Trong vấn đề bản tồn di sản, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam đều có một số điểm tương đồng như: Có các thể loại công trình lịch sử văn hóa đa dạng của nhiều thời kỳ lịch sử, có sự tương tác với văn hóa phương Tây mà qua đó để lại các công trình mang phong cách thuộc địa; phần nào có sự tương đồng về văn hóa, cách tư duy, quản trị xã hội mang tính tập quyền và “top-down” kiểu châu Á; đều trải qua những tàn phá của chiến tranh và sự phục hồi sau hậu chiến; đều kinh qua những quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh chóng dưới tác động của kinh tế thị trường,… Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn, Singapore đại diện cho sự thành công của cách tiếp cận bảo tồn mang tính thỏa hiệp, thực dụng, khôn ngoan và hiệu quả; còn Nhật Bản đại diện cho lối tiếp cận bảo tồn chuẩn mực, nghiêm ngặt, hiệu quả và mềm dẻo có điều kiện. Vì vậy, đây đều là những bài học kinh nghiệm về bảo tồn hữu ích cho Việt Nam.
CÁC KINH NGHIỆM BẢO TỒN DI SẢN KIẾN TRÚC Ở SINGAPORE
Singapore là một quốc đảo nhỏ ở Đông Nam Á với tuổi đời tương đối trẻ và có sự đa dạng về văn hóa do trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều chủng tộc người nhập cư như người gốc Hoa (chiếm đa số), người Mã Lai bản địa, người Ấn Độ, người Java, và đã từng là thuộc địa của người Anh từ đầu thế kỷ 19. Vì vậy, ở Singapore, ta có thể tìm thấy nhiều loại hình di sản kiến trúc như nhà phố buôn bán (shophouse) của người Hoa tập trung ở Khu phố Tàu, kiến trúc của người Ấn Độ (khu Little India), khu của người Mã Lai và Ả Rập (khu Kampong Glam), các công trình thuộc địa Anh nằm tập trung ở khu vực trung tâm lịch sử của thành phố ở các quy mô lớn nhỏ,…
Như nhiều điểm nóng về phát triển nhanh trên thế giới, Singapore cũng đã từng phải đối mặt với câu hỏi cơ bản và hóc búa: Làm thế nào để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn? Dưới đây là quá trình hơn hai thập kỷ mà Singapore nổi lên như một mô hình thành công với cách tiếp cận khôn ngoan, thực dụng và hiệu quả trong việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị.
1. Các giai đoạn và bước đi chính của công cuộc bảo tồn và trùng tu di sản ở Singapore
a. Giai đoạn 1 – Thời kỳ Hậu Chiến
Quá trình hiện đại hoá đô thị ở Singapore đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của thời kỳ Hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 (sau 1945) do thiếu các sáng kiến của chính quyền, sở hữu đất đai manh mún và kiểm soát đất đai chặt chẽ đã dẫn tới tình cảnh các công trình và nhà cửa cũ nát xập xệ. Do đó, việc bảo tồn di sản gần như con số không. Sau khi Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, Chính phủ chủ yếu tập trung vào việc xóa bỏ các khu nhà ổ chuột (slum clearance) và xập xệ, đô thị hóa và hiện đại hóa thành phố, công tác bảo tồn cũng không có gì đáng kể. Chính sách bảo tồn chỉ mới được chính thức luật hoá với việc thành lập Cục Bảo tồn Công trình Lịch sử (Preservation of Monument Board) và Bộ Tái Phát triển Đô thị (Urban Redevelopment Authority) vào năm 1974, trong khi phát triển kinh tế vẫn được ưu tiên hơn nhiều bảo tồn đô thị. Chỉ tới giữa những năm 1980, các nỗ lực về bảo tồn mới dần dần xuất hiện.
b. Giai đoạn 2 – Bước ngoặt về bảo tồn trong những năm 1980
Những năm 1980 chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ của Singapore từ quan điểm phát triển sang bảo tồn. Một vài nhân tố tạo nên chuyển biến này phải kể đến:
- Sự mai một bản sắc văn hoá địa phương và xã hội trong khoảng cao trào của thời kỳ Hậu Hiện đại đã dẫn đến việc đi tìm lại cội nguồn châu Á sau công cuộc công nghiệp hoá và Tây phương hoá trong những năm 1970;
- Du lịch được tái khởi động và xúc tiến trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 1985, với mục tiêu phục hồi nền kinh tế. Nên lưu ý rằng Singapore chỉ là một hòn đảo nhỏ, quỹ đất hạn hẹp nên gần như không có nền sản xuất nông – công nghiệp, và vì vậy nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào du lịch. Bảo tồn các địa điểm văn hoá lịch sử vì vậy trở nên cần thiết để làm giàu bản sắc cho thành phố và kể cả cho tái thiết đô thị, bởi vì giờ đây chúng đều phục vụ cho phát triển kinh tế, hợp tác công tư và làm đẹp cảnh quan đô thị.
c. Giai đoạn 3 – Phát triển Hợp tác Công – Tư (PPP) trong Bảo tồn
Đây là giai đoạn bước ngoặt bắt đầu từ thập niên 1990, giúp Singapore có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn và tôn tạo một cách hợp lý và “win-win” (các bên cùng có lợi) do chính sách mềm dẻo và thỏa hiệp giữa nhiều mâu thuẫn lợi ích, huy động được nguồn tài chính tốt từ khối tư nhân, từ đó đảm bảo tính bền vững về kinh tế cho di sản trong khi tính bền vững văn hóa vẫn được đảm bảo.
Trừ giai đoạn 1 không có nỗ lực đáng kể nào về bảo tồn như đã trình bày, từ giai đoạn 2 tới giai đoạn 3, chính phủ Singapore đã triển khai 5 bước đi cơ bản như sau:
- Bước 1 (từ 1984) – Bắt đầu các dự án thí điểm – Làm minh hoạ bằng các công trình nhà nước: Mục đích của bước này là nhằm chứng minh cam kết của chính phủ trong công cuộc bảo tồn cũng như sức sống kinh tế của di sản, tăng cường niềm tin và sư tự tin, đồng thời làm mẫu cách tiếp cận, phương pháp và kỹ thuật bảo tồn chuẩn mực.
- Bước 2 (từ 1989) – Triển khai sang khu vực tư nhân – Tiếp thị dưới dạng cơ hội đầu tư: Trao các công trình bảo tồn cho khu vực tư nhân để trùng tu thông qua Chương trình Bán Địa Điểm Phát triển (Sales of Sites Program).
- Bước 3 (từ 1991) – Khuyến khích tư nhân bảo tồn – Cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ phát triển: Khuyến khích tư nhân tham gia bảo tồn thông qua các chính sách miễn thuế. Ngoài ra, Chính phủ cung cấp hướng dẫn kỹ thuật trong khuôn khổ Chương trình Bảo tồn được khởi xướng bởi Chủ sở hữu tư nhân (Conservation Initiated by Private Owners Scheme) (1991). Các hồ sơ và xuất bản kỹ thuật được công khai cho các doanh nghiệp, trong đó các kỹ thuật bảo tồn được chia sẻ rộng rãi.
- Bước 4 (từ 1995) – Vinh danh các đồ án tốt – Thiết lập Giải thưởng Kiến trúc Di sản (hàng năm): Nhằm vinh danh các nỗ lực bảo tồn thông qua các chương trình xúc tiến, một giải thưởng Kiến trúc Di sản hàng năm được khởi xướng bắt đầu từ năm 1995 để công nhận và vinh danh các chủ sở hữu, các chuyên gia và nhà thầu của các công trình bảo tồn trùng tu xuất sắc. Công chúng sẽ biết đến các nỗ lực này thông qua phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản, triển lãm, các bài thuyết trình và phim tư liệu.
- Bước 5 (từ 2001) – Trưng cầu dân ý – Tiếp thu góp ý, đề xuất các công trình cần bảo tồn, thúc đẩy nhận thức và hiểu biết chung của cộng đồng: Từ năm 2001, cơ quan chuyên trách của Chính phủ tiến hành tham vấn người dân thông qua việc tổ chức các nhóm chủ đề (giữa các chuyên gia và dân chúng) để lấy ý kiến về đề xuất công trình di sản, đề xuất các công trình để nghiên cứu, khảo sát và thúc đẩy nhận thức và hiểu biết cho người dân.
2. Các cách tiếp cận trong Trùng tu và Tôn tạo kiểu Tái sử dụng Thích ứng (Adaptive Reuse)
Để cân bằng giữa Bảo tồn và Phát triển, Singapore áp dụng cách tiếp cận trùng tu và tôn tạo kiểu khôn ngoan và thực dụng thông qua việc giảm thiểu tối đa các thiệt thòi tổn thất kinh tế của chủ công trình và khuyến khích thành phần tư nhân tham gia vào bảo tồn để cân bằng giữa bảo tồn-phát triển (Teh, 2008). Đối với trùng tu tôn tạo, nguyên tắc cơ bản nhất được áp dụng là 3R – Giữ lại (Retention) tối đa, Trùng tu (Restoration) tinh tế và Sửa chữa (Repair) cẩn trọng. Các công trình được bảo tồn đã và đang được trùng tu tôn tạo theo các Quy định Kỹ thuật được phân chia khác nhau tùy theo khu vực được phân loại (URA-b, 2011):
- Khu vực Lịch sử: Là khu vực lâu đời nhất và là cái nôi của thành phố, nơi mà toàn bộ công trình phải được bảo tồn và trùng tu;
- Khu vực Dân cư Lịch sử: Là các khu ở nằm gần trung tâm thành phố. Ở đây có thể xây thêm các khối phía đằng sau công trình với độ cao thấp hơn mái chính (không nhìn thấy từ dưới đường phố) để có thêm khả năng thích ứng với không gian sống hiện đại.
- Bảo tồn trong các khu vực Khu Định cư Thứ hai” (Secondary Settlements) nằm xa hơn khu trung tâm thứ nhất, tập trung vào cảnh quan đường phố vì các công trình bảo tồn nằm sát với khu vực phát triển mới. Chủ sở hữu có thể chọn bảo tồn toàn bộ công trình hoặc xây mới khu phía sau cho tới chiều cao tối đa cho phép trong khu vực.
- Bảo tồn các khu vực bungalow phải thông qua xét duyệt ngặt nghèo vì chúng đại diện cho phong cách kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Chỉ khu nhà chính là nhất thiết phải bảo tồn, còn chủ sở hữu có thể chia nhỏ phần còn lại của khu đất cho các phần xây mới bổ sung. Đối với khu vực nhà ở mới kiểu condominum, các công trình bungalow bảo tồn có thể được linh hoạt sử dụng làm clubhouse cho condo đó.
- Khoảng du di linh hoạt trong việc áp dụng giữa Trùng tu và Tái sử dụng Thích ứng cũng như việc chia nhỏ khu đất cho phép chủ sở hữu khai thác tiềm năng kinh tế, trong khi vẫn giữ gìn bản sắc chủ đạo ở mặt tiền của công trình bảo tồn. Thêm vào đó, “Kiểm soát Vỏ ngoài” (“Envelop Control”) cũng được áp dụng cho các khu đất trống hoặc các công trình phi bảo tồn trong khu vực bảo tồn để đảm bảo rằng các công trình mới không lạc lõng mà sẽ tiếp tục tuân thủ phong cách kiến trúc và bản sắc gốc của con phố hiện hữu và tỉ lệ chung của cả khu vực (URA-b, 2011; To & Chong, 2011).
Minh họa một số thí dụ tiêu biểu về bảo tồn tôn tạo các thể loại công trình khác nhau ở các khu vực khác nhau và dưới các mức độ bảo tồn khác nhau (Nguồn: Tác giả)
Các khu vực lịch sử:
Khu vực bungalow
Các công trình khác
Nhìn chung, cách bảo tồn tôn tạo kiểu Tái sử dụng Thích ứng là phổ biến nhất và cũng thành công nhất vì nó dung hòa được mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích (thí dụ giữa nhóm ủng hộ bảo tồn văn hóa và nhóm nhà đầu tư để phát triển mới sinh lời). Thường thì chỉ vỏ ngoài (envelop) của các công trình di sản được giữ lại và trùng tu nghiêm ngặt, bảo trì bề ngoài theo định kỳ, còn phần nội thất bên trong thì có thể cho phép cải tạo một phần hoặc toàn phần tùy theo công năng sử dụng mới mà nhà đầu tư mong muốn. Công trình khách sạn Fullerton ở vị trí trung tâm bậc nhất Singapore ngay đối diện Công viên Merlion Park (thời thuộc địa là tòa Bưu điện) là một thí dụ thành công như vậy. Cách tiếp cận có tính thỏa hiệp (giữ “vỏ” – làm mới “ruột”) này cũng khá giống với cách tiếp cận bảo tồn ở nhiều khu vực lịch sử của các thành phố ở châu Âu trong đó có Pháp, nước đã để lại nhiều di sản kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam ta.
CÁC KINH NGHIỆM VỀ BẢO TỒN DI SẢN KIẾN TRÚC Ở NHẬT BẢN
Ở Nhật Bản – quốc gia có nhiều công trình, quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa trong đó có tới 18 Di sản Văn hóa thế giới – điểm nổi bật trong công tác bảo tồn là gắn bảo tồn với phát triển du lịch để bảo đảm sự bền vững về kinh tế cũng như văn hóa xã hội. Các công trình quần thể kiểu này đều được bảo hộ theo Luật bảo tồn đền chùa cổ, tuy nhiên đối tượng và phạm vi đã được mở rộng hơn, bao gồm cả làng mạc lịch sử và nhà bình dân. Việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên làm công tác tu sửa, tôn tạo được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, và ban hành các qui chế về kỹ thuật bảo tồn di sản văn hóa. Những công trình kiến trúc công cộng, nhà cửa gắn với phong tục, tập quán, hoạt động, lễ hội hàng năm của người dân (thuộc tài sản văn hóa vật chất quan trọng) cũng được xác lập cụ thể, tạo cơ sở thuận lợi cho công việc bảo tồn. Những tài sản này được Cục Văn hóa và chính quyền địa phương tài trợ cho việc tu sửa định kỳ, phòng cháy, hoạt động thể nghiệm. Đối với những ngôi nhà cổ mang nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống thì việc quản lý, tu sửa do chủ sở hữu hoặc đoàn thể quản lý tiến hành, song sẽ được Nhà nước hỗ trợ về mặt tài chính. Công việc phục chế, tu sửa, bảo dưỡng các công trình kiến trúc (công cộng và tư nhân) có giá trị lịch sử – văn hóa đều phải tuân thủ các qui định nghiêm ngặt, dưới sự chỉ đạo, thẩm định của hội đồng chuyên môn kết hợp giữa Nhà nước và địa phương. Qua đó, địa phương không chỉ bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa mà còn giữ được đặc trưng kiến trúc truyền thống vốn có ở mỗi vùng miền.
Việc lưu trữ hồ sơ địa chính tốt hỗ trợ rất nhiều công tác bảo vệ di sản. Lấy Tokyo làm thí dụ. Trận động đất lớn Kanto vào năm 1923 đã từng san phẳng Tokyo, và sau đó vào năm 1945, Tokyo cũng đã trải qua những trận bom rất khốc liệt, với nhiều khu vực trong thành phố bị phá hủy. Nhưng chỉ sau đó chừng mười năm, Tokyo đã được xây dựng lại gần như hoàn toàn, trong đó các khu vực cảnh quan đô thị lịch sử đã được phục dựng lại rất tốt. Đó chính là nhờ việc lưu trữ tốt hồ sơ địa chính cũng như hình ảnh, bản vẽ, sa bàn, các hoạt động văn hóa truyền thống của đô thị cổ.
Song hành với công việc bảo tồn kiến trúc, người Nhật Bản còn phát huy những đặc trưng văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương – Tức là kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hàng năm, những địa điểm này thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Ngân sách dùng để bảo tồn các công trình kiến trúc ở địa phương cũng dựa nhiều vào những nguồn thu không hề nhỏ này. Ngoài những công trình kiến trúc có sẵn thì việc xây dựng nhà ở và các cơ sở dịch vụ du lịch ở những khu vực này đều phải tuân theo qui định nghiêm ngặt của chính quyền địa phương để không phá vỡ môi trường, cảnh quan lịch sử – văn hóa khu vực đặc trưng đã được xác định. Thành phố Nara hay Kyoto là hai trong số những địa phương điển hình thành công trong công tác bảo tồn này. Nhìn chung, tại các địa phương thu hút khách du lịch, Nhật Bản khuyến khích việc xây dựng các công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống thay vì nhà cao tầng mang phong cách hiện đại (Ando, 2014). Bảng dưới tóm tắt các giai đoạn liên quan đến bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở Nhật Bản.

Cũng theo tác giả Ando Katsuhiro, dưới đây là một số bài học kinh nghiệm của Nhật Bản mà Việt Nam có thể tham khảo trong việc kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch bền vững và bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa:
a) Hoạt động bảo tồn cần được quản lý tốt hơn để tiếp đón du khách
Một trong những điều kiện có tính quyết định trong việc phát triển du lịch bền vững là việc sử dụng các di sản văn hóa. Mô hình các điểm du lịch di sản văn hóa thành công bao gồm:
- Quản lý và bảo tồn hệ thống di sản văn hóa
- Duy trì chất lượng của di sản văn hóa để thu hút du lịch
- Nhận thức của cộng đồng địa phương và chính quyền về tầm quan trọng của việc phối hợp bảo tồn với phát triển bền vững.
b) Cân bằng mối giao lưu giữa Khách (du khách) và Chủ (cộng đồng địa phương)
Việc sử dụng bền vững di sản văn hóa cần được xem là sự phát triển hài hòa của 3 mặt:
- Duy trì và phát triển các điều kiện kinh tế xã hội.
- Nâng cao mức sống.
- Bảo tồn được tài sản văn hóa.
Du lịch mang lại một nguồn thu lớn và lâu dài cho cộng đồng địa phương, và họ có thể sử dụng một phần nguồn thu đó cho việc bảo tồn và cải thiện đời sống của chính họ để có thể mang lại một diện mạo nơi chốn và phong cách sống hấp dẫn độc đáo hơn, qua đó thu hút thêm du lịch trải nghiệm.
Các giai đoạn liên quan đến bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở Nhật Bản
(Nguồn: Tác giả, tổng hợp từ nội dung bài viết của Ando Katsuhiro, 2014).
c) Làm cho địa phương trở thành một địa điểm hấp dẫn du khách đến tham quan và sinh sống
Du lịch có thể mang lại kết quả tích cực nhưng nếu không có chính sách phát triển quản lý tốt, có thể đem đến nhiều tiêu cực như phá vỡ lối sống, sự cân bằng xã hội và làm mất đi bản sắc văn hóa ở địa phương (trong đó có di sản kiến trúc). Vì thế cần có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các bên liên quan như cộng đồng địa phương, chính quyền và các cơ quan hữu quan, các hiệp hội trong đó có du lịch, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực và phát huy tối đa những giá trị tích cực mà nó mang lại để phát triển bền vững và duy trì bản sắc địa phương.
Để tạo nguồn tài chính ngoài nguồn quỹ công cho các dự án bảo tồn, trùng tu hay tôn tạo di sản kiến trúc, ngoài nguồn thu trích từ du lịch đã nói ở trên, Nhật Bản còn đưa ra một số chính sách pháp luật khôn khéo để gây quỹ từ các nhà đầu tư bất động sản tư nhân. Nổi bật nhất là Hệ thống Khu vực với Hệ số Sử dụng Đất Ngoại lệ (tiếng Nhật: Tokurei Yosekiritsu Tekiyo Kuiki Seido; tiếng Anh: Exceptional Floor Area Ratio Zone Sytem, viết tắt là EFARZS) thuộc hệ thống quy hoạch đô thị của Nhật, được đưa ra vào năm 2000. Điểm đặc sắc của hệ thống mới là nó cho phép về mặt pháp lý chuyển đổi những quota (chỉ tiêu cho phép) sử dụng đất không dùng tới ở các công trình di sản (thường là thấp tầng và mật độ xây dựng thấp) sang các công trình thương mại cao tầng kế bên để tạo điều kiện cho phát triển. Đổi lại, các chủ đầu tư các công trình kế bên này phải trả tiền “mua” những quota dư thừa này, và khoản tiền đó được dùng để đầu tư cho việc bảo tồn, trùng tu hay tôn tạo di sản. Hệ thống chính sách mềm dẻo này lần đầu được áp dụng cho việc bảo tồn Tòa nhà Marunouchi thuộc Nhà Ga Tokyo và Dự án Nâng cấp Khu vực Nhà Ga Tokyo (116,7 ha). Nó đã giúp gây quỹ cho dự án tu tạo công trình di sản kiến trúc Nhà Ga Tokyo bằng việc đánh đổi 700% trong tổng số 900% là giá trị hệ số sử dụng đất cho phép ở khu vực này thông qua một dự án Chuyển nhượng Quyền Xây dựng Phát triển (Transfer of Development Rights) được hoàn thành vào năm 2012 (Song, 2017).
KẾT LUẬN
Tại châu Á, Singapore và Nhật Bản đã thể hiện hai mô hình thành công về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị. Singapore đại diện cho sự thành công của cách tiếp cận bảo tồn mang tính thỏa hiệp, thực dụng, khôn ngoan và hiệu quả. Còn Nhật Bản đại diện cho lối tiếp cận bảo tồn chuẩn mực, nghiêm ngặt, hiệu quả và mềm dẻo có điều kiện. Cả hai nước đã thành công trong việc bảo vệ các công trình lịch sử, hài hoà với phát triển kinh tế cao và phát triển đô thị nhanh. Điều này có được là nhờ vào chiến lược Hợp tác Công – Tư (PPP) trong bảo tồn và phát triển dưới động lực của thị trường, với những cơ chế chính sách linh hoạt mềm dẻo để thuyết phục lôi kéo được thành phần doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn theo hướng win-win, từ đó đảm bảo được tính bền vững về kinh tế tài chính bên cạnh bền vững văn hóa và xã hội.
Những chiến lược này có thể là nguồn tham khảo tốt cho Việt Nam vì khu vực kinh tế tư nhân của chúng ta đang ngày một phát triển và được coi trọng. Tuy nhiên, điều cần nhận thức rõ là cả Singapore và Nhật Bản xây dựng các chiến lược bảo tồn qua nhiều thập kỷ dựa vào bối cảnh và cơ hội riêng của mình, nên việc học hỏi những kinh nghiệm này không thể máy móc. Vì Việt Nam đang hiện đại hoá nhanh chóng, một sự đồng thuận trong chiến lược bảo tồn-phát triển cần đạt được trước tiên, để di sản có thể “sống” được trong bối cảnh mới của phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, hội nhập quốc tế và đô thị hóa tăng cường.
Chính phủ, các bộ ban ngành hữu quan, chính quyền địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện cộng đồng cần tìm ra cách đi riêng để “diễn dịch” lại (re-interperit) các tài sản văn hoá lịch sử và tái thích ứng chúng cho phù hợp với bối cảnh quần thể đang thay đổi. Việc đánh giá, phân loại và định ra được chiến lược bảo tồn và quản lý cho từng khu vực, cụm công trình và công trình dựa trên đặc trưng quy hoạch, kiến trúc và các đặc trưng vật thể khác là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc không kém quan trọng là bảo tồn các giá trị phi vật thể của địa điểm, ví dụ như các loại hình kinh doanh truyền thống, lối sống, và cả genius loci (cái hồn của nơi chốn). Điều mà Việt Nam cần lúc này là một hệ thống quản trị vững mạnh và có sự tham gia rộng rãi của nhiều bên và ở nhiều cấp độ để ra định hướng, quyết sách và thực hiện chính sách một cách đúng đắn và hiệu quả, đáp ứng được cả nhu cầu bảo tồn và phát triển để hướng tới tương lai phát triển bền vững hơn cho các thành phố của chúng ta.
TS.KTS Tô Kiên
Quy hoạch sư Cao cấp kiêm Quản lý Dự án
Tập đoàn Tư vấn Phát triển Hạ tầng Eight-Japan (EJEC)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)
Tài liệu tham khảo:
- Ando, Katsuhiro (2018). Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch và nghiên cứu áp dụng cho Việt Nam (Bản dịch tiếng Việt). Đăng trên Tạp chí Kiến trúc trực tuyến ngày 06/05/2014.
- Tham khảo tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kientruc-xahoi/kinh-nghiem-cua-nhat-ban-ve-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phat-trien-du-lich-va-viec-ap-dung-tai-viet-nam.html
- Dale, O. J. (1999). Urban planning in Singapore: The transformation of a city. Oxford Univ. Press, USA.
- Desai, V. (1995). Keynote address at The Future of Asia’s Past international conference, Thailand, 1/1995.
- HAIDEP-Hanoi Integrated Development & Environmental Program (2006). Figure credited to Abe Tomoko.
- Kinh Te & Do Thi News (28/4/2012). Setting up conservation regulation for FCQ (in Vietnamese).
- Kong, Lily & Yeoh, Brenda S. A. (1994). Urban conservation in Singapore: A survey of state policies and popular attitudes. Urban Studies 31(2). 247-265.
- Parenteau R. et al. (1995). Impact of restoration in Hanoi’s French Colonial Quarter. Cities. 12 (3), 163-173.
- Sim Loo Lee (1996). Urban conservation policy and the preservation of historical and cultural heritage: The case of Singapore. Cities 13(6). 399-409.
- The, Lai Yip (2008). Singapore’s experience in conservation. International Housing Conference of Hong Kong Housing Society.
- Song, Jiewon (2017). The origin and evolution of Urban Heritage Conservation in the Specified Block System in Tokyo. Tham khảo tại: https://www.jstage.jst.go.jp/article/journalcpij/52/2/52_135/_pdf
- To, K., Chong, K.H. (2013). Heritage Conservation vs. Commercial Redevelopment in Historic City Centers: The Case of French Colonial Quarter in Hanoi and Lessons from Singapore. Journal of Habitat Engineering and Design, pp.89-96
- URA: URA annual report (From 1974/75 to 1988/89). Urban Redevelopment Authority, Singapore.
- URA-b: URA conservation guidelines (2011).
- VNN-Vietnam News (11 Aug 2012). Capital to allow residents to buy old French villas (In Vietnamese).
- Yeoh, Brenda S. A. & Huang, Shirlena (1996). The Conservation- redevelopment dilemma in Singapore: The case of the Kampong Glam historic district. Cities 13(6). 411-422.
- Yi, S.M. (1995). Keynote address at The Future of Asia’s Past international conference, Thailand, Jan 1995.
- Yuen, Belinda (2006). Reclaiming cultural heritage in Singapore. Urban Affairs Review 41(6). 830-854.