KTS và Đại hội

Mỗi lần Đại hội là một dịp gặp gỡ, thăm hỏi, bàn bạc và nhìn lại những gì đã qua mà mỗi KTS đã làm được cho xã hội, cho bạn bè cho gia đình và cho chính mình… Tôi cũng vậy, đến với Đại hội lần thứ XI này, xin được thổ lộ một vài suy tư của bản thân trong quá trình là hội viên Hội KTS Việt Nam

Đại hội II

Qua các kỳ Đại hội (*)

Tính đến nay, Hội KTS Việt Nam đã thành lập được 97 năm và qua 10 kỳ đại hội toàn quốc với 6 vị lãnh đạo hội qua các thời kỳ khác nhau.

Trong đó, từ đại hội lần thứ nhất (năm 1948) tới đại hội lần thứ hai (năm 1957) cách nhau 9 năm và sau 26 năm Đại hội lần thứ 3 (năm 1983) mới được tổ chức. Sở dĩ như vậy vì vừa qua cuộc kháng chiến chống Pháp chưa được bao lâu chúng ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm (1954 – 1975 ).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đến dự và chỉ đạo Đại hội

Sau năm 1975, đất nước thống nhất và bước vào kỷ nguyên Hòa bình – Phát triển – Hội nhập. Từ đại hội lần thứ 4 (năm 1989) đã giữ đều 5 năm tiến hành đại hội một lần. Qua đó cho thấy hoạt động của Hội KTS Việt Nam nói riêng và của các KTS nói chung luôn gắn liền với sự thay đổi và phát triển của đất nước. Điều này thể hiện ở mục tiêu của mỗi lần đại hội.

Năm 1948, Đại hội lần thứ I lấy nội dung trong thư của Bác Hồ gửi tới giới KTS, trong đó có đoạn: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy kiến trúc là một việc rất quan hệ… Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai… đặc biệt là vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền” làm phương châm sáng tác.

Năm 1957, Đại hội lần thứ II với phương châm sáng tác “Thích dụng, bền vững, kinh tế và đẹp trong điều kiện có thể”. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn về mọi mặt sau cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, cả miền Bắc chỉ có một nhà máy xi măng và không có công nghiệp sản xuất thép, hai vật liệu cốt lõi của xây dựng, trong đó xi măng như “cơm” của công cuộc xây dựng.

Năm 1983, Đại hội lần thứ III với khẩu hiệu: “Kiến trúc Việt Nam chung một mái nhà”. Nhằm mục đích đoàn kết KTS giữa hai miền, tập hợp lực lượng cùng chung tay xây dựng đất nước thống nhất. Đồng thời đây cũng là thời điểm chuyển giao công tác giữa thế hệ KTS đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương (đã ở tuổi 70-80) sang đội ngũ kế cận là thế hệ KTS thứ 2, trưởng thành trong những năm đất nước bị chia cắt (tuổi đời 40 – 50, được đào tạo đa phần ở Liên Xô, nay là nước Nga).

Đại hội KTS lần thứ IV

Năm 1989, Đại hội lần thứ IV với “Tuyên ngôn kiến trúc” đầu tiên của Hội KTS Việt Nam: “Đổi mới – Đoàn kết, Dân chủ và Công khai”. Bắt đầu thời kỳ hội nhập, đòi hỏi giới KTS phải tự hoàn thiện mình bằng sự đổi mới tư duy, cách làm việc để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đủ khả năng hội nhập với môi trường phát triển toàn cầu. Bên cạnh đó, việc đoàn kết nhất trí vẫn là cốt lõi tạo sự đổi mới.

Năm 1994, Đại hội lần thứ V với mục tiêu: “Vì đội ngũ KTS có đức, có tài, vì nền kiến trúc Việt Nam chân thực, đậm đà bản sắc” của giới KTS Việt Nam. Với thực tại của sự phát triển nền kinh tế khi chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong kiến trúc và xây dựng xuất hiện một xu hướng nhại cổ hoặc xa lạ cóp nhặt. nên các KTS cần có trách nhiệm và gìn giữ bản sắc trong sáng tác.

Năm 2000, Đại hội lần thứ VI với khẩu hiệu: “Vì một nền Kiến trúc Việt Nam Xanh – Hiện đại – Giàu bản sắc và phát triển bền vững” – Năm chuyển giao thế kỷ đưa đến cho đất nước nói chung và giới kiến trúc nói riêng một trọng trách lớn, trong mở đầu một kỷ nguyên mới đầy thách thức về nhiều mặt như: Biến đổi khí hậu, xu hướng toàn cầu hóa… Để thực hiện được mục tiêu như khẩu hiệu đã nêu của Đại hội là nghĩa vụ, trách nhiệm phải hoàn thành của mỗi KTS. Đồng thời cũng là một vinh dự của giới KTS được tổ quốc giao phó.

Năm 2005, Đại hội lần thứ VII, nêu cao tinh thần “Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm”. Để thúc đẩy cho việc phát triền vững mạnh và đây cũng là dịp nhìn nhận đánh giá tình hình hoạt động của Hội ở nhiệm kỳ đầu tiên của thế kỷ 21 và 20 năm đất nước trong bối cảnh đổi mới. Thực tiễn cho thấy sự phát triển của kiến trúc và hành nghề cần đi vào chuyên nghiệp, nên việc xây dựng Luật Kiến trúc được bắt đầu và nhận sự được quan tâm không chỉ trong giới kiến trúc .

Năm 2010, Đại hội lần thứ VIII với phương châm: “Đoàn kết – Sáng tạo – Hợp tác để Phát triển” – Tinh thần Đoàn kết và Sáng tạo vẫn được nêu cao và thêm vào đó là sự hợp tác để phát triển. Trong đó, không chỉ hợp tác giữa các KTS trong nước còn cần thiết với các đối tác nước ngoài. Với tinh thần trách nhiệm và thẳng thắn, các đại biểu tham gia Đại hội đã thống nhất đánh giá: Nhiệm kỳ 2005 – 2010 là nhiệm kỳ với những hoạt động sôi nổi của Hội trên nhiều mặt, đã làm được nhiều việc, sự có mặt của Hội được khẳng định rõ ràng trong đời sống kiến trúc cũng như cuộc sống của cộng đồng, KTS từng bước có chỗ đứng trong xã hội. Các cấp Hội và đông đảo hội viên nhận thức được sứ mạng và trách nhiệm của tổ chức mình, đã có nhiều cố gắng trong làm nghề cũng như trong các hoạt động xây dựng Hội. Trước Đảng và nhân dân, Hội KTS Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp đáng tin cậy.

Năm 2015, Đại hội lần thứ IX vì sự “Đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo”. Tinh thần đoàn kết và trách nhiệm luôn được nêu cao để duy trì sức mạnh của Hội. Để nâng cao trách nhiệm xã hội của KTS, Luật Kiến trúc tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi trong và ngoài giới kiến trúc nhằm đổi mới và hoàn thiện môi trường hành nghề. Tập trung nghiên cứu và phát triển kiến trúc xanh bền vững, có bản sắc.

Năm 2020, Đại hội lần thứ X với phương châm: “Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm”. Trong bối cảnh đội ngũ KTS lớn mạnh và với nhiều phong cách khác nhau cần có sự chung tay chung sức để góp phần tạo sự phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện luật Kiến trúc và các chương trình về kiến trúc xanh, kiến trúc nông thôn, bảo tồn di sản…

Kỷ niệm với các vị lãnh đạo Đại hội (*)

KTS Hoàng Như Tiếp (Tổng Thư ký các nhiệm kỳ: 1948-1957, 1968-1982). Ông sinh ngày 30/12/1910 tại Huế, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, khóa 3 (1927 – 1932). Ông là 1 trong 8 KTS sáng lập và dự Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam tại Thản Sơn (Việt Bắc), tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay.

Với tôi, Ông là người Thầy kính mến. Tôi đã được học các môn về Quy hoạch kiến trúc và đồ án với ông. Ông làm việc rất nghiêm túc nhưng cũng rất thoải mái trong cư xử đối với sinh viên. Ông coi chúng tôi như những đứa con, đứa cháu trong nhà. Có một câu chuyện mà trong giới sinh viên chúng tôi thời đó còn truyền nhau: Đó là có một anh sinh viên khi vẽ khu vệ sinh trong đó có khu dành cho nữ nhưng anh vẽ chưa đúng. Ông đã nói to cho các nhóm cùng nghe thấy: “Cậu hãy đi xem con gái nó ngồi… thế nào để vẽ cho đúng”. Phê đấy, gắt đấy nhưng rất vui, giảm căng thẳng cho sinh viên.

KTS Hoàng Linh (Tổng Thư ký từ năm1957-1968): Ông sinh ngày 15/1/1912 tại xã Ngọc Than, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Ông học khoá 8, Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 9/1945 gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1957, Trung tá Hoàng Linh được đề bạt Cục phó Cục Doanh trại kiêm Trưởng phòng thiết kế Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Đại biểu Quốc hội khoá I. Ông mất năm 1968, khi tôi đang học năm thứ 2 Trường ĐH Xây dựng nên không có nhiều hiểu biết về Ông. Nhưng sinh viên chúng tôi thời đó, qua lịch sử kiến trúc đã biết ít nhiều về thế hệ KTS tài năng về nhiều mặt của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

KTS Huỳnh Tấn Phát (Chủ tịch nhiệm kỳ 1983-1989, Chủ tịch danh dự năm 1989). Ông sinh ngày 15/2/1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1933, ông thi vào học khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Năm 1960, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định. Sau năm 1976, Ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.

Với ông, tôi chỉ biết qua phương tiện truyền thông vì thời gian Ông làm Chủ tịch Hội tôi đang làm nghiên cứu sinh tại CHDC Đức. Nhưng một lần tình cờ đến Berlin thăm người bạn ở ĐH Tổng hợp Berlin tôi đã gặp Ông. Biết tôi là KTS, người bạn “dí” luôn tôi tiếp Ông. Biết tôi đang làm việc ở Weimar, KTS Huỳnh Tấn Phát bảo: “Cố học nhé, ở đấy rất tốt đó!”. Ông nói vậy vì đã rõ trường phái Bauhaus rất nổi tiếng thế giới. Ông còn hỏi tôi rất nhẹ nhàng: “Cháu thấy gì hay ở kiến trúc của Đức”- Tôi trả lời: “Nó đơn giản nhưng khúc triết, không quá coi trong hình thức nhưng coi trọng tính hợp lý trong công năng cùng sự khả thi…”. Và cứ thế, Ông và tôi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ với rất nhiều chủ đề, từ kiến trúc đến xã hội và đất nước…

KTS Nguyễn Trực Luyện (Tổng Thư ký các năm từ 1983-1994; Chủ tịch từ năm 1994 – 2005) sinh ngày 15-10-1935, quê quán tại Hà Nội. Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Moskva năm 1963. Anh là một người giản dị, mực thước, nho nhã – Đó là cảm nhận của bất kỳ ai đã từng được gặp. Nhưng bên trong sự rất chừng mực ấy, lại là một người quyết liệt với nghề, với quan điểm kiến trúc và qui hoạch mà những năm tháng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội KTS Việt Nam ông đã từng thể hiện.

KTS Nguyễn Trực Luyện , KTS Cao Xuân Hưởng ,
Gs.ts.KTS Nguyễn Thế Bá, Ts.KTS Tô Thị Toàn và nhóm nghiên cứu trình bày về bảo tồn khu 36 phố phường Hà Nội

Còn với tôi, KTS Nguyễn Trực Luyện là người Thầy, người Anh và người Bạn.

Năm cuối của thời sinh viên, Anh đã hướng dẫn tôi làm một vài đồ án như rạp chiếu phim, đài kỷ niệm và sau này khi tham gia Ban chấp hành hay Ban thường vụ Hội, tôi cùng anh đã trao đổi nhiều công việc. Anh luôn lắng nghe ý kiến của chúng tôi, không áp đặt, chỉ gợi mở để cùng tìm phương án hợp lý. Tôi đã học rất nhiều từ anh và cách làm việc này đã theo tôi suốt cả cuộc đời làm giảng viên đại học.

Dấu ấn trong những nhiệm kỳ anh giữ cương vị Chủ tịch Hội, ngoài lĩnh vực chuyên môn và phản biện xã hội, chúng tôi đã xây dựng chương trình hoạt động: Liên hoan Sinh viên toàn quốc và Giải thưởng Loa thành dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc về Kiến trúc và Xây dựng của các cơ sở đào tạo KTS và KS trên toàn quốc.

KTS Nguyễn Tấn Vạn (Chủ tịch, từ 2005 – 2020). Sinh ngày 02/02/1945, quê Quảng Ngãi. Anh là học sinh miền Nam ra tập kết. Năm 1964, sang học đại học Kiến trúc La Habana, thuộc trường ĐH Bách khoa mang tên Jose Antonio Echeverría (CUJAE), tốt nghiệp về nước vào năm 1970, anh gia nhập đơn vị tư vấn công trình dân dụng hàng đầu Việt Nam thời bây giờ: Viện Thiết kế Nhà ở và Công trình công cộng (NO & CTCC) thuộc Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Năm 1995, anh là Thứ trưởng Bộ Xây dựng tới năm 2004.

Anh như người anh, người bạn của tôi. Với tính cách trẻ trung năng động, anh đã hướng các hoạt động của Hội đa dạng hơn, không chỉ trong nước mà còn với nhiều Hội KTS các nước trong khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt, anh quan tâm tới việc hành nghề của KTS và Luật Kiến trúc – Một bước quan trọng để các KTS Việt Nam có cương vị làm việc một cách bình đẳng trong nước và nước ngoài. Xây dựng Chương trình Kiến trúc Xanh của Việt Nam cũng là một trong những trọng tâm của nhiệm kỳ Anh làm Chủ tịch.

KTS Phan Đăng Sơn (Chủ tịch, từ năm 2020 – nay) sinh năm 1960. Đây là người thứ hai chuyển đổi từ quân nhân sang phụ trách một tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Đã từng nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng, với tinh thần của người chiến sĩ hăng hái, quyết đoán, Anh cùng với những cộng sự trẻ trung giàu năng lực như các KTS: Nguyễn Thu Phong, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Trường Lưu, Đặng Kim Khôi… đã tiếp tục nâng cao tinh thần Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm để thúc đầy nâng cao sự đóng góp của giới KTS vào sự phát triển của đất nước.

Với tôi, KTS Phan Đăng Sơn như một người em, người bạn và đã là một cậu học trò thông minh, tài năng, tháo vát năng động có chính kiến rõ ràng và cởi mở.

Một vài ý kiến đóng góp

Với cương vị là một hội viên Hội KTS Việt Nam và trách nhiệm của mình với xã hội, trách nhiệm và quyền lợi của một người hành nghề Kiến trúc, tôi có vài ý kiến, mang tính cá nhân, xin được trình bày để mọi người tham khảo.

Trước hết nói về luật – Luật giúp cho ổn định và phát triển đúng hướng của một quốc gia, luật giữ sự bình đẳng của mọi tầng lớp xã hội và bảo về quyền lợi cho mọi người và quá trình hoàn chỉnh một luật luôn kéo dài và liên tục bổ sung cho phù hợp với từng giai đoan phát triển của quốc gia.

Đối với Luật kiến trúc, chúng ta đã bỏ nhiều trí tuệ và công sức để góp phần cho Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Kiến trúc gồm 5 Chương 41 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Trong đó, vấn đề bảo vệ bản quyền thiết kế của KTS cần rõ ràng hơn cụ thể hơn.

Kiến trúc được xếp vào lĩnh vực nghệ thuật, như vậy mỗi công trình tạo nên cần được coi là một tác phẩm nên cần được tôn trọng tác quyền – Như âm nhạc, hội họa, ai làm thay đổi mà không được sự đồng ý của tác giả là phạm luật.

Trong Luật Kiến trúc ở điều 9, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc: Mục 6: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc.

Ở điểm này cần làm rõ hai đối tượng vi phạm:

  • Thứ nhất, KTS sao chép hay sử dụng ý tưởng đã có của đồng nghiệp: Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;
  • Thứ hai, chủ đầu tư hay người sở hữu công trình tự ý làm thay đổi thiết kế khi đã được duyệt hay nhất trí thể hiện qua hợp đồng mà không được sự nhất trí của tác giả cũng cần được coi đó là vi phạm quyền tác giả và KTS có quyền đưa ra xử lý trước pháp luật ?

* Trong Điều 32: Quyền và nghĩa vụ của KTS có chứng chỉ hành nghề kiến trúc

1. KTS có chứng chỉ hành nghề kiến trúc có quyền sau đây:

d) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;

e) Từ chối nghiệm thu công trình, hạng mục công trình không đúng thiết kế kiến trúc được duyệt, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

* Điều 35: Giám sát tác giả:

1. Tổ chức hành nghề kiến trúc, KTS hành nghề với tư cách cá nhân có trách nhiệm giám sát tác giả trong quá trình thi công xây dựng công trình.

2. Chủ thể thực hiện giám sát tác giả có quyền sau đây:

a) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;

d) Từ chối yêu cầu điều chỉnh thiết kế kiến trúc bất hợp lý của chủ đầu tư;

đ) Từ chối ký vào biên bản nghiệm thu công trình khi thi công không đúng với thiết kế kiến trúc được duyệt.

Như vậy, luật đã ghi rõ trách nhiệm và quyền hạn của giám sát tác giả nhưng vẫn thiếu ở mức độ nào được coi là vi phạm có thể bị kiện.

Để giúp các KTS, Hội có nên có một đơn vị chuyên về bảo vệ tác quyền cho các thiết kế Quy hoạch và Kiến trúc như hình thức Trung tâm bảo vệ tác quyền cho nhạc sĩ, ca sĩ vẫn đang hoạt động?

Những ý kiến của tôi nêu ra ở đây có thể nằm ở một luật nào đó về kinh doanh, hay hợp đồng kinh tế. Nhưng dù sao cũng cần chỉ ra cho chủ đầu tư biết: Không thể tùy tiện thay đổi thiết kế của KTS.

Đối với Luật Di sản, hành nghề kiến trúc khá đa dạng từ xây mới, cải tạo đến bảo tồn. Trong đó, bảo tồn là một lĩnh vực đặc thù nên không thể ai cũng có thể làm tốt khi không nắm được Luật Di sản và các quy định, quy chế riêng biệt của lịnh vực này.

Trong trao đổi ở đây, tôi chỉ nêu ra một ý kiến nhỏ đối với Luật Di Sản số: 45/2024/QH15.

Trong Chương III : Điều 21. Các loại hình di tích
Di tích bao gồm các loại hình sau đây:

1. Di tích lịch sử – văn hóa gồm các loại hình sau đây:

a) Di tích lịch sử gồm di tích lưu niệm sự kiện lịch sử, văn hóa, di tích lưu niệm danh nhân;

b) Di tích kiến trúc, nghệ thuật;

c) Di tích khảo cổ;

2. Danh lam thắng cảnh;

3. Di tích hỗn hợp.

Và ở Điều 22, tiêu chí nhận diện di tích theo loại hình, ở điều 2 có ghi: Di tích kiến trúc, nghệ thuật phải đáp ứng tiêu chí là công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc đô thị, nông thôn, địa điểm cư trú, khu vực đô thị và nông thôn, công trình công nghiệp chứa đựng công trình kiến trúc và không gian lịch sử, văn hóa có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

Như vậy khá đầy đủ đối với lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc. Theo suy nghĩ cá nhân, tôi thấy nên tách thành hai:

  • Một loại hình là các công trình hay cụm công kiến trúc, như các loại hình kiến trúc phục vụ dân sinh, sản xuất và văn hóa tín ngưỡng;
  • Một loại hình thuộc về đô thị và điểm dân cư.

Vì hai loại hình này có đặc thù hình thành, cấu trúc không gian cũng như hình thức tiếp cận và giải pháp bảo tồn, bảo vệ và khai thác khác nhau.

Như vậy sẽ thuận lợi cho sự nhận biết và quản lý.

Ngoài bàn về Luật Di sản cũng nên trao đổi chút về nhìn nhận về di sản trong thực tế hiện nay. Ta nói nhiều, viết nhiều về kiến trúc Pháp ở các đô thị. Đó là một thời kỳ vậy thời kỳ bao cấp ở miền Bắc cũng rất cần được nhìn nhận đánh giá về giá trị của chúng. Một khía cạnh khác, sự quan tâm tập trung vào các công trình dân dụng còn công trình công nghiệp hay quy hoạch ít được nói tới, vậy hai lĩnh vực có cần lựa chọn để đưa vào diện cần gìn giữ bảo tồn? Trong thực tế, những công trình công nghiệp như Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Trần Hưng Đạo hay nhà máy Cơ khí Hà Nội có thời đã gọi là nhà máy Trung Quy Mô đã biến mất không còn đấu tích. Trong đó, Nhà máy Điện Yên phụ là nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Đông Dương, còn Nhà máy Trần Hưng Đạo đã gắn liền với lịch sử giai cấp công nhân ở Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Hà Nội là món quà của các bạn Liên Xô giúp đỡ ngành cơ khí non trẻ của chúng ta.

Một dấu ấn trong giải quyết nhà ở là những tiều khu nhà ở như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự hay Giảng Võ… được thiết kế và xây dựng khá đồng bộ và chuẩn theo yêu cầu thông thoáng gió tự nhiên, hiện đã và đang dần biến dạng và biến mất. Các nhà ở thời đó tuy thiếu tiện nghi nhưng quy hoạch lại phù hợp với điều kiện khí hậu. Vậy cũng cần cân nhắc biện pháp giữ lại như thế nào để vừa nâng cao tiện nghi sống mà vẫn giữ được cấu trúc đã có của tiểu khu để con cháu chúng ta còn “vật chứng” viết lịch sử kiến trúc.

Đối với công tác đào tạo KTS, kể từ khi ra trường, năm 1971 tới nay, khi đã nghỉ hưu được 13 năm, môi trường giảng dạy vẫn còn gắn bó với tôi, tuy rằng không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng vẫn còn bài giảng trên internet. Nên tôi có vài bày tỏ về vấn đề đào tạo như sau: Năm 1975, cả nước có vài ba cơ sở đào tạo KTS, như: ĐH Xây dựng (nay là ĐH Xây dựng Hà Nội), ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kiến trúc Sài Gòn ( nay là ĐH Kiến trúc TP HCM). Bây giờ, ngoài những cơ sở của Nhà nước còn các trường ĐH tư thục, tổng cộng hơn hai chục đơn vị. Điều này đáng mừng và cũng đáng lo vì số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Cái lo thứ hai là trong thời đại 4.0, thông tin trên mạng rất phong phú tạo điều kiện tham khảo học hỏi của sinh viên rất tốt nhưng bên cạnh đó không thiếu sinh viên sử dụng công nghệ để đạo bài, tạo nên một chất lượng ảo.

Đề giảm đi những tiêu cực, theo tôi cần giải quyết những hạn chế sau:

  • Các cơ sở đào tạo cần nâng cao điều kiện học tập như cần có những xưởng thiết kế để sinh viên học tập và làm đồ án tại trường. Xưởng không nhất thiết phải trang bị đầy đủ máy tính, sinh viên sẽ dùng máy tính cá nhân;
  • Cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ vào điều kiện vật chất của cơ sở đào tạo để phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh;
  • Về chương trình đào tạo:
    • Mỗi cơ sở đào tạo nên xây dựng một chương trình sao cho có một thế mạnh riêng nổi trội;
    • Những bài tập, đồ án cần tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao kỹ năng thuyết trình và làm việc theo nhóm vì nhìn chung sinh viên mặt này còn yếu;
    • KTS cần kiến thức xã hội không thua kém kiến thức về chuyên môn. Nên trong chương trình không nên nặng quá về các môn kỹ thuật mà cần tăng kiến thức về xã hội trong đó có kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. Nói như vậy vì sau này ra thực tế một KTS sẽ làm việc trong một nhóm có sự phân công theo từng chuyên môn của từng thành viên và thông thường KTS là người điều phối…

Đây là những bộc bạch tâm sự của một KTS trước thềm Đại hội. Hy vọng sẽ đem tới những suy nghĩ tích cực và đóng góp cho sự phát triển của Hội trong tương lai!

Trụ sở mới của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại 40 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

GS.TS.KTS Phạm Đình Việt
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2025)


*Trích tài liệu từ bài viết của KTS Đoàn Đức Thành.