Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hạ Long – Đô thị biển hiện đại và giàu bản sắc

Tỉnh Quảng Ninh nằm trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nằm trong quy hoạch hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Quảng Ninh có quan hệ mật thiết về các hoạt động kinh tế, khoa học và văn hoá xã hội với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, các Tỉnh đồng bằng sông Hồng và ven biển Bắc Bộ. Đặc biệt, Quảng Ninh cũng có mối quan hệ thuận lợi về giao thương kinh tế với Trung Quốc, với thị trường quốc tế và khu vực rộng lớn thông qua cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn, cửa khẩu Bắc Phong Sinh.
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý, học hỏi tham khảo kinh nghiệm phát triển các đô thị trên thế giới, đặc biệt các đô thị ven biển của các quốc gia khu vực lân cận…, Sở Xây dựng Quảng Ninh mong muốn được trao đổi, chia sẻ về một số định hướng phát triển của Hạ Long để các chuyên gia, các nhà chuyên môn… cùng suy ngẫm, tư vấn để Hạ Long trở thành thành phố hiện đại, giàu bản sắc trong tương lai.
Một số định hướng quy hoạch xây dựng phát triển Thành phố Hạ Long
Quan điểm phát triển: 
QHXD Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ninh; trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm vóc quốc tế gắn với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; trung tâm thương mại, dịch vụ công nghiệp cảng biển nước sâu, giữ vai trò là một trong những đô thị hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Bắc; gắn với vai trò quan trọng đảm bảo về an ninh, quốc phòng.
QH phát triển Hạ Long, phải lấy Di sản vịnh Hạ Long làm trung tâm; lấy việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long làm trọng tâm để định hướng, giới hạn phát triển không gian đô thị, phát triển các lĩnh vực, các ngành kinh tế thành phố và khu vực lân cận; mặt khác cần kết hợp việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử (núi Bài Thơ, Chùa Long Tiên, Đền Trần Quốc Nghiễn, Di chỉ khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên…); nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng du lịch – thương mại của đô thị để phục vụ phát triển du lịch – dịch vụ; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ – du lịch, hệ thống thông tin, khoa học công nghệ, văn hóa du lịch, văn hóa Hạ Long làm nền tảng sự phát triển; hạn chế phát triển các ngành nghề xung đột, mâu thuẫn với việc bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long; khai thác tối ưu lợi thế cảnh quan, điều kiện tự nhiên phục vụ phát triển du lịch –  dịch vụ…;
Cơ sở nghiên cứu:
QH phát triển Hạ Long căn cứ vào các định hướng phát triển tại các Nghị quyết Bộ Chính trị, quy hoạch vùng Duyên hải Bắc Bộ; quy hoạch hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc; quy hoạch vùng biên giới Việt Trung; các quy hoạch chuyên ngành khác; quy hoạch các đô thị lân cận… Cần căn cứ vào đánh giá lịch sử hình thành phát triển thành phố; điều kiện hiện trạng, đặc điểm vị trí, địa hình tự nhiên, dân số, lao động, việc làm; đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan, hạ tầng, hiện trạng các ngành kinh tế; đánh giá những tồn tại, hạn chế, lợi thế, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức phát triển của Thành phố….
 Quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Nghiên cứu QH Hạ Long phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề thành phố theo hướng: Dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp; tăng dịch vụ, giảm dần công nghiệp và nông nghiệp, trong công nghiệp giảm dần khai thác than lộ thiên, giảm các công nghiệp độc hại, nguy cơ ô nhiễm môi trường, công nghiệp sử dụng nhiều nguyên liệu…; gắn QH thành phố với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch ngành than, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long…
Nguồn lực đầu tư phát triển thành phố 
QH – XD Hạ Long cần khai thác các lợi thế để tạo sức hút, khai thác các nguồn lực đầu tư. Đặc biệt là nguồn lực từ ngoài ngân sách (trong và ngoài nước) dành cho Dự án có chất lượng cao, giá trị khác biệt, từ đó thu hút đầu tư các Dự án đó với các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, tạo thành động lực thu hút, thúc đẩy phát triển; hạn chế các dự án khai thác các nguồn lực hữu hạn, các tài nguyên không tái tạo (từ tài nguyên khoáng sản: than, đất sét; từ đất đai…); hướng tới ưu tiên phát triển các Dự án bền vững, các dự án khai thác từ các nguồn lực vô hạn, tài nguyên tái tạo được (dịch vụ, du lịch, khai thác cảnh quan, giá trị văn hóa lịch sử…);
Quy hoạch không gian sinh thái, môi trường
QH Hạ Long cần nghiên cứu bảo tồn, phát triển, khai thác giá trị các không gian sinh thái, môi trường, hỗ trợ cho Hạ Long:
– Không gian sinh thái đô thị – du lịch: Hồng Gai, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Đại Yên, Hoàng Tân…: Mô hình gắn kết các khu ở, khu du lịch, cây xanh, mặt nước…khai thác địa hình cảnh quan tự nhiên; Kết hợp khai thác tối đa các giá trị văn hóa, lịch sử, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề truyền thống ở khu vực các phường trung tâm thành phố (Hòn Gai, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo)
– Không gian sinh thái rừng, núi: Trên các khu đồi, rừng cao phía Hồng Gai, Bãi Cháy, Đại Yên, Việt Hưng…; vành đai cách ly khu dân cư với các khai trường mỏ (các bãi thải mỏ hoàn nguyên trồng rừng…); hệ thống các núi đá ven vịnh (Bài Thơ, Cô Tiên, Cặp Bè…);
– Không gian sinh thái biển, mặt nước: Vùng di sản vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, vùng giáp núi Quang Hanh, vùng hồ Yên Lập;
– Không gian sinh thái vùng công nghiệp: Sản xuất VLXD, nhiệt điện Hà Khánh, các khai trường than…tổ chức gắn kết với cây xanh…;
– Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh công cộng, cây xanh trong các công trình, cây xanh đường phố; nghiên cứu trồng loại cây phù hợp, tạo đặc sắc riêng;
Định hướng phát triển không gian vùng lân cận: QH Hạ Long cần chú ý phát triển không gian các vùng lân cận sau:
– Hoành Bồ: là vùng sinh thái, môi trường, cấp nước cho Hạ Long, giảm tải giao thông cho Hạ Long (theo tuyến đường tránh phía Bắc), là cửa ngõ Hạ Long khi trục đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long – Móng Cái hình thành; phát triển các đô thị sinh thái vệ tinh Trới, Lê Lợi, Thống Nhất để giảm tải cho trung tâm Hạ Long; xây dựng nghĩa trang dùng chung cho Hạ Long – Hoành Bồ;
– Quảng Yên là vùng phát triển mới về công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ cảng biển; cửa ngõ đến Hạ Long theo Quốc lộ 18, đường cao tốc 5B kéo dài (Hải Phòng – Hạ Long); kết nối gắn Hạ Long với hạ tầng giao thông ven biển (cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, đường cao tốc 5B, Sân bay Cát Bi…), khai thác lợi thế từ thành phố Hải Phòng (là khu công nghiệp cảng biển, hậu cần cảng đối trọng với khu công nghiệp cảng biển và hậu cần cảng của Hải phòng) và các tỉnh lân cận, góp phần giảm tải cho trung tâm Hạ Long;
– Khu vực Quang Hanh (TP Cẩm Phả): Phát triển đô thị vệ tinh, các dịch vụ du lịch, khu du lịch sinh thái ven biển, khu sửa chữa, tiểu thủ công nghiệp giảm tải cho Hạ Long;
Định hướng phát triển không gian Hạ Long
Không gian thành phố Hạ Long xen lẫn với không gian hành chính của huyện Hoành Bồ, thị xã Quảng Yên; lấy cầu Bãi Cháy làm ranh giới, lấy Vịnh Cửa Lục làm điểm giữa, có thể phân Hạ Long thành các khu vực phát triển không gian như sau: Khu vực Phía Đông Hạ Long; phía Tây Hạ Long; phía Nam Hạ Long (vịnh Hạ Long),  phía Bắc Hạ Long (khai trường than, các Dự án Nhiệt điện, xi măng, khu công nghiệp dọc trục đường chánh phía Bắc Hạ Long);
– Định hướng: Không gian thành phố phát triển mạnh về phía Tây (Hùng Thắng, Đại Yên, Hoàng Tân, Quảng Yên…), theo trục đường 5B kéo dài, nối TP Hải Phòng với TP Hạ Long; Một phần phát triển về phía Bắc (Hoành Bồ) theo hướng đấu nối với đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long – Móng Cái;
– Trung tâm hành chính, chính trị, của tỉnh, thành phố: Giai đoạn đến năm 2030, giữ nguyên tại phía Đông Hạ Long, quy hoạch tổ chức sắp xếp lại (giai đoạn sau 2030, nghiên cứu Trung tâm hành chính – chính trị tỉnh về phía Hùng Thắng (hoặc Đại Yên), tạo bộ mặt hành chính mới cho tỉnh, tạo sức hút phát triển phía Tây Hạ Long);
– Trung tâm văn hóa, thể thao: QH XD trung tâm văn hóa Lán Bè, khu vực Cặp Bè; khu thể thao cột 3, cột 5;  trung tâm văn hóa Hùng Thắng, Tuần Châu; trung tâm thể thao vùng Đông Bắc…; sau năm 2030 nghiên cứu thêm trung tâm thể thao tại khu vực Hoành Bồ;
– Trung tâm thương mại, dịch vụ: Hình thành trên cơ sở hệ thống Chợ Hạ Long 1, 2, 3, các Siêu thị cột 5, cột 8, Metro, hệ thống chợ, các trung tâm thương mại tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu; hình thành các tuyến phố đi bộ – mua sắm tại Cặp Bè, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu…;
– Trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng: Phân bổ rải rác trên địa bàn thành phố gắn với điều kiện tự nhiên sinh thái, các địa danh, chức năng: Du lịch thắng cảnh vịnh Hạ Long (hình thành các điểm, tuyến du lịch mới trên vịnh Hạ Long), du lịch khai trường khai thác than; du lịch di tích lịch sử cụm công trình núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, Nhà Thờ, đền Trần Quốc Nghiễn, Di chỉ khảo cổ Hòn Hai Cô Tiên; Du lịch sinh thái Hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm; Khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Cháy, công viên Hoàng Gia, Hùng Thắng, khu du lịch quốc tế đảo Tuần Châu (hình thành hệ thống khách sạn 5 sao, gắn với Trung tâm hội nghị), khu vực Đại Yên, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng mới tại Hoàng Tân (Quảng Yên)…
– Về các trung tâm phát triển công nghiệp:
+ Trung tâm công nghiệp sản xuất than: Khu vực phía Đông Hạ Long, giảm khai thác lộ thiên, chỉ duy trì khai thác hầm lò theo Quy hoạch ngành than. Quy hoạch vành đai cách ly đô thị, khu dân cư với khai trường than, hoàn nguyên môi trường và trồng xây xanh tại các bãi thải, các khai trường; đầu tư hệ thống đường vận tải nối trong các mỏ, chuyển địa điểm nhà sàng Nam cầu Trắng ra khỏi khu dân cư; sau năm 2015 không xuất than bằng đường thủy đi qua vịnh Hạ Long, chỉ sử dụng than cho các Nhà máy nhiệt điện, xi măng phía Bắc, còn lại vận chuyển sang khu vực Cẩm Phả bằng đường chuyên dùng.
+ Trung tâm sản xuất gạch ngói tại Giếng Đáy: Giữ nguyên, ổn định sản xuất, thu dần diện tích và quy mô khai thác sét và sản xuất các nhà máy, nâng cao công nghệ hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, sản xuất vật liệu mỏng xuất khẩu, ít xả khí thải ra môi trường; hoàn nguyên các khu mỏ sét, chuyển đổi thành đất phát triển đô thị;
+ Khu công nghiệp Cái Lân, Việt Hưng: Giới hạn phát triển, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, dịch vụ hậu cần sau cảng; giảm dẫn các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường…đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn khu công nghiệp;
+ Các cụm công nghiệp: QHXD, hình thành các cụm công nghiệp phía Hà Phong, Hà Khánh, Việt Hưng để di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có trong nội thành, gần các khu dân cư để quản lý, giảm ô nhiễm môi trường, giành quỹ đất phát triển đô thị;
+ Trung tâm sản xuất nhiệt điện, xi măng tại Hoành Bồ và Thành phố Hạ Long (Nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long, nhà máy nhiệt điện Hà Khánh): giữa nguyên công suất đang khai thác hiện nay, không mở rộng nâng cấp để tiến tới ngoài năm 2030 sẽ dừng khai thác, vận hành; hoàn nguyên môi trường.
Hoàn thiện đầu tư xây dựng và ổn định sản xuất Trung tâm Nhiệt điện tại Hà Khánh, các Nhà máy Xi măng Thăng Long, Hạ Long, nhiệt điện Thăng Long tại Hoành Bồ; không nâng thêm công suất, nâng cao công nghệ xử lý môi trường, thiết bị vận chuyển…hạn chế mức thấp nhất tác động môi trường do sản xuất, vận chuyển gây ra;
– Về trung tâm dân cư đô thị, các đô thị vệ tinh: Xây dựng mới, nâng cấp chỉnh trang hoàn thiện đô thị Trung tâm Hạ Long; phát triển các đô thị vệ tinh Việt Hưng, Trới, Minh Thành, Quang Hanh…hỗ trợ, giảm tải cho đô thị trung tâm. Gắn phát triển các khu dân cư đô thị hiện đại với các cơ sở thương mại, dịch vụ – du lịch…để khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, môi trường;
– Về hệ thống bệnh viện, trường học: QH XD, nâng cấp Bệnh viện Hồng Gai, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện sản nhi tại Đại Yên, Bệnh viện Quốc tế tại Hùng Thắng. QHXD trường Đại học quốc tế tại khu vực Đại Yên, Tuần Châu;
Định hướng kiến trúc cảnh quan, quy hoạch xây dựng, chỉnh trang các khu đô thị
Nghiên cứu khai thác tiềm năng lợi thế điều kiện địa hình, cảnh quan tự nhiên…; tập trung khai thác cảnh quan dọc tuyến ven bờ vịnh Hạ Long, hai bên Cửa Lục, tạo điểm nhìn ra vịnh và ngược lại; quy hoạch các trục đường tạo không gian mở, hướng ra biển và vịnh Cửa Lục, tạo nhiều không gian mềm dọc ven biển, đưa các dịch vụ – du lịch tiếp cận khu vực ven biển; giới hạn và hạn chế tối đa việc lấn biển, khai thác tốt cảnh quan, quỹ đất, điểm nhìn trên đồi cao… khu vực ven biển khống chế cao độ san nền hợp lý, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển đô thị sinh thái đặc trưng gắn với Di sản vịnh Hạ Long, cảnh quan núi Bài Thơ, dải đồi cao…; cải tạo hệ thống kênh – mương thoát nước gắn với cảnh quan, cây xanh; từng bước phát triển đồng bộ và chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; định hướng để tập trung đầu tư xây dựng giải quyết tốt nhà ở xã hội đô thị; quản lý tốt các quỹ đất trống, đất chưa khai thác…;
– Đối với các dự án hạ tầng khu đô thị hiện có: rà soát điều chỉnh phù hợp, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng, quản lý hướng dẫn Nhân dân xây dựng theo quy hoạch; đối với các khu dân cư cũ tại trung tâm Hạ Long, thực hiện chuyển đổi dần theo hướng giảm dần nhà liên kế, sắp xếp hợp khối kiến trúc, chuyển đổi sang chức năng hỗn hợp: dịch vụ, thương mại, văn phòng, ở chung cư…trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật. Đối với các khu dân cư cũ ven đô thị, xa trung tâm: chỉnh trang hạ tầng, quản lý xây dựng theo chỉ giới…hạn chế mật độ xây dựng. Đối với các dự án khu đô thị mới tại Hạ Long phải xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình kiến trúc, không bán nền, hạn chế xây dựng nhà liên kế; quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh, quảng trường…;
Định hướng phát triển hệ thống giao thông 
– Giao thông đường bộ: QHXD, cải tạo nâng cấp trục Quốc lộ 18 xuyên suốt thành phố, nghiên cứu thêm cầu nối qua Cửa Lục; xây dựng mới tuyến đường đối ngoại 5B kéo dài nối TP Hải Phòng – Hạ Long, tuyến Cái Mắm – Đồng Đăng – Trới nối với tuyến đường tránh phía Bắc TP Hạ Long; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 279 nối Hạ Long với Hoành Bồ; QHXD đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long – Móng Cái đi qua phía Bắc Hạ Long, cải tạo tỉnh lộ 337…; hoàn chỉnh hệ thống tuyến đường bao biển: tuyến Hà Khánh – Núi Bài Thơ – Cột 8, tuyến bao biển Bãi Cháy – Cái Dăm – Hùng Thắng  – Tuần Châu); sử dụng hệ thống giao thông thủy và các phương tiện kín để vận chuyển vật liệu xây dựng, thu gom rác, chất thải rắn (hạn chế vận chuyển trên đường bộ);
– Giao thông đường thủy: QHXD Cảng hàng hóa Cái Lân, cảng khách Du lịch quốc tế Hồng Gai; các cầu cảng Nhiệt Điện Hà Khánh, Xi măng Thăng Long, xi măng Hạ Long; các cảng Vật liệu xây dựng…; xây dựng mới cảng tàu du lịch Bãi Cháy, khai thác các cảng và âu tàu du lịch Tuần Châu, bến phà Tuần Châu – Cát Bà
– Giao thông đường sắt: Hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội – Hạ Long – Cái Lân, khai thác vận chuyển hàng hóa cho cảng Cái Lân; giai đoạn sau năm 2030, nghiên cứu tuyến đường sắt Hạ Long – Cẩm Phả – Móng Cái;
– Hàng không: nâng cấp Sân bay trực thăng quân sự hiên có tại Bãi Cháy kết hợp với mục đích phát triển du lịch, phát triển kinh tế; QHXD thêm các sân bay trực thăng trên các đồi cao phục vụ phát triển du lịch;
Định hướng cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc 
Phát huy hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cáp quang hiện có; từng bước ngầm hóa đưa vào các hào kỹ thuật (các tuyến chính), hiện đại hóa hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cáp quang… đảm bảo cung cấp an toàn, liên tục, chất lượng phục vụ đô thị, du lịch; phát triển hệ thông Internet không dây- phủ khắp không gian hành chính thành phố để phục vụ phát triển du lịch.
Định hướng thoát nước thải, xử lý môi trường, nghĩa trang, nghĩa địa
Tiếp tục tranh thủ vốn ODA cho dự án VSMT Hạ Long, hoàn thiện hệ thống thoát nước riêng, xây dựng các khu xử lý nước thải sinh hoạt, khu xử lý chất thải rắn đô thị đảm bảo VSMT. Xây dựng nghĩa trang dùng chung Hoành Bồ – Hạ Long tại khu vực Thống Nhất (Hoành Bồ); xây dựng 02 nhà tang lễ phía Đông, phía Tây thành phố Hạ Long; nâng cấp các nhà tang lễ gắn với các Bệnh viện lớn;
Trong lộ trình “Xây dựng phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại vào năm 2020 với hai khu hành chính – kinh tế  đặc biệt Móng Cái, Vân Đồn. Cần chú trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển nền kinh tế xanh với Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vịnh Hạ Long làm trung tâm trong xây dựng, phát triển Quảng Ninh”. Theo đó, định hướng phát triển không gian kiến trúc đối với QH xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh theo hướng hình thành 1 trục, 2 cánh, trong đó trục trung tâm là thành phố Hạ Long. Hạ Long giữ trọng trách là đầu tầu, đảm bảo thực hiện các mục tiêu trên. Muốn vậy, cần thiết phải có sự nghiên cứu, nhận diện và đặt Hạ Long trong điều kiện, bối cảnh phát triển mới, đánh giá đúng các tiềm năng lợi thế, thách thức, khó khăn, cơ hội để có một định hướng đúng cho phát triển Hạ Long. Trong đó, công tác quy hoạch xây dựng cho thành phố là rất quan trọng, khắc phục các hạn chế, giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển, tạo không gian, mặt bằng để phát triển Hạ Long hiện đại, bền vững đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt, nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu cho tương lai.
KS Nguyễn Mạnh Tuấn
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh