng cột diễm lệ theo thức Ionien, Coranh hay Toscan thể hiện vẻ đẹp chuẩn mực trong kiến trúc cổ điển Hy Lạp, La Mã. Toà nhà mang phong cách kiến trúc Barocque với muôn vàn chi tiết gờ chỉ, hoa lá tinh xảo, cầu kỳ trên đầu cột, cuốn vòm, thân bệ như muốn khoa trương vẻ đẹp xa hoa lộng lẫy của giới quý tộc thượng lưu đương thời…Còn toà nhà theo phong cách hiện đại thì với những đường nét ngay thẳng, khối hình học kỷ hà lại phô bày cái đẹp khoẻ khoắn, trẻ trung thực dụng của thế hệ mới… Cứ thế, cứ thế các toà nhà theo các phong cách kiến trúc khác nhau đan xen tạo nên vũ điệu kiến trúc mà đỉnh cao của chúng, nơi tận cùng của sự sáng tạo, của cảm xúc thăng hoa, phiêu diêu lãng mạn được đọng lại ở hai trong số muôn vàn kiệt tác của kiến trúc sư thiên tài Antoni Gaudi đã để lại cho Barcelona: Casa Mila và Casa Battlo. Cả hai ngôi nhà đều được Unesco đưa vào danh sách di sản thế giới.
Chính quyền thành phố đã cho bảo tồn tu bổ đại lộ Gracia theo phương pháp cải tạo với toàn bộ các ngôi nhà nằm trên mặt đường kết hợp với phương pháp bảo tồn tôn tạo đối với hai công trình kiệt tác của Gaudi.
Cách đại lộ Gracia theo đường Mallorca khoảng 1km là Thánh đường Sagrada Familia – Một kiệt tác nữa của Gaudi để lại cho Barcelona, mà ngày nay đã trở thành một trong những biểu tượng của đất nước Tây Ban Nha.
Được khởi công từ năm 1882 cho đến nay, trải qua 130 năm nhà thờ này vẫn chưa hoàn thành. Đứng trước Sagrada Familia hùng vĩ và uy nghi người ta không thể không ngẩn ngơ sửng sốt. Công trình vẫn còn dở dang, nhiều cần cẩu khổng lồ in bóng trên trời cao. Được biết khi hoàn chỉnh (dự định năm 2020), đây sẽ là một hệ thống gồm 18 ngọn tháp vinh danh Đức Mẹ đồng Trinh, Chúa Jesus, 12 vị thánh Tông đồ và bốn vị Thánh phúc âm. Những lời dạy của Chúa và các huyền thoại về nước Chúa được khắc lên khắp các mặt tường và tháp chuông.
Có lẽ đây là công trình duy nhất trên thế giới mà người ta cùng một lúc song song tiến hành hai công việc: Bảo tồn tu bổ phần vừa xây xong và tiếp tục xây dựng phần còn lại của công trình.
Đứng dưới chân tháp Jesus cao đến 170m, con nguời thật chẳng khác nào “con giun, cái kiến” thế mà thật kỳ lạ, lùi ra xa ngắm nhìn, cả tòa thánh đường chẳng khác gì tòa lâu đài bằng cát. Các tháp cao vút, xù xì giống như các thạch nhũ lộn ngược trên trời. Cũng như ở các công trình kiến trúc khác, Gaudi mô phỏng thiên nhiên một cách tài tình qua thánh đường này. Các thân cột giống như những thân cây chìa ra ở một độ cao nhất định đỡ lấy mái cuốn dạng vòm – đôi chỗ bắt gặp dạng kết cấu mô phỏng cho sức chống đỡ của bộ xương, cùng với các dây chằng và phủ trên nó, trên khắp bề mặt nhà thờ là các họa tiết cổ kính công phu, mô tả sự tích giáng sinh và những chặng đường của Chúa Jesus cùng với các phù điêu cây cỏ hoa lá dày đặc.             
Tuổi thơ của Antoni Gaudi không mấy dễ dàng, là em út trong một gia đình năm con, cậu bé không hoà đồng được với bạn bè cùng lứa bởi mắc bệnh viêm khớp. Do vậy, cậu rất ít khi đi lại và bắt buộc phải nhờ đến chú lừa mỗi khi muốn ra khỏi nhà. Hầu hết thời gian rảnh rỗi cậu dành để quan sát các loài vật, ngắm nghía cây cối hoa lá, tìm hiểu đất đá tự nhiên. Chính vì vậy trong cuộc đời sáng tạo sau này, Gaudi đã chắt lọc được các đường nét, màu sắc, dáng vẻ, khối hình tinh tuý nhất, đặc trưng nhất của thiên nhiên đưa vào các tuyệt phẩm kiến trúc của mình. Ông từng nói “Cấu trúc của thiên nhiên là cấu trúc bền vững nhất”. Thật không sai nếu xem ông là ông tổ của trường phái kiến trúc phỏng sinh học giữa thế kỷ XX và trào lưu kiến trúc sinh thái đầu thế kỷ XXI này.
Năm 1878, ông Elies Rogent – Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kiến trúc Barcelona khi ký tên trên chứng chỉ văn bằng kiến trúc sư cho Gaudi, có nói “Ai biết được chúng ta trao chứng chỉ này cho một thằng đần hay một thiên tài. Thời gian sẽ trả lời”. Câu trả lời đã có từ rất lâu rồi. Ông Rogent chắc không thể ngờ rằng, khi ông ký tên vào văn bằng kia, ông đã rất may mắn có được một cơ hội để cả thế giới biết đến tên ông thông qua Thiên tài kiến trúc Antoni Gaudi.
Quảng trường San Marco – một kiệt tác thiết kế đô thị 
5. THAY CHO LờI KếT.
Ngày nay, bảo tồn di sản được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ bản thân di sản mà còn là môi trường cảnh quan khu vực, không chỉ phạm vi một di tích mà còn là một khu phố, thậm chí cả thành phố.
Bảo tồn và phát triển tưởng như đối nghịch song bản chất là hai mặt cùng tồn tại trong một thực thể của di sản.
Bảo tồn đi đôi với phát triển là nguyên tắc quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị.
Các nhà đô thị học trên thế giới đã đưa ra 5 tiêu chí để đảm bảo cho một đô thị phát triển bền vững. Bên cạnh các tiêu chí về sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, an toàn về tài chính, đảm bảo sống tốt cho cư dân đô thị…. Có một tiêu chí rất quan trọng không thể thiếu đó là : Bảo tồn di sản văn hóa – kiến trúc đi đôi với việc phát triển đô thị.
Bảo tồn di sản là công việc ứng xử với quá khứ, phát triển xây dựng là câu chuyện của tương lai. Đô thị phải luôn là gạch nối giữa quá khứ và tương lai. Nó phải luôn là dòng chảy lịch sử liên lục không được phép ngắt quãng bởi bất cứ lý do gì.
Đô thị không có di sản là đô thị không có ký ức, đô thị mất trí nhớ, đồng nghĩa với không có điểm tựa, không có chỗ dựa về nhân văn, không có bề dày văn hóa đủ để làm bệ phóng vươn tới tương lai. Một đô thị như vậy không thể là niềm tự hào cho cư dân sinh sống trong đó, không đủ sức hút bạn bè bốn phương đến thăm….và một đô thị như vậy không thể là đô thị phát triển bền vững.
GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu